Nghi lễ Rjoọng khoăn vjài (gọi hồn cho trâu) và rửa cày bừa của người Tày, Nùng vùng Đông Bắc
Theo phong tục nghi lễ chu kỳ bốn mùa trong năm của người Tày, Nùng tại các tỉnh vùng Đông Bắc hàng năm, vào ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch có nghi lễ "Rjoọng Khoăn vài" (nghi lễ gọi hồn vía cho trâu), gọi tắt là tết Khoăn vjài.
Đây thực chất là lễ tạ ơn trâu bò vất vả cày bừa quanh năm và “Rào Thjây phjưa” (rửa cày bừa), tạ ơn các loại nông cụ.
Từ xa xưa khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, người nông dân thực hiện mọi quy trình sản xuất nông lâm ngư nghiệp tất cả đều dựa vào kho tàng tri thức dân gian. Kho tàng tri thức dân gian được trao truyền từ đời trước cho đời sau, có chọn lọc tích lũy và phát triển theo phép loại trừ, những kinh nghiệm hay và phù hợp được lưu giữ, những kinh nghiệm nào không còn phù hợp thì được loại bỏ ngẫu nhiên.
Trước đây người Tày, Nùng chỉ cấy lúa một vụ trong năm, chính vụ cày cấy chủ yếu trong tháng Tư và tháng Năm hàng năm, cày bừa chỉ dựa vào sức con trâu, con bò. Theo tâm thức dân gian của người Tày, Nùng, con trâu, con bò đồng hành cùng người nông dân cày bừa quanh năm vất vả, tạo ra hạt ngô, hạt thóc và các loại nông sản nuôi sống con người, con trâu con bò cũng có hồn vía như con người.
Nghi lễ gọi hồn vía cho trâu của người Tày, Nùng chưa xác định được hình thành từ bao giờ. Xong, nghi lễ này được thực hiện bởi câu chuyện truyền thuyết rằng: Vào một năm nọ đang vụ cày cấy bận rộn, năm ấy mưa không thuận gió không hòa, không biết vì lý do gì mà đúng ngày 6 tháng 6 đàn trâu đang cày bừa dưới ruộng bỗng tự nhiên lăn dùng ngã quỵ hàng loạt dưới trời nắng gay gắt. Giải thích cho hiện tượng lạ này người dân cho rằng vì khí hậu khắc nghiệt, lao động cực nhọc khiến cho đàn trâu hồn siêu phạch lạc (khoăn nji đji phó), sau đó người dân phải sắm lễ vật để gọi hồn vía cho trâu, để đàn trâu khỏe mạnh trở lại. Vì vậy, các bậc tiền nhân của người Tày, Nùng đã chọn ngày mồng 6 tháng 6 nông lịch hàng năm làm ngày đặc biệt dành riêng cho trâu bò, cùng với nghi lễ Rjoọng khoăn vjai (gọi hồn cho trâu) và rửa cày bừa. Ngày 6 tháng 6 trâu bò đều được nghỉ ngơi, trâu bò được chăm sóc tốt hơn so những ngày bình thường khác, mọi hoạt đồng đồng áng của con người cũng được nghỉ ngơi trong ngày này.
Trong Nghi lễ Rjoọng khoăn vjai (gọi hồn cho trâu) và rửa cày bừa của người Tày, Nùng có nhiều phần việc cụ thể:
Đầu tiên là các nghi lễ gắn với tâm linh, nghi lễ để cúng gia tiên, cúng lễ Thần Nông, thần bảo vệ gia súc. Các đồ lễ vật đều được chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Đúng ngày 6 tháng 6 nhà nhà, bản bản đều dậy từ sáng sớm để chuẩn bị sắp lễ cho việc dâng cúng. Việc đầu tiên phải làm là gia chủ dọn dẹp chuồng trâu cho sạch sẽ, cắt giấy hồng điều (giấy đỏ) dán lên các cột chuồng trâu, dán lên sừng trâu, với ý nghĩa xua đuổi tà ma và cầu mọi điều may mắn. Lễ vật để dâng cúng trong ngày 6 tháng 6 gồm thịt vịt, “Pẻng toóc coóc vjài”, bún là các lễ vật chủ đạo cùng vàng mã, rượu, các loại quả trong vườn nhà. “Pẻng toóc coóc vjài” được gói bằng lá dong, nhân đỗ xanh và thịt lợn, nguyên liệu thì giống như bánh chưng của người Kinh, chỉ khác ở cách gói. “Pẻng toóc coóc vjài” là bánh lễ mỗi năm chỉ làm một lần, bánh này được gói có hình dáng cong cong như chiếc sừng trâu trông rất ngộ nghĩnh. Loại bánh này hiện nay đã bị mai một thất truyền, những người lớn tuổi biết gói loại bánh này đã không còn, thay vào đó người ta gói bánh ngói ít bánh chưng, ít bánh “coóc mò” cho đủ thủ tục.
Sáng ngày 6 tháng 6 gia chủ sắp đồ lễ căn đúng giờ thìn dâng lễ lên bàn thờ tổ tiên làm lễ cúng với bài khấn như sau: So ljọc vjằn njèn mò njèn vjài (mồng 6 ngày tết trâu, tết bò)/ Lục lan mì pết po tẳng thưng (con cháu có vịt đực dâng đến)/ mì coóc vjài kho khẩu pỳ pết (có bánh sừng trâu gạo nếp thơm)/ pủn hom khao khẩu sáy mạy (có bún trắng thơm gạo Sjáy mạy)/ ljày ljạy mác tềnh cáng chang suôn (các loại quả trĩu cây trong vườn)/ Pú trỏ, pú chông kin hẩu van pác (ông bà tổ tiên ăn cho ngon)/ lụm au vjài thjẩu dú tjâư ljang (rồi bảo vệ trâu mộng dưới sàn)/ lụm au vjài nó dú nả cai (rồi bảo vệ trâu nghé dưới sân)/ Bấu hjâử tua thếp chòn khảu su (không cho con ve chui lỗ tai)/ bấu hjẩư tua tjac chắp ngem kha (không cho con vắt bám kẽ chân)/ tep hjẩư mèng lài bấu chắp đăng (đuổi không cho con muỗi đốt mũi)/ tẹp hjẩư mèng phừn bấu chắp pác (đuổi không cho con ruồi đậu mép)/ Húi phấu vài tjâử ljang dú hảo (cầu đàn trâu dưới sàn khỏe mạnh)/ Húi phấu vài tềnh khau đây pjoom (cầu đàn trâu ngoài rừng bình an).
Làm lễ cúng tổ tiên trong nhà xong, gia chủ chuyển mâm đồ lễ ra ngoài sàn làm lễ cúng thần nông, thần bảo vệ gia súc với bài văn khấn như sau: Mjơi sjựa lũng sjựa làu (Mời chúa rừng chúa núi)/ Mjơi sjựa khau sjựa khuổi (Mời chúa suối chúa sông)/ Mjơi mje moóc chang bân (Mời mẹ mây giữa trời)/ Mjơi mje lôm chang hjả (Mời mẹ gió trên cao)/ Mjơi thổ công tỷ tjôm (Mời thổ công trông đất)/ Vằn so sốc bươn sốc (Ngày mồng sáu tháng sáu)/ Chảu rườn mì bôm thả (Chủ nhà có mâm đợi)/ Tằng bản mì bôm thây (Cả bản có lễ mời)/ Kin hẩu ím toọng nưa (Ăn cho no bụng trên)/ Kin hẩu pỳ toọng tẩu (Ăn cho béo bụng dưới)/ Kin dá đa tháp mừa (Ăn rồi gánh mang về)/ Cụm hẩu vjài tứn slăm (Phù cho trâu béo mập)/ Nặm bấu siểu sắc đốc (Nước không thiếu một gọt)/ Cụm lẩy cáp cụm nà (Phù ruộng và phù nương)/ Luồng khảu táy luồng khuông (Bông lúa như bông moóc)/ Tua vài táy tua chjạng (Con trâu như con voi)/ Tằng bản bấu rjàu hí (Cả bản được vui vẻ)/ Rườn rườn đảy hôn nhùng (Nhà nhà sống hòa thuận).
Sau khi đã hoàn tất việc cúng lễ, gia chủ dắt lùa trâu, vác cày bừa ra sông hoặc suối để tắm cho trâu và rửa cày bừa sạch sẽ. Trước bữa cơm trưa ngày mồng 6 tháng 6, nhà nhà cho trâu ăn trước người, người ta bón cho trâu ăn các loại bánh, bún và một chút rượu cùng câu hát mời trâu ăn như sau: So sốc bươn sốc ngám khảm mà (ngày 6 tháng 6 vừa sang tới)/ Cẩu khoăn vjài dú ljủng le mà (Chín hồn trâu ở thung sâu thì về)/ Cẩu khoăn vjài tềnh kéo lẻ tẻo (Chín hồn trâu ở trên đèo quay lại)/ Sí khoăn mà chắp khảu sí kha (Bốn hồn về bám vào bốn chân)/ Soong khoăn mà chắp khảu soong coóc (Hai hồn về nhập vào hai sừng)/ Soong khoăn mà chắp khảu soong su (Hai hồn về nhập vào hai tai)/ Khoăn thang chỏt mà chắp khảu thang (hồn cuối cùng về nhập vào đuôi)/ Mà đo mà pjoọm cẩu tua khoăn (Về đủ cả chín hồn trâu nhé)/ Mà dá le kin ngài vạ rườn lảng (Về rồi thì ăn trưa tại nhà)/ Pài hăm koi kin nhả vjài nớ (Chiều sang hãy ăn cỏ trâu nhé). Xong mọi thủ tục cho trâu mọi nhà quây quần bên mâm cỗ “So lộc”. Ngày lễ Khoăn vjài còn được coi là ngày hội của trẻ thơ, chúng háo hức làm nhiệm vụ chăn trâu, bò. Trước khi thả trâu, bò ra đồng, trẻ con được người lớn chuẩn bị cho cơm nắm, đôi đùi vịt to béo, vài chiếc bánh “coóc mò”, khi đến bãi chăn thả, nhóm trẻ góp phần ăn chung. Trong khi từng đàn trâu, bò mải mê gặm cỏ, lũ trẻ nô đùa, cùng nhau tắm mát dưới dòng sông, suối. Ngày “Khoăn vài” trâu, bò được thả rất sớm và về chuồng muộn hơn thường lệ, ngày 6 tháng 6 kiêng kị không mắng chửi, đánh đập trâu bò..., không sửa chữa chuồng trâu chuồng bò, không sửa cày sửa bừa…
Nghi lễ Rjoọng khoăn vjai (gọi hồn cho trâu) và rửa cày bừa của người Tày, Nùng vùng đông bắc là nét đẹp văn hóa truyền thống, là phong tục nhân văn cần được gìn giữ và phát huy.
Hoàng Thị Nhuận
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...