Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
08:27 (GMT +7)

Ngày cuối tuần

Lời BTV: Tôi đã ngỡ ngàng khi bắt gặp dòng chữ “tác giả là người khiếm thị” ở trang cuối của bản thảo này. Sau một chút do dự, tôi bấm máy…, và đã có cơ hội hiểu thêm một số phận.

Tác giả Lê Trung Cường sinh năm 1977, hiện là giáo viên dạy tin học tại Trường Khiếm thị (Hải Phòng). Cách đây ba năm, trong cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng, đã có một người bạn đến bên và chia sẻ cùng anh, đó là văn chương. Hơn 20 truyện ngắn và kí đã được đăng tải trên các báo trong thời gian qua đã giúp anh lấy lại được thăng bằng và đi tiếp chặng đường đời vốn đã gập ghềnh lại càng gập ghềnh hơn với những người khiếm thị.

Dưới đây là một câu chuyện có thật về cô học trò bé nhỏ của tác giả Lê Trung Cường. Bằng cách kể thông qua chính lời thoại của nhân vật, tác giả đã mang đến cho người đọc một cảm giác bình yên đáng quý nhờ sự bình thản của chính mình.

Trân trọng ý chí và nghị lực của tác giả cũng như của nhân vật, BBT xin giới thiệu cùng độc giả bài viết này như một món quà với ý nghĩa: cuộc đời vốn đẹp, chỉ cần chúng ta cố gắng, mọi chuyện rồi sẽ qua.

Thu Huyền

Truyện ngắn. Lê Trung Cường

Mùa thu với người khiếm thị là những cơn gió se lạnh và cái nắng hanh khô… Sáng nay xuống xe chỗ ngã tư An Dương, tôi gặp một người bán cốm lá sen. Cốm được gói trong lá sen, đựng trong túi ni lông. Trong lúc chờ xe ôm, tôi cũng mua một túi. Cốm mới thơm ngọt mát, hạt lúa non dẻo bết vào thành miếng. Thế là mùa thu đã đi được tới hai phần đường. Một năm đi qua rất nhanh cũng được hai phần rồi. Chẳng mấy nữa lại đến mùa xuân.

Ngày mai đã là tháng chín lịch mặt trăng. Trời có cơn râm. Gió se lạnh vào ô cửa sổ phòng học. Khi bức rèm được vén lên gió ùa qua đẩy hết khí nóng về phía cửa chính, năm chiếc máy tính đang xả hơi nóng, dường như chạy nhanh hơn. Chiều xuống, nắng vẫn còn căng da, hình như mùa thu nắng đi chéo, không đi thẳng hướng đông, tây và tây đông như mùa hè. Mở cánh cửa ra nắng đi thẳng vào phòng. Cửa rộng chỗ nào cũng có nắng. Nó chiếm hết cả khoảng không gian trong phòng học.

Cô bé khiếm thị đang mải mê bên chiếc máy tính, chợt giật mình kêu: “nắng”. Tay cô dừng lại máy tính cũng lặng im. “Cửa phòng ngủ của em ở nhà hướng tây nam, nắng làm cong cả bàn học, không biết bà em ở nhà chiều nay có giúp em đóng cửa không?”. Cô bé sờ tay lên mặt bàn: “Cái bàn này bị nắng võng giữa rồi”. Bức rèm lại được hạ xuống, gió tung lên quét vào mái tóc cô bé, để nắng chạy vào, nhảy lên chiếc bàn phím nơi có hai bàn tay cô bé đang nhịp nhàng gõ chữ. Nó dừng lại đưa lên gãi đầu “nóng quá”. Cái máy tính bị nóng cũng mệt mỏi chạy chậm hơn. Cánh cửa được khép lại, điều hòa bật. Một luồng khí mát chạy khắp gian phòng.

Cậu bạn hắt hơi vì khí lạnh đến bất ngờ. Cô bé quay ra hỏi: “Sang năm hết tiểu học rồi, bạn học hòa nhập ở đâu?”. Cậu bé mải chú ý nghe máy tính đọc nên không biết bạn hỏi. Nó lại lên mạng, tìm được bài hát yêu thích, nó để loa to át cả máy tính của người ở bên. Cô bé cũng đã tìm được một truyện cổ tích. Nó cũng vặn loa to lên nhưng không thắng nổi tiếng nhạc. Trong mớ âm thanh hỗn độn đó, người nghe không ai còn cảm thấy hay.

Cô bé hét lên: “Bạn nghĩ phòng này không còn ai nữa sao?”. Cậu bạn vẫn không nghe thấy. Cũng có thể nó coi như không nghe thấy.

Âm lượng máy tính được giảm nhỏ. Tôi bóp vai cậu học trò cảnh cáo. Nó lắc mạnh người tỏ ý không hài lòng. Hiểu tính học trò tôi khen: “Bài hát này hay quá, em tìm được ở đâu?”. Chỉ đợi có vậy, nó kể một mạch quá trình làm việc dẫn đến kết quả của mình. Tôi đưa usb nhờ cóp dùm.

Tan trường, trời đã se lạnh, hẳn cơn râm đã đến từ lâu. Mở rộng cửa đón khí trời. Không gian trong phòng dễ chịu hơn. Bên cạnh cửa sổ có một thảm cỏ, không khí ở đó có phần đỡ khô.

Cô bé chưa có người đón vẫn ngồi trong lớp. Cậu bạn cũng không chịu về. Nó xin tôi cho được dùng máy tính. Cô bé nói chuyện. Mấy câu nó lại sờ tay lên thành ghế xem tôi còn đứng đó nữa không.

Tôi bị cuốn hút vào câu chuyện của Linh Đan (tên cô bé): “Bà em bảo là, sang năm học hết lớp năm, bà em sẽ đến xin nhà trường, cho em vẫn được học vi tính ở đây. Học hòa nhập ở trường ngoài, gia đình em sợ không theo được. Nếu có một điều ước như truyện cổ tích, thầy sẽ ước điều gì?”. Nó đá chân về bên phải, chiếc ghế của tôi vẫn đứng yên. Tin chắc là người nghe vẫn còn ở đó, em nói tiếp.

“Em có được điều ước, em sẽ ước cho mắt sáng ra. Phóng viên truyền hình hỏi em học ở đây quý nhất thầy cô nào? Em trả lời là quý nhất thầy và cô Thơm. Em không đi học hòa nhập đâu. Lên tận trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội xa lắm.” Gió đưa hương hoa sữa, đi vào phòng. Cái mùi “hăng hắc” của loại hoa này, đã có một thời là sản phẩm riêng của Hà Nội. Ngày xưa học lớp năm, tôi cũng đã ước mơ được học ở trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội. Do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, ước mơ đó không thành. Học sinh khiếm thị tỉnh khác, đến Nguyễn Đình Chiểu học, ngày đó phải đóng một trăm lẻ năm nghìn đồng một tháng. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi: “Tại sao có các trường đại học khu vực lại không có trường khiếm thị khu vực, để đỡ thiệt thòi cho các em?”. Cô bé vẫn không ngừng kể:

“Bà em cũng không muốn xa em. Ngày xưa em ước mơ sau này thành luật sư. Luật sư phải học nhiều. Làm luật sư khó lắm phải không thầy?”

Tôi không trả lời. Cô bé kéo ghế xem tôi còn ngồi ở đó nữa không.

Mẹ Linh Đan hiện giờ đang ở Vương quốc Anh. Bảo lãnh cho cô bé sang đó, có rất nhiều khả năng ước mơ của em thành hiện thực. Giáo dục đặc biệt ở nước Anh rất tốt. Người ta đã có bộ trưởng là người hỏng mắt.

“Mẹ em ngày bằng em, cũng ước mơ làm luật sư, nhưng nhà nghèo không được đi học. Giờ, nếu em học đến tiến sĩ luật mẹ vẫn cho học. Bà em bảo làm luật sư khó lắm. Phải thụ lý hồ sơ, em hỏng mắt không đọc được chữ sáng nên không làm được.”

Nghe đến đây tôi rất buồn. Ước mơ của cô bé thật đẹp. Một thực tế người khiếm thị lạc quan đến mấy cũng phải thừa nhận là đọc văn bản và điều khiển xe… như những người bình thường là không thể làm được. Nếu mắt em còn một chút ánh sáng như nhiều bạn khác, với điều kiện hiện có của gia đình thì khả năng phát triển của em sẽ tốt hơn nhiều.

“Em thay đổi ước mơ. Sau này em sẽ trở thành nhà văn, nhà biên kịch như ông Lưu Quang Vũ. Làm nhà văn không phải học nhiều mà chỉ phải đọc nhiều thôi.”

Tôi thầm chúc cho cô bé thành công. Với sự tiến bộ của công nghệ thông tin, người khiếm thị có điều kiện tiếp cận các cuốn tiểu thuyết dày hàng ngàn trang. Những người có ý thức tự đào tạo sẽ có điều kiện để học. Quá trình tự đào tạo, diễn ra hết cả cuộc đời. Cô bé là người kiên trì, ham học, giàu tính tưởng tượng, có rất nhiều khả năng. Để có được thành công trong lĩnh vực nào, người khuyết tật cũng phải trải qua, một quá trình, phấn đấu gian khổ. Trẻ con, bình thường hay khuyết tật đều có những ước mơ đẹp.

“Bà em bảo xa em bà không sống nổi. Cứ ở nhà lên mạng học, mạng cũng có sách giáo khoa, nghe nhiều cũng hiểu”.

Cô bé tải cuốn Thần thoại Hi Lạp về usb của mình. “Hè vừa qua, nhà em không chỉ có hai bà cháu, bạn của mẹ em ở nước ngoài có một người con về Việt Nam nghỉ hè ở nhà em. Anh ấy mười bẩy tuổi, sang Anh từ khi mười tuổi, đọc thần thoại Hi Lạp bằng tiếng Anh. Thi kể về các Thần trong Thần thoại Hi Lạp anh ấy không nhớ nhiều bằng em. Mẹ em bảo, khi nào lo được giấy tờ sẽ cho em sang đó”.

Cô bé trở về trang chủ, tìm cuốn tiểu thuyết “Không gia đình”.  Trong lúc các em miệt mài với máy tính, tôi đi ra ngoài, khu vườn vắng lặng. Vẳng đâu đây có tiếng lá rơi. Ảo giác thôi. Sân trường không có cây to. Thời gian này ở trường cũ (những năm trước) lá rụng rất nhiều. Các em chậm trí tuệ (mắt sáng) thường phải đi nhặt lá. Bác bảo vệ trêu đùa bằng việc mắng cây sao rụng lá nhiều. Nhà trường chuyển đi, những cây to đó có còn được giữ nữa không? Tôi trở lại lớp học, Linh Đan đã tải xong truyện.

“Nước ngoài cũng có trường khiếm thị,  khó khăn nhất của em là không nói được tiếng Anh. Em bảo với mẹ, cả bà đi em mới đi. Từ bé tới giờ em chỉ sống với bà. Em vẫn chưa được sống với mẹ nhiều. Em không hình dung được mẹ em bây giờ thế nào”.

Cậu bé tắt hẳn máy tính góp chuyện: “Mẹ cậu đi nước ngoài nhưng vẫn gửi tiền về nuôi con. Cậu còn có bà ngoại. Mẹ tớ bỏ tớ ở cổng trại, tớ ghét mẹ lắm!”.

Tôi thấy gai người, cuộc sống có rất nhiều điều khó nói, đành chen ngang vào câu chuyện của các em: “Trong các nữ thần, của thần thoại Hi Lạp, em thích nhất nữ thần nào?”

Cô bé trả lời ngay: “Em thích nữ thần lúa mì (Đêmêter)”. Cậu bé chưa đọc Thần thoại Hi Lạp nên không hiểu. Nó hỏi: “Nữ thần Lúa Mì có tốt bằng ông bụt trong truyện Tấm Cám không?”

Giọng Linh Đan ngắt quãng: “Tốt hơn nhiều”. Hẳn cô bé đang nhớ mẹ đang ở nửa bên kia trái đất. Sắp đến mùa đông rồi. Theo thần thoại Hi Lạp, mùa đông là mùa mẹ nhớ con. Nữ thần Đêmêter có một cô con gái là nàng Perxêphôn. Được sự đồng ý của thần Zeus, thần Hađex đã bắt nàng về làm vợ.

Đêmêter bỏ cả công việc ở thế giới (Ôlympia) đi tìm con. Suốt chín ngày nữ thần không ăn không ngủ. Đêmêter chỉ trở về với công việc khi tìm thấy con… Thần Zeus phải cho nàng Perxêphôn trở về sống với mẹ, một năm tám tháng. Bốn tháng xa con, nữ thần Đêmêter thương nhớ, mặc áo đen, không quan tâm đến công việc, để mặt đất cây khô lá vàng… Thời gian đó là mùa đông giá lạnh.

Linh Đan nhớ rất chi tiết nguồn gốc và nhiệm vụ của từng vị thần trên thế giới Ôlympia: “Có rất nhiều điều từ trước em không hiểu, nghe Thần thoại Hi Lạp em đã hiểu như Gót chân: Ashin…”

Buổi học hết từ lâu, mấy thầy trò chúng tôi vẫn ngồi nói chuyện. Một đồng nghiệp khác vào bảo quá giờ từ rất lâu rồi các lớp khác đã về hết.

Cô bé đứng dậy đi chầm chậm quanh chỗ của mình: “Chiều nay là thứ sáu, các bạn em ở nội trú về hết rồi, em không còn ai để chơi”.  Bác bảo vệ nhắc thầy trò ra ngoài để đóng cửa. Gió mang đến một bông hoa sữa, đậu trên thềm.  Cây hoa sữa hiện được trồng rất nhiều ở khu vực ven đô Hải Phòng. Mấy tuần nay tôi đi tới đâu cũng gặp mùi hoa sữa. Đường về nhà tôi cũng có rất nhiều. Những người cùng xuống xe với tôi, không thích loại hoa này. Vì nó không đẹp, hoa lại bay rất xa, rơi vào người thì ngứa. Tôi hỏi: “Không thích sao được người ta trồng nhiều như vậy?”. Họ trả lời: “Cây hoa sữa có lá xanh quanh năm”.

Tôi đưa Linh Đan ra chiếc ghế ngoài sân, chỗ nhà trường chuẩn bị cho phụ huynh chờ đón con. Hết giờ học tôi là người bạn của các em. Có một phụ huynh đi đón con muộn, anh muốn giúp tôi ra bến xe. Họ đi bằng ô tô.

Linh Đan, nhí nhảnh: “Có một người gắn bó với em đến hết đời, không bao giờ xa em thầy ạ”. Cô bé muốn nói đến bà ngoại. “Nước mắt chảy xuôi”, bà ngoại đã ở bên em từ lúc lọt lòng đến bây giờ. Bà sẽ là người đi theo em đến hết đời mình. “Lá rụng về cội” trong hàng tỉ chiếc lá vàng rơi, có bao nhiêu cái cố níu lấy cành, để che chở cho lá non?

 Giọng Linh Đan đượm buồn: “Người đó là thuốc, thầy giáo ạ!” Cô bé lấy ra từ trong cặp vỉ thuốc sáu viên, đã uống hai viên: “Bác em gửi mua từ Singapor đấy. Ngoài hỏng mắt và úng thủy não em còn mắc một bệnh nữa về máu, không ai nói cho em biết đó là bệnh gì. Đi đâu em cũng phải mang thuốc đi. Lúc nào người cảm thấy mệt thì uống, lần trị xạ đầu tiên đã thành công, em còn phải bốn lần trị xạ nữa”. Nó nói với giọng đều đều. Một vị phụ huynh đứng nghe, không nén được tiếng thở dài.

“Khi hồng cầu suy giảm, em lại phải đi ra nước ngoài lọc máu. Bác em đưa em đi. Mỗi lần đi thường có năm sáu người cùng nhóm máu đi theo. Để em lọc máu xong có người tiếp máu cho em ngay. Nhà em chỉ có bà nội em, bác chị gái của bố em và bố em là cùng nhóm máu với em. Bố em đã lấy tủy cấy cho em.”

Người phụ huynh vẫn còn đứng đó. Anh nắm chặt tay tôi, tỏ thái độ đồng cảm với cha cô bé. Khi lấy tủy cấy cho con, chắc anh cũng biết hậu quả về sau. Tôi đã gặp người bị rút tủy, tuổi chưa đầy bốn mươi lưng đã khòm. Còn người còn của. Cá chuối đắm đuối vì con. Ai cũng hết lòng với con của mình. “Đui què, mẻ sứt thì cũng là con người”. Anh phụ huynh lại thở dài… Câu chuyện của cô bé cũng làm anh cảm động.

“Mỗi lần đi mẹ em phải gửi về rất nhiều tiền. Những người đi cùng, nhà ai nghèo gia đình em phải lo hết chi phí. Nhà chồng bác gái em cũng có mấy người cùng nhóm máu với em, lần đi vừa rồi, người ta đi giúp, bác ấy phải mua vé máy bay. Mẹ em lại gửi thêm tiền về cho bà nội đi cùng. Em thuộc nhóm máu hiếm, máu của em chỉ cho không nhận. Sang Singapor gia đình em phải thuê phiên dịch. Bác sĩ bảo em cứ học cho vui. Nằm ở nhà bệnh càng nặng hơn. Hết lớp năm chưa đi nước ngoài được, thầy lại cho em học vi tính ở đây nhé”.

Tôi rất buồn vì lời đề nghị đó. Trước Linh Đan đã có hai người vừa hỏng mắt vừa mắc bệnh nan y đã tìm được niềm vui từ máy vi tính. Bây giờ tôi mới hiểu, tại sao cô bé tự đặt tên cho mình là Linh Đan. Theo Đạo Giáo: Linh đan là thuốc “thần” chữa được bách bệnh. Cô bé mong có bài thuốc kì diệu cho mình chăng. Ai cũng mong ước mơ của Linh Đan thành hiện thực. Truyện cổ tích đôi khi vẫn có giữa đời thường. Nghe truyện Tây du ký, trong giấc mơ tuổi thơ, tôi đã mơ thấy Phật Bà Quan Âm tới chùa làng. Ngài cầm cành Dương Liễu, nhúng nước Cam Lộ trong tịnh bình, nhỏ mắt chữa bệnh cho tôi.

Tôi trở về nhà sau một ngày làm việc. Đường về nhà, không gian lạnh tràn ngập hương hoa sữa. Thu thường mang lại cho con người ta những cảm giác buồn. Nó càng buồn hơn với những người có tâm trạng buồn. Xuống xe, trên quãng đường đi bộ, vẳng trong không gian có tiếng chuông từ bi, thánh thót. Chuông chùa mang lại cho tôi cảm giác ấm áp bình yên.

Đó là một câu chuyện xảy ra từ mùa thu năm Quý Tỵ (2013). Cô bé Linh Đan giờ đã chiến thắng bệnh tật, hiện đang học hòa nhập ở trường trung học cơ sở với các bạn sáng mắt. Tôi viết lại câu chuyện này, như một lời chia sẻ với độc giả, rằng hãy đừng thôi hi vọng, cuộc đời tốt đẹp với vô vàn phép màu đang chờ đón chúng ta, kể cả những người kém may mắn.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 16 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước