VNTN - Bữa nọ, mình buồn rầu ngồi xét nét lục tìm niềm đồng thương qua những bản nhạc không lời tuôn ra từ chiếc máy tính, đột ngột chuông tin nhắn điện thoại vang lên.
"Em nghỉ một tuần. Bao giờ đi bán lại được, em sẽ gọi anh nhé!".
Là tin nhắn của anh bán bánh khúc vùng này.
Dạo này mình lười, nhiều lúc tỉ mẩn cái gì đó qua bữa mà không buồn đi ăn, mặc dù bụng réo lắm. Lúc ấy thì quả có tiếng "Ai bánh khúc ngô luộc đê", thực là cứu tinh quá chứ! Đôi lần đi ăn muộn, mình đã nếm trải cái cảnh hoang mang vì mọi thức hàng ăn đều... đóng cửa đi ngủ cả rồi. Chả lẽ mua bánh ngọt?! Không, thà mình chết vì đói. Nếu hảo ngọt thì người mình đã không héo quắt héo queo như thế này.
Đôi ba lần mình mua bánh khúc quá bữa thành quen. Anh khiến mình liên tưởng đến người bạn quê Hưng Yên, ngay bên kia cầu Long Biên thôi, cái bản mặt nhìn hiền hiền như thể chẳng tài nào bắt nạt nổi ai, cuộc đời sinh ra chỉ để người ta ăn hiếp vậy đó. Anh cũng gầy gầy, mà là cái gầy của khắc khổ, hi sinh, cái gầy của trường kì bươn trải lo toan, đặc trưng lắm. Mình lân la: đôi lần thấy anh rao mà không kịp chạy xuống. À vậy ạ, vậy anh cho em cái số điện thoại, nghe tiếng em rao thì anh cứ a lô, lần sau em chờ sẵn dưới cổng. Mình xưng em, anh ấy cũng xưng em, nhưng mình là người ngại miệng. Vậy chứ anh sinh năm bao nhiêu, trông anh chắc nhiều tuổi hơn em đấy. Em á, em sinh năm... chín mươi. Anh ấy nói được số chín mươi mà ngần ra một lát, vẻ như là gượng gạo, chắc hẳn con số đưa ra sau một vài lựa chọn, để chắc mẩm rằng anh...ít tuổi hơn mình. Tớ sinh năm tám chín. Mình nói đại. Hầy, rành mạch làm chi, khi người ta một mực đã muốn nhường mình lên hàng... bô lão! Có những sự kiềm mình thế đấy, đôi khi là tự ti, người ta quen khổ mà cứ an phận làm bề dưới vậy. Nhớ một vài lần trên đường lên phía bắc, giữa đường bụng đói mình dựng xe bỏ kính ngồi căn lán dựng tạm kêu tô mì. Bác chủ quán đáng tuổi ông mình bộ dạng khúm núm dạ dạ vâng vâng. Dạ vâng chỉ với người bề trên, hoặc là dạ vâng mà bác mang phong thái của người bề trên, thì phải đạo. Đàng này, bác cho mình cái cảm giác mình là bề trên vậy, ngượng lắm, giật mình nhớ tới cái kính râm, giật mình nhìn lại ta nào vest nào giày xi bóng lộn nào xe gas đắt tiền. Ra là con người ta đôi khi có những sự trợ thân mà ta không hay biết. Ví như bạn bước vào một nhà hàng hạng sang cùng đám thân bằng ví rủng rỉnh trong khi tiền thì bạn... không có. Bạn không thể xua bỏ đi cái cảm giác bất an và tự ti bên trong bạn, mặc dù đã biết chắc trăm phần trăm bữa ấy bạn của bạn sẽ là người mời. Bạn thành ra khúm núm trước bạn bè mình - một vẻ mất tự nhiên mà chưa hẳn ai cũng hiểu. Cái phong thái đường hoàng bệ vệ của bạn bè bạn khi ấy sao mà cao sang quá, bạn nghĩ thầm rằng: chắc mình phải gọi nó bằng anh...
Anh bánh khúc đã vì tự ti hay để chiều khách mà gượng mình bớt đi một vài năm tồn tại. Mua đến lần thứ chín, mình giơ tay định đỡ lấy gói xôi mà anh vội trấn an: Ấy ấy, chớ, để em cho thêm anh xôi với vừng. Ra là con người ta bày tỏ niềm tri ân sang nhau cũng thoáng lắm. Cái sự giao hảo đến từ lòng hảo tâm mới thật khăng khít chặt bền, bởi khi ấy, người ta đứng sang nhau để mà nói. Và khi ấy, mình thấy anh thật chẳng giống với một kẻ bán buôn...
Có khi nào bạn tặc lưỡi: Ừ thì cố thêm lấy một hai trăm, để cho con xe mình mua thêm phần đảm bảo, mặc dù dự định trước đó, cái khoản tiền cố định chỉ trật thêm mười nghìn, bạn rất có thể lại đã phải đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Khi mua xe nó khác, bạn chẳng thể so đo như khi bạn còn ngồi ở nhà, vắt chân hình chữ ngũ. Bạn cười cười nói nói xã giao với người chủ tiệm. Rồi ngay cả khi nghe lời anh thôi cố tí nữa lấy con này đẹp hơn, cái do dự khi xưa trong bạn tan biến đi đâu hết. Là vì khi ấy, bạn không còn là bạn nữa, không còn là cái ý thức chủ quan tự ta do ta vì ta nữa, bạn chẳng rõ bạn muốn chứng tỏ cho anh ta điều gì qua cú gật đầu, chỉ biết rằng, bạn chẳng còn cảm giác gì để mà so đo...
Tin nhắn đến từ “Anh bánh khúc”. Mấy bận trước, mình thực đã có ý hỏi thật tên anh để lưu vào máy, nhưng anh gạt đi. Biết tên cũng để làm gì khi mà bánh khúc của em không ngon hả anh. Thế là mình đã đóng đinh, hay là anh cũng đóng đinh, định hình về mối quan hệ. Anh đơn giản chỉ là anh bánh khúc, mãi mãi chỉ là anh bán bánh khúc, để rồi tới một khi nào đó, mình chán ngán với tiếng rao, hoặc mình chuyển về nơi ở mới, anh lại lẫn giữa biển người lạ mặt kia, tiếng rao nơi anh như hòn sỏi lặng câm lọt thỏm vào vùng nước nào xa xăm, mênh mông lắm. Rồi cứ thế, anh tan...
Thật cũng là một mối lương duyên, nhiều khi lương duyên chỉ như là tờ giấy. Ra mưa giấy nhũn, gặp nóng giấy tàn. Giấy tàn còn vì khi người ta không chủ tâm ghi gì lên để mà trân trọng nó. Đoạn đường anh rao có thật nhiều ngã rẽ, phải không anh?
Mình vẫn mải miết với chồng bài vở chưa kịp soạn hết, mải mê đến độ không suy tư gì đến chiếc đồng hồ vẫn đều đều quay bên cạnh. Những bữa quá thời xảy đến thường xuyên hơn, tận đến lúc đầu óc quay lên vì thiếu máu lên não, mình mới sực mình tỉnh nhớ: mình chưa ăn gì.
Cho đến hôm nay, khi bụng đã căng, mi mắt chùng chình, ngồi buồn nghe nhạc chơi mà mình bất ngờ dòng tin nhắn. Mình thảng thốt mà nhận ra rằng, dường như chúng mình đã đi quá cái sự cần ở nhau, giữa người bán hay kẻ mua một vài đồng bánh khúc. Chúng mình đang từng bước “xâm phạm” vào đời nhau, chầm chậm, sự “xâm phạm” muôn đời không lo án ngữ. Tất thảy chúng ta đều có thể làm vậy. Chúng ta nên làm vậy. Cứ an nhiên trông sang nhau bằng con mắt của tình người, thế thôi.
Anh bán bánh khúc nhắn tin cho mình, vì anh lo, đêm nay, hay mai, kia, anh thôi làm bánh mà mình tiếp tục bỏ bữa nữa, sẽ còn biết cứu đói dạ dày ra sao ?!
Mình lại cầm điện thoại, truy về dòng tin nhắn cũ, ấn nút "reply": "Em tên gì nhỉ?"
Hà Mạnh Luân
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...