Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
16:38 (GMT +7)

Ngược dòng

Truyện ngắn. Hoàng Khánh Duy

Ông lão buông mái chèo lấy thế nhảy ùm xuống mặt nước. Buổi sớm tinh mơ, mặt nước lạnh sắt se. Những con sóng lặng lờ nhưng đủ sức đẩy người ta trôi về bến bờ xa lạ. Sóng đánh, chiếc thuyền bạt nước trôi ra giữa sông. Ông lão trạc ngoài bảy mươi đầu tóc trắng phơ, cơ thể gầy gộc đang ngụp lặn giữa trùng khơi sóng nước. Một lúc sau ông với tay nắm được con thuyền, ông lão dùng hết sức bình sinh đưa cô gái từ dưới nước lên trên thuyền, chiếc thuyền chòng chành lắc lư. Khi cô gái đã nằm gọn trong thuyền, ông lão nỗ lực dùng sức già vừa bơi vừa kéo con thuyền vào trong bờ. Mũi thuyền chạm vào khoảng đất trống mọc đầy cỏ dại, ông lão nhanh tay xóc nước, vỗ má, giật tóc mai cho cô gái. Phải mất một lúc lâu cô mới cử động, sắc mặt tái xanh, hai hàm răng cô gái va vào nhau lập cập như người vừa ngủ một giấc thật say trong sương lạnh mùa đông.

Ông lão làm nghề chèo đò trên quãng sông này đã mấy mươi năm, thời gian đằng đẵng. Lão chôn vùi hơn nửa cuộc đời mình trong từng mùa nước lớn. Trên dòng sông này, ông lão đơn độc, ngày ông bầu bạn với con thuyền, đêm ông bầu bạn với trăng, với bình rượu ấm. Rong ruổi bên bờ sông, ông lão chèo đò từng chứng kiến biết bao người chọn dòng nước làm nơi kết thúc cuộc đời, xoa dịu những vết thương mãi mãi vẫn không thể nào lành lặn. Nhiều đêm đang ngủ say trong thuyền, nghe âm thanh “đùng đùng” như cái gì vừa rơi tự do xuống dòng nước xiết, đoán biết có người nhảy sông tự tử, nhanh như cắt ông lão chộp lấy mái chèo đẩy con thuyền ra chỗ nước còn bọt trắng. Ông cởi phăng chiếc áo cũ kĩ rồi lao mình xuống dòng nước cứu lấy một sinh mạng đang ngoi ngóp bên bờ cái chết. Ông lão không nhớ cuộc đời mình đã từng cứu bao mạng người, có người vừa nhảy xuống, có người ngạt nước giữa dòng ông cũng kịp cứu lấy sự sống cho họ. Đau đớn nhất là những khi cứu người không kịp, cơ thể nạn nhân cứng đờ, trắng bệch, ông lão giận mình mà đôi mắt ầng ậng nước…

Những tia nắng sớm rọi vào khuôn mặt đang dần hồng hào trở lại, trên bãi cỏ, cô gái khẽ trở mình. Ông lão lấy thêm cái áo cũ đắp lên người cô gái cho ấm, thở phào:

- Cũng may trời thương.

Đôi mắt cô gái hé mở, cô mơ màng nhìn lên bầu trời. Trời vẫn xanh. Cô quay sang nhìn mặt nước đang soi bóng bình minh đỏ rực. Sông vẫn chảy, những chiếc thuyền vẫn ì ạch ngược xuôi khói trắng tỏa ra từng vạt trên mặt sông đầy nắng. Sự sống vẫn tiếp diễn như vòng quay của vũ trụ không ngừng nghỉ bất cứ phút giây nào. Lúc này cô mới để ý đến ông lão chèo đò đang ngồi mắt nhìn ra khoảng sông rộng, u hoài, rít thuốc. Cô hỏi khẽ:

- Sao ông cứu con chi vậy? Con đang muốn chết, con khổ quá ông ơi...

Ông lão quăng tàn thuốc cháy dở xuống sông, giọng khàn:

- Tui chèo đò ở đây mấy chục năm, có bao giờ tui trơ trơ nhìn người ta tự tử? Mà cô là người ở xứ nào, khổ việc gì mà tìm đến cái chết vậy hả?

Cô gái bật khóc, dường như nỗi buồn ngưng đọng thành những giọt trong se chảy xuống đôi gò má hốc hác của cô. Gió lại thốc, cô gái co chân ngồi bó gối mặt hướng ra dòng sông. Ám ảnh trong cô là dòng sông đen huyền hoặc chứa đựng những bí ẩn muôn đời. Dòng sông cưu mang con người, dòng sông cũng sẵn sàng đón lấy sinh mạng con người, dìm cả thân xác lẫn nỗi đau vào sâu trong nguồn nước lạnh. Ông lão thoáng nhìn cô, khuôn mặt này, đôi mắt này dường như ông đã gặp đâu đó trong cuộc đời mà ông không nhớ rõ. Bây giờ ông lão chẳng còn người thân trên cuộc đời, một mình một bóng, một con thuyền đơn độc giữa dòng mãi vẫn không trôi. Dường như ông chọn cách gắn chặt đời mình với bến bờ, với con thuyền và dòng sông, và những phận đời đau khổ.

* * *

Chiếc ghe lớn nổ máy xuôi về làng. Người ta kháo nhau có đoàn ca nhạc với những tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng về đây phục vụ văn nghệ sau mùa lúa chín. Trưa nay, đám con nít phụ người trong đoàn phát tờ rơi, treo băng rôn, chiếc loa phát thanh của xã cũng rộn rã đưa tin đêm diễn văn nghệ sẽ tổ chức ngoài trời. Sân khấu nằm giữa cánh đồng mới gặt, gốc rạ còn lỏm chỏm và khói đốt đồng vẫn còn quyện chặt không gian làng mạc buổi trưa hè. Hậu cần đang tất bật dựng sân khấu, trang trí lộng lẫy chuẩn bị cho đêm ca nhạc sẽ diễn ra vào tối nay. Trời trong veo, những đợt gió lồng lộng thổi từ đồng bãi vào trong làng mát rười rượi. Mùi rơm thơm nồng, cây rơm cao vút có đỉnh nhọn hoắt nằm phơi mình dưới ngọn nắng thời gian. Cô với tay cất con cúi lên vách lá rồi ung dung đi xuống bến sông chải tóc, gội đầu. Tóc cô thơm mùi bồ kết. Nghe đám con gái trong làng bàn chuyện tối nay đi xem ca nhạc, lòng cô cũng nôn nao. Gội tóc xong, cô lên nhà ngắm nghía mấy bộ đồ đẹp đã lâu cô không mặc, mỉm cười. Cô còn trẻ lắm, hai mươi hai với người làng là còn xuân chán, khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu mà chưa có ý chung nhân mới bị xem là ế ẩm, lỡ thì. Lúa đã se nắng, cô định bụng chiều nay gom hết lúa khô trữ vào trong bồ, vài hôm nữa thương lái tăng giá lúa cô sẽ bán đi một ít, còn một ít để ăn suốt năm. Người làm đồng thường an lòng sau mỗi mùa lúa chín.

Vũ Thanh, một nghệ sĩ cải lương đang gặp thời mà cô vẫn thường trông thấy trên tivi hôm nay cũng về làng phục vụ. Người thanh niên có gương mặt điển trai, có giọng ca lay động lòng người, có những vai diễn “để đời” khiến khán giả lúc tươi cười, lúc lại buồn rơi nước mắt. Cô ngồi hong tóc trước cửa mà mắt ngóng trông về phía sân khấu nằm giữa cánh đồng. Cô nghĩ thầm: “Không biết Vũ Thanh về làng hay chưa? Không biết mặt mũi anh ở ngoài đời như thế nào, chắc đẹp trai hơn trên tivi nhiều”. Cô tưởng tượng khoảnh khắc Vũ Thanh bước lên sân khấu, khán giả reo hò, đám gái làng chạy sấn tới mép sân khấu chèn ép lẫn nhau chỉ để được chạm vào người nổi tiếng, chạm vào da thịt chứ không phải chạm vào màn hình mỗi lúc thức đến nửa đêm đợi tuồng cải lương. Chắc cô cũng sẽ chạy lên để nắm được tay anh như những cô gái khác. Cuộc sống trong lành tách biệt hoàn toàn với phố thị xa hoa. Dòng sông chia đôi bờ, dòng sông cũng là ranh giới cách ngăn hai miền quê với phố, nghèo với giàu, bình yên với xô bồ, hỗn loạn. Có lúc cô nghĩ mình chẳng bao giờ rời khỏi cái làng này nửa bước, suốt ngày quanh quẩn, suốt năm quanh quẩn trên cánh đồng, qua từng mùa nắng mưa.

Đêm xuống, bầu trời rực rỡ các vì sao. Ánh sáng vầng trăng nghiêng nghiêng trên ngọn cây khiến trời quê thêm đẹp. Chưa bao giờ cô thấy làng đêm đẹp đến thế, dòng sông hiền hòa soi trăng, bến nước lung linh, tiếng hò ơ từ xa vẳng lại cùng nhịp chèo khoan thai giữa dòng nước u huyền. Sân khấu giữa đồng sáng rực ánh đèn, người làng tập trung dưới khán đài chờ đợi sự xuất hiện của những nghệ sĩ tên tuổi mà họ từng ước ao một lần được gặp ngoài đời.

Khán đài đang im ắng, giọng nghệ sĩ Vũ Thanh cất lên khiến mọi người vỡ òa, tiếng reo hò, tiếng vỗ tay tán thưởng. Trong cánh gà, nghệ sĩ Vũ Thanh vận bộ đồ cổ trang phong thái đĩnh đạc vừa bước ra vừa ngân giọng: “Công nương ơi, xin tiễn biệt đưa nàng sang xứ lạ...”. Mới đến đó người làng đã nhận ra Vũ Thanh đang đóng vai Khắc Chung để hát trích đoạn “Huyền Trân biệt Khắc Chung”, một tuồng cổ mà người làng thuộc lòng từng chữ từng câu. Ai đó thốt lên:

- Trời ơi, hát ngọt quá, hay hơn trên tivi nhiều.

Nhưng một sự cố đã xảy ra, khi Vũ Thanh - Khắc Chung đã hát xong lời tống biệt mà vai diễn Huyền Trân vẫn chưa chịu bước ra. Khán đài bắt đầu nháo nhào lên, vỗ tay rần rần, giục:

- Hát nữa đi. Huyền Trân đâu rồi?

- Huyền Trân đâu? Đang hát hay mà?

Lúc bấy giờ trưởng đoàn bước ra từ trong cánh gà đứng tần ngần trên sân khấu, vừa cúi đầu, vừa nói:

- Tôi thành thật xin lỗi bà con, vai diễn Huyền Trân đang gặp vấn đề về sức khỏe nên không thể hát được. Tôi xin lỗi...

- Bộ không còn ai thế được à? Một người đàn ông lên tiếng.

- Không còn. Những nghệ sĩ khác đã có vai diễn của mình hết rồi Trưởng đoàn nói giọng vô cùng bối rối.

Vai Huyền Trân không hát đồng nghĩa với việc Vũ Thanh cũng không thể hát một mình. Nhưng giọng ca của Vũ Thanh đang là sự đợi chờ háo hức của người làng, cơ duyên ngàn năm có một, hôm nay Vũ Thanh không hát trọn vẹn thì không biết khi nào làng mới được tận tai nghe anh hát, tận mắt ngắm anh diễn. Làng tiếc rẻ, cánh đồng bắt đầu ồn ã hơn, tiếng gọi “Vũ Thanh... Vũ Thanh...” của đám con gái trong làng ngày một dồn dập hơn. Trưởng đoàn nói trong vô vọng:

- Ở đây… có ai hát được vai Huyền Trân hay không?

Làng im lặng. Trưởng đoàn dè dặt hỏi thêm lần nữa. Từ trong đám đông, cô chen chân bước thẳng lên sân khấu:

- Tui hát được.

Làng vỗ tay rôm rả. Chỉ có đám gái làng là nhìn cô bằng ánh mắt ghen tị. Nhạc lại lên, Vũ Thanh bắt đầu hát lại câu hát lúc nãy. Cô tiếp: “Buổi tao phùng xin hẹn kiếp lai sinh - Thiếp ra đi vì nợ nước ly tình”, “Người ở lại buồn đau trong kỉ niệm”...

Hơn mười phút thì trích đoạn “Huyền Trân biệt Khắc Chung” đã hoàn thành trọn vẹn. Trưởng đoàn cảm ơn cô rối rít, làng vỗ tay tán thưởng, còn Vũ Thanh thì khen cô hát “hao hao” cô Lệ Thủy. Mặt cô đỏ ửng, ngượng ngùng. Giờ thì cô đã thỏa được ước mong đứng cạnh Vũ Thanh, được hát cùng anh trên sân khấu và hơn hết là nhận được lời khen từ anh. Giây phút đó cô thấy trái tim đập thình thịch trong lồng ngực, run hơn khi cô hát cùng anh trọn vẹn lý trăng soi.

Đêm đó, cô cùng Vũ Thanh ngồi giữa cánh đồng mới gặt. Rơm thơm rưng rức. Đêm trăng quê thanh bình, vầng trăng rọi xuống mớ tóc mai bay bay của cô. Dưới trăng, khuôn mặt người con gái thôn dã trắng ngần, đôi môi cong cong đầy mê hoặc, đôi mắt bồ câu sóng sánh những giọt buồn như lúc cô rơm rớm nước mắt hát câu “Tình của chúng mình còn lại bấy nhiêu thôi, cùng một trái tim ấp ủ lòng chung thủy...”. Cũng trong đêm ấy, Vũ Thanh ngỏ lời yêu cô. Thoạt đầu cô rất đỗi bất ngờ vì lời nói ấy, nhưng rồi cô không cưỡng được lòng mình, sức mạnh nào đã kéo cô từ từ ngả đầu xuống bờ vai Vũ Thanh. Đêm hoang vu. Đêm hoan lạc. Cô nằm trên đồng, mùi rạ cháy nắng ngai ngái quẩn quanh trong không gian. Vũ Thanh ôm lấy cô, anh đo lên thân thể ngọc ngà của người con gái có nắng nhuộm da, có sương nhuộm tóc, có từng chiều hoàng hôn nhuộm thắm đôi mắt bồ câu sóng sánh giọt buồn. Âm thanh rạo rực thẽ thọt trên cánh đồng lộng gió...

...

* * *

Ông lão chèo đò rít thêm một điếu thuốc nữa cho ấm. Chờ cho cô bình tĩnh hơn, ông hỏi tiếp:

- Rồi thì hắn hứa sẽ về làng cưới cô, nhưng hắn đã quên đi lời hứa đó. Và hắn lại cặp kè với một cô gái khác, không phải cô... Đúng vậy không?

Cô ngạc nhiên, đôi mắt ráo hoảnh:

- Ơ, sao ông lại biết?

Ông lão cười khanh khách:

- Họ là vậy đó cô à! Chuyện của cô y hệt như trong tiểu thuyết hồi còn trẻ tui hay đọc. Cớ gì mà phải chết hả cô?

- Ông biết không - Cô từ tốn: Sau đêm ấy, còn phát hiện trong người là lạ. Còn có thai. Cũng có lúc còn nghĩ hay là con sinh nó ra như bao đứa trẻ khác, nó có tội tình gì đâu. Những tưởng tượng cái cảnh đàn bà không chồng mà lại có còn, lòng còn đau lắm, và rồi...- Chọn cái chết để hai mẹ con được bình yên chứ gì? Tự tử là việc làm ngu xuẩn nhất đấy cô à.

Cô lặng im. Nước chảy qua mạn thuyền róc rách. Nắng đã ửng vàng trên dòng sông, nước cũng bắt đầu rút xuống để lộ bãi bồi lấp lánh phù sa. Ông lão bước xuống thuyền, cô cũng khép nép bước theo sau rồi ngồi mớm trước mũi. Cô ngồi nhìn mây trời, thi thoảng cô đưa bàn tay đặt nhẹ lên bụng, mắt đỏ hoe.

Ông lão buột miệng:

- Cha mẹ cô vẫn còn đủ cả chứ?

- Mẹ con mất hồi con còn nhỏ xíu

- Cô buồn bã đáp.

- Còn cha cô?

Kí ức về người cha vẫn mãi là kí ức buồn khắc khoải lòng cô. Nhắc đến cha, tim cô dợn lên, đau nhói. Cô nhớ về những tháng ngày không mẹ, hai cha con lênh đênh trên cánh đồng mùa nước nổi, với đàn vịt gầy còm tìm mãi chẳng được miếng mồi. Một đêm bão to, cha cô một mình vào xóm tìm bất cứ thứ gì no lòng cho hành trình dài xuôi dọc cuộc đời. Cô ngủ say trong thuyền, gió bạt nước, sóng oải oạp, chiếc thuyền bứt dây buông bờ theo dòng trôi mãi đến một bến bờ lạ hoắc. Đến khi cô tỉnh dậy, trời vẫn đổ mưa trắng xóa mặt sông. Cô thấy mình dập dềnh ở một vùng đất khác, một dòng sông khác.

Dòng sông này hai cha con cô chưa đi qua bao giờ, hai bên bờ, những hàng cây rũ mình xuống sau một đêm giông gió ê chề. Không cha, cô khóc thét. Những ngày sau đó cô cứ ngồi khóc trong thuyền, mặc cho gió đưa thuyền trôi đâu thì trôi. Và rồi cô lạc vào xóm với những khuôn mặt rám nắng mà hiền từ, bao dung, chân chất. Cô chọn làng là bến đỗ cuộc đời.

Nghe đến đó, ông lão ngùi ngùi xúc động. Người già khó khóc, nước mắt như hạt sương lòe nhòe trên đôi mắt kèm nhèm. Ông lão chạnh lòng nghĩ về tháng năm xa tít. Đời là những chuyến lạc nhau, đau đớn nghẹn lòng.

Ông lão sực nhớ ra điều gì, mặt ông mếu xệch, đuôi mắt ép vào nhau làm thành những nếp nhăn nằm ngang trên thái dương người già. Ông chợt hỏi, giọng run run, hình như ông lão đang mong đợi một điều gì lạ lắm!

- Có phải... trên trán cô có vết sẹo to bằng đầu ngón tay hay không?

Cô gái bất ngờ:

- Sao ông biết? Vết sẹo đó là do một lần con trượt chân ngã va đầu vào mũi thuyền, hồi con còn cha, cha con ra chợ mua thuốc cho con xức. Mà xức mãi không lành, nên con để vậy rồi phủ tóc che chắn.

- Trời ơi, đúng là con rồi! Cha là cha của con đây nè! Đêm đó cha ngược dòng tìm con, tìm mãi không thấy, ngần ấy năm cha sống bơ vơ trên sông đợi chiếc thuyền năm xưa đi ngang qua, đợi con... giờ thì cha gặp được con rồi.

Ông lão mừng rỡ, trông ông như một đứa trẻ. Cô gái ngẩn người ra trong khoảnh khắc rồi sấn tới ôm lấy người già.

- Cha ơi, cha là cha của con thật chứ?

- Không nhầm đâu con. Con thật dại dột.

Cô gái gục đầu vào ngực ông lão, khóc ròng, ông lão cũng sụt sùi nước mắt. Cuộc tương ngộ mừng mừng tủi tủi, người cha có trái tim bao dung ấy đã tìm lại được đứa con của mình sau những lần xuôi ngược dòng đời. Một lúc sau, ông nói:

- Con thấy không, sau đêm giông thì cha con mình lại gặp được nhau. Cha mừng lắm. Con thấy đó, trời rồi sẽ sáng, sông vẫn trôi, con đã từng mạnh mẽ mấy mươi năm trời không cha, lẽ nào con lại gục ngã trước một biến cố? Ngập ngừng một lát, ông vuốt vai con, nói tiếp

- Thôi, đừng buồn nữa, cháu cha, cha nuôi. Rồi cha con mình sẽ bán con thuyền lên bờ dựng nhà ở luôn nghe con. Dòng sông này buồn lắm!

Cô gái khẽ gật đầu.

Trong khoảnh khắc, cô cảm nhận hơi ấm tình cha miên man. Cha là bờ vai vững chắc, là chỗ dựa ấm áp của cô trên mỗi chặng đường đời. Ngược dòng là lạc nhau, là đợi chờ, là hi vọng. Rồi là tương ngộ sau những tháng năm lạc mất giữa dòng đời.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 22 phút trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước