Thứ năm, ngày 05 tháng 12 năm 2024
09:38 (GMT +7)

Nghệ sĩ đi “đánh thuê”

VNTN - Khoảng đầu thập kỉ 80, thế kỉ trước, một xí nghiệp chè lớn ở huyện Đại Từ mời một số văn nghệ sĩ cấp tỉnh đến làm một chương trình văn nghệ để đi dự hội diễn toàn ngành. Ba người được mời là nhà văn kiêm viết kịch Hồ Thủy Giang, nhà văn kiêm đạo diễn sân khấu Nguyễn Đức Thiện và nhạc sĩ Thanh Hương.

Nhận được lời mời của giám đốc xí nghiệp, ba chàng văn nghệ sĩ vui vẻ lên đường. Ngày ấy, xí nghiệp cấp huyện chưa có xe con nên ba chàng lên một chiếc xe ca chen chúc cùng những người đi buôn chuyến để về huyện Đại Từ.

Bến xe không xa nhưng vì phải đánh vật mấy tiếng đồng hồ với xe cộ, nên ba chàng đi như lê bước vào xí nghiệp chè. Theo sự miêu tả của người trong cuộc thì hình hài ba chàng nghệ sĩ lúc ấy có thể hình dung như thế này: Nhà văn kiêm nhà viết kịch Hồ Thủy Giang mặc một chiếc áo bảo hộ lao động sờn vai cùng chiếc túi du lịch rách. Nhà đạo diễn Nguyễn Đức Thiện tuy quần áo có khá hơn chút đỉnh nhưng trên vai lại đeo chiếc ba lô lộn bạc phếch. Còn nhạc sĩ Thanh Hương trông dáng cao ráo nhất nhưng mái tóc xoăn rối bù như tổ quạ, chắc thỉnh thoảng lắm mới có sự “giao lưu” với gương lược. Ba chàng làm vẻ …hùng dũng bước vào văn phòng xí nghiệp với tư thế của những…ngôi sao hàng tỉnh. Tất nhiên rồi!

Anh cán bộ văn phòng xí nghiệp tiếp đón rất niềm nở và có phần lễ phép. Chắc đã được ông giám đốc trước khi đi họp đột xuất trên tỉnh đã dặn dò rằng các vị khách mà anh sắp phải đón tiếp là những người rất quan trọng.

Sau tuần trà, anh cán bộ dẫn ba nghệ sĩ ra ngoài. Chắc là muốn giới thiệu quang cảnh chung của xí nghiệp để các nghệ sĩ gây được cảm hứng ban đầu.

Đến bên một cây cổ thụ phải tới bốn người ôm mới xuể, anh cán bộ khẽ nói:

 

- Cây lát này độ tuổi đã mấy chục năm. Của hiếm đấy các bác ạ. Các bác ngắm thử, với cái cây này thì mấy ngày mới xong?

Ba chàng nghệ sĩ ngơ ngác nhìn nhau tỏ ra không hiểu. Ông giám đốc mời đến là để viết một vở kịch nói và mấy bài hát ca ngợi xí nghiệp theo kiểu “xí nghiệp ca” để đi dự hội diễn, sao lại có chuyện cây cối ở đây? Chẳng lẽ lại bị lão giám đốc này chơi xỏ?

 

Anh cán bộ không để ý nét mặt của ba vị khách, vẫn thao thao bất tuyệt:

- Tới đây, xí nghiệp sẽ làm lại toàn bộ bàn, ghế, tủ bằng cây gỗ lát này. Công việc của các bác là hạ cây xuống rồi xẻ thành tấm. Qui cách em sẽ đưa sau.

 

Chủ nhà có vẻ là người hay chuyện, nhìn ba vị khách đứng như trời trồng giữa sân, tỏ ra ái ngại:

- Vâng! Công việc rất nặng nhọc phải không các bác?…Mà trông các bác lại…không có sức vóc lắm…

 

Giống như tâm trạng hai người kia, nhà văn Hồ Thủy Giang cũng tỏ ra khó hiểu và hơi bức xúc trước đề nghị lạ lùng của anh cán bộ văn phòng, nhưng có lẽ câu chuyện đầy kịch tính này đã kích thích một tình huống văn chương nào đó nên anh cố nở một nụ cười hài hước:

- Ấy! Trông lẻo khẻo thế thôi, chứ bọn tôi dai sức lắm, công việc  này đã bõ bèn gì.

 

Anh cán bộ văn phòng rất vui vì sự nhiệt tình của khách. Còn ba vị khách thì nháy mắt nhìn nhau với con mắt… bi hài kịch.

Khi chủ và khách về tới văn phòng thì gặp một nhóm thợ xẻ đang ngồi chờ.

 

Nghe tốp thợ xẻ trình bầy, anh cán bộ văn phòng liền ngẩn mặt ra một lúc lâu. Hồi sau, anh chạy vội đến bên ba chàng nghễ sĩ, đầu lắc lắc như cối xay:

- Chết! Chết! Em nhầm! Em nhầm! Lại cứ tưởng các bác là…hóa ra…Với lại, trông các bác cũng…

Chắc là anh ta kịp phanh lại cái câu “…cũng nhếch nhác như mấy bác thợ xẻ”.

Nghe lời phân trần đầy…đau khổ của anh cán bộ văn phòng, Nguyễn Đức Thiện hơi cúi xuống. Thanh Hương thì mặt hơi vểnh lên, còn Hồ Thủy Giang thì nheo mắt nhìn ra cửa sổ.

Nghe nói lần ấy ba nghệ sĩ được nhận “cát-sê” nhiều hơn bình thường một chút. Chắc là ông giám đốc có sự đền bù về chuyện cán bộ của ông dám biến các nghệ sĩ “nhớn” thành…thợ xẻ.

 

Phạm Đức

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ký ức về một truyện ngắn

Giai thoại văn nghệ 2 tuần trước

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 7 tháng trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 1 năm trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Chuyện vui về ô tô của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước