Nghe tiếng cọ gọi
VNTN - Mưa rừng cọ/ gió rừng thông… Rừng thông, sau này lớn lên tôi mới biết, còn rừng cọ… ấu thơ trong tôi là cọ.
Trẻ con vùng đồi thì chơi trên đồi. Đồi có cọ, sim, mua, đùm đũm, phèn đen, sắn sơn thuyền… toàn những thứ vừa chơi lại được ăn. Mẹ đồi sỏi đá cằn cỗi nên sinh con nào cũng thế, vừa nhú mầm đã có gai. Biết quê nghèo, lại chả xinh đẹp cao giá như “công chúa ngủ trong rừng” nên các con của mẹ phải tự ăn tự lớn. Quanh đi quẩn lại, vừa mới xuân đã sang hè; chẳng biết anh hay chị nhưng ai cũng bế một đàn quả mọng, gia đình vui vẻ rực rỡ lắm. Chim chóc véo von gọi nhau, trẻ con đi học về í ới hẹn chiều nay lên đồi. Chơi trận giả, bắt tổ chim, hay đơn giản chỉ hò la cho khỏe cái giò, mồ hôi vui sướng ra. Chơi mệt thì ăn ngay quà đồi, gọi là tí bồi dưỡng. Sim, mua, phèn đen, sắn sơn thuyền ăn cái đánh dấu “đây là bạn” ngay. Bạn mình dứt khoát phải đen răng đen môi, một tí vào nhau để nhớ thôi mà, như chơi tú quệt nhọ nồi cho giống con ma lem mới yêu. Thân với nhau thì mới ăn nhau, thấu cái vị ngọt ngọt bùi bùi chan chát của nhau. Đồi với người là thế.
Ảnh: An Sơn
Cọ là anh cả của đồi. Năm này qua năm khác, suốt ngày đêm lắc lư trên cao. Anh ấy làm gì trên đó nhỉ? Anh chơi với mây, với nắng, với gió không chơi với bọn mình à; hay là anh buồn rầu, thất vọng điều chi. Ứ phải, nói bé thôi, anh ấy làm việc nhớn đấy. Này xòe ô che nắng, này xem mây dự báo thời tiết, này ngả nghiêng khản giọng bắc loa “địch vận” hướng bão, bảo thôi thôi đừng rửng mỡ nữa...
Những ngày hè oi nồng, mong nhất là tin mưa. Người, trâu bò, chó gà, cây cối… thỉnh thoảng lại nhìn nhau hỏi món, này bao giờ mưa đấy, hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai, đi mà hỏi anh cọ. Anh cọ hiểu lắm, những tiếng xạc xào từ dưới lên, bao nhiêu cây lá đợi rửa mặt, bao nhiêu nương sắn nương ngô đồng lúa… đợi đạm trời. Tất cả trông vào anh, nhìn lên, ngóng tin. Nhưng anh bình tĩnh, chín chắn lạ. Nheo những tua rua, dõi lên cao tít, thấy có vệt đen, lúc cả dòng mây chạy đuổi như bắt cướp, rồi mưa lộp bộp… anh mới giương mặt trống lên. Mưa, những hạt mưa làm cái dùi cứ sẵn đám trống xanh xanh xòe căng mà đánh. Vui hết cỡ. Một lúc, anh thấy cuống mình bé quá, mảnh mai quá, anh gồng lên một lực. Trống lá căng hết cỡ, hạt mưa vừa chạm, đã ố ồ ồ lên, vang động. Thật là một cái tăng âm tuyệt vời. Một to thành trăm, hai to thành nghìn. Cả rừng cọ đồng thanh tương ứng, cả triền đồi ầm ầm ầm, hò la khoái trá, cứ như là mưa cả nước tập trung về. Mấy ả gà mái đang ăn bên dưới quác quác hoảng hốt. Mấy anh trống mào đã tím tịm lại nhưng cố tỏ ra đàn ông đàn ang bảo, thường thôi mà, không biết người có câu “Mưa rừng cọ à”, việc quái gì làm như cháy nhà thế.
Tính cọ là vậy, ăn ít nói lớn, hay… “nâng cao, quan trọng hóa vấn đề” cốt để cho núi rừng vui lên thôi, chả dọa nạt ai cả. Cọ là người bạn rất chi là tri kỷ với con người. Nhà mình có cái gì, người cần gì cho hết, chả tiếc.
Lá cọ trưởng thành, với con người là công to việc lớn. Ấy là việc lợp nhà. Đầu tiên là đi gánh cọ từ đồi (đã được bó thành bó, xếp thành cầu) về. Những ngày chưa xa và ngay cả nhiều vùng nông thôn bây giờ, khi có công to việc lớn, phải nhờ nhau giúp, không được thuê mướn. Nhà chủ, một hai trưa tối hôm trước đi nhờ trong xóm hẹn ngày ấy… giờ ấy… vào đấy… gánh cọ giúp em. Y hẹn trưa hôm ấy, thanh niên cả xóm đã í ới gọi nhau. Đòn gánh cọ là đòn xóc, nhọn hai đầu để đâm vào hai bó cọ. Thường chưa hết buổi trưa việc gánh cọ đã xong. Và cũng thường, có người chậm chân một tí phải về không vì… lắm người đi giúp quá. Giúp nhau những lúc việc lớn như thế này không đi vì lí do gì cũng áy náy.
Mái lợp lá cọ cầu kì hơn so với lợp gianh, rơm rạ. Từ dưới lên là đòn tay, dui, mè, ô từng ô, mỗi ô sẽ có một lá vào làm nhiệm vụ. Ngày lợp nhà là ngày của cả họ, cả xóm. Người trên mái, người dưới đất, chỉ chỏ, gọi nhau í ới. Người trên mái toàn đàn ông, những tay lợp đã trải qua bốn năm chục mái nhà. Lợp cọ phải đảm bảo vừa bền chắc vừa thẩm mỹ. Đầu tiên tầu cọ rút ra, để ngửa, tung duỗi xuôi, rồi bóp đầu tẽ lấy hai rảnh, cho chui xuống mè. Người dưới bao nhiêu là việc - dọn cọ cũ bó xếp lại, đưa cọ mới lên, nhìn ngắm điều chỉnh mái cho thẳng hàng… Việc cuối cùng là cắt mái, lại tay cắt cỡ nhắm mắt cũng thẳng phẳng. Xoèn xoẹt xoèn xoẹt, sau đường dao mái đẹp hiện ra, dày mười lăm, hai mươi phân. Nhà này ít nhất cũng 15 năm nữa mới phải lợp lại. Cũng có nhà khó khăn, phải lợp chài (lợp tạm, lợp thưa) để vài ba mùa mưa nắng phục hồi kinh tế sau làm nhà đã.
Đông ấm hè mát là điểm chung của những ngôi nhà truyền thống. Với nhà lá cọ càng ấm cúng hơn bởi những món ăn từ cọ. Cữ tháng 11, tháng chạp là mùa quả cọ. Lá cọ xanh đã đẹp rồi nhưng xanh màu quả cọ thì khó diễn tả thành lời lắm. Màu xanh như pha xanh lá, xanh trời, xanh các loại lá khác và nâu đất đồi vào. Một lớp phấn mịn màng bao quanh, mấy giọt sương vệt vệt trên quả nhìn đã muốn nếm luôn. Nhưng lấy quả cọ không được vội vàng phải từ từ cẩn thận. Cây cọ ăn được quả, quả ngon là cây 12, hơn 12 lá; nghĩa là nó sinh ra từ một gia đình truyền thống, đầy đủ sung túc. Xuất thân như thế quả mới bùi béo dẻo, không sượng không sâu.
Đường lên buồng cọ cũng là một hành trình gian nan đòi hỏi khéo léo, kinh nghiệm. Người trèo lên ngọn cỡ chục, hơn chục mét bằng loại thang một cây tre, gần như dựng đứng. Lên cao dễ bị choáng, lại những gai ánh như nanh thú, lại gió mùa đông bắc hun hút hun hút… tất cả dồn vào cái đầu bình tĩnh và đôi chân cứng cáp. Đến buồng, công việc đã đạt 90 %, chỉ còn chặt, đỡ; đưa xuống nhẹ nhàng bằng sợi dây thừng. Buồng cọ từ từ hạ cánh, người dưới đất nhanh chóng đón đỡ và không quên giữ thang cho người “trên trời” xuống.
Quả cọ không như đa số loại khác ăn tươi được tại cây. Nếu nhoàm nhoàm tại trận thì ôi thôi thôi… “chát xít như đít ông bụt”, mặt nhăn mồm há, á à, nhổ vội. Quả phải ỏm trong nước nóng già (tầm 70 - 80 độ C), ấy là nói thế cho dễ định chứ ai “người đời” máy móc mà đo, chỉ bàn tay nhúng vào, thấy bỏng bỏng vẫn chịu được là vừa. Quả cho vào nước nóng như thế tầm mươi mười lăm phút là chín. Nhìn nồi cọ ỏm mà nước chân răng bắt đầu tứa, ngon ngon bắt đầu rinh ran trong mồm trong họng. Đấy lớp nước mặt vàng óng ánh như mỡ gà. Thò tay vào thì, ối giời ôi… ai lại luộc con gà béo vào đây! Gà đâu mà gà, khoe khéo quá, nào đổ ra ăn đi, sốt hết cả ruột. Cọ ra rổ, khói bay ngào ngạt đậm đậm, ngậy ngậy, xoắn xuýt tít mù đầu lưỡi. Nhè nhẹ bửa ra, ăn nhanh rồi chậm lại, còn đưa cho mắt ngắm. Mỡ gà này, mây chiều này, hoa cúc này… bao nhiêu màu vàng ấy đem so sánh thì chẳng cái nào đúng với thịt quả cọ. Trong vàng này có tiếng gọi - ngon đây… ngon đây… trong vàng có những sợi tơ cong vồng dáng quả càng thêm đậm đà lưu luyến. Được chén quả cọ chuẩn như thế dễ phát sốt phát rét. Ý này thì nghĩa đen đấy, không văn bay lên tí nào đâu. Cảm giác ngây ngấy, thèm bếp lửa, thèm cái ôm bao quanh rổ cọ. Các mạch máu cũng nôn nao, tâm trạng. Y như là sốt nhưng sốt sung sướng, vừa ăn vừa nhìn nhau mãn nguyện.
Ngoài cọ ỏm phổ biến còn có quả cọ muối, để ăn cơm… uống rượu. Làm cọ muối thì lâu công bỏ vỏ. Cọ lấy về cho vào cái rổ xảo độn cùng que nứa và xóc lên. Quả cọ bị lên xuống, xoay trái xoay phải, lắc lộn tứ bề thì lựt hết vỏ đi. Như thế là cơ bản xong rồi, chỉ việc nhặt quả vào vại, rắc muối đều ba bốn hôm là ăn được. Chua chua, bùi bùi, ngậy ngậy đảm bảo bây giờ có món cọ muối mà uống bia thì các hãng nem nổi tiếng cũng hậm hực.
…Cọ đi suốt thời gian, bao cuộc đời mưa nắng bão giông. Từ quê đất tổ trung du, cọ có mặt khắp nơi, Việt Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc…; nơi nào cũng yêu đất yêu người. Cọ là em của cây tre Việt Nam, “rễ siêng chẳng ngại đất cằn”, đâu đâu cũng cây cao lá tốt. Quạt cọ, nón mũ cọ, áo tơi cọ, mành cọ, móm cọ, quả cọ… dâng người hết thảy.
Ngói hóa, bê tông hóa, nhựa hóa… sau những cuống cuồng tốc độ đã đến kỳ ngưng lại, ngẫm nghĩ. Mấy năm nay thấy vui bởi những khách sạn sinh thái, quán cà phê… đàng hoàng mấy nhà lá cọ. Có lẽ, những gì thuộc về máu thịt, quê hương sẽ cùng ta mãi mãi.
Du An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...