
Góc biếm họa số 6 (2025)

Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 kết thúc bằng chiến thắng lẫy lừng của Đảng, Quân đội và Nhân dân ta. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược trường kỳ và ác liệt, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đem hòa bình trên cả hai miền Nam - Bắc. Chiến thắng vĩ đại này là sự kết tinh kỳ diệu của nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất và mang tính quyết định là nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị luôn chủ động bám sát tình hình chiến trường, nghiên cứu, đánh giá kẻ thù một cách chi tiết nhằm đề ra chủ trương, đường lối lãnh đạo phù hợp, hiệu quả; xác định phương pháp tác chiến một cách khoa học; chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện cần thiết để tiến hành một cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên quy mô lớn; luôn chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong quá trình lãnh đạo.
Đánh giá kẻ thù, nghiên cứu tình hình chiến trận nhằm hoạch định chiến lược cách mạng
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, vào ngày 21/7/1954, mặc dù bắt tay ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương nhưng Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã nghiên cứu kỹ và thấy rõ bản chất, những âm mưu, tiên đoán trước những hành động xảo trá của kẻ thù, đặc biệt là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Việc nghiên cứu tình hình chiến trận cho thấy: Mỹ có dấu hiệu không chấp nhận, không thi hành các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ, đặc biệt là không chịu ký Tuyên bố cuối cùng của Hiệp định mà ngược lại còn thực hiện các hoạt động xâm chiếm miền Nam Việt Nam bằng chiến lược “Chiến tranh đơn phương”. Với thủ đoạn sử dụng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, bọn chúng điên cuồng thực hiện hoạt động “tố cộng, diệt cộng” nhằm đàn áp phong trào cách mạng, tiêu diệt các cơ sở cách mạng ở miền Nam. Cùng với các hoạt động dã man đó, chúng còn ban hành Luật 10/59 với nội dung trọng tâm là “đặt Cộng sản ngoài vòng pháp luật”, tiếp tục chia cắt đất nước ta, biến miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, dìm cách mạng miền Nam Việt Nam trong biển máu.
Trên cơ sở kết quả đánh giá kẻ thù, nghiên cứu tình hình chiến trận, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thấy: đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai không chỉ muốn tiếp tục chia cắt đất nước ta một cách lâu dài mà còn mong muốn và tìm mọi cách để ngăn chặn, không cho phe xã hội chủ nghĩa giành thắng lợi. Trước diễn biến của tình hình chiến trận, ngay từ tháng 7/1954, Đảng ta đã xác định: “Đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới và hiện đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương”. Trên cơ sở đó, Đảng đã hoạch định chiến lược cách mạng Việt Nam lúc này là: tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam một cách cẩn trọng, vững chắc, tạo thế và lực tiến đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bám sát mọi diễn biến của chiến trường, phân tích kỹ bản chất, biểu hiện, chiến lược, điểm mạnh, điểm yếu của kẻ thù và cẩn trọng so sánh tương quan giữa ta và địch, Đảng xác định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Đây là phương pháp tiến hành cách mạng phù hợp và hiệu quả nhất, nhằm đảm bảo cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong điều kiện thực tế của cách mạng và đất nước ta. Muốn vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân”.
Xác định phương pháp tác chiến phù hợp
Bằng trí tuệ sáng ngời và những kinh nghiệm quý báu có được từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kết hợp với những kết quả nghiên cứu âm mưu, thế lực của kẻ thù và tình hình chiến trường; Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam, thống nhất đất nước có thể kéo dài từ 10 cho đến 20 năm. Đây là cuộc kháng chiến trường kỳ với nhiều hi sinh và mất mát nên cần phải nghiên cứu kỹ để tìm phương pháp tác chiến phù hợp. Các phương pháp tác chiến trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ vừa mang tính ổn định, vừa có khả năng linh hoạt cao cho phù hợp với từng giai đoạn, từng điều kiện chiến trường và các thủ đoạn khác nhau của kẻ thù.
Điểm nổi bật trong phương pháp tác chiến của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ là sự kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa tiến công và nổi dậy. Phương pháp tác chiến này được sử dụng một cách triệt để vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, đặc biệt là trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là sự kết hợp khéo léo giữa những đợt tiến công mạnh mẽ thông qua các trận đánh theo hình thức hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn của bộ đội chủ lực, giáng những đòn chí tử vào các lực lượng của địch tại các đô thị, các trung tâm đầu não và các căn cứ quân sự lớn của chúng với sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng nhân dân nhằm đập tan bộ máy kìm kẹp của Ngụy quân, Ngụy quyền ở các địa phương, giành quyền chủ động và thế áp đảo đối với quân thù.
Nhận thấy lực lượng chủ lực của chúng ta đã lớn mạnh, đảm bảo yêu cầu về mọi mặt, phong trào cách mạng và khao khát giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước trong quần chúng nhân dân đã sôi sục hơn bao giờ hết; ngày 27/3/1975, Bộ Chính trị chỉ thị: “Phải nhanh chóng phát động quần chúng vũ trang nổi dậy, đập tan các lực lượng kìm kẹp ở cơ sở, chiếm lĩnh các công sở và vận động binh sĩ địch bỏ súng đầu hàng, làm tan rã các đơn vị quân ngụy”. Ngay sau chỉ thị này, mọi tầng lớp nhân dân từ nông thông đến thành thị, từ miền xuôi đến miền núi đã nổi dậy một cách mạnh mẽ, tạo điều kiện và khí thế cho quân chủ lực của ta tập trung vào các nhiệm vụ trọng yếu của cuộc tổng tiến công. “Quần chúng nổi dậy kết hợp với các cuộc tiến công của quân đội” đã nhanh chóng giành thắng lợi áp đảo, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt
Ngay từ khi xác định bản chất, thủ đoạn của kẻ thù và nhận định cuộc chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước có thể kéo dài đến hai mươi năm; Đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt tay vào việc chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc chiến trường kỳ. Việc đầu tiên là tập trung xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam. Không ngừng xây dựng, cũng cố lực lượng và huấn luyện quân chủ lực một cách bài bản, đáp ứng nhu cầu ngày càng ác liệt của chiến trường. Bên cạnh đó, Đảng còn đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng căn cứ địa cách mạng tại các địa phương, tuyên truyền nâng cao tinh thần cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, quan điểm chính trị và các kỹ năng đấu tranh cách mạng cho các tầng lớp nhân dân.
Cuối năm 1974, nhận thấy thời cơ cho một cuộc tổng tiến công và nổi dậy đang đến; Trung ương Cục miền Nam và Quân Giải phóng đã gấp rút nghiên cứu, lựa chọn các biện pháp chính trị phù hợp, chuẩn bị một cách chu đáo cho các tầng lớp nhân dân đồng loạt nổi dậy khi thời cơ đến. Thông qua đây, đã huy động được 40.000 quần chúng tham gia quá trình nổi dậy, trong đó có 7.000 tham gia nổi dậy một cách trực tiếp và công khai. “Các biện pháp đấu tranh bao gồm: ra đường phố làm công tác địch vận, phổ biến lôi kéo, tranh thủ hù dọa đối với lực lượng bảo an tại chỗ của Việt Nam Cộng hòa, thúc đẩy binh sĩ vứt bỏ vũ khí, cởi bỏ trang phục, rút khỏi trụ sở, đồn bốt, về nhà hoặc tháo chạy, ẩn náu... Sau khi Quân Giải phóng tiến vào tiếp quản các đô thị, quần chúng tiến hành dẫn đường hoặc chở bộ đội, bảo vệ nhà máy xí nghiệp, kho bãi, nhà ga, bến cảng, thu các giấy tờ, hồ sơ, hạ cờ Việt Nam Cộng hòa, kéo cờ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cử đại diện chính quyền cách mạng”...
Nhờ sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt mà trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, 7.064 xe ô tô (trong đó có 3.364 xe của Tổng cục Hậu cần và Bộ Tư lệnh Trường Sơn), 32 tàu biển, 311 toa tàu hỏa... được huy động một cách nhanh chóng vào việc vận chuyển lực lượng, vũ khí, thuốc men và trang thiết bị kỹ thuật vào chiến trường miền Nam phục vụ chiến đấu. “Việc điều chỉnh lực lượng, thay thế bố trí và bổ sung vật chất cho tác chiến được gấp rút hoàn thiện: Điều thêm ra phía trước 10.000 người, 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị có khả năng thu dung 10.000 thương binh; thành lập 8 tiểu đoàn cơ động phục vụ bốc xếp và làm đường. Để kịp bổ sung 20.000 tấn vật chất còn thiếu (chủ yếu là đạn pháo lớn và xăng dầu), Tổng cục Hậu cần đã chỉ đạo thu gom từ miền Trung, Tây Nguyên, tuyến Trường Sơn được 5.100 tấn đạn, 600 tấn xăng dầu và chỉ đạo hậu cần các đơn vị mang theo hành quân 5.000 tấn đạn, 1.500 tấn xăng dầu. Nhờ đó, chiến dịch Hồ Chí Minh đã có dự trữ 55.000 tấn vật chất các loại, đạt 90% nhu cầu tác chiến”. Đến ngày 24 tháng 4 năm 1975, các đơn vị tác chiến đã ổn vị trí tập kết, vũ khí, lương thực, thuốc men... đã được chuẩn bị đầy đủ, tất cả các hướng tiến công đã được bố trí các quân đoàn và lực lượng chỉ huy sẵn sàng chiến đấu với tinh thần quyết tâm cao độ.
Chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong quá trình lãnh đạo
Trên cơ sở chiến lược cách mạng đã được hoạch định, phương pháp tác chiến và sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo của mình. Từ tháng 7 năm 1954 đến cuối năm 1958, đứng trước tình hình sau hiệp định Giơ-ne-vơ; Đảng đã sáng suốt lãnh đạo cùng lúc thực hiện hài hòa hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam, Bắc. Đầu năm 1959, tình hình cách mạng có nhiều thay đổi, Đảng kịp thời chủ động thay đổi chiến lược lãnh đạo một cách linh hoạt. Nhanh chóng lãnh đạo cách mạng miền Nam chuyển sang kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang quyết liệt thay cho đấu tranh chính trị, giữ gìn bảo toàn lực lượng trước đây. Bằng sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong quá trình lãnh đạo, từ năm 1960 đến năm 1972, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Quân đội và Nhân dân đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, chiến dịch phá hoại miền Bắc (chiến dịch Điện Biên Phủ trên không) buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiện định Pari vào ngày 27/1/1973.
Mặc dù buộc phải rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục thủ đoạn thực hiện chủ nghĩa thực dân mới, nhằm biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới thông qua việc dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ chiến tranh. Căn cứ tình hình mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra các nhiệm vụ chiến lược cho cả hai miền Nam, Bắc và lãnh đạo quân đội, nhân dân triệt để dùng bạo lực cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên cơ sở đó, vào tháng 7/1974, Đảng chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong vòng hai năm (1975 - 1976), và nhấn mạnh: nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Bằng trí tuệ sáng ngời, kinh nghiệm, sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong quá trình lãnh đạo, cuối năm 1974 Đảng nhận thấy: thời cơ giải phóng miền Nam đã đến. Ngày 4/3/1975, quân ta tấn công cắt đường 19, 21, ngày 9/3/1975 quân ta đánh chiếm Đức Lập - Núi Lửa, cô lập hoàn toàn Buôn Ma Thuột. Ngày 10/3/1975, bốn cánh quân ta tiến công Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên. Ngày 26/3/1975, quân ta tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch và giải phóng toàn tỉnh Thừa Thiên. Ngày 29/3/1975 Đà Nẵng được giải phóng. Trên cơ sở những thắng lợi đã đạt được, ngày 14/4/1975, Đảng quyết định đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm đánh sập ngụy quân, ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu vào lúc 17 giờ ngày 26/4/1975 với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Và vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu thắng lợi của Chiến dịch.
Sau 55 ngày đêm chiến đấu thần tốc, quyết liệt, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 đã hoàn toàn thắng lợi, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra cho dân tộc ta một kỷ nguyên hoàn toàn mới - kỷ nguyên xây dựng Chủ nghĩa xã hội, phát triển trong hòa bình, thống nhất, tự do, độc lập... Đây là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, thắng lợi tất yếu của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với ý chí tự lập, tự cường dân tộc cùng những nguyên lý bất hủ “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”… Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 không chỉ có giá trị lịch sử vĩnh hằng đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa quốc tế vô cùng to lớn. Thắng lợi này đã thức tỉnh và cổ vũ mạnh mẽ cho tất cả các dân tộc và nhân dân đang bị áp bức trên khắp thế giới đứng lên đấu tranh giành lại quyền con người cho chính mình. Chiến thắng này còn là bài học kinh nghiệm quý báu có giá trị tinh thần, giá trị thời đại, đem lại cho nhân dân thế giới niềm tin vào thắng lợi của cuộc đấu tranh tự giải phóng khỏi ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam còn góp phần bảo đảm hòa bình chung trên toàn thế giới.
Nguyễn Thanh Tuấn
1 đã tặng
1
0
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...