Ngày cũ ở xứ mù sương
(Tặng Phai)
1.
Nhà nàng ở dốc Cô Đơn. Có cây phù dung vẫn chưa trổ hoa. Nhức nhối xanh, mòn mỏi và hao khuyết đợi chờ. Một vài lá vàng rơi rụng như những tháng ngày đã cũ trên tờ lịch cũ. Thời gian đổ xuống, nặng trĩu những cơn mưa mùa hạ bào mòn từng ký ức. Nàng đã gấp những tờ lịch cũ thành những con thuyền thả trôi theo dòng nước xoáy từ dốc Cô Đơn. Thuyền trôi về đâu? Những chiếc lá vàng phai về đâu? Từng ngày tháng cũ về đâu? Nàng gói ghém Cô Đơn trong chiếc bình gốm vỡ. Những mảnh vỡ lưu lạc chốn nào? Chất men sực lên nồng nã mồ hôi mặn chát. Những mảnh gốm vỡ có chảy máu? Đau từ lòng đất mẹ? Chiếc bình gốm vỡ loang lổ dấu vân tay của Cô Đơn.
2.
Phai cởi trần nằm trên thuyền. Trăng mờ mịt trong sương. Ở cái xứ này, chưa bao giờ hết sương, đủ để cho Phai nhìn tỏ lòng người. Soi vào đâu cũng thấy mờ mờ nhân ảnh. Dòng sông cũng bồng bềnh như sương. Phai thấy mình cũng như tan ra thành sương. Từng giọt, từng giọt chảy đến kiệt cùng.
Bỗng có tiếng nói vang lên. Sương lễnh loãng tan ra. Phai nhổm dậy. Người lái đò bảo Phai về đi kẻo lạnh. Phai nhìn người đối diện, chỉ thấy một khối đen sì và hàm răng lấp lóa. Phai bật cười, chết còn chả sợ thì sợ gì lạnh. Người đàn ông vỗ vai Phai, lắc đầu, chả chết được nhưng vẫn có thể bị cảm lạnh đấy! Mặc áo vào không có là máu trong người cũng đông lại chứ chẳng phải chỉ là máu não thôi đâu.
Phai lảo đảo đứng dậy. Dù không uống nhưng trong người luôn như có men say. Những bước chân của Phai cứ dập dềnh trôi. Phai thấy mình như trôi trong sương. Mơ hồ. Đôi chân dường như không có thật. Trôi, trôi mãi, từ đỉnh dốc cho tới cuối con dốc. Nhưng không phải là dốc. Phai đẩy cửa vào phòng. Trong phòng không có sương. Mọi thứ rõ mồn một đập vào mắt Phai. Chai whisky dở vẫn lăn lóc trên bàn. Phai vỗ vỗ vào đầu rồi tự hỏi, không biết, nó đã dở từ bao giờ? Chưa thấy có mạng nhện chằng lên miệng chai. Cả điếu thuốc cũng đang cháy dở. Kìa, khói xám vẫn còn đang cố sức để ngoi lên. Phai lại xé một tờ lịch. Ngày hay đêm cũng chẳng cần biết. Linh tính mách bảo Phai cần phải xé thêm một tờ lịch cũ. Ngày tháng cứ thế rơi rụng đi. Những tờ lịch vương vãi dưới nền nhà nhằng nhịt những câu thơ viết dở, gạch xóa nham nhở. Ngày tháng đè lên ký ức và hiện tại. Phai chẳng thể bóc tách. Đôi lúc thấy đầu đau nhói. Mà tất cả vẫn như sương mù. Lúc ẩn lúc hiện. Phai không thể nào kết nối được những mảng đứt gãy trong trí nhớ của mình. Phai nhớ trong khoảnh khắc cuối cùng ấy, mình đã uống một bụng trăng. Những dòng trăng mướt mát và ướt rượt. Phai ôm choàng lấy trăng, nhưng trăng tan ra như sương, không thể nào cầm nắm. Phai tham lam uống từng ngụm trăng. Uống mãi, uống mãi, say sưa. Trăng ngọt, thanh khiết. Từng giọt, chảy tràn. Rồi Phai mê man đi. Có lẽ là đã say trăng. Chẳng biết thi tiên Lý Bạch thuở xưa có say trăng như thế?
Vậy mà khi tỉnh lại, Phai thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Xung quanh chỉ màu trắng lạnh người. Trăng tan, sương cũng tan. Một người đàn ông lạ mặt ngồi nhìn Phai. Anh ta kể lại chuyện Phai say rượu, phi xe vào chân cầu rồi rơi xuống sông. Đó là một người lái đò trên sông. Phai nở nụ cười ngây ngô. Có cầu rồi sao anh vẫn cứ lái đò? Để chở ai? À, chỉ để chở trăng về kịp tối nay! Phai nhìn người đàn ông một cách khó hiểu. Một khuôn mặt thật sự không rõ ràng, cứ phảng phất khói sương và trăng, vừa lạ lẫm vừa quen thuộc. Bỗng Phai lên cơn đau đầu ghê gớm. Bác sĩ bảo Phai bị tụ máu trong não nên sẽ nhớ nhớ quên quên. Cần phải mổ. Ừ thì mổ. Nhưng bao giờ mổ? Phai từng mổ gà mổ vịt nhưng chưa bao giờ nghĩ mình cũng bị đưa lên bàn mổ như thế. Mà nhớ nhớ quên quên có khi chưa chắc đã là không tốt.
Phai ra về sau khi hẹn bác sĩ một ngày gần nhất sẽ quay lại mổ.
Bước chân Phai dập dềnh và ngày tháng cứ dập dềnh trôi. Phai trói mình trong góc cô đơn, bên những tờ lịch cũ. Những con chữ cứ tuôn ra từ trong ký ức lồi lõm thành những bản nhạc cuộn xoáy, gào thét. Phai vùi mình trong men say và khói thuốc. Những con chữ ngổn ngang, va đập vào nhau, ứa máu. Loang lổ mặn chát. Trọ một đêm say khướt với trăng buồn. Phai ngước lên nhìn trăng. Sương rơi hay là nước mắt? Từng giọt thánh thót ướt nhèm khung cửa sổ. Tim Phai quặn thắt như có cái gì vỡ nát. Là chai rượu vỡ? Không! Nó vẫn còn dở và đang mỏi mòn chờ được uống. Là một bàn tay vô hình bóp chặt. Bàn tay trong suốt đến tận đường gân. Bàn tay như những ngón mưa tan đi rất nhanh, như những cánh phù dung tàn đi rất nhanh. Bàn tay ấy bóp nghẹt tim Phai. Rỉ máu. Phai nhìn thấy trăng đang khóc từng giọt máu. Phai chạy ào ra cửa. Toàn thân run rẩy. Những giọt trăng tướp táp chảy tràn mặt Phai. Sương dâng lên. Phai ngửa mặt hứng từng dòng trăng. Trăng loang lổ mặt người. Phai chạy về phía sông. Chập chờn bóng người lái đò. Mây vùn vụt trôi rồi rớt xuống chết đuối trong lòng sông cạn. Chỉ còn sương và trăng. Người lái đò hoảng hốt. tiếng gọi rền rĩ trong trăng. Phai quỳ trên cát. Tê dại. Chiếc cầu đã gãy. Người lái đò đẩy thuyền đi. Xa khuất. Rồi chìm trong sương. Phai thấy mình dần tan thành sương, từ bàn chân, lên đầu gối, lên đùi rồi toàn thân, hai cánh tay tan ra. Rồi cái đầu nhẹ bẫng, không còn những cơn đau. Phai thấy mình bay trên một con dốc lớn, một cây phù dung trổ hoa trắng đang rụng cánh cuối cùng và một bàn tay trong suốt khép mắt cho Phai.
Bỗng Phai choàng tỉnh vì một tiếng động mạnh. Thì ra Phai đã gục xuống bàn thiếp đi và chìm vào giấc mơ. Tay Phai gạt phải chai whisky và nó rơi xuống nền gạch vỡ tan. Hơi men sực lên làm Phai chếnh choáng. Phai nhìn khuôn mặt mình qua mảnh thủy tinh vỡ. Vài mũi khâu ở chỗ xương hàm trông giống những chân rết đang ngọ ngoạy. Phai buông cái cười ngờ nghệch. Rồi cứ thế Phai cười. Những chuỗi âm thanh va đập vào nhau, vỡ vụn. Phai nằm vật xuống giường. Giờ là ngày nào, tháng nào, năm nào? Phai đã bóc lịch chưa? Ngày mới đã lên chưa? Phai đợi chờ gì ở những tháng ngày trước mặt?
3.
Những con mối xoay tít dưới nền nhà. Những chiếc cánh lấp lánh như trong đêm vũ hội. Ngôi nhà đã cũ. Những thớ gỗ mục nát là nơi trú ẩn cho bầy mối. Giờ chúng túa ra, xao xác dưới ánh đèn vàng. Nàng ngẩn ngơ nhìn lũ mối, chỉ mới chạm vào nhau mà đã đứt cánh. Thân mình lăn lóc, quằn quại trên nền đất bên cạnh những chiếc cánh rách tướp, tơi tả. Nàng gom những chiếc cánh mỏng tang, trong suốt ấy và đổ vào bình gốm vỡ. Đó là cách để nàng tính thời gian bằng mỗi một cơn mưa. Nàng đổ đầy ký ức về Cô Đơn. Khi chiếc bình gốm vỡ ngập đầy những cánh mối, ấy cũng là lúc những cơn mưa mùa hạ đi qua, cũng là lúc những tờ lịch cũ đã vơi đi. Nàng hẹn Cô Đơn vào ngày đó. Giữa cái kết thúc và bắt đầu. Khi phù dung nở rồi tan đi. Đôi tay nàng trong suốt kết từ những cơn mưa mùa hạ, đôi tay ấy sẽ ngập ngừng cởi từng khuya áo của Cô Đơn, để rồi, tan đi trong sương, như cách Cô Đơn nói về xứ ấy.
Nhưng hôm nay, một tờ lịch cũ lại rơi xuống. Nàng đã gấp thành con thuyền và thả xuống từ dốc Cô Đơn. Vậy mà con thuyền mắc lại. Bởi cơn mưa cuối cùng của mùa hạ đã hết rồi. Những sợi nắng ánh ỏi ngoi lên, chầm chậm và dịu dàng. Nàng ngỡ ngàng nhìn đóa phù dung trắng tinh khôi trong nắng.
Ta phố núi nhớ người trong mộng.
Đợi phù dung nở hết cơn buồn(1).
Nàng cười, nhìn ngày cũ bị mắc cạn nơi đỉnh dốc. Con thuyền giấy không trôi về xứ mù sương.
Nàng đã đợi như bấy lâu vẫn đợi. Đợi từ một cơn mưa miên viễn đến bây giờ. Từ khi những trang bản thảo của nàng trắng trơn đến khi chứa đầy các ký tự. Ngập tràn cánh mối trong các giác quan của nàng. Những mảnh gốm vỡ nói chuyện về hao khuyết trong những đêm sâu, về những mảnh ghép vênh lệch không bao giờ có thể khớp. Nàng đợi dưới gốc phù dung, từng cánh rền rĩ trong bóng nắng. Cứ nhạt dần, nhạt dần như sương. Nàng đã đếm những cánh hoa còn sót lại trên đài và nguyện cầu nó đừng rơi rụng. Nhưng không có một ông họa sĩ già nào vẽ thêm những cánh hoa vào một đêm mưa gió. Ở xứ này đã hết những cơn mưa. Nắng đã lên và hoa đã nhạt màu. Cánh cuối cùng rớt xuống. Kết thúc cho một cuộc hẹn, cho những đợi chờ. Nàng đem chiếc bình gốm vỡ đựng những cánh mối chôn dưới gốc phù dung.
Đấy là ngày đầu tiên của hiện tại. Nàng thấy đôi bàn tay mình buốt giá khi chôn đi những ký ức về Cô Đơn. Mà đôi bàn tay vẫn trong suốt như mưa mùa hạ. Nàng soi vào đấy, thấy ngập tràn Cô Đơn. Nàng hoảng hốt bới đất tìm lại chiếc bình gốm vỡ và ngày cũ mắc cạn. Nhưng đôi bàn tay nàng loang lổ máu. Nàng gục xuống, kiệt sức vì đợi chờ.
4.
Đêm không trăng. Phai ra sông. Không thấy người lái đò và con đò như mọi bữa. Sương vẫn giăng. Chiếc cầu bắc qua sông như một con cá mắc cạn. Phai thấy nó đang quẫy đạp, rên xiết trong đau đớn. Những bóng người lầm lũi trên cầu lần lượt đi vào miệng cá. Rồi sẽ bị nó nuốt chửng. Phai hoang mang, gào lên gọi mọi người nhưng không ai nghe thấy gì cả. Họ vẫn miệt mài đi. Phai lao về phía cầu, quyết giành giật lại sự sống cho những con người u mê từ miệng con thủy quái. Choáng váng! Phai thấy tất cả quay cuồng. Một cú va đập mạnh nào đó khiến Phai bị văng ra một đoạn khá xa. Phai chỉ cảm thấy được hình như máu đã chảy. Phai thấy mặn ở đầu lưỡi. Rồi thì sương giăng kín. Và trăng lên. Phai đã nằm trên con thuyền mỏng. Người lái đò chở Phai qua bến sông trăng. Phai băn khoăn: “còn kịp chứ?”. Người lái đò nở nụ cười toàn trăng: “kịp chứ!” Phai vốc tay uống một ngụm trăng rồi thả lỏng cơ thể để cho thuyền chở đi. Lại thấy đôi bàn tay trong suốt như mưa chầm chậm và dịu dàng cởi từng chiếc cúc áo trên ngực mình. Phai thấy mình dần tan ra. Không biết thành sương, thành trăng, hay thành mưa? Bỗng nhiên, chiếc thuyền chìm lút giữa dòng trăng. Phai hoảng hốt: “Còn kịp chứ?”. Không có tiếng đáp lại. Người lái đò biến mất. Chỉ một mình Phai dập dềnh trên sông. Trăng loang lổ mặt người. Còn kịp chứ? Tiếng Phai chìm vào một khoảng mênh mông. Phai khép mắt, không thể gượng dậy nổi. Sóng đánh rã rời. Trăng lặn. Như một chiếc đèn phụt tắt. Trọ một đêm say khướt với trăng buồn. Không kịp nữa rồi! Tiếng kêu đứt gãy. Phai gục mặt vào đêm.
5.
Nàng phải đi rồi. Giã từ dốc Cô Đơn ngập tràn ký ức của những cơn mưa mùa hạ. Nàng đã khâm liệm những cánh mối của từng đêm mưa trong chiếc bình gốm kia. Chiếc bình gốm mà Cô Đơn đã mang đến từ xứ sở của người. Từng mảnh vỡ lưu lạc qua những dấu vân tay thời gian. Nàng đã in bao nhiêu dấu vết của mình trên từng mảnh vỡ đó? Những hơi thở của gốm mặn máu và nước mắt lặng lẽ chảy dài dưới gốc phù dung.
Nàng cũng lặng lẽ quay đi.
Hôm nay, nàng làm lễ cưới.
Ngày cũ bị mắc cạn nơi đỉnh dốc. Là ngày nàng hẹn Cô Đơn. Nhưng Cô Đơn như mảnh gốm lưu lạc kia, đã chẳng trở về.
Chiếc váy cưới của nàng trắng như phù dung, tan tác như cánh mối.
Nàng chầm chậm tiến vào lễ đường. Mẹ nàng cười rất tươi. Có lẽ người vui nhất là mẹ nàng vì đã sắp đặt thành công cuộc hôn nhân này. Bà muốn nàng hạnh phúc trong cuộc sống giàu có, sung túc. Tất nhiên, ai cũng muốn nàng hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc là gì? Nàng đã chẳng rất hạnh phúc trong sự đợi chờ cái ngày sẽ đến với Cô Đơn hay sao? Nàng đã chẳng rất hạnh phúc khi đưa những ngón tay trong suốt như mưa cắm ngập lên bộ ngực vạm vỡ và cháy nắng của Cô Đơn hay sao? Đã chẳng rất hạnh phúc khi cuồng quay như những con mối tướp táp cánh vần vũ trong cơn mưa giông lúc ngập tràn trong Cô Đơn hay sao? Nhưng tất cả những điều đó đều đã tan đi. Như những cơn mưa mùa hạ, ồn ã trong chớp nhoáng, từng cơn, cơn này chồng lấn lên cơn kia, rượt đuổi nhau, hòa vào nhau, rồi cũng tan đi. Đôi bàn tay nàng chẳng nắm lấy nổi một cơn mưa. Từng giọt chảy tràn qua từng kẽ tay. Tháng ngày chảy tràn qua từng kẽ tay.
Nàng lên xe hoa. Tất cả trước mắt nhạt nhòa một màu sương khói. Nàng đâu có đi về xứ mù sương mà sao sương tràn ra, dâng kín mọi nẻo đường. Chỉ có Cô Đơn ở xứ mù sương.
Nàng ngước nhìn chồng. Kịp thấy một nụ cười chợt tắt. Như cánh phù dung cuối cùng rớt xuống. Đọng lại thành một thăm thẳm chiêm bao.
6.
Bác sĩ thông báo cho Phai xuất viện. Sức khỏe đã ổn định. Không quên dặn cai rượu và thuốc lá. Phai cười, ậm ừ cho qua. Nếu không có men say và khói thuốc, Phai sẽ chết trong cô đơn mất. Nó là thế giới của Phai, là nơi những con chữ bay thoát xác bay lên.
Phai nhớ lại quãng thời gian vừa qua, sau khi bị tai nạn, Phai nhớ nhớ quên quên cứ như người mộng du. Tối nay Phai trở lại tìm người lái đò, giữa sông nước mênh mông, chiếc cầu vắt ngang dòng sông như một khối lặng câm hóa thạch. Trăng vẫn lóng lánh. Nhưng không thấy người lái đò. Một khoảng trống mơ hồ đâm sâu vào lòng Phai. Thơ thẩn ngồi ở một quán nước ven đường, gọi một cốc trà đá, Phai hỏi chủ quán về người lái đò trên sông. Người ấy bật cười, bảo, có cầu rồi thì lấy đâu ra người lái đò nữa cho anh tìm? Phai sững người rồi đưa hai tay lên vuốt mặt. Chủ quán đăm chiêu kể tiếp: “Mấy năm trước, chiếc cầu này xây xong, người lái đò mất nghề nên đã bỏ đi. Nhưng nghe đâu, sau đó, người ấy quay trở lại và chết trên sông trong một đêm trăng. Thấy bảo, đêm ấy trăng sáng lắm, sáng như chưa bao giờ sáng thế. Tôi mới chuyển đến nên cũng được nghe kể vậy thôi. Thế anh cũng không phải là dân ở đây ư? À mà không hiểu sao, cái người lái đò ấy lại là nhà thơ…”
Phai bất giác lạnh sống lưng. Câu chuyện về người lái đò mà Phai đã gặp mỗi đêm là thực hay mơ? Người đó là ai hay là hình bóng của chính Phai?
Phai trở về nhà với một khoảng trống không thể lấp đầy. Người thi sĩ chèo đò thả câu hỏi vào hư vô “có chở trăng về kịp tối nay?”(2). Phai bàng hoàng nhìn những tờ lịch cũ. Ngày tháng nào đã trôi đi? Trăng mọc rồi trăng lặn. Thôi rồi, phù dung đã nở hết cơn buồn! Trắng xóa trên đỉnh dốc Cô Đơn. Những mảnh gốm vỡ của Phai hằn in những dấu vân tay của Nguyệt. Những mảnh trăng ứa máu. Phai đã lỡ hẹn cho một ngày sau chót.
Ngày cũ chết lặng trong tờ lịch nhằng nhịt những con chữ chẳng thể thoát xác bay lên: “thì thôi nhé, tháng năm là vô tận. Trọ một đêm say khướt với trăng buồn”(3).
Phai lao ra cửa, chạy vội về phía những cơn mưa mùa hạ. Từng ngón tay Nguyệt trong suốt như mưa, găm lên ngực Phai, rát bỏng.
7.
Nguyệt gọi Phai là Cô Đơn.
Phù dung lại nở trên con dốc Cô Đơn. Con thuyền giấy của ngày cũ mắc cạn trong một chiều mưa mùa hạ. Một mình Phai ngập trong những cánh mối rách tướp.
Những mảnh gốm lưu lạc đã trở về
------
(1) Thơ Lê Hòa
(2) Thơ Hàn Mặc Tử
(3) Thơ Vân Phi
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...