Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
18:15 (GMT +7)

Nghiên cứu, lý luận – phê bình văn học của các tác giả Thái Nguyên (2000 – 2020)

I. Mở đầu

Từ năm 2000 - mốc thời gian khởi đầu thế kỷ XXI đến nay, đất nước tiếp tục hành trình đổi mới và hội nhập thế giới trên nhiều bình diện, các chuyển động theo xu hướng tích cực trong cơ chế hành chính, quản lí văn hóa, văn nghệ cũng giúp gỡ bỏ nhiều rào cản cho nghiên cứu, lý luận - phê bình nói riêng và văn học nói chung. So với trước đổi mới, nghiên cứu, lý luận - phê bình có điều kiện để tiệm cận với các giá trị nhân văn, nhân bản mang tính phổ quát của nhân loại, hướng tới khám phá những phẩm tính đích thực của nghệ thuật. Nghệ thuật không chỉ quan tâm đến cái đẹp mà trên hết và trước hết là quan tâm đến số phận của con người trong cõi nhân sinh. Hai mươi năm, hòa trong dòng chảy của đời sống văn học dân tộc, với ảnh hưởng của bản thân sự phát triển văn học, ảnh hưởng của đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội và đặc biệt sự ảnh hưởng từ việc tiếp nhận những thành tựu lý luận - phê bình văn học hiện đại trên thế giới đã làm cho diện mạo nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học ở Thái Nguyên có những đổi mới căn bản. Và, dẫu chưa thể đáp ứng được tốt nhất những nhu cầu, đòi hỏi của đời sống và của công chúng văn học nhưng không thể không ghi nhận và đánh giá một cách tích cực về sự hiện diện và tầm quan trọng của nghiên cứu - lý luận phê bình trong đời sống văn học.  Với nhiều cơ hội thuận lợi do thời đại mang đến, nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học của các tác giả Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu gì xứng đáng được ghi nhận và còn những giới hạn gì cần phải tiếp tục vượt qua để tiếp tục nâng cao chất lượng học thuật, hướng đến những giá trị mới? Đó là nội dung cơ bản bài viết này muốn đề cập. 

II. Nội dung

1. Đội ngũ nghiên cứu, phê bình văn học

Trong lịch sử phát triển và hiện tại, Thái Nguyên là địa danh luôn/vẫn được coi là trung tâm của vùng văn hóa Việt Bắc. Sự hội tụ của nhiều trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn Thái Nguyên cũng đồng nghĩa với việc Thái Nguyên có một đội ngũ trí thức đến từ nhiều quê hương khác nhau, được kinh qua giáo dục, đào tạo - đây chính là “nguồn” quan trọng hàng đầu để Thái Nguyên xuất hiện nhiều cây bút viết văn trưởng thành trên tất cả các thể loại, trong đó nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học.

Đội ngũ nghiên cứu, phê bình văn học - nghệ thuật của Thái Nguyên bao gồm nhiều thế hệ, đa phần là các nhà giáo đã và đang giảng dạy trong nhà trường từ phổ thông đến đại học. Hầu hết các cây bút nghiên cứu, phê bình đều có trình độ học vấn, tri thức văn hóa. Trong số những người làm nghiên cứu, viết phê bình văn học của Thái Nguyên trong 20 năm qua, đã xuất hiện những cây bút sung sức, nhiều công trình nghiên cứu đã được ghi nhận trong các sách, báo, tạp chí khoa học chuyên ngành cấp quốc gia và có giá trị ứng dụng trong thực tiễn. Các sản phẩm xuất bản được làm tài liệu tham khảo giảng dạy văn học cho sinh viên, học viên trong các nhà trường, đặc biệt là đào tạo đại học và sau đại học. Có thể kể đến các tác giả như: Vũ Châu Quán, Nguyễn Huy Quát, Lâm Tiến, Vũ Đình Toàn, Trần Thị Việt Trung, Đào Thủy Nguyên, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Hằng Phương, Cao Thị Hồng, Cao Thị Hảo, Nguyễn Kiến Thọ, Dương Thu Hằng, Nguyễn Thanh Mai, Phạm Văn Vũ,  Nguyễn Suối Linh, Nguyễn Thị Diệu Linh, Ngô Thị Thu Trang, Phạm Thị Phương Thái, Vũ Thị Hạnh, Hà Xuân Hương, Bùi Linh Huệ, Phạm Thị Vân Huyền, Nghiêm Thị Hồ Thu, Trần Thị Ngọc Anh, Vi Thị Phương, Nguyễn Nhật Huy...; Bên cạnh đó có một số nhà văn, nhà thơ góp phần làm phong phú thêm hoạt động phê bình văn học của tỉnh nhà như: Hồ Thủy Giang, Ma Trường Nguyên, Nguyễn Thúy Quỳnh...

Hội thảo Văn học Thái Nguyên với đề tài lịch sử (do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức năm 2019)

Trong bối cảnh chung của đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập có nhiều thuận lợi và cũng nhiều thách thức; nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học ở Thái Nguyên giai đoạn từ 2000 đến nay cũng được phát triển trên cơ sở tư duy lý luận xác lập rõ vai trò, vị thế, chức năng của nhà nghiên cứu, nhà phê bình. Giai đoạn này dân trí được nâng cao, giao lưu với thế giới được mở rộng, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đội ngũ làm nghiên cứu, viết phê bình văn học có điều kiện tiếp cận với những kiến thức mới và thời sự nhất. Dù còn chưa nhiều nhưng đã bước đầu hình thành một đội ngũ nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học có vốn kiến thức phong phú, nhạy cảm với cái mới, nhất là những lý thuyết lý luận phê bình hiện đại của thế giới và có thể tham gia giải quyết những vấn đề gay cấn đặt ra cho đời sống văn học đương đại để từ đó làm nhịp cầu kết nối giữa nhà văn và bạn đọc.

2. Thành tựu và giới hạn

2.1. Những thành tựu cơ bản

Trong nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học, mỗi cuốn sách được xuất bản chính là kết tinh giá trị những nội dung nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao nhất, cho nên trong bài viết này chúng tôi chỉ thống kê đến loại sách nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học mà không điểm đến những bài báo của các tác giả đăng lẻ trên các báo, tạp chí chuyên ngành (và cũng không thống kê các sách bàn đến các vấn đề khác như phương pháp giảng dạy văn học, chia sẻ kinh nghiệm viết văn...). (Xem phụ lục: Biểu thống kê tác phẩm nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học của các tác giả Thái Nguyên đã xuất bản (2000 - 2020))

Nhìn vào biểu thống kê tác phẩm xuất bản (từ 2000 đến 2020) có thể thấy chặng đường 20 năm đầu thế kỷ XXI các tác giả Thái Nguyên đã ra mắt bạn đọc được hơn 40 đầu sách nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học. Có lẽ con số thống kê trên (cùng thời gian qua đi hai thập kỷ) cho chúng ta một cảm giác chưa thỏa mãn, vẫn thấy đó là con số rất khiêm tốn bởi hai mươi năm qua số lượng nhân lực được đào tạo về ngành Văn sống và học tập, làm việc tại Thái Nguyên là không nhỏ. Nhưng cũng cần nhìn vào thực tiễn để thấu hiểu vấn đề.

Những cuốn sách trên đa số có cội nguồn hoặc là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, hoặc là luận văn, luận án của các học viên sau đại học, nghiên cứu sinh được biên tập, chỉnh sửa và xuất bản, hoặc là các báo cáo khoa học của các thầy, cô - các nhà nghiên cứu tham gia các hội thảo chuyên ngành quốc gia và quốc tế. Như vậy, phần lớn số lượng sách trên biểu thống kê trên là đáng tin cậy về học thuật. Bởi lẽ, bản thảo mỗi tác phẩm thông thường được chỉnh sửa nhiều lần, thông qua nhiều vòng thẩm định của các hội đồng nghiệm thu đề tài, các hội đồng phản biện báo cáo khoa học. Đó là những cuốn sách kết tinh rất nhiều công sức và chất xám của các tác giả; bởi lẽ, nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học mang tính đặc thù, nó đòi hỏi một quá trình lao động trí tuệ công phu, vừa phải tuân thủ theo những nguyên tắc nghiêm ngặt của khoa học vừa phải có một sự thẩm thấu đối tượng nghiên cứu sâu sắc và tinh tế. Có lẽ vì vậy, để cho ra đời một sản phẩm nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật - là sản phẩm “sáng tạo trên nền sáng tạo”, có chất lượng tốt, mang lại hiệu ứng thẩm mỹ với bạn đọc xa gần và “trụ” lại với dòng chảy thời gian quả thật không hề dễ dàng. Trong bối cảnh chung của cả nước, việc dạy văn - học văn, nghiên cứu, phê bình văn học có rất nhiều vấn đề cần phải vượt khỏi giới hạn của sự ỳ trệ, lạc hậu, bảo thủ, cực đoan... thì thành quả nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học của đội ngũ các tác giả ở Thái Nguyên đáng được trân trọng. Vài chục đầu sách nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học trên là thành quả sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ làm nghiên cứu văn học Thái Nguyên (trong đó có nghiên cứu về sáng tác văn học, nghiên cứu về lý luận văn học và viết phê bình văn học).

Qua các công trình, có thể thấy phạm vi và đối tượng nghiên cứu mà các tác giả  nghiên cứu, phê bình văn học ở Thái Nguyên quan tâm là khá rộng. Nhìn một cách tổng thể, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào hai nội dung cơ bản sau: Thứ nhất, tập trung nghiên cứu, phê bình văn học dân tộc thiểu số ở phía Bắc Việt Nam; Thứ hai, nghiên cứu, phê bình các vấn đề lý luận - phê bình văn học thời kỳ đổi mới ở Việt Nam và ứng dụng các lý thuyết hiện đại nghiên cứu các di sản văn chương (văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại). Với những nội dung này, có thể khẳng định các cây bút nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học ở Thái Nguyên đã bắt kịp xu hướng chung của nghiên cứu, lý luận - phê bình nói riêng và đời sống văn học dân tộc nói chung trong thời kỳ đổi mới và hội nhập với thế giới - một thời đại lịch sử với nhiều biến đổi bởi sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ.

a/ Nghiên cứu, phê bình văn học dân tộc thiểu số ở phía Bắc Việt Nam, từ các tác giả tiên phong là Lâm Tiến, Vũ Châu Quán, Nguyễn Huy Quát... đến thế hệ tiếp nối là Trần Thị Việt Trung, Nguyễn Đức Hạnh, Cao Thị Hảo, Nguyễn Kiến Thọ, Đào Thủy Nguyên. Với lợi thế vừa là nhà nghiên cứu vừa là giảng viên của các trường đại học, các thầy/cô vừa nghiên cứu vừa hướng dẫn các nhóm nghiên cứu tập trung sưu tầm, giới thiệu, thẩm bình nhiều tác phẩm của các tác giả dân tộc thiểu số Việt Nam ở các thể loại: thơ ca, văn xuôi... Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu: Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (Trần Thị Việt Trung chủ biên, 2010), Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại - một số đặc điểm (Cao Thị Hảo, Trần Thị Việt Trung đồng chủ biên, 2011); Nghiên cứu, lí luận phê bình văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại (Trần Thị Việt Trung chủ biên, 2013), Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam - truyền thống và hiện đại (Trần Thị Việt Trung, Nguyễn Đức Hạnh đồng chủ biên, 2014); Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam (Đào Thủy Nguyên, 2014); Nghiên cứu, phê bình về văn học dân tộc thiểu số (Trần Thị Việt Trung, 2016)... Trong các cuốn sách kể trên, có thể nhận thấy vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc được các nhà nghiên cứu chú ý, coi như một tiêu chí quan trọng để xác định giá trị tác phẩm. Trên cơ sở khảo sát kỹ văn bản, nhiều bài viết chỉ rõ sự đa dạng, phong phú, nét độc đáo của văn học dân tộc thiểu số từ truyền thống đến hiện đại. Bạn đọc có thể hình dung diện mạo của thơ ca dân tộc Thái, dân tộc Tày, dân tộc Dao qua dòng chảy lịch sử ở các thời đại khác nhau. Đặc biệt, tác giả Nguyễn Kiến Thọ với chuyên luận Thơ ca dân tộc H Mông từ truyền thống đến hiện đại (2014) đã cung cấp cho bạn đọc một bức tranh từ tổng quan đến cụ thể hết sức sinh động về thơ ca của dân tộc H Mông - một tộc người mà lịch sử là “những thiên di đầy máu và nước mắt”. Qua chuyên luận, tác giả đã phát hiện và khẳng định: “Thơ ca dân tộc H Mông là bộ phận văn học đặc sắc, phản ánh những phong tục tập quán, nếp cảm, nếp nghĩ, và triết lý cuộc sống... được hun đúc qua nhiều thế hệ và trở thành tài sản chung của cả cộng đồng”(1). Những kết luận khoa học của chuyên luận này trên nhiều phương diện như: Quá trình vận động của thơ ca H Mông nhìn từ phương diện nội dung phản ánh; Quá trình vận động của thơ ca H Mông nhìn từ phương diện cấu trúc nghệ thuật... đều gợi mở cho bạn đọc nhiều suy tư về một mảng thơ ca độc đáo, hàm ẩn nhiều thông điệp nhân văn, cần tiếp tục được nghiên cứu, khám phá, sáng tạo để mang lại những ứng dụng thiết thực, thúc đẩy sự phát triển của đời sống và văn hóa dân tộc H Mông nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung.

Các nhà nghiên cứu về văn học dân tộc thiểu số cũng đã cố gắng làm sáng tỏ những nét phong cách của các tác giả người dân tộc thiểu số trong thời kỳ hiện đại. Chân dung các nhà văn và diện mạo văn chương của các tác giả như: Nông Quốc Chấn, Vi Hồng, Lò Ngân Sủn, Y Phương, Dương Thuấn, Cao Duy Sơn, Ma Trường Nguyên, Pờ Sảo Mìn,…phần nào được phác họa với những nét “thần thái” nhất. Sự đóng góp của các nhà văn trong việc góp phần làm nên diện mạo của nền văn học dân tộc thiểu số nói riêng và văn học dân tộc nói chung cũng đã được khẳng định. Đó là một Nông Quốc Chấn - nhà thơ người Tày đã đi “tiên phong trong việc hiện đại hóa thơ ca của dân tộc mình”(2);  Là một Pờ Sảo Mìn với những bài thơ “giàu chất liên tưởng và chất trí tuệ... ngôn ngữ thơ giàu chất tạo hình”(3), ông là “Con trai người Pa Dí” xuất sắc, với trái tim và tâm hồn như có sự giao cảm đặc biệt với thiên nhiên và con người xứ sở; Là một Triệu Kim Văn - nhà thơ người Dao đã “từ bỏ khuôn định bó hẹp của hình thức cũ, chọn cho mình một hướng đi táo bạo, chủ yếu làm thơ theo hình thức tự do, đổi mới... nổi bật là giọng triết lý, chiêm nghiệm, một cái tôi trầm tư, kín đáo, kiệm lời, thiên về nội tâm” (4)...

Nếu làm một phép so sánh, có thể khẳng định, ở Thái Nguyên việc nghiên cứu, phê bình văn học dân tộc thiểu số đã được chú trọng hơn ở nhiều địa phương khác trong cả nước và đạt được những thành tựu khả quan. Với lợi thế của mình, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học Thái Nguyên đã góp phần lấp dần khoảng trống mà hiện nay vẫn là giới hạn của nghiên cứu, phê bình văn học nước nhà. Hai mươi năm chưa phải là thời gian dài so với tiến trình vận động của văn hóa, lịch sử dân tộc nhưng đủ để có thể khẳng định: Với những bước khởi đi đúng hướng, hy vọng thế hệ tiếp sau sẽ tiếp tục những gì đang còn là khoảng trắng trong nghiên cứu, phê bình văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam.

b/ Nghiên cứu các vấn đề lý luận - phê bình văn học thời kỳ đổi mới ở Việt Nam và ứng dụng các lý thuyết hiện đại nghiên cứu các di sản văn chương dân tộc (văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại).

Hai mươi năm đầu thế kỷ XXI, được thụ hưởng bầu “khí quyển” đất nước hội nhập toàn cầu nên đội ngũ nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học ở Thái Nguyên cũng nhanh chóng tiếp nhận và hình thành một xu hướng nghiên cứu, phê bình văn học trên cơ sở cập nhật nhiều vấn đề lý thuyết mới, xu hướng này hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của đời sống văn học nghệ thuật trong thời kỳ hội nhập với văn hóa thế giới. Các tác giả: Trần Thị Việt Trung, Nguyễn Đức Hạnh, Cao Thị Hồng, Dương Thu Hằng, Phạm Văn Vũ, Nguyễn Thị Diệu Linh, Vũ Thị Hạnh, Hà Xuân Hương, Bùi Linh Huệ, Trần Thị Ngọc Anh, Nguyễn Nhật Huy... đã sớm có những nghiên cứu khẳng định các vấn đề lý luận - phê bình văn học thời kỳ đổi mới ở Việt Nam và ứng dụng các lý thuyết hiện đại nghiên cứu các di sản văn chương dân tộc (văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại).

Ở mảng nghiên cứu lý luận văn học thời kỳ đổi mới, chuyên luận Một chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986-2011) (Cao Thị Hồng, 2011) đã chú trọng chỉ ra sự vận động đổi mới tư duy xung quanh một số vấn đề lý luận văn học cơ bản được tranh luận nhiều trong thời kỳ đổi mới (Vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, Mối quan hệ giữa văn học và chính trị, Vấn đề tiếp nhận và ứng dụng phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Quan niệm về tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học thời kỳ đổi mới...). Chuyên luận đã góp tiếng nói luận giải rõ ràng, tường minh ý kiến của các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ xung quanh những vấn đề lý luận phức tạp, đồng thời cũng khái quát, đúc rút những bài học kinh nghiệm của lý luận văn học nước nhà qua một chặng đường, chỉ ra những quy luật phát triển của lý luận văn học nói riêng và văn học nói chung. Một trong những vấn đề tác giả dành nhiều công phu nghiên cứu đó là việc Tiếp nhận lý thuyết hiện đại phương Tây trong phát triển lý luận - phê bình văn học ở Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đặc biệt hơn cả là chứng minh và chỉ rõ tầm quan trọng của việc hình thành các phương pháp nghiên cứu phê bình văn học mà trước đổi mới chưa/không được quan tâm như thi pháp học, phân tâm học, tự sự học, văn học nhìn từ văn hóa. Nghiên cứu phê bình văn học dân tộc qua chặng đường hơn 30 năm đổi mới, tác giả cũng đặc biệt tập trung phân loại các khuynh hướng phê bình văn học trên cơ sở các hệ hình tư duy triết mỹ mà nó chịu ảnh hưởng về mặt lý thuyết để giải mã các hiện tượng văn học, từ đó đúc kết những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp khoa học góp phần khắc phục những gì còn hạn chế của đời sống phê bình văn học hiện nay.

Từ hệ hình lý thuyết văn học đổi mới tiếp thu bổ sung thêm nhiều giá trị nhân văn, tiến bộ của nhân loại các nhà nghiên cứu đã ứng dụng các lý thuyết hiện đại, linh hoạt sáng tạo nghiên cứu, phê bình các di sản văn chương dân tộc (từ văn học dân gian, văn học trung đại, đến văn học hiện đại). Có thể kể đến các tác giả: Cao Thị Hồng với Lý luận - phê bình văn học đổi mới & sáng tạo (2013); Lý luận - phê bình văn học: Một góc nhìn mới (2017); Những vẻ đẹp văn chương (2020); Nguyễn Đức Hạnh với Tiểu thuyết Việt Nam 1965 - 1975 nhìn từ góc độ thể loại (2007); Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Chu Lai (2014); Vũ Thị Hạnh với Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết của một số nhà văn nữ Việt Nam hải ngoại (2019); Nguyễn Thị Diệu Linh với Thơ Chế Lan Viên trong tiến trình đổi mới văn học Việt Nam (2018); Hà Xuân Hương với Dân ca trữ tình sinh hoạt của người Tày và người Thái - sự tương đồng, khác biệt (2020)... Phạm Văn Vũ với Ngẫu luận (2010), Phạm Thị Phương Thái với Cống hiến của Nguyễn Trãi đối với nền thơ dân tộc viết bằng tiếng Việt (2015), Cao Thị Hảo với Văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ XX từ góc nhìn văn hóa (2019),…

Trong nhóm các công trình nghiên cứu, đặc biệt Dương Thu Hằng với Trương Vĩnh Ký và bước khởi đầu đời sống văn chương hiện đại (2015) đã đi sâu tìm hiểu mục tiêu, nội dung và phương thức tiến hành các hoạt động báo chí, biên khảo và sáng tác văn chương của Trương Vĩnh Ký dưới sự tác động của các quy luật phát triển văn hóa, văn học. Làm rõ tính khởi đầu và tác động của các hoạt động văn chương do Trương Vĩnh Ký chủ trương, đảm nhận để làm rõ vị trí của ông trong lịch sử văn hóa văn chương dân tộc. Đặt Trương Vĩnh Ký ở vị thế tiếp điểm của Đông Á và Tây phương, giữa cổ truyền và hiện đại, nghiên cứu cũng tìm hiểu sâu hơn tính phức tạp của các hiện tượng giao thời, những chuyển động văn hóa, văn chương trong giai đoạn này. Những thành công cơ bản của nghiên cứu đã góp phần hệ thống hóa và tổng kết các đóng góp cơ bản của Trương Vĩnh Ký; Tiếp cận được các tư liệu văn bản liên quan đến sự nghiệp trước tác được coi là quý hiếm của Trương Vĩnh Ký; Công trình có giá trị tham khảo đối với việc nghiên cứu quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, đồng thời cũng gợi mở hướng nghiên cứu về một số trường hợp tương tự Trương Vĩnh Ký.

Nhìn chung, trong khả năng nhất định, các tác giả đã nỗ lực mạnh dạn ứng dụng một số lý thuyết mới để nghiên cứu, phê bình văn học, góp phần giải mã các hiện tượng văn học trong các thời đại khác nhau. Trên cơ sở đó góp phần vào việc khẳng định sự tồn sinh của những giá trị mới trong nền văn học dân tộc.

Như vậy, trong xu thế hội nhập, các nhà nghiên cứu lý luận - phê bình văn học ở Thái Nguyên đã bước đầu có những đóng góp nhất định trong nghiên cứu các vấn đề lý luận - phê bình mang tính lý thuyết, cùng các nhà khoa học trong cả nước góp phần vào sự đổi mới, phát triển nền lý luận, phê bình văn học dân tộc. Thành tựu của việc nghiên cứu được ghi nhận trong các công trình khoa học chuyên ngành, được công bố trên phạm vi toàn quốc, được dùng làm tài liệu giảng dạy, tài liệu tham khảo nghiên cứu văn học cho sinh viên, học viên sau đại học. Ưu điểm thấy rõ trong nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học ở Thái Nguyên là các cây bút không mắc “bệnh” quy chụp chính trị nặng nề đối với tác giả, không “tô hồng” hoặc “bôi đen” các hiện tượng văn học mới, lạ một cách cực đoan thái quá, không độc tôn một kiểu sáng tác, một kiểu tư duy nghệ thuật nào. Những dấu hiệu trên cho thấy những người viết nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học ở Thái Nguyên đã bước đầu bắt kịp tư duy đổi mới lý luận phê bình văn học, ý thức sâu sắc quan niệm hiện đại: nghiên cứu, phê bình văn học “vừa là khoa học vừa là nghệ thuật”.

 

2.2. Giới hạn và một số khuyến nghị

Tuy đã đạt được một số thành tựu bước đầu, nhưng nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học ở Thái Nguyên cũng còn những giới hạn, cần được quan tâm để tìm ra hướng giải quyết đúng đắn phù hợp với quy luật khách quan, khoa học, hội nhập được với những giá trị chung của phê bình văn học trong nước và thế giới, tạo động lực cho cả người sáng tạo và người tiếp nhận. Có thể điểm đến một số giới hạn sau đây:

a/ Ít người cầm bút chuyên nghiệp và gắn bó lâu dài với nghề, chưa có chiến lược phát triển đội ngũ

Cũng như tình trạng chung của cả nước, ở Thái Nguyên, lực lượng viết phê bình văn học mang tính chuyên nghiệp chưa nhiều. Các tác giả phần nhiều hướng đến nghiên cứu văn học để phục vụ việc giảng dạy - học tập theo chương trình đào tạo của nhà trường chứ không chú tâm viết phê bình để phục vụ nhu cầu của bạn đọc, đáp ứng sự phát triển của đời sống văn học. Việc đào tạo đội ngũ làm nghiên cứu, phê bình văn học còn rất nhiều giới hạn;   

Các cơ sở giáo dục đại học có chuyên ngành Văn học hầu như chưa chú trọng xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ làm nghiên cứu, phê bình văn học. Ngay cả việc đào tạo nguồn nhân lực giảng dạy, nghiên cứu văn học cũng còn rất nhiều giới hạn bởi chương trình lạc hậu, xơ cứng, chưa phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, nhất là khi chúng ta đang bước vào thời đại cách mạng công nghệ mới, vì thế cũng chưa mở ra cho người học nhiều cơ hội được sáng tạo, học hỏi vươn lên để chinh phục những lý thuyết mới của phê bình văn học nhân loại. Tri thức phong phú, vốn sống, vốn văn hóa, sự nghiệm sinh cá nhân… cần phải được xem là cơ sở quan trọng để “hành nghề” phê bình. Cái thiếu hụt nhất của nghiên cứu, phê bình thời kỳ này là nhiều người làm phê bình nhưng chưa quan tâm đến vai trò then chốt của các cơ sở lý thuyết khoa học về phê bình văn học trong việc đánh giá thẩm định các hiện tượng văn học. Nếu thiếu đi chiều sâu học thuật trong các bài phê bình, các luận giải của nhà nghiên cứu, phê bình sẽ rơi vào tình trạng chủ quan, chông chênh, khó thuyết phục người đọc. Tình hình trên cho thấy muốn có một đội ngũ làm công tác nghiên cứu, phê bình mang tính chuyên nghiệp là một vấn đề không đơn giản. Muốn xây dựng đội ngũ, trong các trường đại học có đào tạo ngành văn học cần có chiến lược, chính sách trọng dụng những người có thực tài và có năng khiếu văn học nghệ thuật, tạo điều kiện và cơ hội cho họ được học hành bài bản về lý luận, phê bình văn học nghệ thuật và ứng dụng những kiến thức về lý thuyết trong cảm thụ và bình giá các hiện tượng văn học; tạp chí Văn nghệ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, tạp chí Nghiên cứu khoa học của Đại học Thái Nguyên phải là diễn đàn tăng cường chuyển tải những nghiên cứu mới, nhiều ý tưởng sáng tạo.

b/ Tính học thuật trong nhiều nghiên cứu, phê bình văn học chưa cao

Bên cạnh nhiều tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học có chất lượng, cũng cần thấy trong thời gian qua, phê bình văn học ở Thái Nguyên vẫn còn xuất hiện đó đây những tác phẩm chưa đạt chất lượng, những bài viết nghiên cứu, phê bình nhạt nhẽo, vô bổ, hời hợt. Vì vậy, người viết nghiên cứu, phê bình văn học cần không ngừng trang bị kiến thức nền về triết học và mỹ học, có kiến văn phong phú, có hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc và nhân loại, có năng lực diễn đạt đúng phong cách ngôn ngữ khoa học, có bản lĩnh để lựa chọn đối tượng nghiên cứu thì tác phẩm mới có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Mọi kiểu nghiên cứu, phê bình “tán gẫu”, phê bình “xu phụ” khen chê thiếu căn cứ, thiếu cơ sở khoa học, không dựa trên một nền tảng lý thuyết nào đều nhạt nhẽo và sẽ nhanh chóng bị rơi vào sự lãng quên của người tiếp nhận. Không ý thức được điều này các tác phẩm nghiên cứu, phê bình sẽ chỉ là những văn bản vô hồn được/ bị bao phủ bởi lớp bụi thời gian trên các giá sách chứ không bao giờ được người đọc tiếp nhận để tiếp tục “đồng sáng tạo”.

III. Kết luận

Hai mươi năm đầu thế kỷ XXI (2000-2020) có thể là giai đoạn đánh dấu một bước chuyển biến về chất trong sự đổi mới hệ hình tư duy nghiên cứu, lý luận - phê bình của những người làm nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học ở Thái Nguyên. Hai mươi năm trên hành trình đổi mới, Nghiên cứu, lý luận - phê bình học của các tác giả Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần cùng nền văn học nước nhà hướng tới việc xây dựng một nền lý luận - phê bình văn học mang tính dân tộc, tính hiện đại, tính khoa học và tính nhân văn sâu sắc. Song, nghiên cứu văn học, nghiên cứu lý luận và viết phê bình văn học nghệ thuật có một đặc thù riêng, khác với sáng tác văn học, người làm nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học bên cạnh thiên năng còn phải được học hành và đào tạo toàn diện, nghiêm túc, bài bản. Dó đó muốn tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ làm nghiên cứu, lý luận - phê bình cần phải bắt đầu từ việc chú trọng đào tạo và sử dụng con người. Làm được như vậy, chắc chắn trong tương lai, Thái Nguyên sẽ có một đội ngũ nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học đáp ứng được kỳ vọng của công chúng tiếp nhận trong thời đại lịch sử mới của đất nước - thời kỳ hội nhập và phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa./.

Chú thích:

(1). Nguyễn Kiến Thọ, (2014), Thơ ca dân tộc H’Mông từ truyền thống đến hiện đại, Nxb.ĐH Thái Nguyên, tr.234.

(2), (3), (4). Trần Thị Việt Trung, Nguyễn Đức Hạnh (Đồng chủ biên), (2014), Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb. ĐH Thái Nguyên, tr. 541, 550, 682.

Phụ lục

Biểu thống kê tác phẩm nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học của các tác giả Thái Nguyên đã xuất bản (2000 - 2020) 

TT Tác giả/Nhóm tác giả/ Chủ biên

(Xếp theo ABC)

Tên tác phẩmNăm

xuất bản

Nơi

xuất bản

Ghi chú
TÁC GIẢ
1Hồ Thủy GiangVăn học Thái Nguyên - Tác giả và tác phẩm2004Nxb. Văn hóa Dân tộc 
Thái Nguyên - một dòng chảy văn chương2010Nxb.

Hội Nhà văn

 
Thơ chọn và lời bình2012Nxb.

Hội Nhà văn

Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012 - 2016
Vẻ đẹp của văn chương2020Nxb.

Hội Nhà văn

 
2Nguyễn Đức HạnhTiểu thuyết Việt Nam 1965 - 1975 nhìn từ góc độ

thể loại

     2007Nxb.

Giáo dục,

Hà Nội

 Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2007 - 2011
Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của Chu Lai2014Nxb. ĐH

Thái Nguyên

 
3Vũ Thị HạnhTư duy nghệ thuật tiểu thuyết của một số nhà văn nữ Việt Nam hải ngoại2019Nxb.

Hồng Đức

 
4Cao Thị HảoNgôn ngữ nghệ thuật trong văn xuôi Quốc ngữ Việt Nam (giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX)2017Nxb.ĐHQG

Hà Nội

 
Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, từ một

góc nhìn

2018Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội 
Văn xuôi Việt Nam đầu thế kỷ XX từ góc nhìn văn hóa2019Nxb. ĐH Thái Nguyên 
5Dương Thu HằngTrương Vĩnh Ký và bước khởi đầu đời sống văn chương hiện đại2015Nxb.ĐHQG

Hà Nội

 
6Cao Thị HồngMột chặng đường đổi mới lý luận văn học Việt Nam (1986-2011)2011Nxb. Hội Nhà Văn, Hà NộiGiải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2011;

Giải thưởng VNNT Thái Nguyên (2007 -2011)

Lý luận - phê bình văn học đổi mới & sáng tạo2013Nxb. Hội Nhà văn, Hà NộiGiải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2013;

Giải thưởng VNNT Thái Nguyên (2012 -2016)

Lý luận - phê bình văn học: Một góc nhìn mới2017Nxb. Hội Nhà văn, Hà NộiTặng thưởng của Hội đồng LLPBVHNT

TW năm 2017

Những vẻ đẹp văn chương2020Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội 
7Hà Xuân HươngMối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội về người anh hùng lịch sử của dân tộc Tày ở vùng

Đông Bắc

2015Nxb.KHXH, Hà Nội 
Dân ca trữ tình sinh hoạt của người Tày và người Thái - sự tương đồng,

khác biệt

2020Nxb. Văn hóa dân tộc,

Hà Nội

Giải thưởng Hội VNDGVN
8Nguyễn Thị Diệu LinhTheo những trang thơ2014Nxb.

Hội Nhà văn

 
Thơ Chế Lan Viên trong tiến trình đổi mới văn học

Việt Nam

2018Nxb. ĐH Thái Nguyên 
9Nguyễn Văn Long

Nguyễn Thị Diệu Linh

(Đồng tác giả)

Những chặng đường thơ2003Nxb.Giáo dục 
Cảm nhận thời gian2010Nxb.

Hội Nhà văn

 
10Ma Trường NguyênTrên cánh đồng chữ nghĩa2011Nxb. ĐH Thái Nguyên 
Các nhà văn nói

về nghề

2013Nxb. ĐH Thái Nguyên 
11Nguyễn Huy QuátNghiên cứu văn học và dạy học văn2008Nxb. ĐH Thái Nguyên
Nghiên cứu, phê bình một số tác giả văn học ở Thái Nguyên và trong nhà trường2018Nxb. ĐH Thái Nguyên
12Lâm TiếnVăn học và miền núi2002Nxb Văn hóa dân tộc 

 

Tiếp cận văn học dân tộc thiểu số2011Nxb.

Văn hóa TT

Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên (2007- 2011)
13Vũ Đình ToànĐọc và suy ngẫm2010Nxb.ĐH Thái Nguyên
14Phạm Thị Phương TháiCống hiến của Nguyễn Trãi đối với nền thơ dân tộc viết bằng tiếng Việt2015Nxb.ĐH QG, Hà Nội
15Ngô Thị Thu TrangNghiên cứu văn bản Thư trì thi tập của Vũ Phạm Hàm2018Nxb.ĐH Thái Nguyên
16Nguyễn Kiến ThọThơ ca dân tộc H’Mông từ truyền thống đến hiện đại2014Nxb.ĐH Thái NguyênGiải thưởng VNNT Thái Nguyên (2012 -2016)
17Trần Thị Việt TrungLịch sử phê bình văn học Việt Nam hiện đại (Giai đoạn đầu thế kỷ XX đến 1945)2002 (tái bản 2011, 2015)Nxb. ĐH Thái Nguyên
Nghiên cứu, lý luận phê bình về văn học dân tộc thiểu số2016Nxb. ĐH Thái NguyênGiải thưởng VHNT Thái Nguyên (2012 – 2016);

Tặng thưởng của Hội đồng LLPBVHNT

TW 2017

18Phạm Văn VũNgẫu luận2010NXB

Hội Nhà văn

Giải thưởng VHNT Thái Nguyên (2007 – 2011)
19Nguyễn Kiến Thọ Phạm Văn VũChân dung chữ - một số ký họa văn học2017Nxb.ĐH Thái Nguyên
NHIỀU TÁC GIẢ/ CHỦ BIÊN
20Cao Thị Hảo (Chủ biên)

Đào Thủy Nguyên

Văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại2020Nxb.Hội Nhà văn, Hà Nội 

 

21Nguyễn Đức Hạnh (Chủ biên)

Tác giả tham gia thực hiện

Nguyễn T.Bích Hường

Phạm Văn Vũ

Nông Lan Hương

Sùng Thị Hương

Nguyễn Nhật Huy

Nguyễn Văn Trung

Văn học địa phương miền núi phía Bắc2015Nxb.ĐH Thái NguyênGiải thưởng VHNT Thái Nguyên (2012 -2016)
22Đào Thủy Nguyên

(Đồng chủ biên)

Suy nghĩ từ những trang văn2002Nxb. Giáo dục. Hà Nội
23Đào Thủy Nguyên (Chủ biên)Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số

Việt Nam

2014Nxb.ĐH Thái Nguyên
24Trần Thị Việt Trung (Chủ biên)

 

Hình tượng nhân vật phụ nữ trong văn xuôi Việt Nam

hiện đại

2008Nxb.ĐH Thái Nguyên
25Trần Thị Việt Trung (Chủ biên)

Tác giả tham gia

thực hiện:

Nguyễn Duy Bắc

Lâm Tiến

Nguyễn Kiến Thọ

Nguyễn Thúy Quỳnh

Nguyễn Thế Thành

Vũ Thị Vân

Nguyễn Phương Ly

Bản sắc dân tộc trong thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (Khu vực phía Bắc Việt Nam)2010Nxb. ĐH Thái NguyênGiải thưởng VHNT  Thái Nguyên (2007 – 2011)
26Trần Thị Việt Trung

Cao Thị Hảo

(Đồng chủ biên)

Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại – một số đặc điểm2011Nxb. ĐH Thái Nguyên
27Trần Thị Việt Trung

(Chủ biên)

Xứ Lạng và nhà tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Trường Thanh2011Nxb. ĐH Thái Nguyên
28Trần Thị Việt Trung (Chủ biên)

Nguyễn Thị Thanh Tuyền

Nghiên cứu, lý luận phê bình văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại - Diện mạo và đặc điểm2013Nxb. ĐH Thái Nguyên
29Trần Thị Việt Trung

Nguyễn Đức Hạnh

(Đồng chủ biên)

Tác giả tham gia thực hiện:

Đào Thủy Nguyên

Nguyễn Thị Bích Dậu

Cao Thành Dũng

Nguyễn Thị Thu Duyên

Nguyễn Thị Thu Hiền

Lê Thị Bích Hồng

Mai Việt Hồng

Mai Liễu

Nguyễn Phương Ly

Nguyễn T.Hồng Nhung

Nguyễn Thế Thành

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thanh Thủy

Hoàng Thị Kiều Trang

Bùi Thu Trà

Vũ Thị Vân

Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam truyền thống và

hiện đại

2014Nxb. ĐH Thái Nguyên

 

PGS.TS Cao Thị Hồng

(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy