
Góc biếm họa số 8 (2025)

1. Những thành tựu nghệ thuật sân khấu
Sau Chiến thắng Mùa Xuân năm 1975, bức tranh sân khấu Việt Nam trở nên đa sắc diện với sự góp mặt của nhiều cây bút tài năng ở cả hai miền. Họ mang trong mình vốn sống sâu sắc trước những biến động lớn của đất nước. Bước vào giai đoạn sau 1975, nghệ thuật sân khấu đi sâu vào khắc họa thân phận cá nhân, phản ánh những mất mát cả về vật chất lẫn tinh thần. Các tác phẩm sân khấu thời kỳ này chủ yếu tập trung khai thác đời sống nội tâm, số phận con người thông qua các mối quan hệ cộng đồng. Vấn đề tình yêu, hạnh phúc được thể hiện dưới nhiều góc độ, trong đó số phận người phụ nữ nơi hậu phương cũng như những người lính trở về sau chiến tranh trở thành chủ đề nổi bật. Bên cạnh đó, sự phát triển của cơ chế thị trường cùng ảnh hưởng mạnh mẽ của đồng tiền đối với đạo đức, gia đình, xã hội cũng được nhiều tác phẩm đề cập.
Bước vào công cuộc Đổi mới, dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nền nghệ thuật sân khấu đã có những chuyển biến mạnh mẽ; hưởng ứng tích cực Cuộc vận động sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo phát động. Các loại hình nghệ thuật sân khấu có nhiều tác phẩm mới, tạo nên một diện mạo phong phú, đa dạng và hấp dẫn.
Về hình thức thể hiện: Nghệ thuật sân khấu truyền thống luôn tập trung vào những đặc trưng cốt lõi của loại hình nhằm giữ gìn phát huy bản sắc nghệ thuật. Bên cạnh đó sân khấu kịch nói có nhiều tác phẩm với cấu trúc chặt chẽ về hành động, xung đột kịch, với nhiều tuyến nhân vật, đã mở rộng thêm các hình thức sân khấu mới như: Sân khấu nhỏ (sân khấu mini); Sân khấu thử nghiệm; Sân khấu hài; Sân khấu cà phê. Thực hiện Luật Doanh nghiệp, sân khấu đã đi tiên phong thực hiện mô hình xã hội hóa. Điển hình, tại TP. Hồ Chí Minh có gần 100 đơn vị nghệ thuật sân khấu tư nhân. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức nhiều liên hoan, cuộc thi tài năng trẻ; các cuộc Liên hoan Sân khấu quốc tế ngày càng phát triển mạnh như: Liên hoan Rối quốc tế, Liên hoan Xiếc quốc tế. Có nhà hát truyền thống liên kết với đơn vị nghệ thuật nước ngoài dựng nhiều tiết mục đi biểu diễn quốc tế. Chính phủ xây dựng Đề án Văn hóa ngoại giao, trong đó có chương trình xây dựng hồ sơ về nghệ thuật Chèo đang trình UNESCO xem xét công nhận di sản. Từ năm 2004, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Sân khấu quốc tế (ITI) với tên gọi “Trung tâm Hiệp hội Sân khấu quốc tế Việt Nam”. Hội cũng đã xây dựng đề án “Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm” được Chính phủ đồng ý phê duyệt tổ chức định kỳ 3 năm một lần, để thúc đẩy giao lưu hội nhập với sân khấu thế giới.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp nhận của công chúng và gìn giữ giá trị văn hóa, đặc biệt là sân khấu truyền thống Việt Nam, nhiều đơn vị nghệ thuật đã có những bước phát triển ấn tượng. Điển hình như: Nhà hát Múa rối Thăng Long mỗi năm tổ chức biểu diễn với doanh thu cao, được sách Guinness châu Á ghi nhận là nhà hát duy nhất sáng đèn suốt 360 ngày trong năm. Các đơn vị nghệ thuật công lập thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như Nhà hát Kịch, Nhà hát Chèo, Nhà hát Tuồng, Nhà hát Cải lương, Nhà hát Múa rối, Nhà hát Tuổi trẻ, cùng các nhà hát thuộc lực lượng vũ trang như Quân đội, Công an, TP. Hà Nội, Cải lương Trần Hữu Trang TP. Hồ Chí Minh có nhiều tác phẩm sân khấu chất lượng, phục vụ nhân dân và chiến sĩ ở vùng sâu, vùng xa. Thời gian qua, TP. Hải Phòng có đề án sân khấu truyền hình được xây dựng và phát sóng định kỳ hàng tháng trên Đài Phát thanh - Truyền hình của Thành phố.
Ở mảng sân khấu ngoài công lập (dịch vụ - thương mại), các đơn vị phải tự bỏ vốn đầu tư, vừa theo đuổi nghệ thuật, vừa đảm bảo thu hồi vốn và có lãi để duy trì hoạt động cũng như trả lương cho nghệ sĩ. Vì vậy, nhiều hình thức nghệ thuật ra đời nhằm thu hút khán giả và đáp ứng thị hiếu công chúng.
Về mảng sân khấu không chuyên, hoạt động diễn ra sôi nổi và đạt nhiều hiệu quả. Các tỉnh thành phố đều có trung tâm văn hóa, hàng năm tổ chức liên hoan sân khấu để các nghệ nhân tham gia biểu diễn. Những sự kiện này không chỉ tạo sân chơi nghệ thuật mà còn góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc các loại hình sân khấu dân tộc. Nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống, Nhà nước đã phê duyệt đề án “Sân khấu học đường”. Chương trình giúp học sinh trung học cơ sở không chỉ tiếp cận, tìm hiểu mà còn có cơ hội thực hành biểu diễn các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Năm mươi năm qua, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam hàng năm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các trại sáng tác. Mỗi năm tổ chức hai đợt, mỗi đợt 15 tác giả tham gia. Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức nhiều hội thảo khoa học, đặt ra những vấn đề quan trọng liên quan đến sân khấu.
Công tác nghiên cứu lý luận và phê bình sân khấu hoạt động hiệu quả, với nhiều công trình giá trị được xuất bản. Nhiều cuốn sách về lý luận và sáng tác văn nghệ sĩ đã nhận được giải thưởng cao từ Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Nhà xuất bản chuyên ngành hoạt động tích cực, xuất bản nhiều kịch bản. Nhiều công trình nghiên cứu của các nghệ sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước phục vụ cho độc giả và các đơn vị nghệ thuật, được Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật đánh giá cao và trao giải hàng năm.
Nhờ những đóng góp sáng tạo trong biểu diễn và xuất bản nhiều sách, công trình nghiên cứu lý luận có chất lượng, trong các đợt xét trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, lĩnh vực sân khấu đã được hội đồng chuyên môn ghi nhận và đánh giá cao.
2. Những hạn chế yếu kém
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức nhiều cuộc liên hoan, hội diễn để có cơ hội sáng tạo nhiều tác phẩm có chất lượng cao. Nhưng đáng tiếc, nhiều đơn vị nghệ thuật chỉ tập trung đầu tư dàn dựng tác phẩm tham gia liên hoan, nhằm mục đích săn huy chương để xét tặng danh hiệu, trao giải thưởng. Một số cuộc liên hoan, ban tổ chức lựa chọn ban giám khảo chưa đủ năng lực thẩm định tính đặc trưng, đặc thù của nghệ thuật sân khấu để trao giải; có cuộc liên hoan, ban chỉ đạo, ban tổ chức có tiết mục tham gia đều đạt giải thưởng nên có nhiều ý kiến trái chiều.
Trong các cuộc liên hoan, có tới 3/4 số vở diễn tập trung vào đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, trong khi những vấn đề thời sự nóng bỏng ít được khai thác. Hệ quả, nhiều vở diễn dự liên hoan được đầu tư tốn kém, nhưng sau đó bị xếp kho, không đi phục vụ khán giả, gây lãng phí công sức tiền của. Trong khi đó, nhiều tỉnh không đầu tư cho các đơn vị công lập dàn dựng tiết mục để biểu diễn phục vụ nhân dân.
Về cơ chế chính sách, sân khấu hiện nay đang hình thành hai mô hình sân khấu: sân khấu công lập và sân khấu tư nhân (hoạt động theo mô hình xã hội hóa). Sân khấu công lập được Nhà nước bao cấp về tài chính, tiền lương, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nhờ đó, các đơn vị nghệ thuật công lập có kinh phí để dàn dựng những tác phẩm hoành tráng, được đầu tư lớn để tham gia hội diễn, liên hoan, hội thi, theo chỉ tiêu kế hoạch, chưa quan tâm tới đối tượng khán giả. Vì vậy, khán giả quay lưng với nghệ thuật sân khấu, đặc biệt đối với loại hình sân khấu truyền thống.
Sân khấu tư nhân, do phải tự đầu tư kinh phí dàn dựng tác phẩm, có xu hướng chạy theo thị hiếu của khán giả để đạt được lợi nhuận. Vì lý do này dẫn đến việc khai thác các yếu tố thiếu lành mạnh như kịch kinh dị, sex, sân khấu ma, mà ít chú trọng đến chức năng xây dựng văn hóa con người mới.
Về lực lượng tác giả: Chưa được chú trọng đầu tư trong đào tạo nên thiếu vắng tác giả sáng tác. Nhiều loại hình sân khấu truyền thống không có tác giả chuyên nghiệp. Tác giả trẻ, nghệ sĩ biểu diễn trẻ không mặn mà với nghề vì lương không đủ cho sinh hoạt. Nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống có nguy cơ thất truyền. Lực lượng lý luận phê bình thời gian qua bị tê liệt không hoạt động… Đây là những báo động đỏ, nhưng chưa có phương hướng giải quyết.
Tình trạng sân khấu vắng khán giả xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng yếu tố chủ quan là chính. Theo nhận định của các chuyên gia, lý do sân khấu bị khán giả quay lưng là vì các tác phẩm sân khấu ra đời đang né tránh những vấn đề xã hội nổi cộm mà người xem quan tâm. Nhiều tiết mục ra đời tính chuyên nghiệp không cao, do khâu đầu tư chưa đồng bộ, từ cơ sở vật chất đến dàn dựng và quảng bá tác phẩm…
3. Một số giải pháp
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc kế thừa và phát huy các giá trị nghệ thuật sân khấu đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để sân khấu tiếp tục giữ vững vị thế trong lòng công chúng, đặc biệt trong thời đại ngày nay, có thể xem xét một số giải pháp sau:
a) Đào tạo đội ngũ
- Tăng cường đào tạo đội ngũ sáng tác, lý luận phê bình trên lĩnh vực sân khấu truyền thống.
- Mở rộng đối tượng đào tạo như: quản lý nghệ thuật biểu diễn; tổ chức biểu diễn; marketing nghệ thuật nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động sân khấu.
b) Xây dựng kênh truyền hình nghệ thuật
Xây dựng đề án mở một kênh truyền hình cho nghệ thuật biểu diễn nhằm chủ động giới thiệu bản sắc nghệ thuật, chân dung nghệ sĩ, tác phẩm mới sáng tác để quảng bá nghệ thuật rộng rãi; Giới thiệu văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam qua các kênh thông tin, góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
c) Đầu tư cho sáng tác và cơ sở vật chất
- Tổ chức các trại sáng tác, cuộc thi sáng tác về đề tài đương đại để khuyến khích những tác phẩm phản ánh đời sống xã hội.
- Đầu tư cơ sở vật chất, rạp hát, nhà hát đầy đủ phương tiện kỹ thuật hiện đại, tạo sự hứng thú trong thưởng thức và hưởng thụ của người xem; Nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và trình độ thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
d) Xây dựng đề án Sân khấu tổng hợp
Khi sáp nhập nhiều loại hình sân khấu truyền thống vào một tổ chức, cần có đề án khoa học để bảo tồn bản sắc đặc trưng của từng loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc.
Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay, cái quý nhất là những tác phẩm sân khấu có tầm vóc, hướng đến công chúng, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Với quyết tâm sáng tạo, các văn nghệ sĩ nỗ lực xây dựng nhiều tác phẩm sân khấu có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao để phục vụ nhân dân và thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 (khóa XI) của Đảng. Nghệ thuật sân khấu bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Sân khấu muốn tìm lại vị trí trong đời sống văn hóa dân tộc, đem đến cho khán giả những vở diễn lay động lòng người, đi vào cuộc sống ở nhiều cung bậc, nhiều giá trị chân thực nhất mang đậm triết lý nhân sinh. Các nghệ sĩ trên lĩnh vực sân khấu cần nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong buổi gặp đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc ngày 30/12/2024: “Văn nghệ sĩ phải không ngừng bám sát cuộc sống, hơi thở của nhân dân, hòa mình cùng đất nước, dám đi vào những vấn đề gai góc, phức tạp, nhạy cảm của cộng đồng, đến với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo, phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội”.
NSND Lê Tiến Thọ
Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, nguyên Chủ tịch Hội NS Sân khấu Việt Nam
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...