Thứ năm, ngày 31 tháng 10 năm 2024
00:29 (GMT +7)

Nghệ thuật câu đố Tày

VNTN - Câu đố là một thể loại văn học dân gian phản ánh hiện thực khách quan theo lối nói chệch: nói A để biểu thị B. Đó là phương tiện nhận thức và kiểm tra nhận thức về các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan và có chức năng vui chơi, giải trí. Thể loại này trong tiếng Tày gọi là “Nặc”. Trong thể loại này, người ta mượn hình ảnh để nêu lên đặc điểm sự vật, hiện tượng (đố), yêu cầu người nghe gọi tên sự vật, hiện tượng (giải đố). Chẳng hạn: “Lẩư nag cải cải/ mác lải lòa têm” (Cánh đồng rộng rãi, vãi đầy quả lai = Sao trời). Đó là mặt tả, mặt biểu hiện (câu đố); “Sao trời” là mặt được biểu hiện (giải đố). Từ mặt biểu hiện suy đoán ra được đúng mặt được biểu hiện, người ta cảm thấy thú vị vì đã có một phát hiện nho nhỏ.

Dân tộc Tày, bằng tiếng Tày, có một vốn các “cằm nặc” (câu đố) khá phong phú. So với câu đố của tiếng Việt, câu đố của tiếng Tày, tiếng Nùng có nhiều nét tương đồng. Câu đố của cả hai ngôn ngữ đều là những câu ngắn gọn, mượn hình ảnh để nêu đặc điểm của đối tượng, yêu cầu người giải đố gọi tên đối tượng đó ra. Nét độc đáo của Nặc (câu đố) Tày là hình ảnh miêu tả và đối tượng đố mang đậm màu sắc vùng miền. Đó là những sự vật, khung cảnh, cách cảm, cách nghĩ… rất riêng biệt của đồng bào miền núi - điều này được quy định bởi điều kiện tự nhiên và điều kiện sinh hoạt.

Pác tua lình khửn keng/ tua cheng tua đính nặm (Trăm con khỉ leo dốc, chúng thi nhau đổ nước)

 - câu đố về cọn nước - một trong những sự vật đặc trưng cho nền văn hóa dân tộc Tày.        (Nguồn: Internet)

Về hình thức ngôn ngữ, câu đố Tày thường ngắn gọn, có vần điệu. Nhiều câu giống như thành ngữ, tục ngữ: “Đang pện ca, tha pện nộc diểng” (Thân như quạ, mắt như chim yểng - cái gì? - quả trám đen), hay “Vặt nặm khảu đông ké mí lằm, tam tuẩy khảu đông khăm mí lung” (Hắt nước vào rừng già không ướt, soi đuốc vào rừng sâu không sáng). Nếu cho câu thứ hai này là một tục ngữ thì nó có giá trị nêu lên một nhận định có tính lẽ thường, một quy luật. Nếu hiểu câu này là một câu đố thì phải tìm ra lời giải đố, nó nói về cái gì? - con vịt và cái chum. Cái khác nhau giữa tục ngữ và câu đố là ở chỗ, tục ngữ thì nêu lên một nhận định, một quy luật, còn câu đố thì miêu tả đặc điểm bằng hình ảnh để yêu cầu giải đố bằng cách gọi tên sự vật, hiện tượng.

Hình thức nghệ thuật của câu đố Tày, trước hết là giàu âm thanh. Thường mỗi câu đố tuy rất ngắn gọn nhưng được chia ra thành các vế, giữa các vế câu có vần với nhau. Lạo ké nẳng tềnh tát/ pa lát tẳng ngai (ông già ngồi trên thác, bất chợt ngã kềnh - mo nang rụng). Chính do đặc điểm có vần điệu, tạo nên tính liên kết, mà nhiều câu đố lẻ tẻ có thể ghép lại với nhau thành “bài hát đố” thường gặp trong các cuộc chơi hát đối đáp hoặc trong các lời hát then, pụt kì yên…

Có những câu đố là một bài văn vần, một liên hợp các câu đố, như :

Tua lằng khăn cón cáy

Ăn lăng sláy hơn phjôm

Ăng lăng khôm hơn nguộn

Ăn lăng uổn coóc vài

An lăng lài rằng tó

Ăn lăng có ngảu khe

(Con gì gáy trước gà

Cái gì nhỏ hơn sợi tóc

Cái gì đắng hơn lá ngón

Cái gì cong như sừng trâu

Cái gì rằn ri như tổ ong vò vẽ

Cái gì chụm lại như chài đánh cá?)

(Giải đố: chim queng quý, rêu, mật cá, trăng non, quả dây mây, mạng nhện)

Cấu tạo (đầy đủ) của Nặc (câu đố) Tày gồm bốn bộ phận: miêu tả, câu hỏi, lời giải đố, lời giải thích. Có nhiều câu đố, phần câu hỏi có mặt trong phần miêu tả: Ăn lăng mồn láng láng/ Tặt lồng moòng kháng kháng (cái gì tròn lông lốc/ Đặt xuống kêu ầm vang - cái chậu thau). Nhưng thường thì phần miêu tả và phần hỏi tách biệt nhau. Câu hỏi trở thành bộ phận riêng biệt nằm ngoài phần miêu tả: Tua hán cò rì/ chin kỉ lai tố mí hăn pì - le ăn lăng? (Con ngỗng cổ dài/ Ăn mấy cũng không no - là cái gì? - cái chày giã gạo).  Phần giải đố (kẻ nặc) là từ ngữ gọi tên sự vật hiện tượng mà lời đố đòi hỏi. Đôi khi người đố hoặc người giải đố giải thích thêm về lời giải.

Đề tài (phần giải đố) của những Nặc Tày là những sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên, trong đời sống quen thuộc của người nông dân miền núi. Qua các câu đố và những lời giải đố, chúng ta có thể thấy được khung cảnh sinh hoạt, công việc làm ăn và cả nền văn hóa của dân tộc Tày. Đề tài của Nặc Tày bao gồm những nhóm đối tượng sau:

- Các hiện tượng thiên nhiên, vũ trụ (ví dụ như: sao trời, sấm chớp, mặt trời, mặt trăng…).

- Động vật và thực vật (con dơi, con muỗi, con đỉa, cây chuối, giàn mướp….).

- Con người, các bộ phận cơ thể và hoạt động của người (cái tai, đôi chân…).

- Các sự vật sự việc mang giá trị văn hóa vật chất và tinh thần (cọn nước, gác bếp, khuy áo, hút thuốc lào…).

- Công việc lao động sản xuất (cấy lúa, đánh cá, gặt lúa, dệt vải…).

Tất cả những đối tượng trên đều là các sự vật, hiện tượng quen thuộc của người nông dân miền núi. Qua các đề tài nêu trên, có thể thấy óc quan sát của người dân đã chú ý tới mọi mặt của đời sống, từ thiên nhiên đến các sự vật hiện tượng xung quanh, đến công việc lao động sản xuất thường ngày.

Cái hay, độc đáo của câu đố là ở chỗ người dân đã quan sát, phát hiện những đặc điểm hình thức của các sự vật, hiện tượng quen thuộc và thể hiện những đặc điểm ấy bằng những hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa, vật hóa, so sánh, để khi câu đố được nói lên là sự miêu tả sự vật, hiện tượng này mà người giải đố phải liên tưởng, tưởng tượng ra sự vật hiện tượng khác, gọi tên sự vật, hiện tượng đó bằng từ ngữ thông thường. Cái thú vị của câu đố chính là ở chỗ tạo ra được những liên tưởng bất ngờ giữa câu đố và lời giải đố, tức là liên hệ những hình ảnh miêu tả với sự vật đố. Chẳng hạn, hình ảnh những con khỉ leo núi, thi nhau đổ nước khiến người ta liên tưởng tới cái cọn nước. Thiết lập được mối liên hệ này có nghĩa là giải đố đúng. (Pác tua lình khửn keng/ tua cheng tua đính nặm (Trăm con khỉ leo dốc, chúng thi nhau đổ nước = Cọn nước). Người đố phải quan sát kĩ đối tượng đố, từ đó tìm ra cách miêu tả đặc điểm của đối tượng bằng những hình ảnh để “đánh lừa” người giải đố. Đến lượt người giải đố lại từ những hình ảnh được miêu tả mà tìm ra đối tượng đố. Đố và giải đố là hai quá trình tư duy trái ngược nhau. Câu đố là một trò chơi mang tính trí tuệ, là phương tiện nhận thức và kiểm tra nhận thức là vì vậy.

Để tạo nên các hình ảnh đố, câu đố Tày có nhiều phương thức khác nhau. Có câu đố dùng lối tả để nêu lên đặc điểm của đối tượng đố. Từ những đặc điểm miêu tả này người giải đố gọi ra tên đối tượng đố. “Bên pền nộc, tốc pền nu. Cạ nộc dạu mì xu, cạ nu dạu mì píc” (Bay thành chim, rơi thành chuột. Nói là chim lại có tai, nói là chuột lại có cánh. Là con gì? - con dơi). Mừ mền căm bỏ khoác/ pác mền ôm bỏ nam/ Hang mền lạc bâư cọ/ Khỉ mền sle nưa hua (Tay nó cầm bó chông/ Mồm nó ngậm bó gai/ Đuôi nó kéo lá cọ/ Cứt nó đội trên đầu - là con gì ? - con tôm).  Chiếm tỉ lệ lớn hơn là câu đố dùng lối miêu tả - so sánh, tức là tả đối tượng bằng cách so sánh với sự vật hiện tượng khác:

Kha pền kha pết

Nựa bặng nựa cáy

Năng tồng năng vài

Hua bặng hua ngù

Chắc khốp mí chắc vèo

(Chân như chân vịt

Thịt như thịt gà

Da như da trâu

Đầu như đầu rắn

Biết cắn không biết kêu - con ba ba)

Lối so sánh như vậy khiến cho câu đố tạo nên hình ảnh “đánh lừa” được người giải đố.

Bát năng bặng tu mèo

Bát tèo táy phưn tẹm

(Khi ngồi bằng con mèo,

Khi nhảy bằng tấm phên)

“Ngồi”, “nhảy” là hành động của người và động vật. Nếu người giải đố không tinh ý và cứ đi tìm con vật thì không giải được câu đố. Lời giải đố: “cái chài đánh cá” có giá trị như một phát hiện bất ngờ. Cái hay, thú vị của câu đố là ở chỗ đó.

Sự so sánh trong câu đố cũng rất linh hoạt. Có khi sự so sánh dựa trên sự tương đồng về hình thức: Kho pên ăn éc/ au lồng héc mền đeng (Cong như cái ách. Cho vào chảo thì đỏ - con tôm). Có khi sự so sánh lại dựa trên sự tương đồng về tư thế, động tác: Tằng nâư pây fầm fầm/ tằng căm mà rọi rọi (Buổi sáng đi rầm rầm/ chiều về đi lè lặc - con vịt). Có khi cách so sánh của câu đố lại dựa trên sự tương đồng về tính cách, trạng thái hay tập tính: Tua mu pác nhi nồm/ tò cheng pây xồm xồm.  (Con lợn trăm hai vú/ Đua nhau đi rầm rầm - cái giá suốt chỉ).

Phổ biến nhất của câu đố Tày là miêu tả đối tượng theo lối ẩn dụ. Tác giả dân gian đã phát hiện những đặc trưng ngẫu nhiên giống nhau giữa đối tượng và cái đem ra miêu tả, để dùng cái đem ra miêu tả mà đánh đố người giải đố. Phải nói rằng sự liên tưởng giữa cái đem ra miêu tả và đối tượng đố rất linh hoạt, bất ngờ. Câu đố có thể lấy đồ vật này để biểu thị cho đồ vật khác, lấy đồ vật để biểu thị người, hoặc dùng người để biểu thị đồ vật.

Phải kheo ben phải khao

Phải khao ben xì xào

Xì xào ben xá củng - (ăn lăng?)

Khăn xanh bọc khăn trắng

Khăn trắng bọc khăn lụa

Khăn lụa gói đàn tôm (Là cái gì? - quả bưởi)

Tả sự kiện, nhưng để nói về sự vật:

Mẩy slíp pù cẩu pài

Lám cái chược vài bấu mẩy (Ăn lăng?)

Cháy chín núi mười rừng

Còn sợi dây thừng không cháy (Cái gì? - con đường)

Ở những câu đố thuộc loại này, ta thấy người đố có sức tưởng tượng độc đáo: hình dung núi rừng, vì có màu xanh đen của lá cây, được ví như bãi cháy. Trên cái nền đó, con đường mòn có màu trắng, được ví như cái dây thừng. Có thể nói rằng qua các câu đố, khung cảnh thiên nhiên hiện lên với nét riêng độc đáo, chỉ có ở miền núi.

Ẩn dụ là sự thay thế sự vật và tên gọi dựa trên sự tương đồng. Câu đố Tày khai thác những nét tương đồng giữa các sự vật rất linh hoạt. Tương đồng giữa người với vật: Lạo ké nẳng tềnh tát/ pát lát tác ngai (Ông già ngồi trên thác, bất chợt ngã kềnh  = mo nang rụng). Có khi lại tương đồng về màu sắc: Nhằnng ón nung slửa khao/ pần slao nùng slửa bjoóc/ ké mà nùng slửa đeng (Lúc trẻ mặc áo trắng/ Lớn lên mặc áo hoa/ Khi già mặc áo đỏ = Quả ớt). Có khi sự liên tưởng dựa trên sự tương đồng về âm thanh:  Fầy mẩy hua/ khua rách rách  (lá cháy tóc/ cười khanh khách - điếu thuốc lào)…

Những cách so sánh ngầm của câu đố rất đa dạng và linh hoạt: Đồ vật được ví là động vật: Slam tua ngù khuết/ diết lịn tó căn (Ba con rắn ngóe/ Thè lưỡi vào nhau- cái kiềng), và ngược lại, đồ vật biểu thị cho động vật: Rườn sloong slâu sloong pài/ Đếch liệng vài mà tô. (Nhà hai cột hai mái/ Trẻ chăn trâu vào trú - gà mái và gà con). Có khi động vật, đồ vật lại được hình dung thành người (nhân hóa).  “Lạo ké cò cò/ quá nặm thuổm thâng cò” (Ông già lom khom/ lội nước ngập tới cổ = con ếch).

Rất hay gặp là các câu đố dùng biện pháp nhân hóa và vật hóa. Những sự vật, những chi tiết vốn không phải người nhưng câu đố đã hình dung chúng như người. Điều đó làm cho vật đố trở nên “bí mật”: Lạo ké héo héo/ Béc slí kép vản khảm  kéo (Ông già gầy gầy / Vác bốn tấm ván qua đèo - con chuồn chuồn). Po dú lính/ me dú lính/ nính tó căn (Chồng đứng dốc/ vợ đứng dốc/ ngoặc lấy nhau - khuy áo).

Qua những hình thức biểu đạt như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, vật hóa… hiện thực đời sống, lao động sản xuất của người dân được tái hiện rất phong phú sinh động. Và điều quan trọng hơn là sự quan sát, miêu tả các đối tượng rất tinh tế, để rồi lại thể hiện nó bằng những hình ảnh có mối liên hệ bất ngờ.

***

Nếu coi văn học dân gian là trí tuệ dân gian thì câu đố là thể loại tiêu biểu của hình thức diễn đạt mang tính trí tuệ. Đố và giải đố là một loại hình hoạt động giải trí dân gian lành mạnh và giàu chất trí tuệ. Do tính ngắn gọn nên người ta có thể “chơi” đố nhau ở mọi lúc mọi nơi. Hai hoặc vài ba người trong lúc làm việc nặng nhọc, một người nêu lên một câu đố, người khác giải đố. Thế là cả nhóm cùng cười, vui vẻ vì đã phát hiện ra cái ẩn ý đằng sau những hình ảnh đố. Có khi một nhóm vài người ngồi uống nước vui vẻ nói chuyện, cũng thách nhau giải đố. Lúc đó đố và giải đố trở thành hoạt động trí tuệ, nhận thức về đời sống, về công việc. Trong những cuộc hội hát, người ta đố nhau bằng những bài hát đố. Khi đó đố và hát đố trở thành những cuộc thi tài, thể hiện sự nhanh trí và hiểu biết. Đố và giải đố đòi hỏi liên tưởng, tưởng tượng nhanh và linh hoạt.

Tiếc rằng, trong sinh hoạt tập thể hiện nay, nam nữ thanh niên ít thi đố và giải đố.

Lương Bèn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy