Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
03:04 (GMT +7)

Ngày Xuân thăm làng Việt cổ

Làng Việt cổ An Châu, xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên có từ rất lâu đời. Nét cổ xưa trong quần thể đình, chùa, văn chỉ với những cổ vật quí giá và nhiều ngôi nhà gỗ kẻ truyền vẫn được người dân trân trọng gìn giữ.

Theo các nguồn sử liệu: Thời Lê Trung Hưng, làng An Châu xưa là xã An Nhuyễn, thuộc tổng Hà Nhuyễn, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc. Năm 1890, tổng Hà Nhuyễn (lúc này đổi thành tổng Hà Châu), xã An Nhuyễn (được đổi là An Châu) chuyển địa giới về huyện Tư Nông, phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Từ thời kì này các văn bản hành chính có tên là xã An Châu, thuộc tổng Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Nhà tiền tế của đình
Nhà tiền tế của đình

Về thăm An Châu, chúng tôi vô cùng ấn tượng với các công trình kiến trúc truyền thống và bản sắc văn hóa độc đáo của một làng Việt cổ. Theo các vị bô lão, người xưa đã rất am tường về phong thủy nên khai khẩn lập ấp, dựng làng trên thế đất đẹp nằm ở vị trí long mạch tạo cát thế thanh long, chu tước, huyền vũ, bạch hổ. Quần thể đình, chùa, văn chỉ tọa lạc trên ngọn đồi thấp bảo địa hình vòng cung bên cánh đồng như cánh tay bao bọc để dòng khí tụ vào làng.

Những giai thoại, huyền tích về lòng trung quân báo quốc, cách làm người, tu thân làm việc thiện, việc đức để phúc cho đời sau của các bậc tiền nhân vẫn lưu truyền trong từng xóm ngõ. Không chỉ nổi tiếng là một miền quê trù phú với những sản vật nông nghiệp, An Châu còn được biết tới với nghề mộc mĩ nghệ từ bàn tay khéo léo tài hoa của người thợ thủ công.

An Châu là một trong số rất ít các địa phương của tỉnh Thái Nguyên còn mô hình làng, dưới làng là xóm của người Việt cổ với 11 xóm (nay sáp nhập còn 10 xóm). Trưởng làng là người có uy tín, am hiểu tập tục được dân bầu, đứng ra cùng chủ nhang hương khói tổ tiên tại đình ngày rằm, mùng một và tổ chức họp bàn định, cắt cử người nhập lưu lo liệu các việc của làng, duy trì tế lễ “xuân thu nhị kỳ”, “lệ làng hội mùa xuân” theo phong tục tập quán cha ông để lại.

Dù nhịp sống công nghiệp đan xen, nhiều ngôi nhà mới với kiến trúc hiện đại mọc lên, người An Châu vẫn coi trọng không gian nếp nhà gỗ kẻ truyền xưa cũ. Nhà gỗ kẻ truyền là một loại nhà ở của người dân đồng bằng Bắc Bộ, mang trong mình nhiều giá trị tâm linh sâu sắc. Các bậc cao niên trong nghề mộc làng An Châu cho biết: Nhà gỗ kẻ truyền có chất liệu đặc trưng bằng gỗ, mái ngói. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi vì nhà được truyền kẻ, từ kẻ chim truyền xuống kẻ ngồi và cuối cùng là kẻ hiên. Độ cong của các kẻ này đều có tiêu chuẩn để tạo nên một vì kẻ đẹp. Kết cấu nhà kẻ truyền được dựng trên các cột gỗ to khỏe, với những hàng cột cái, cột hiên, cột con, cột hậu dựng lên theo các vì, sau đó được nối với nhau bằng các xà ngang, xà ngưỡng liên hoàn tạo thành một bộ khung vững chắc. Sau khi bộ khung được dựng thì lợp mái và làm tường xung quanh.

Ông Nguyễn Viết Bằng (bên trái) và ông Tạ Văn Thảnh giới thiệu các sắc phong của đình làng
Ông Nguyễn Viết Bằng (bên trái) và ông Tạ Văn Thảnh giới thiệu các sắc phong của đình làng

Nhà kẻ truyền có cấu trúc chung hai mái, chia gian và bao giờ cũng có hiên. Các loại mái dùng để lợp nhà sử dụng phổ biến là ngói mũi hài, ngói vảy rồng. Tùy thuộc vào nhu cầu gia chủ có thể trang trí các đường nét hoa văn đối xứng ở cửa, vách hai đầu hồi, vì kèo. Các chi tiết hoa văn sẽ là những họa tiết hoa lá, vảy rồng, mây, tranh tứ quý. Gian giữa nhà kẻ truyền thường được bố trí làm gian thờ có hoành phi treo ở trên ban thờ, ban thờ nằm giữa gian và sát vào vách hậu, câu đối có thể treo 1 đôi ở hai hàng cột con, hoặc 2 đôi ở hàng cột con và cột hậu. Bên ngoài bàn thờ thường bố trí sập. Cũng bởi có nghề mộc mĩ nghệ, các đội thợ của làng dễ dàng hạ giải, phục dựng mọi chi tiết và các nét hoa văn của 4 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 100 tuổi và xây dựng trên 20 ngôi nhà kẻ truyền khác trong làng theo lối kiến trúc cổ.

Ông Tạ Văn Thảnh, chủ nhân ngôi nhà gỗ trên 200 năm tuổi cho biết: Nhà các cụ ngày xưa chủ yếu là nhà gỗ, nên sự xuống cấp bởi điều kiện thời tiết là khó tránh. Trước nguy cơ nhà sập đổ, tôi đã cho đo vẽ, hạ giải, tận dụng mọi vật liệu còn dùng được làm lại như cũ. Phục dựng tốn kém hơn đập bỏ xây nhà gạch, việc tìm mua ngói, gỗ và các công đoạn chạm khắc cũng khá công phu…

Ngoài các ngôi nhà, qua thăng trầm lịch sử và những biến thiên thời cuộc, làng An Châu vẫn giữ được quần thể di tích đình, chùa, văn chỉ với nét cổ kính trầm mặc trên một khu đồi dốc thoải, giữa làng mạc trù phú. Hiện nay trong đình, chùa An Châu còn lưu giữ khá nhiều cổ vật có giá trị về lịch sử văn hóa.

Đình An Châu có kiến trúc nhà tiền tế hình bát giác. Trên các cấu kiện gỗ của nhà bát giác này được trang trí nhiều hoa văn với các đề tài tứ linh, tứ quý. Hệ thống vì kèo được kết cấu theo kiểu chồng rường, chạm trổ sắc nét. Mỗi bức chạm là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, chạm trổ rồng và mặt trăng đặt trong khung cảnh mây trời hoa lá cách điệu.

Viên gạch cổ lát đình
Viên gạch cổ lát đình

Mái đình lợp ngói mũi hài, trên bờ nóc đắp lưỡng long chầu nhật. Các đầu đao, con guột uốn cong hình rồng tạo cho đình nét uyển chuyển mềm mại. Các bức cốn được chạm trổ đẹp, công phu với đề tài chủ yếu là rồng, phượng, mây, lửa. Các đầu bẩy chạm kênh bong đầu rồng. Mỗi bức cửa võng là một bức chạm trổ tinh tế, hình tượng rồng phượng bay trong mây. Bên cạnh các tác phẩm chạm khắc bằng gỗ, đình vẫn còn 32 viên gạch hoa văn rất đẹp được các nhà nghiên cứu đánh giá có từ thế kỷ thứ XVI.

Trong đình còn lưu giữ được 2 hoành phi, 2 câu đối, 5 tấm bia đá, 12 sắc phong, trong đó có sắc phong ghi rõ sắc cho Dương Tự Minh, người đã có công bảo vệ đất nước dưới triều Lý. Hai câu đối trong đình ca ngợi công đức của Dương Tự Minh được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên dịch nghĩa như sau: “Thánh đức huy huy phù Việt địa/ Thần công đãng đãng trấn Nam thiên”. Nghĩa là: Đức của thánh huy hoàng phù hộ cho đất Việt/ Công lao của thánh vang xa mãi ở trời Nam. Và: “Nhậm mã túc dĩ phân công bán điểm sơn hà quy đế chúa/ Phấn thần y nhi phụ quốc ẩn niên hương hỏa đối càn khôn”. Nghĩa là: Dùng ngựa tốt bảo vệ đất nước về với vua chúa/ Tinh thần cởi mở, chỉnh tề giúp nước giữ hương hỏa cho đời sau.

Những câu đối này không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn có giá trị lịch sử và ghi nhận công lao to lớn của vị thủ lĩnh người dân tộc Tày trong việc bảo vệ cương thổ nhà nước Đại Việt.

Ba chữ cổ Phúc Mãn Đường trong ngôi nhà cổ
Ba chữ cổ Phúc Mãn Đường trong ngôi nhà cổ

Trong khi nhiều làng quê nét văn hóa cổ xưa ít nhiều bị mai một, làng An Châu vẫn duy trì các phong tục tập quán, văn hóa ứng xử, lễ nghi cha ông để lại. Đình làng là nơi diễn ra các lễ tế tứ quí trong năm vào các ngày 2/3, 12/4, 12/8, 12/10. Đặc biệt, lễ xuân thu nhị kỳ, một nghi lễ điển hình của người Việt cổ đồng bằng Bắc Bộ được người dân rất coi trọng.

Theo tục lệ của làng, những người đàn ông trong làng từ 50 mươi tuổi trở lên mỗi người góp một con gà và làm lễ tế tại đình trong thủ tục nhập lưu. Ngày 7 tháng Giêng hằng năm, An Châu tiến hành lệ làng hội (tức hội làng mùa xuân). Trong ngày này, tất cả các cụ cao niên trong làng sẽ về làm lễ tế. Chủ tế thực hiện nghi lễ gồm các phần: Tế Cao Sơn Quý Minh và tế Cầu an, sau đó là lễ hội. Dịp này, làng sẽ cắt đặt một số cụ từ 60 tuổi trở lên làm lễ khao làng. Sau lễ tế và tham dự các hoạt động trong lễ hội, các cụ về nhà một gia đình ăn cỗ mặn.

Chùa An Châu tên chữ là “Quang Lão tự” tọa lạc bên cạnh đình, địa thế đẹp có tiền án, hậu chẩm. Trong chùa có 1 câu đối ca ngợi về cảnh đẹp này như sau: “Châu ấp hữu triều Quang Lão tự/ Dương sơn tả ứng dục anh đài”. Tạm dịch: Ấp An Châu, bên phải có làng tựa cho chùa Quang Lão/ Núi đẹp ở bên trái lại càng làm cho chùa đẹp thêm.

Niên đại khởi dựng của chùa chưa xác định được. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa An Châu nằm trong diện tiêu thổ kháng chiến. Năm 1958, nhân dân địa phương đã dựng lại ngôi chùa trên nền cũ. Chùa gần đây đã được trùng tu tôn tạo. Nội thất kiến trúc theo lối kẻ truyền bào trơn không trang trí hoa văn. Hai bên sân chùa có hai dãy nhà, bên tả là nhà có bàn thờ Mẫu, bên hữu có bàn thờ tổ và dùng làm nhà bếp. Chùa An Châu hiện vẫn giữ được 1 quả chuông cổ, 1 cây hương đá, 5 bia đá, tượng Phật… có niên đại cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. 

Hiện vật có giá trị nhất của chùa là quả chuông cổ đúc năm 1674, niên hiệu Đức Nguyên nguyên niên. Khi đúc chuông người xưa đã tôn xưng chùa An Châu là một cổ tích danh lam trong vùng. Đây là quả chuông lớn, thuộc loại “Đại hồng chung”, thân chuông cao 85cm, miệng chuông loe có đường kính 66cm, dày 5cm. Thân chuông đoạn giữa đứng, vai chuông khum thu nhỏ về phía trên và chia thành 4 múi đều nhau, có 4 đường gờ nổi chạy từ vai chuông đến miệng chuông. Mỗi múi chuông lại được khuôn lại thành 2 ô trên và 2 ô dưới bởi gờ vỏ măng đúc nổi. Phần quai chuông được tạo đúc thành hình đôi rồng cùng thân đăng đối. Thân rồng mập, khỏe và thon nhỏ dần về phía cổ. Đoạn cổ rồng chạm vào vai chuông, đầu ngóc lên trên, miệng rồng ngậm ngọc. Chân rồng có 4 ngón, móng sắc nhọn, cùng với phần cổ dính liền vào vai để gánh thân chuông. Mắt rồng lồi, trông rất hung dữ. Đoạn giữa hai thân rồng (đỉnh cao nhất của chuông) được tạo hình một bình cam lộ đẹp.

Bố cục hình dáng và trang trí hoa văn thanh thoát, nét khắc sắc sảo. Trên thân chuông có bài minh chuông với nhiều phần, nội dung khác nhau như: bài luận về giáo lý nhà Phật, ca ngợi đức Phật từ bi đã ban phát khuyến hóa tới chúng sinh những điều thiện tín, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, họ tên dòng họ người công đức đúc chuông, sinh đồ người soạn minh chuông.

Chuông cổ chùa An Châu
Chuông cổ chùa An Châu

Giữa đình và chùa là văn chỉ. Cảnh sắc hữu tình thơ mộng làm cho văn chỉ mang vẻ đẹp khiêm nhường song rất đỗi trang nghiêm. Chính giữa văn chỉ là ban thờ đức Khổng Tử và các bậc Tiên hiền, hai bên tả hữu là ban thờ các vị khoa bảng. Giữa bái đình có hai bệ hình chữ nhật dành cho những người đỗ đạt đặt văn bằng trước khi tiến hành nghi thức tế. Không gian của quần thể di tích đình, chùa, văn chỉ thích hợp cho cư dân của làng xưa tế Xuân Thu nhị kì, mở lễ hội …

Giống như nhiều đình, chùa cổ đồng bằng Bắc Bộ, ao đình, ao chùa An Châu mặt nước nhấp nhánh nắng bên bóng cây cổ thụ và bờ tre xanh ngát tạo nên cảnh sắc thật huyền diệu mê đắm.

Mô hình làng An Châu tồn tại như một thực thể bảo tồn phong tục tập quán, tín ngưỡng, nhưng có tính gắn kết cộng đồng rất cao. Trong hương sắc của đất trời ngày xuân, tiếng trống hội làng từ ngàn xưa vẫn ngân vọng. Ông Nguyễn Viết Bằng, Trưởng làng An Châu chia sẻ: “Làng An Châu xưa là một làng cổ thuần nông. Những phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông làm nên tình làng nghĩa xóm và nền nếp lối sống. Duy trì các giá trị tốt đẹp để những thói quen tốt không bị mai một, mang ý nghĩa cả về mặt ý thức lẫn tâm linh. Vận dụng thuần phong mỹ tục xây dựng nếp sống văn hóa mới, tạo cho mỗi người, mỗi gia đình suy nghĩ, hành động, cách đối nhân xử thế phù hợp với quá trình phát triển là vô cùng cần thiết. Nghi thức cúng tế, lễ hội trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng không chỉ lan tỏa những điều tốt đẹp mà còn góp phần làm sắc thái văn hóa của làng trở nên đa dạng, phong phú …”.

Chùa An Châu mới được tôn tạo
Chùa An Châu mới được tôn tạo

Trải qua thăng trầm thời gian, giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, giá trị nghệ thuật trong kiến trúc cảnh quan của làng cổ An Châu vẫn được lưu giữ. Tin chắc rằng, với sự chung tay xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, trong tương lai không xa làng An Châu sẽ là một điểm đến trải nghiệm văn hóa cội nguồn và sản xuất đồ mộc mĩ nghệ truyền thống ấn tượng đối với du khách gần xa.

Phan Thái

2 đã tặng

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy