Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
16:19 (GMT +7)

Nghiêng mình bên xứ lạ

Càng đi, mới càng hiểu, góc nào của địa cầu biển cũng mặn, mây cũng bay và con người thì ái ố hỉ nộ - khi nhẫn tâm lúc tràn bờ nhân ái,… cũng nao lòng thế cả. Bên cạnh việc ngồi tàu bay hai chục tiếng đã sang bên kia bán cầu (quả đất hầu như chả còn chỗ nào xa hơn mà đi nữa!), thì cái sự giống nhau “trăm năm trong cõi người ta” kia càng khiến khách lãng du thấy hành tinh này thật gọn ghẽ và khiêm nhường.

Quăng mình vào những hành trình số phận xa xăm, người ta sẽ được khiêm tốn hơn, để hiểu: đời người không đo bằng bao nhiêu hơi thở, mà bằng những nơi chốn/khoảnh khắc/điệu hồn làm họ phải nín thở. Nhớ về những phút ấm tình thân ái ở góc bể chân trời đã khiến tôi có gì đó ngỡ ngàng, thoáng đứng tim vì cảm kích, rồi nghiêng mình ngộ ra nhiều điều.

Người lính trẻ và linh hồn của cây bạch dương ấy

Giả thử: bạn đã được thụ hưởng rồi thấm nhuần lẽ sống vị tha, nhân ái ở đất nước mình, rồi sang xứ khác, ví như tôi đến Liên bang Nga, lãnh thổ chiếm tới khoảng chừng 1/9 diện tích các lục địa trên trái đất, lại gặp một câu chuyện cảm động khác.

Cả bạn, cả đoàn công tác lặng đi, thì hà cớ gì mà không nghĩ là mình đang may mắn trong một thế giới đại đồng thật đáng sống! Hôm ấy, trong chuyến “cắp tráp” theo một số VIP đi công du nước ngoài, nhóm nhà báo được mời đến thăm tư gia của một doanh nhân được giới thiệu là yêu đồng đất nước Nga đến lạ lùng. Rasul tuổi ngoại ngũ tuần, lái một chiếc xe đắt tiền đón khách từ ngoài con đường xanh mơ các hàng bạch dương huyền thoại của Moscow về nhà mình chơi.

Nhà anh thiết kế kiểu một vương phủ cổ kính, đủ hoa trái để chúng tôi phát cuồng trèo hái, áo gi lê nhiều túi lắm ngăn ngách của nhà báo thả sức nhét đút táo, lê xanh đỏ trong tiếng cười vui của Rasul. Bởi lâu nay, tiệc tùng ở kinh thành hoa lệ, thèm một chỗ thôn quê cổ kính đúng như thế này. Phom giếng cổ có tang bằng đá phiến với cuộn dây xích lớn, tiếng sắt leng keng cuộn vào nhả ra để múc nước thật vui tai. Anh bảo, tổ tiên tôi dùng loại giếng này, theo cơ chế này, ngồi ghế băng dài với da chó sói thế kia, mặc giáp sắt kiêu hùng thế đó. Tôi sưu tầm tất về trong ngôi nhà của mình. Đây là tượng của các giống bò sữa tôi từng gặp trên thế giới. Đây là các phiên bản biển số xe tôi từng đăng ký và phiêu du khắp nước Nga.

Anh là một doanh nhân trồng cỏ nuôi bò sữa nổi tiếng, đang làm việc cho Tập đoàn TH của Việt Nam. Anh cất chiếc xe đắt đỏ vào khu gara bời bời lau trắng, lấy xe địa hình hầm hố. Dưới bóng đổ của những triền bạch dương như đang vi vút cất lên bản tình ca thời Xô Viết huyền thoại, xe của Rasul chà bụng tràn lấn lên mênh mông cỏ rả cao ngang lưng người mà tiến ào ào vào các thung lũng trồng ngô nuôi bò sữa do anh quản lý.

Anh bẻ bắp ngô và ăn sống tại ruộng, tôi làm theo, vị ngọt của nó thấm đến mức quên béng mất là từ 36 năm trước (khi tôi 10 tuổi) đến giờ mình mới cả gan ăn ngô sống đến phè sữa trắng xuống tận cằm… Chúng tôi nghỉ dưới một gốc cây bạch dương lớn, bóng của nó trùm kín cả góc nương ngô. Rasul kể, khi cỗ máy kia (anh khoát tay giới thiệu), nó là thứ siêu đắt. Tôi đi quanh, thấy cỗ máy xanh đỏ, kềnh càng, dây rợ, trông rất IT (phong cách công nghệ) và có gì đó giống một quái thú của siêu nhân. Nó tích hợp đủ chức năng để biến một dải rừng hoang thành trang trại trong tích tắc. Vừa đốn cây, vừa nghiền nhỏ chúng ra làm phân xanh hay chất đốt, vừa cày bừa… và gieo hạt; cây lớn thì làm cỏ và thu hoạch.

Tôi buột miệng: cỗ máy làm thay đủ mấy tháng đồng áng của người nông dân, có khi thay cả chúa Trời. Rasul kể, khi cỗ máy hoạt động, anh giật mình gặp nhiều cái yên cương ngựa cũ kỹ, cái miếng sắt ốp và đóng móng ngựa, các miếng vỡ của súng cũ từ chiến tranh thế giới thứ 2, khi Phát xít Đức tràn vào và các chiến sỹ Hồng quân kiêu hãnh quên mình chặn đứng thảm họa cho quê hương mình và cho cả phần còn lại của loài người. Rasul gom tất cả di vật chiến tranh ấy vào, lập một bảo tàng nho nhỏ.

Anh sắp ủi đến cái cây to nhất ở góc thung lũng, thì chợt có một bà mẹ Nga hơn 90 tuổi lật khật bước ra. “Đến từ Kazakhstan, tôi theo Đạo hồi, mỗi ngày 5 lần quỳ ở đây và hướng về Thánh địa Mecca. Bà mẹ Nga đi chậm rãi làm tôi nín thở. Bà bảo, cái cây là do bà trồng, ruộng đất bây giờ là của ngài. Tôi không có quyền yêu cầu, chỉ cầu xin ngài đừng chặt cái cây. Bởi, hơn 70 năm trước, ngày con tôi hy sinh, tôi đã trồng cái cây đó. Và tôi tin linh hồn vị quốc vong thân của chính con mình đang ngụ ở đó”. Nhiều người kéo đến, họ cùng với bà cụ kể với Giám đốc Rasul về những anh lính Hồng quân 17 tuổi, trong đó có con trai bà cụ đã quả cảm ra sao. Con bà đã lái máy bay chiến đấu, quần thảo trên bầu trời này; anh cùng đồng đội đã cháy cùng ngọn lửa yêu nước khi chiếc máy bay trúng đạn quân thù. Rơi, cháy đúng vị trí bây giờ có cái cây bạch dương này…

Rasul và các chứng tích chiến tranh xúc động
Rasul và các chứng tích chiến tranh xúc động

 

Chuyện của Rasul làm chúng tôi lặng đi rất lâu. Tất cả quyết định nán lại kỹ hơn, quay về căn nhà với những hầm kín trưng bày đủ thứ di vật chiến tranh và dự các bữa tiệc do cô con dâu - thỉnh thoảng buông lơi khăn che mặt của nữ nhân đạo Hồi ra, nhắc nhớ về một vẻ đẹp thánh thiện đến xiêu lòng - của anh bày biện. Tiệc và nước uống đều bằng hoa quả và hoa quả khô, có đến hàng trăm loại hạt, quả từ nhiều quốc gia...

Bài học chữ nghĩa từ những mỹ nhân đi làm báo

Lại có lần, ở thành phố sầm uất bậc nhất Nam Phi (mà Nam Phi là “châu Âu hoa lệ” trong lòng Lục địa đen) Jorhanesburg, tôi được một nhóm nhà báo “nghe danh” (chả là bấy giờ tôi vừa nhận vài giải thưởng khiêm nhường) đã ưu ái tìm để mời ăn tối. Nói thật, lúc đầu cũng sợ, vì các điệp vụ điều tra của tôi lúc đó về người Việt tàn sát sư tử, tê giác, voi rừng của châu Phi đang đình đám, chỉ sợ sập bẫy bọn tiểu nhân “thù này còn mãi về sau/ trồng tre làm gậy gặp đâu đánh què”.

Thế nên, ở Nam Phi, có lúc, lọt vào ổ tội phạm, họ chào hàng đưa đi nhậu ở các nơi thác loạn, lúc về tặng thêm vài lạng cao sư tử, cao hổ, lập tức tôi phải trình báo cơ quan chức năng nước bạn và chụp ảnh mình đang giao nộp “hàng cấm” ngay lập tức. Tuy nhiên, trước lời mời của nhóm người vừa da trắng vừa da đen kia, qua thăm dò “lý lịch”, các nhân viên bảo tồn ở Jorhan quả quyết: họ thiện chí và không có một sự cài bẫy nào cả. Thế là đóng bộ đi gặp.

Địa điểm thật quyến rũ: có một Nhà hàng mang “Little Sai Gon” (Sài Gòn nhỏ) ở Jorhanesburg. Người mời là một nhà báo, hóa ra rất lừng danh. Anh từng xuất bản cuốn sách dịch ra tiếng Việt đại ý là: “Giết chóc vì lợi nhuận” (Killing for Profit). Tôi đọc (tiếng Anh đủ để hiểu cơ bản thôi), hóa ra anh viết về chính Việt Nam, Lào, Thái Lan rồi Nam Phi, anh đi theo cả các đội Anti-poarching (chống săn trộm) lừng danh thế giới của châu Phi.

Xuyên ngày đêm. Điều tra xuyên lục địa. Sách, in cả những ảnh khủng khiếp, các trùm săn trộm tê giác (mà anh điều tra đã nhiều năm) sử dụng súng máy, đi trực thăng và vừa bị bắn chết. Cuốn sách và sự nghiệp điều tra của anh đã được trao nhiều giải thưởng danh giá. Lời đề tặng của anh dành cho tôi trong cuốn sách đó (tất nhiên là khen ngợi nên tôi mới nhớ đến thế và cũng không tiện tự PR ra đây). Đó là một sự cô đọng và đáng để tỉnh mỉnh mặt mày nhất mà tôi từng gặp trong một lời đề tặng sách.

Từ bấy, tôi và mạng lưới nhà báo đó liên lạc, đi lại, thân thiết với nhau. Họ đã truyền cho tôi nguồn cảm hứng về lẽ sống “dám nghĩ lớn”, khắc kỷ tuân theo các giá trị mà nhân loại tiến bộ hằng vươn tới: bảo vệ sự minh bạch trong cuộc sống, giữ gìn các giá trị thiên nhiên không chỉ của chúng ta mà còn là của tổ tiên, con cháu chúng ta. Của chung các thế hệ đã, đang và sẽ sinh ra trên hành tinh xanh xinh đẹp và kỳ bí này. Có lần, chị Nicky đưa tôi đi khắp Nam Phi và nhiều vùng lãnh thổ khác; có lần tôi lọt vào thế giới buôn lậu sư tử mà trong ba lô có thiết bị định vị do Andrew Peterson cài vào (cả hai làm cho Quỹ bảo tồn tê giác Nam Phi - Rhino Foundation).

Có lần, Rachel Love Nuwer - một mỹ nhân trong làng báo, từ Mỹ sang Việt Nam, chúng tôi đi điều tra nhiều ngày, vào nhiều hang ổ và trở về cô viết cuốn sách trong đó hàng chục trang viết về tôi và những năm đăm đắm viết báo, làm phim, in sách và tham gia nhiều hoạt động ngoài trang viết nhằm bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Cuốn sách tên là “Poarched” (Inside the dark world of wildlife trafficking) - tạm dịch: Trong thế giới ngầm của những kẻ buôn bán động vật hoang dã. Có lần một gã hào hoa một mình kiêm nhiệm vụ của cả ê kíp làm phim lớn (họ đều xây dựng tác phẩm cho các tạp chí, kênh truyền hình hàng đầu thế giới, như: Discovery, National Geographic, New York Times…) quyết định về làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) nhà tôi, lăn lê bò toài ghi hình chính bố đẻ tôi (một thầy thuốc Đông y) tái hiện cảnh dao cầu thuyền tán chế biến vảy tê tê làm “thuốc” (gần đây được vận động ông đã không dùng nữa).

Có lần, cô bé gốc Ấn Độ, lớn lên ở Anh làm báo ở Mỹ được coi là “nhà báo đẹp nhất tôi từng gặp” đến Việt Nam làm bộ phim tài liệu nổi tiếng về thói quen ăn thịt chó và những hệ lụy của nó - mà sau này nhiều Đài Truyền hình lớn ở Việt Nam đã phải xin bản quyền phát sóng lại. Có lẽ, từ đó, thị trường “cẩu nhục” ở Việt Nam cũng hạ nhiệt sau nhiều trăm năm thịnh phát. Sau này tôi nhận nhiều vinh danh vì chiến đấu với các vấn đề buốt lòng của nạn ăn trộm, đánh bả, đối xử siêu nhẫn tâm với chó mèo cũng là vì nguồn cảm hứng từ các cuộc gặp đồng nghiệp kể trên. Họ đã gieo trong tôi những phút nao lòng về tình yêu nghề, kĩ năng điều tra trác tuyệt và khả năng tác nghiệp độc lập, thiện chiến, tận hiến cho một niềm đam mê.

Họ đơn độc đi khắp hành tinh để làm báo và thực hành cái lý tưởng sống vì các giá trị chung cộng đồng. Trên hết, họ đã góp phần tích cực thay đổi nhiều điều cho thế giới này. Trước họ, tôi thấy mình thật nhỏ bé. Một giáo sư giảng dạy báo chí đã lái xe hơn 500km từ Mô Dăm Bích sang Công viên Quốc gia Kruger (mang tên một vị Tổng thống Nam Phi, được bảo vệ nghiêm ngặt từ năm 1898!), khu bảo tồn có diện tích lớn hàng đầu thế giới để gặp tôi. Bà bảo, con là người Việt, con có thể xâm nhập vào thế giới của những kẻ thủ ác với muông thú quý hiếm mà cả loài người đang bảo vệ kia không? Họ đã huấn luyện các đoàn “binh mã” có trực thăng, có súng máy, có máu lạnh và có cả đường dây lớn chuyên nghiệp tận cùng. Sau 48 tiếng, chúng có thể “cõng” các cỗ sừng tê giác vừa bị cắt khỏi đầu con tê giác bị giết hại kia (máu của nó chưa khô!) sang tận châu Á rồi “thổi giá chợ đen” lên tới năm chục nghìn đô la Mỹ một chiếc.

Còn nhớ, hôm ấy, chúng tôi đóng kín cửa phòng, mở bản đồ, bàn luận sau nhiều giờ. Và cuối cùng, bà phát hiện ra tôi, sau khi nhận một số giải thưởng ở lĩnh vực này, đã trở nên khá quen mặt trên truyền thông. Và chắc chắn, các băng tội phạm tinh vi kia, trong “nhóm kín” chúng đã lan truyền ảnh và phong cách điều tra của tôi để lập kế hoạch đối phó, đề phòng. Dành 30 phút kiểm tra hết các thông tin, bà giáo sư già lại lụi cụi gọi tôi vào phòng: “Con ơi, ta nghĩ là có 1% sự không an toàn, thì ta cũng không thể để con xâm nhập vào chỗ hang hùm miệng sói ấy được. Cứ dừng lại đã, để ta tính”.

Rồi bà ôm tôi, bảo tôi hãy đi xem cây Bao báp, đó là một loài đặc trưng của châu Phi và lạ lùng nhất trên địa cầu. Đừng có hồ đồ hấp tấp, hãy chờ ta. Bà và chiếc ô tô cũ đến mức khó có thể cũ hơn cùng mất hút sau các tán rừng sa van vàng úa mơ màng. Tôi cứ nghĩ, kiếp trước bà chính là mẹ tôi. Ít lâu sau, khi đã đủ niềm tin về sự an toàn, tôi được “gửi” vào một vụ khác. Và 4 năm sau, các đối tượng đã bị tóm. Báo chí Việt Nam và thế giới đưa tin ầm ĩ về một sự vụ khủng khiếp chưa từng thấy. Họ không biết rằng, cũng ít nhiều nguồn tin, gương mặt đó, thủ đoạn đó, đã từng được thiết bị bí mật của các con người tâm huyết kia cài vào hành lý của tôi để “định vị” sai phạm. Các báo cáo của tôi sau đó, đã không bị ném vào hư vô.

Hành trình khám phá Tây Tạng
Hành trình khám phá Tây Tạng

 

Bà Giáo sư châu Phi đã dạy tôi, rồi một Giáo sư người Mỹ nữa, người được giải Pulitzer báo chí về cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng nhắc lại cái chân lý này với tôi (dù hai bà không biết nhau) rằng: đi làm người ta khiêm tốn hơn. Nếu bó mình trong không gian hẹp và các mối quan hệ đôi khi kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”, đôi khi tủn mủn “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, thì rất dễ để chính bạn cũng không đủ vị tha để lấy ân mà trả oán. Thế rồi, ai oán cứ chập chồng.

Việc di dịch khỏi không gian hẹp, việc rợn ngợp trước mênh mông của thiên nhiên và ngút ngàn hỉ nộ kiếp nhân sinh, khiến người ta như đang ở tầng 81 của tòa nhà cao nhất Việt Nam mà nhìn xuống phố xá xe cộ di dịch như những quân cờ câm lặng tranh giành nhau từng cái nhích vài xăng ti mét vậy.

Tôi từng viết, làm video về một cụ tài xế xe Uber 70 tuổi ở băng Iguazu, Cộng hòa Liên bang Brazil vừa vỗ vô lăng vừa hát những bản tình ca do mình sáng tác và in sao thành đĩa DVD để tặng bất cứ hành khách đi xe nào muốn nhận. Trong mọi hành trình. Một đầu bếp da đen lặng lẽ như cái bóng đen đúa ở góc khu nghỉ dưỡng bập bùng lửa trại, đến nỗi tôi không phân biệt được ông và cái bóng của ông trên bờ tường đêm nữa. Lần nào gặp, ông cũng gọi tôi là “con”, xưng “ta” và khuyên nhủ những điều chí lý như cha đạo dạy dỗ con chiên. Và, tôi, dường như đã nhớ đến những người tưởng chừng ít “danh phận” nhất đó mỗi tuần.

Hóa ra, bài học sống quý báu nhất chưa chắc đã nhất thiết đến từ những giáo sư, tiến sĩ, người nổi tiếng hay các kho tri thức kinh viện hàn lâm nào. Cuộc sống muôn màu, thứ làm bạn ngấm men say và nghiêng mình theo đuổi nhất, có khi lại là những chi tiết rất nhỏ bé, những phận người rất giản dị (mà đủ đứng tim)… vô tình gặp ở dọc đường bôn tẩu. Có lẽ, vì thế mà, chúng ta cùng ngẫm nhé: các chuyến trên đường phiêu du, dù chiếm quãng thời gian không dài trong mỗi đời người, song chúng luôn là thứ làm chúng ta nhung nhớ nhất! Và như các cụ bảo, cái “sàng khôn” ta học được sau mỗi “ngày đàng” (ngày di dịch chuyển trên đường), chứ đâu phải là lúc bó thân trong không gian ngột ngạt theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng?

Đỗ Doãn Hoàng

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy
  • Nguyễn Xuân Thanh than****@gmail.com

    Đọc đi đọc lại lần thứ ba rồi, mỗi lần trong một tâm trạng, hoàn cảnh khác nhau mà vẫn cứ hay, .... Cảm ơn em!