Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
00:31 (GMT +7)
KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2024)

Nghề báo và những câu chuyện của núi rừng

Từ những ngày đầu bước chân vào nghề báo, tôi đã bị cuốn hút bởi những câu chuyện nơi núi rừng. Những con đường đèo dốc quanh co, những cây cầu cheo leo bắc qua dòng suối xiết, những bản làng khuất sau rặng núi cao và cả những thân phận đầy thiệt thòi, lam lũ… tất cả đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời làm báo của tôi.

Nghề báo và những câu chuyện của núi rừng
Khoảnh khắc thú vị khi tôi bắt gặp chú dê con vừa được sinh ra trong lần cùng đồng nghiệp đi tìm hiểu về vết nứt dài trên núi Tán, huyện Đại Từ 

Tôi đã gặp những đứa trẻ với ánh mắt ngây thơ, trong veo nhưng lại chứa đựng cả bầu trời khát vọng. Chúng vui đùa giữa thiên nhiên hoang sơ, không có những tiện nghi hiện đại nhưng lại có một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, đầy tự do và vui vẻ. Chính những ánh mắt, những nụ cười ấy đã cuốn hút tôi, khiến tôi càng muốn gắn bó hơn với núi rừng.

Tôi không nhớ mình đã có bao nhiêu chuyến đi tới các bản làng. Tôi không thể đếm có bao nhiêu câu chuyện tôi đã được nghe núi rừng “kể” lại. Có những câu chuyện vui, có những câu chuyện buồn, có những câu chuyện làm tôi rưng rưng và cũng có những câu chuyện khiến tôi không nguôi trăn trở.

Tôi đã được chứng kiến những nhọc nhằn của các em học sinh khi đi tìm con chữ nơi lưng chừng núi. Tôi đã không thể cầm lòng khi thấy hai anh em tự ở nhà chăm nhau, dắt nhau đi học vì bố mẹ các em đi làm xa một vài tháng mới về một lần. Tôi khóc cùng cô bé còn chưa kịp lớn nhưng đã phải chịu cảnh làm vợ, làm mẹ sớm tối ẵm bồng con. Tôi thương người phụ nữ goá chồng khi còn trẻ, bao đêm đối mặt với sự sợ hãi khi một mình lặn lội chốn rừng sâu canh cho đàn sóc không về phá hoa màu… Những câu chuyện của người dân nơi rẻo cao, thung sâu tựa như những sợi dây vấn vít khiến tôi càng đi càng muốn đến gần hơn để nghe và viết.

Nghề báo và những câu chuyện của núi rừng
Trò chuyện cùng người dân trên vườn hồi trong chuyến công tác tới xóm Cao Biền, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai

Tôi đã ngồi bên bếp lửa hồng, nghe cụ ông có 8 đứa con kể chuyện đời mình. Đó là câu chuyện của một người đàn ông dân tộc Mông, di cư về bản Khe Cạn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ từ hơn 40 năm trước. Khi ấy đất cằn, lại toàn khe dọc, nhiều người đến rồi lại bỏ đi vì khổ. Chỉ còn 14 hộ ở lại rồi thành xóm. Ông vận động những hộ ở lại cùng nhau cải tạo đất để trồng cấy. Bấy giờ cả xóm ăn không đủ no nên không nhà nào nghĩ đến chuyện cho con đi học. Ông thì khác. Ông không bắt các con ở nhà đi rẫy, làm nương mà cho đến trường học chữ.

Việc làm của ông khi ấy bị nhiều người khi ấy cho là không bình thường. Họ cười ông vì nhà quá đông miệng ăn, 2 vợ chồng nai lưng ra làm không xuể mà lại cho con đi học. Những lúc mệt nhọc, không thể chia sẻ được cùng ai, ông lấy chiếc khèn ra làm bạn. Cứ thế, tiếng khèn của ông vang vọng giữa núi rừng, cùng ông đi qua gian khó. Cứ thế, vợ chồng ông nuôi 8 người con khôn lớn, trưởng thành.

Trong số các con ông, người có trình độ cao đẳng, người có trình độ đại học. Phần lớn trong số họ đều là đảng viên. Người là trưởng xóm, người làm bí thư chi bộ, người là cán bộ văn hoá. Còn ông, với tình yêu ông dành cho nhạc cụ dân tộc mình, không chỉ gìn giữ, ông còn truyền dạy việc sử dụng khèn cho nhiều thế hệ sau. Với những đóng góp miệt mài ấy, ông đã được vinh danh là Nghệ nhân Khèn Mông. Tôi cảm phục vợ chồng ông, tinh thần hiếu học của các con ông. Ông đã dạy cho tôi bài học về tinh thần kiên định, không từ bỏ trước bất kỳ thử thách, gian nan nào.

Nghề báo và những câu chuyện của núi rừng
Tôi nhận được nhiều bài học cuộc sống từ những chuyến tác nghiệp nơi vùng khó 

Lại có lần, "đi theo" chương trình làm đường bê tông nông thôn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi vượt qua những con dốc như dựng đứng, dù đã cài số 1 mà động cơ xe máy vẫn ì ra không tiến lên phía trước được. Lên tới Lũng Cà, Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai cũng là lúc mắt tôi hoa, tai tôi ù và đầu óc nôn nao choáng váng. Lúc công việc hoàn thành cũng là lúc bóng tối sầm sập đến, đường đèo dốc quá nguy hiểm để xe máy có thể đi trong đêm, hơn nữa, tôi cũng muốn biết tâm trạng của bà con vào ngày đầu tiên bản có điện, có đường bê tông đi lại sẽ thế nào.

Chúng tôi được đôi vợ chồng trẻ tốt bụng ở Lũng Cà giúp dọn cái lán bỏ không sát nhà họ để chúng tôi nghỉ qua đêm. Cảm ơn sự nhiệt tình của đôi vợ chồng trẻ, thế nhưng, chúng tôi không ai dám nằm vì ngay sau bức vách tạm bợ của lán là vực sâu hun hút, phần khoảng trống ở chân vách đủ để thân hình hơn 40 kg của tôi lỡ ngủ mơ sẽ chui lọt. Sợ hơn là khi tôi được biết ở đây rắn vẫn ra đường “chơi” vào những đêm trăng sáng.

Chị chủ nhà tốt bụng cho chúng tôi mượn tấm bạt hôm đó dường như cũng vui quá mà không ngủ được. Chị tên là Lý Thị Pành. Dưới ánh trăng, chị hồ hởi kể cho tôi về kế hoạch ngày mai của mình. Vợ chồng chị đã sẵn sàng để mở cửa hàng tạp hoá. Nhà chị sẽ mua một chiếc tủ bảo ôn. Mỗi sáng, chồng chị Pành sẽ xuống phố huyện lấy thực phẩm tươi về bán cho bà con. Có điện, thực phẩm sáng bán không hết sẽ được cất trong tủ bảo ôn không lo hỏng. Vậy là người dân trong xóm đã có thể ăn cơm có thịt thường xuyên thay vì chỉ có thể ăn cơm với thịt vào ngày phiên chợ.

Gà gáy sáng cũng là lúc vợ chồng chị Pành chuẩn bị mở hàng. Tôi hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, ngắm sương như bông bay trắng mờ thung lũng. Tôi tạm biệt chủ nhà hiếu khách để xuống núi. Trước khi xe nổ máy, chị Pành còn níu tay tôi tươi cười dặn: “Về nhớ gọi điện nhé. Điện thoại của mình giờ không phải cất vào hòm vì hết pin, chờ đến chợ phiên mới sạc nhờ được như trước nữa rồi”. Gió vờn mây, mây vờn núi, tôi rời xóm với niềm hân hoan khó tả. Mừng vì có thêm nhiều người dân có điều kiện sống tốt hơn và vui vì kể từ hôm đó tôi có thêm những người bạn mới.

Nhưng không phải chuyến đi nào cũng khiến tôi vui như thế. Tim tôi như đau thắt khi hay tin một bé gái bị người đáng tuổi cha mình giở trò đồi bại. Dáng ngồi xiêu vẹo trong buổi chiều tà, đôi mắt thất thần vì thương cháu của bà nội bé như chiếc đinh rỉ găm vào da thịt tôi đau nhói. Bé con vì hoảng sợ nên nép chặt vào mẹ ở trong nhà. Nhà bé bán hàng ăn sáng. Thủ phạm là khách quen, cũng là bạn của bố em. Hôm đó cũng như nhiều hôm khác hắn đến ăn sáng và uống rượu. Hắn ngồi lai rai từ sáng tới trưa rồi say mèm và được bố em cho ngủ lại. Căn nhà gỗ tuyềnh toàng ngăn giữa chủ và khách chỉ là lớp màn cũ đã không ngăn được hành vi đồi bại của kẻ bất nhân. Em bé mới vào cấp 1 đã bị xâm hại ngay khi đang ngủ cùng bố mẹ.

Tôi xót em, tôi thương bố mẹ và bà em. Tôi tủi phận cho người đàn bà là vợ của kẻ bất nhân kia và những đứa con của gã. Khi tôi đến cơ quan công an, nghe điều tra viên hỏi hắn: Con trai ông nói là sẽ sang nhà nạn nhân để xin lỗi. Ông có muốn dặn thêm gì người nhà không. Hắn bảo: Nhắn nó đưa cả mẹ nó đi cùng, bảo bà ấy xin lỗi nhà kia để họ không kiện nữa. Đi về thì nấu gì ngon ngon để tối tôi về ăn.

Tôi nhìn rõ những tia giận dữ trong đáy mắt của điều tra viên. Anh gằn giọng: Ông có biết ông đã gây ra tội lỗi nghiêm trọng như thế nào không. Ông nghĩ pháp luật là trò đùa sao mà ông có thể đòi tối về nhà ăn cơm. Ông không thấy xấu hổ với vợ, con ông sao mà còn bắt bà ấy nấu món ngon để ông về ăn.

Nhìn gương mặt ngơ ngơ của gã, hình như gã vẫn chưa lường hết được hậu cho quả hành vi đồi bại của mình. Sự mông muội thật đáng sợ!

Nghề báo và những câu chuyện của núi rừng
Những chuyến công tác ở vùng cao luôn mang đến cho tôi rất nhiều thử thách song cũng đầy thú vị

Những câu chuyện tôi gặp trong mỗi chuyến đi khi làm lòng tôi reo vui như cành tre trên rừng gặp gió, lúc ấm áp như ngày đông được ngồi sưởi bên đống than hồng, lại có lúc nhói đau như bị tổn hại điều thân thuộc. Đó là những trải nghiệm đắt giá trong hành trình làm nghề của tôi. Mỗi câu chuyện, mỗi số phận đã dạy cho tôi những bài học quý báu về cuộc sống, về con người, về lòng kiên định và tinh thần vượt khó, về những điều xấu xí mà những người cầm bút như chúng tôi cần lên án.

Những chuyến đi giúp tôi biết trân trọng những giá trị giản đơn nhưng vô cùng quý giá. Tôi không chỉ được nghe, được thấy, mà còn được sống cùng với những câu chuyện của người dân vùng núi. Tôi cảm nhận được nỗi đau, niềm vui, hy vọng và cả những khát khao cháy bỏng của họ. Những câu chuyện ấy không chỉ là chất liệu cho những bài viết của tôi, mà với tôi đó còn là nguồn động lực và trách nhiệm của những người cầm bút.

Tôi cũng ý thức sâu sắc rằng, công việc của một nhà báo không chỉ là phản ánh hiện thực, mà còn là truyền tải những thông điệp tích cực, là cầu nối giữa các vùng miền, giữa các cộng đồng, là tiếng nói của những người yếu thế, là người bạn đồng hành cùng họ trong cuộc sống…

Nghề báo và những câu chuyện của núi rừng
Hướng dẫn các em nhỏ ở xóm Lân Vai, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai tiếp cận app học tiếng Anh miễn phí

Mỗi chuyến đi là một hành trình mới, mỗi câu chuyện là một bài học mới. Công việc của tôi còn nhiều thử thách, nhưng cũng đầy ý nghĩa và niềm vui. Tôi tự nhủ rằng, chỉ cần còn một người muốn nghe, muốn đọc, muốn biết về những câu chuyện nơi núi rừng, tôi sẽ còn tiếp tục. Bởi lẽ, đó không chỉ là công việc, mà còn là sứ mệnh, là tình yêu, là niềm đam mê của tôi.

Những câu chuyện từ núi rừng giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống, về con người và về chính bản thân mình. Tôi tự hào và biết ơn vì được làm công việc này, được sống và cống hiến vì những người xung quanh, nhất là những người quanh năm sống ở xứ sở mù sương trên quê hương mình.

Kim Ngân

(Phóng viên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

VĂN NGHỆ TUỔI HOA SỐ 21

Văn nghệ Tuổi hoa 18 giờ trước

Đặc sắc múa dân gian của người Cao Lan

Cuộc sống quanh ta 1 ngày trước

Từ triền núi cao hai mùa na kết trái

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Loay hoay xế chiều

Câu chuyện văn hóa 2 ngày trước

Đêm huyền minh

Văn xuôi 2 ngày trước