Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
08:31 (GMT +7)

Ngày nước rươi – Tản văn. Nguyễn Thanh Cải

VNTN - Tháng Mười cũng là tầm lúa trên cánh đồng Triều đang trĩu hạt, đỏ đuôi. Những cây lúa nặng bông, xiêu xiêu ngả vào nhau, hướng theo chiều gió heo may. Lại đến ngày nước rươi quê tôi: “Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mồng năm”. Ngày nước rươi, ấy là ngày con nước. Hồi còn bé chúng tôi cứ nghĩ là ngày nước cường, từ sông Thái Bình dâng cao, tràn vào đồng, cuốn theo rươi từ sông nước vào. Những con rươi vàng ươm, to bằng cái đầu đũa, con nhỏ cũng bằng cái cuống chiếu, bơi bơi trên mặt nước nhờ những cái chân nhỏ xíu.

Cứ đến ngày nước rươi là người lớn, trẻ con làng tôi đổ ra đồng như hội. Những người đi vớt rươi sắm một cái vợt vải màn nhỏ bằng cái bàn tay và cái bơ, cái bát mang theo. Người lớn, trẻ con cứ một tay cầm bơ, một tay cầm vợt, đi lướt trên mặt ruộng, nhìn thấy con rươi bơi trên mặt nước là vớt, rồi đổ vào cái bơ, cái bát. Cho đến lúc nước rút xuống cạn đồng là không thấy con rươi nữa. Trẻ con cho là rươi đã biến đi đâu một cách bí hiểm. Người lớn còn tranh cãi nhau, có người cho là rươi theo nước ra sông, có người cho là rươi chui xuống đất (?)

Thế rồi, như hội đồng đã tàn, những người vớt rươi quay về làng. Nhà nào nhà ấy xôn xao, nào là: “con vớt ở xa bờ, toàn rươi béo vàng ươm, mẹ vớt ở gần bờ rươi gầy, xanh rớt… Những bơ, bát đựng rươi, những con xanh ở bát mẹ, con vàng ở bơ con được dồn lại. Người mẹ rắc vào bát những hạt muối là những con rươi vỡ tan, bỗng hóa thân thành bát bột rươi màu vàng đậm đặc. Rồi nhà này chạy sang nhà kia xin nắm lá lốt, vỏ quýt làm gia vị. Có nhà băm thêm thịt lợn nạc, đập thêm vài quả trứng gà quấy vào. Rồi bếp nhà nào cũng đỏ lửa. Mùi rươi rán từ trong bếp, thoảng bay ra sân, ra ngõ. Đi trong làng quê ngập tràn mùi thơm rươi rán. Đúng là buổi chiều như hội ngoài đồng, buổi tối đầm ấm mọi nhà quanh mâm cơm với những miếng chả rươi thơm ngon đậm đà. Còn gì hạnh phúc hơn người nông dân quê tôi với những ngày nước rươi.

Thế rồi, hợp tác xã đắp cao bờ vùng, bờ thửa, lấp cống ngăn nước lợ vào đồng. Năm hai vụ cấy cày, phân hóa học mỗi vụ mấy lần chăm bón làm chai cả mặt ruộng. Lại mấy lượt phun thuốc trừ sâu bệnh. Được cây lúa mà đất trồng như bị “ám sát”. Làng tôi bỗng mất đi cái ngày hội ra đồng vớt rươi, mất đi cái hương vị thơm ngon, béo ngậy của đặc sản rươi. Câu chuyện “Ngày nước rươi” chỉ còn trong nỗi nhớ của những người già và như huyền thoại của trẻ nhỏ.

Ảnh minh họa từ Internet

Mới đây những nông dân trẻ quê tôi đi xa về làng, đã rủ nhau nhận hàng mẫu ruộng khu triều bãi, đắp bờ vùng, cải tạo đất, dẫn nước lợ vào đồng nuôi rươi! Những vùng đất được cải tạo đã hớt đất màu, lót một lần phân chuồng ủ mục xuống dưới, rồi phủ lớp đất màu lên dày chừng hai ba mươi phân. Xây bờ, xây máng nước và làm cống dẫn nước lợ vào ngâm ủ. Một cuộc tranh luận xảy ra trên đồng. Người già bảo: “Cả làng hãy xem, mấy thằng con trẻ làm xiếc trên đồng!”. Bọn trẻ bảo: “Xin các bô lão hãy đợi đấy, xem con rươi từ trên trời rơi xuống hay từ đất chui lên?”. Rồi chúng lý giải: “ở miền Trung người ta còn nuôi tôm rảo, tôm sú trên bãi cát; Quảng Ninh người ta còn đóng bè, nuôi cả ngoài biển. Một số nơi còn làm rọ thả xuống biển nuôi ngọc trai... Sao mình không dám nghĩ tới việc nuôi rươi trên bãi triều nhỉ?”

Thế rồi, đến dịp “Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mồng năm”. Người làng lại kéo nhau ra bãi triều, mà người đông như đi xem hội. Còn đông hơn cả người làng ngày xưa ra đồng triều vớt rươi. Mọi người ra xem, vừa tò mò vừa thách thức. Có người còn hài hước nói tục: “Có mà rươi ra cả cục”. Mấy người già bảo: “ Đêm qua tôi thấy người nhức mỏi quả, dễ hôm nay rươi ra thật đấy các ông các bà ạ”

Nước mát, những dòng nước màu gạch cua mát lịm dẫn từ sông Thái Bình vào. Trẻ con vừa reo vừa nhảy lên: “Rươi ra rồi! Rươi bơi ra rồi”. Những người già cúi xuống, như dán mắt vào mặt nước rồi ngẩng mặt lên trời: “Trời cho bọn trẻ rồi! Rươi ra nhiều lắm các ông các bà ơi!”. Mọi người như muốn nhảy ào xuống ruộng lấy nón lấy mũ vớt, nhưng mọi người cứ nhìn nhau: “Của ông của bà đâu mà vớt! “Ừ nhỉ! Chúng nó bỏ tiền mua cả khu bãi triều từ đầu vụ rồi mà!”, “Thì cứ đứng mà xem, xem cũng sướng cái mắt rồi!”.

Rươi theo nước mát mà chui từ đất lên. Những con rươi vàng ươm như đầu đũa, đùa giỡn trên mặt nước. Nước bắt đầu rút mấy cậu đấu thầu nuôi rươi mới “đóng xăm” chặn ở các máng nước. Rươi nối đuôi nhau bơi theo dòng nước vào xăm. Chỉ một giờ đồng hồ sau, nước rút cạn hết các vùng đất, những xăm rươi được kéo lên, nặng trĩu phải đỡ bằng hai tay mới nhấc nổi. Rươi từ các xăm đổ ra các chậu, chậu đầy phải san ra cả những chiếc mủng làm bằng tôn. Mấy người già bảo nhau: “Bọn này “tăm” được đúng ổ rươi hay sao mà nhiều thế!”. Bọn trẻ con lại có vẻ tinh vi: “Các anh ấy nuôi rươi ở dưới đất đấy mà!”. Mấy ông bà già kháo nhau: “Mấy tạ rươi thế này thì ăn làm sao hết nhỉ? Ăn rươi no lâu lắm. Nhiều chất bổ lâu tiêu lắm”.

Chiều tối ấy, cả làng lại thơm nức mùi rươi rán. Mọi người mang bát ra, cứ như ngày xưa đi vớt, nhưng lần này mỗi nhà được múc một bát. Mấy bà bảo nhau: “Bao nhiêu tiền một bát, hay là cánh trẻ này nó cho! “Các cậu ấy đã đấu thầu đất, phải đầu tư nên ăn rươi phải trả tiền người ta chứ…”.

Thế là qua vụ đầu, rươi ở bãi triều quê tôi đã trở thành thương hiệu. Thị trấn, thị tứ về đặt mua để chế biến các món ăn từ rươi. Nhà hàng rươi treo biển “Rươi Tứ Kỳ bảy món”. Người xe đi đến đầu phố nhà hàng rươi, đã thấy dậy mùi thơm quyến rũ.

Mỗi lần về quê, nhìn bãi triều nuôi rươi, tưởng chỉ còn là câu chuyện ngày xưa của người già, huyền thoại của bọn trẻ. Nào ngờ cánh trai trẻ đã làm cho huyền thoại xưa thành hiện thực. Người ta còn kháo nhau: “Rươi không chỉ ở nhà hàng bảy món mà sẽ là nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng mà ngành dược liệu còn gọi là “sâm đất”.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 16 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước