Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
22:17 (GMT +7)

Người dẫn đường và con đường đã mở

Nhân dân ở đâu và thời nào cũng vậy, họ viết nên những trang sử bao giờ cũng rất thật, họ bày tỏ lòng kính trọng đối với một con người nào đó thường xuất phát từ trái tim, mà trái tim thì có lý lẽ riêng của nó. Trong những ngày tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hình ảnh đoàn người buồn đau xếp hàng dài tiễn đưa nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng đã nói lên tất cả: Thương dân dân lập đền thờ. Người dân sẽ giữ ấn tượng về ông rất nhiều, trong đó có lẽ một trong những ấn tượng để lại dấu ấn sâu đậm nhất chính là công cuộc phòng chống tham nhũng mà ông đã làm.

Lần giở lịch sử Việt Nam, ta sẽ bắt gặp rất nhiều câu chuyện đầy thú vị, chỉ xin nêu ra đây 3 câu chuyện để thấy cha ông ta thật vô cùng vĩ đại và sáng suốt. Vua Lê Thánh Tông được đánh giá là một bậc minh quân hùng tài đại lược bởi đã đưa nước Đại Việt khi ấy trở nên hùng cường. Một trong những nét đặc sắc trong trị quốc của ngài là đã thiết kế hệ thống hành chính có sự giám sát lẫn nhau để tránh lạm quyền. Trong rất nhiều những thành tựu trị nước dưới thời của nhà vua, đó là cho ban hành Luật Hồng Đức với những quan điểm rất tiến bộ so với đương thời. Là vua, là “chúa tể của muôn dân”, song đức vua thường bảo các quan rằng "Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo". Nói đi đôi với làm nên khi con trai của Tây quân Đô đốc Lê Thiệt cưỡi ngựa vào chỗ cấm gây chết người nhưng lại bỏ mặc nạn nhân, khi biết đó là con Lê Thiệt, nhà vua đã sai lính đánh 50 roi và cách chức người cha.

Dưới triều Nguyễn, Luật Gia Long có điều khoản quy định ăn cắp của Nhà nước dù nhiều hay ít đều bị chém đầu. Dưới thời trị vì của vua Minh Mạng, một vị quan biển thủ của nhà nước 1 lạng vàng đã bị xử tội chết. Thậm chí khi xử án, các quan toà thấy vị quan này có nhiều công lao nên đã cân nhắc và chỉ kết tội đi đày viễn xứ. Khi vụ việc được tâu lên nhà vua, vua Minh Mạng đã ra lệnh chém đầu vị quan tham này giữa chợ Đông Ba và dụ rằng xử như vậy để người khác nhìn vào đó biết sợ mà sửa mình. Cũng vậy, có vị quan chỉ tham ô một thùng nhựa thông song cũng đã bị nhà vua ra lệnh chặt tay và xoá tên khỏi sổ làm quan nhưng cho để lại cái đầu, khiến cho “suốt đời hối hận và nhờ đó để làm cho mọi người đều biết tỉnh ngộ, răn chừa. Thế cũng là một cách trừng trị kẻ gian".

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đề cao “đức trị”. Trong di sản tư tưởng của Người, hầu như Bác bàn nhiều, nói nhiều về “đức trị” song không phải vì vậy mà Người xem nhẹ pháp trị. Năm 1950, Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân trang Tổng cục Cung cấp vì tham nhũng (khi ấy gọi là tham ô) đã bị Toà án quân sự tối cao tước quân hàm đại tá, khai trừ ra khỏi đảng và tuyên án tử hình. Trần Dụ Châu có gửi đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, song Người đã kiên quyết bác, vì theo Người với loài sâu mọt đục khoét Nhân dân thì nếu có phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì cũng là việc phải làm. Người cũng cho rằng đó không chỉ là việc cần thiết mà còn là việc làm nhân đạo.

Những năm đầu thế kỷ XXI, khi mà tham nhũng đã trở thành “quốc nạn”, được đánh giá là “giặc nội xâm”, được dư luận lên án với những từ ngữ mạnh mẽ nhất; khi lòng dân đã có biểu hiện mất niềm tin với bộ máy công quyền trong việc phòng chống tệ nạn này, thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư, bằng những bước đi cẩn trọng, chắc chắn, kiên quyết, công cuộc phòng chống tham nhũng đã được đẩy lên thành chiến dịch “đốt lò” thiêu cháy không ít quan tham, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta cũng có cùng thắc mắc không hiểu vì đâu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một con người trông hiền từ như một người thày giáo lại có thể làm được công việc chống tham nhũng, tiêu cực “kinh thiên, động địa” đến như vậy.

Xem Tây Du Ký sẽ thấy hầu hết yêu tinh đều từ trên trời rớt xuống. Bọn yêu tinh này không chỉ có 3 đầu 6 tay biến hoá khôn lường mà đằng sau chúng bao giờ cũng có một vị thần bảo hộ. Vậy nên chỉ cần Tôn Ngộ Không vừa vung gậy lên tính xử yêu quái nào là y như rằng có một vị ở “trển” tà tà bay xuống nhận là đệ tử và xin đem về bắt làm kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc! Tích xưa cũng để lại cho chúng ta nhiều điều suy ngấm. Chống tham nhũng, tiêu cực, chống cái xấu, cái ác chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, nhất là nếu như người chống tham nhũng không có “bàn tay sạch”. Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nằm xuống, những hình ảnh, câu chuyện về ông được công bố, chia sẻ, lan truyền đã cho chúng ta thấy và hiểu rõ hơn vì sao ông có thể lãnh đạo công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực mạnh mẽ và hiệu quả như vậy.

Có một câu hỏi mà dư luận đã đặt ra từ lâu rằng khi ông Nguyễn Phú Trọng không còn làm Tổng Bí thư nữa liệu công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực có còn được tiếp tục? Nay, câu trả lời đã có và rõ! Ngay sau khi được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư, chủ trì cuộc họp báo với sự tham gia của hàng trăm phóng viên trong nước và quốc tế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không ngừng nghỉ.

Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến pháp hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thước đo lòng dân với Đảng là ở sự phát triển của đất nước, ở toàn vẹn lãnh thổ, ở sự ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Để đạt được những điều ấy không thể không chống tham nhũng, tiêu cực. Chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh sống còn của Đảng và chế độ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi. Con đường chống tham nhũng, tiêu cực mà ông là người khai mở chắc chắn sẽ được tiếp tục kế thừa, phát huy trong thời gian tới.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ơi những ngày thu

Văn xuôi 16 giờ trước

Vị giác

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Tháng chín...

Văn xuôi 1 ngày trước

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Thơ dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 3 ngày trước