Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
20:35 (GMT +7)

Người con gái Nặm Khỏong

Sáng tác của hội viên Hội Văn học Nghệ thuật thị xã Phổ Yên

Truyện ngắn. Trần Bình Dưỡng

VNTN - Sau năm năm giành được chính quyền, đất nước hoàn toàn giải phóng, Đảng và chính quyền cách mạng của nước bạn tổ chức mừng công trong toàn quốc. Là một đơn vị đã công tác và chiến đấu lâu năm trên địa bàn một tỉnh ở phía cực tây, bạn mời chúng tôi đến dự lễ mừng công được tổ chức rất long trọng. Không thể ngờ, lần này tôi đã may mắn được gặp người từng cùng tôi hát múa, chạy giặc rồi ngủ rừng, nhưng cuối cùng lại bỏ rơi tôi nơi hoang vu, xa lạ để tôi phải lo lắng, tìm kiếm bấy nhiêu năm trời.

Sau tất cả các nghi thức chào cờ, khai mạc, đọc báo cáo…, đến phần mừng công, vinh danh các tập thể và cá nhân đã lập công xuất sắc trong cuộc kháng chiến cứu nước. Trong đoàn người lần lượt lên sân khấu, tôi chú ý đến một phụ nữ còn trẻ nhưng bị mất một bàn chân, phải đi bằng nạng. Thoáng nhìn thấy khuôn mặt rất quen, nhưng cái tên thì hoàn toàn xa lạ khiến tôi nghĩ là họ chỉ giống nhau chứ không phải là người bấy lâu tôi tìm. Chỉ đến khi người dẫn chương trình tóm tắt thành tích người ấy, tôi mới giật mình và tin rằng em chính là Xổm Xay - “Đuông Chăm Pa”, cái tên do tôi đặt cho em và chỉ có mình tôi gọi em với tất cả sự trìu mến yêu thương trong những ngày bên nhau. Vậy là sau ngày ấy, em đã vào hoạt động bí mật trong lòng địch và bị địch bắt, tra tấn, chúng đã cắt của em mất một bàn chân.

Mừng quá, tôi vội dời hàng ghế quan khách đi ra phía hậu trường chờ đợi. Sau phần trao thưởng, người con gái chống nạng từ sân khấu bước xuống hậu trường, tôi chạy lại gần và gọi to: “Đuông Chăm Pa, có phải em không?”. Người con gái sau ít giây ngỡ ngàng, đã bỏ nạng nhảy đại về phía tôi và reo to cái tên do các bạn Lào đã đặt cho tôi: “Sô Văn Đi!”.

Tối hôm đó, khi ban tổ chức đốt lửa trại và mọi người quây tròn trong vòng Lăm Vông thì chúng tôi dành thời gian để ôn lại quãng thời gian xa cách chia lìa hai đứa. Đuông Chăm Pa cho tôi biết, cô đã có chồng, có con - một thằng cu kháu khỉnh. Chồng cô là một sĩ quan ngụy, nhưng đồng thời là tình báo của cách mạng. Anh chính là người đã tổ chức trận càn vào bản Hát San năm ấy và đón em vào vùng địch hậu. Sau này bị lộ, bọn địch đã thủ tiêu anh ấy, chúng cũng cắt của em một bàn chân. Hiện em vẫn sống tốt vì em đã có đứa con như mong đợi, nó giống em và giống người em yêu... Em đã dự định, khi nào có điều kiện sẽ sang Việt Nam làm chân giả và tìm anh. Cám ơn trời phật hôm nay đã cho em gặp anh.

***

Ngày ấy, tiểu đội tôi nhộn nhịp hẳn lên khi được tin có văn công. Là một đơn vị chiến đấu và công tác, chúng tôi đóng quân trong rừng đã nhiều ngày lại toàn là con trai với nhau nên khi tin có văn công là mừng lắm. Có văn công là sẽ có con gái, sẽ có hát múa... Cơm tối xong, tiểu đội đang phân công nhau ai đi tuần tra và ai sẽ được đi xem thì đồng chí trợ lý tuyên huấn của trung đoàn đến, vừa thấy mặt, đồng chí đã nói luôn:

- Gay rồi đồng chí Hiền đâu? - Hiền là tiểu đội trưởng cảnh vệ - Tiểu đội đồng chí có ai biết kéo đàn Ac - cooc - đê - ông không?

Anh Hiền không trả lời được câu hỏi của trợ lý tuyên huấn nên phải tập hợp tiểu đội lại hỏi mọi người, nhưng vẫn không có ai trả lời, cuộc họp im lặng một lúc. Thấy vậy tôi đành phải giơ tay:

- Báo cáo, tôi đã được học loại đàn này, nhưng không biết đơn vị bạn có những tiết mục gì và chưa được tập với nhau thì có đàn được không.

- Tốt rồi - Anh Hiền nói - Bây giờ cậu đi làm nhiệm vụ với đồng chí trợ lý, công việc của tiểu đội, tôi sẽ phân công người khác.

Tôi theo đồng chí trợ lý bước vào phòng ở cũng đồng thời là phòng tập của đoàn văn công nước bạn với một tâm trạng vừa hồi hộp vừa lo lắng, bởi lẽ suốt mấy năm trong quân ngũ tôi chưa có dịp tiếp xúc lại với cây đàn lần nào, các ngón đàn có thể đã cứng. Nhưng với trách nhiệm và lòng đam mê, tôi đã khoác đàn lên vai và chạy thử hai bàn phím. Sau mấy lượt tập ngón, tôi vào thử một bài hát dân ca Lào mà đơn vị tôi hầu như ai cũng thuộc, bài Hoa Chăm Pa. Khi giai điệu phần điệp khúc của bài hát có bè trầm làm nền vừa ngân đủ năm phách, tôi đang định ngưng đàn thì đột ngột một giọng hát từ phía sau tôi cất lên trong sáng, lảnh lót:

“Ô đuồng chăm pa

Vê la xôm nọong

Nức hên phăn xoong…”

Người vừa hát chính là Xổm Xay. Tiếng hát tiếng đàn đã tìm đến với nhau, hòa quyện với nhau, bay qua phòng tập, trải dài theo làng bản có những mái chùa vút cong bên sườn núi, ngập trong hương thơm thánh thiện của loài hoa đang lan tỏa khắp nơi và trôi theo con suối con sông rồi chảy về Nặm Khỏong theo chiều dài của đất nước Triệu Voi yêu dấu. Bài hát kết thúc trong tiếng vỗ tay tán thưởng của đoàn văn công và đồng chí trợ lý chính trị trung đoàn. Tôi đã trở thành nhạc công của đơn vị bạn từ tối hôm ấy.

Sau mấy tối biểu diễn ở sở chỉ huy, đoàn văn công tiếp tục lên đường đi phục vụ một số đơn vị chiến đấu đóng quân dọc các làng bản phía bên này bờ sông Mê Kông. Tôi và hai đồng chí trong tiểu đội cảnh vệ được giao nhiệm vụ dẫn đường và bảo vệ cho đoàn, riêng tôi vẫn đảm nhiệm vai nhạc công thay đồng chí nhạc công của bạn do sốt rét ác tính phải nằm lại điều trị ở trạm xá của trung đoàn. Đi đến đâu, chúng tôi cũng được các chiến sĩ và bà con dân bản chào đón, cổ vũ nhiệt liệt. Tiết mục kết thúc buổi diễn hôm nào cũng trở thành một vòng Lăm Vông với sự tham gia của toàn thể cán bộ chiến sĩ của ta và của bạn, cùng đông đảo nhân dân trong bản, quanh đống lửa trại rực đỏ đến tận khuya.

Đất nước Lào tươi đẹp. Những dòng sông, những cánh đồng xanh tốt chúng tôi đã đi qua, những bản làng với bao hàng dừa xanh xanh dưới đồng bằng hoặc những mái nhà sàn chon von trên núi cao mà chúng tôi sẽ tới, đã dần trở thành tình yêu của người chiến sĩ quân tình nguyện. Nó góp phần làm nên sức mạnh để chúng tôi sát cánh cùng các chiến sĩ quân đội Lào đánh giặc và chiến thắng.

***

Sau ba đêm biểu diễn phục vụ các đơn vị dọc theo phòng tuyến sông Mê Kông, chúng tôi tiếp tục hành quân đến điểm biểu diễn thứ tư ở bản Hát San nằm ngay trên bờ sông. Theo kế hoạch, đây sẽ là điểm diễn cuối cùng của đoàn, vì lưu diễn dài ngày, cán bộ diễn viên đều đã thấm mệt, cần có thời gian nghỉ ngơi.

Gần một ngày đường hành quân leo dốc, chúng tôi đến nơi và tạm nghỉ lại trên sân chùa ở đầu bản. Một ngôi chùa đẹp, có một cái sân rộng, xung quanh trồng rất nhiều hoa đại (hoa chăm pa), nhiều cây đã trở thành cổ thụ hàng trăm năm tuổi, hoa nở quanh năm tỏa hương thơm ngát từ bờ sông lên đỉnh núi. Dừng chân chốc lát, Xổm Xay đã đi vòng quanh cây đại gần đấy rồi nhặt về một vốc hoa chia cho các diễn viên cài tóc, và cô cũng cài mấy bông lên tóc mình, số còn lại Xổm Xay mang đến bên tôi rồi xòe bàn tay ra:

- Tặng anh nhạc sĩ này.

- Cảm ơn Xổm Xay, hoa thơm và đẹp quá.

Nghe tin văn công đến, nhân dân trong bản và các nhà sư trong chùa tìm về hỏi thăm và đề nghị chúng tôi hát. Đồng chí trưởng đoàn lễ phép nói với mọi người:

- Thưa bà con, lúc này anh chị em đi đường xa vừa tới nơi nên đều đã mỏi. Vậy chỉ xin hát mấy bài cho vui thôi bà con thông cảm. Tối nay chúng tôi biểu diễn, mong bà con đến xem đông đủ.

Thế là tôi lại kéo đàn cho Xổm Xay hóa thân vào khúc dân ca Lào diết da trầm bổng, ngay dưới gốc cây đại đang mùa trổ hoa để mọi người quây tròn lại thưởng thức, không cần tăng âm, phóng thanh:

“Ố chàng trai đó ơi

Em chưa hát được Lăm tơi

Húa đom tan nhưng đêm nay dưới trăng sáng

Đôi ta biết nhau đây...”

Khi nghe tiếng đàn và tiếng hát vang lên thì trong chốc lát sân chùa đã đông chật người, họ vỗ tay cổ vũ và yêu cầu hát tiếp, lại tiếp nữa. Các diễn viên của đoàn lần lượt ra biểu diễn, không cần sân khấu, không hóa trang, họ đã hát với tất cả lòng say mê của mình.

Khi Xổm Xay trở lại với bài hát Hoa Chăm Pa thì tất cả cùng im lặng, họ nghe như muốn nuốt lấy từng lời của bài hát, vì ai cũng nghĩ bài hát đã được viết ra từ chính ngôi chùa mà họ đang đứng, hương thơm từ cô diễn viên đã hòa chung với hương thơm của mỗi cánh hoa trên cây làm nên điều kỳ diệu của quê hương xứ sở mà trời phật đã mang về ban tặng cho họ.

Nhưng cũng ngay lúc ấy, từ dưới sông Mê Kông vọng lên tiếng máy, tiếng người nói vội:

- Đề nghị bà con giải tán, dưới sông có chuyện.

Tôi vừa kịp khóa cây đàn vào hộp thì có tiếng súng ở dưới bờ sông, lúc đầu là một loạt AR15 rồi nhiều loạt vang lên. Nghĩ là có chuyện không ổn, tôi xách súng chạy qua sân chùa rồi ngoái nhìn lại, thấy Xổm Xay vẫn lần lữa nơi cửa chùa tôi phải lên tiếng gọi to:

- Xổm Xay chạy đi mau.

Một vị sư trong chùa mang ra cho Xổm Xay hai giỏ cơm, cô khoác vội lên vai rồi chạy theo tôi. Chúng tôi chạy tạt qua con suối nhỏ rồi leo lên rừng nhìn hướng đỉnh núi đi một mạch không nghỉ, xa dần, xa dần ngôi chùa chúng tôi mới vừa đứng hát. Tiếng súng đã im hẳn, có lẽ các đồng chí trong đoàn cũng đã kịp rút đi theo kế hoạch khi có tình huống xấu. Chúng tôi tiếp tục vượt qua một nương lúa khá cao và một quãng rừng thưa nữa rồi mới đi sang bên kia đỉnh núi.

Trời tối. Tôi chọn một gốc cây to có vạt đất bằng phẳng trải bạt để hai người nghỉ qua đêm và căng lên đấy một cái màn. Tôi bảo Xổm Xay:

- Hôm nay chúng mình thay nhau ngủ, một người ngủ thì một người thức gác. Bây giờ em đi ngủ trước.

Nghe lời tôi, Xổm Xay nằm xuống ngủ, tôi ngồi ra cuối tấm bạt với khẩu súng bên cạnh giữ im lặng cho em ngủ. Nhưng chỉ được chốc lát thì Xổm Xay đã ngồi dậy.

- Em chưa ngủ được, anh để em thức cho anh ngủ.

Nói rồi cô xoay người lại có ý tránh cho tôi có chỗ nằm ngủ, vô tình để búi tóc được cài những bông hoa chăm pa lúc chiều chạm vào mặt mũi tôi, bất giác tôi khẽ lên tiếng “thơm thế”. Nghe tôi nói vậy, Xổm Xay quay lại hỏi:

- Anh bảo gì cơ?

- Anh bảo hoa chăm pa trên tóc em thơm quá!

- Anh thích chứ?

- Anh thích!

- Em tặng anh đấy.

Nói rồi Xổm Xay ngả vào vai để cả búi tóc trước mặt tôi. Tôi ngây ngất trước mùi hương của hoa và của em, rồi một phút không làm chủ tôi đặt môi lên má em thì thào:

- Sau này không còn chiến tranh nhất định anh sẽ đến tìm em.

- Anh sang bao lâu mà biết nhiều tiếng Lào vậy?

- Anh sang Lào chưa lâu, nhưng trong người anh mang cả hai dòng máu Việt - Lào. Bố anh người Việt, mẹ anh người Lào. Hai người lấy nhau ở đất Lào nhưng lại sang làm ăn ở Thái Lan. Khi mẹ anh mất, bố đưa anh về Việt Nam sinh sống. Bây giờ có giặc, anh lại sang Lào cùng bộ đội Lào đánh giặc.

- Vậy là sau này hòa bình em cũng có thể sang Việt Nam làm việc như anh đã sang Lào đánh giặc phải không? Nhưng thôi ngày mai mình còn phải đi tiếp, anh ngủ đi.

Tôi nghe lời em ngả người vừa nằm xuống được chốc lát thì Xổm Xay lại thì thầm bên tai:

- Ở đây không còn có địch nữa, sẽ không có ai tìm được chúng mình đâu.

Nói rồi em nằm xuống bên tôi. Rừng Lào mênh mông, trời đêm mênh mông đã ru chúng tôi vào một giấc mơ kỳ diệu giữa vòng tay của hai con sông hòa vào nhau mang theo lớp lớp phù sa xuôi về bồi đắp cho vùng châu thổ dưới hạ lưu ngàn đời xanh tốt.

Được sự vỗ về của tình yêu, tôi đã có được một giấc ngủ ngon lành kéo dài đến khi bầy chim hót vang ở tán cây trên đầu. Nhưng thức dậy thì tôi không thấy Xổm Xay đâu nữa. Em để lại cho tôi một mảnh giấy và dặn rằng: “không được trở lại đường cũ tìm em, hãy tìm về đơn vị ngay, khi nào có điều kiện em sẽ tìm gặp. Em mãi là Đuông Chăm Pa của anh”.

Tôi bàng hoàng không biết chuyện gì đã xảy ra, và cũng không dám trở lại tìm em. Một mình ngồi lại suy nghĩ chốc lát rồi tiếp tục cắt rừng tìm về đơn vị. Nhưng thật rủi, đơn vị tôi đã di chuyển sang một vị trí mới cách đấy khá xa làm cho tôi phải mất thêm một ngày đường nữa mới tìm được tới nơi.

Cuộc sống có biết bao điều phải lo toan, nhưng tôi không làm sao quên được Đuông Chăm Pa của tôi. Suốt bao năm, tôi luôn có ý kiếm tìm em, nhưng đều vô vọng. Ngay cả chuyến đi này, cho dù không rõ ràng, nhưng hình như có một linh cảm trong tôi rằng, sẽ có một điều kì diệu đến với tôi. Và nó đã đến. Tôi véo mạnh vào tay mình để biết chính xác không phải là đang mơ. Và tôi thầm cảm ơn cuộc đời đã đem em trở về cho tôi! Nhìn sang, em cũng đang nhìn tôi, ánh mắt lấp lánh như sao, ẩn sâu trong đó một điều gì chưa nói, như là hạnh phúc, như là tình yêu…

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 4 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước