Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
13:06 (GMT +7)

Ngành du lịch với hiện thực hóa doanh thu nghìn tỷ

Cùng với Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và cả nước, thị trường du lịch của tỉnh Thái Nguyên đang trở nên sôi động bởi lượng du khách và nguồn doanh thu từ du lịch đã và đang trên đà khởi sắc. Mục tiêu tỉnh Thái Nguyên đề ra đến năm 2025 đón hơn 3,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng/năm; đến năm 2030 đón 5,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 6.600 tỷ đồng/năm. Nhưng để trở thành ngành kinh tế quan trọng và hiện thực hoá doanh thu nghìn tỷ, với ngành du lịch Thái Nguyên - đó là một “hành trình” đầy thử thách.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh (thứ 2 từ phải vào) thẩm định chất lượng sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch của Hợp tác xã Sơn Dung Trà
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh (thứ 2 từ phải vào) thẩm định chất lượng sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch của Hợp tác xã Sơn Dung Trà

Từ sản phẩm khác biệt

4 dòng sản phẩm đặc trưng gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm đang được tỉnh Thái Nguyên quan tâm, xây dựng và từng bước hoàn thiện. Điểm độc đáo, khác biệt so với các tỉnh vùng Việt Bắc và cả nước là hầu hết sản phẩm du lịch của Thái Nguyên đều gắn với văn hoá trà. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh khẳng định: 4 dòng sản phẩm khác biệt này sẽ là sản phẩm du lịch đặc trưng, làm nên thương hiệu mạnh, tạo sức cạnh tranh cao, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Để hiện thực du lịch là ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Nguyên khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở làm du lịch tích cực sáng tạo, nâng tầm giá trị sản phẩm liên quan đến du lịch, tạo sự độc đáo, khác biệt. Giữa các đơn vị làm du lịch, các khu, điểm đến hạn chế việc có sản phầm trùng lặp, tạo cho du khách đi “từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”. Sản phẩm du lịch mới, không giống nhau sẽ mang lại cho du khách những cảm nhận mới, ấn tượng, không nhàm chán. Đặc biệt trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, những năm gần đây tỉnh Thái Nguyên chủ trương đẩy mạnh các loại hình du lịch truyền thống, đồng thời đưa ra nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển mới một số sản phẩm du lịch cao cấp như xây dựng sân golf gắn với phát triển các khu đô thị dịch vụ thương mại; khu nghỉ dưỡng, sinh thái.

Đã có nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Thái Nguyên đang nắm được cơ hội phát triển du lịch phù hợp với xu hướng chung của đất nước và thế giới. Minh chứng năm 2023, các khu, điểm đến của Thái Nguyên đón gần 2,5 triệu lượt khách, tăng gần 15% so với cùng kỳ, trong đó có hơn 20.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 26% so với cùng kỳ. Bình quân giai đoạn 2021 - 2023, tổng lượt khách du lịch đến Thái Nguyên tăng hơn 29%/năm. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết: Đến hết tháng 6/2024, tổng lượng khách du lịch đến Thái Nguyên dự ước gần 1,9 triệu lượt người, tăng hơn so với cùng kỳ năm trước gần 10%; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 943 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế toàn cầu phát triển, đi tham quan, du lịch, trải nghiệm trở thành nhu cầu trong cuộc sống của đông đảo công dân thế giới, trong đó có công dân Việt Nam. Chính vì thế mà các địa phương có khu, điểm đến luôn coi trọng việc quảng bá sản phẩm du lịch, làm mới sản phẩm du lịch. Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Phó Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên tâm huyết: Để du khách trong nước, quốc tế biết đến các khu, điểm đến cũng như những sản phẩm du lịch của vùng “Đất Thép - Xứ Trà”, tỉnh Thái Nguyên luôn coi trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đến với bạn bè trong cả nước và trên thế giới. Thông qua các ứng dụng điện tử như trên website Du lịch Thái Nguyên; Cổng Du lịch thông minh; các kênh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội, bạn bè khắp năm châu biết đến các sản phẩm du lịch của tỉnh.

Mạnh dạn triển khai các giải pháp đưa ngành du lịch phát triển ổn định hơn. Đây là một trong những giải pháp căn cơ mà Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã quyết liệt vào cuộc. Cụ thể là việc tỉnh tổ chức liên kết xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Thái Nguyên. Cùng với đó các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chủ động tham gia đào tạo nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, nhất là với đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch tại khu, điểm du lịch của tỉnh.

Du khách trải nghiệm tại HTX chè La Bằng (Đại Từ)
Du khách trải nghiệm tại HTX chè La Bằng (Đại Từ)

Chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Nữ Ngọc Anh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Khách sạn Đông Á cho biết: Để phát triển du lịch bền vững, Công ty đang nuôi dưỡng ý tưởng xây dựng thêm một số sản phẩm độc đáo có liên quan tới trà, góp sức cùng tỉnh tạo dựng thương hiệu mạnh cho du lịch Thái Nguyên… Qua khảo sát tại các khu, điểm đến trong tỉnh cho thấy: Mục đích chính của du khách khi đến Thái Nguyên là tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, thăm họ hàng, bạn bè và tham dự các hội nghị, hội thảo. Du khách tự sắp xếp cho chuyến đi, hoặc tham gia đi theo tour do các doanh nghiệp làm du lịch tổ chức. Quà du khách mua tặng cho bạn bè, người thân vẫn là chè búp mang thương hiệu Thái Nguyên.

Kết quả khảo sát về chi tiêu của du khách: Bình quân một lượt khách đến Thái Nguyên có số thời gian lưu trú chưa đầy 1,5 ngày, trong đó khách đi theo tour bình quân hơn 1,3 ngày/lượt người; khách tự túc đi gần 1,5 ngày/lượt người. Về chi tiêu: Khách đi theo tour nộp tiền trọn gói cho doanh nghiệp lữ hành gồm các khoản đi lại, ăn, uống, ngủ nghỉ. Còn với khách tự sắp xếp chuyến đi, tự chi trả mọi khoản chi phí cho các dịch vụ đã sử dụng. Giá phòng khách tự đi có thể chi cao hơn giá phòng theo tour, nhưng khách chủ động được việc lựa chọn sản phẩm du lịch theo sở thích của mình. Ngoài chi cho đi lại, ăn, uống, ngủ nghỉ, vé vào các cửa tham quan, du khách còn chi tiêu cho các khoản ngoài tour như dịch vụ vui chơi giải trí và mua sắm hàng hóa.

Số lượng khách nội địa đến Thái Nguyên đạt cao, nhưng lượng khách quốc tế đến Thái Nguyên chưa đáng kể, với hơn 20.000 lượt khách trong cả năm 2023, chiếm 0,8% so với tổng lượng khách đến tỉnh tham quan. Tuy số lượng khách quốc tế không nhiều, nhưng đây là khách có mức chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ du lịch so với khách nội địa. Trong tổng số hơn 20.000 lượt khách quốc tế đến Thái Nguyên thì có 19.624 lượt khách lưu trú qua đêm, chiếm gần 98%, còn lại là khách đi trong ngày, chiếm hơn 2%. Mức chi tiêu của khách quốc tế theo hình thức tự sắp xếp hơn 2,4 triệu đồng/lượt người lưu trú qua đêm; khách đi trong ngày có mức chi tiêu hơn 1,2 triệu đồng/người, chi chủ yếu cho phòng nghỉ, ăn uống và mua sắm hàng hóa. Còn đối với khách đi theo tour có nghỉ qua đêm chi tiêu bình quân gần 2 triệu đồng/người/ngày.

Có sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt và lòng người hồn hậu. Đó chính là “lực hấp dẫn” của ngành du lịch đối với du khách. Vấn đề đặt ra là làm như thế nào đó để du khách đến tham quan, trải nghiệm được thấy lòng phấn chấn, hào sảng, từ đó hào hứng “bạo chi” cho các dịch vụ du lịch trong thời gian lưu trú tại các khu, điểm đến.

Đến nới rộng tư duy để làm kinh tế du lịch

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, cánh cửa biên giới giữa các quốc gia rộng mở hơn cho cư dân giữa các nước được phép qua lại tham quan, du lịch. Đặc biệt từ ngày 15/8/2023, Việt Nam chính thức miễn visa 45 ngày cho công dân 13 nước trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức… Đây là cơ hội tốt mở ra cho ngành du lịch của cả nước. Ngành du lịch tỉnh Thái Nguyên sẽ làm gì để nắm lấy cơ hội tiếp đón một số lượng đáng kể du khách nước ngoài đến Việt Nam, trong khi Thái Nguyên chỉ cách sân bay Nội Bài chưa đầy 1 giờ chạy xe.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên và Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh ký kết hợp tác phát triển du lịch
Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên và Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh ký kết hợp tác phát triển du lịch

Ông Dương Văn Sáu, nguyên Trưởng Khoa Du lịch (Đại học Văn hóa) chia sẻ: Du lịch là đi và đến, nhưng để du khách đến và có thời gian lưu trú dài ngày, các doanh nghiệp làm du lịch ở Thái Nguyên nên có sự thay đổi tư duy trong liên kết, không nên làm đơn lẻ. Chỉ có liên kết, chia sẻ mới có được sản phẩm du lịch khác biệt, tạo cho du khách hứng thú, ấn tượng trong kỳ nghỉ.

Được mệnh danh là “Đất Thép - Xứ Trà” và sở hữu một nguồn tài nguyên vô giá phục vụ ngành du lịch phát triển, với hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa đã được kiểm kê, hơn 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm đếm. Qua thực tế tại các khu, điểm du lịch của tỉnh sẽ không khó nhận ra nhiều du khách chưa mặn mà với các sản phẩm du lịch hiện có. Ông Jo Woon, một du khách đến từ Hàn Quốc cho biết: Tôi rất thú vị khi đến du lịch tại tỉnh Thái Nguyên, tuy nhiên một số khu, điểm du lịch có sản phẩm lưu niệm na ná giống nhau dẫn đến sự tẻ nhạt. Nhiều điểm di tích vào ngày thường không có bóng du khách… Còn ông Steven Jay Williams, du khách đến từ Pháp cho biết: Thái Nguyên có nhiều di tích lịch sử văn hoá, con người thân thiện, ẩm thực cũng rất lạ, khung cảnh thiên nhiên cũng rất đẹp song chưa được khai thác hiệu quả trong làm du lịch.

Tình trạng khó khăn chung của ngành du lịch là hầu hết các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nguồn vốn đầu tư hạn chế, không đủ tiềm lực để thường xuyên làm mới sản phẩm du lịch. Cùng đó là tư duy làm ăn cá lẻ, nhiều doanh nghiệp chưa biết, hoặc chưa chịu chia sẻ du khách với nhau, “thân ai nấy lo”. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lòng lẻo dẫn đến tự làm yếu mình, từ đó không đủ sức tạo nên thương hiệu mạnh. Bản thân các doanh nghiệp cũng tự nhận thức được sự yếu kém nếu thiếu sự liên kết, hoặc liên kết thiếu bền vững, nhưng chưa vượt qua được giới hạn cái tôi riêng.

Phải thay đổi cách làm để tồn tại, phát triển. Đó là việc các doanh nghiệp cần làm ngay trong thời đất nước hội nhập. Và bắt đầu từ nới rộng tư duy, mở rộng hợp tác, liên kết, từ đó tạo được sản phẩm mới là các tour, tuyến du lịch phù hợp. Và để hóa giải những hạn chế tồn tại trong ngành du lịch; xây dựng ngành du lịch của tỉnh xứng đáng với vai trò “dẫn dắt” kinh tế vùng - trong đó có du lịch, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có nội dung phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Đương nhiên yếu tố đặt lên hàng đầu là đòi hỏi các doanh nghiệp năng động, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới hơn trong cách làm du lịch. Từ đó sẽ thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và hứng thú chi tiêu khi sử dụng các dịch vụ du lịch trong thời gian tham quan trải nghiệm tại các khu, điểm đến.

Đã có rất nhiều bản liên kết hợp tác được Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên ký kết với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Song để trở thành hiện thực, các hiệp hội, trực tiếp là doanh nghiệp làm du lịch phải biết nới rộng tư duy làm kinh tế du lịch. Ông Vũ Quốc Trí, Uỷ viên Thường trực, Tổng Thư kí Hiệp hội Du lịch Việt Nam đúc kết: Làm kinh tế du lịch cần có giải pháp lâu dài. Đó là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và với cả các nước trên thế giới. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Thái Nguyên tâm đắc bằng cách nhắc lại lời của tỷ phú người Mỹ, ông Warren Buffett: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.

Nới rộng tư duy và siết chặt cái bắt tay, đó là cách làm vòng tay được mở rộng cùng tinh thần thân thiện. Tất cả với mục đích hướng đến phục vụ cho du khách được hoàn hảo hơn. Du khách được hưởng lợi nhiều hơn và doanh nghiệp làm du lịch “sống” khoẻ hơn... Gặp trên đỉnh Sa Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai), chị Lý Thị Pành, một người Mông tự bỏ vốn thuê lại 2 ha đất của đồng bào trên đỉnh núi để xây dựng cảnh quan làm du lịch. Chị Pành bảo: Làm du lịch thành công là mình phải mở rộng cái nghĩ, bỏ cách làm lẻ tẻ, càng hợp tác chặt chẽ với nhau thì mình càng gặt hái được nhiều thành quả. Chị đã gặt hái được thành công bước đầu trong làm kinh tế du lịch, Nhờ chị, hàng chục người trên bản Mông có thêm thu nhập ngoài cây ngô, mới rau cải. Và từ “mở rộng cái nghĩ” như chị nói, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng tour đưa khách lên đỉnh Sa Luông.

Nhiều sản phẩm ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc được du khách lựa chọn mua làm quà sau chuyến tham quan, trải nghiệm
Nhiều sản phẩm ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc được du khách lựa chọn mua làm quà sau chuyến tham quan, trải nghiệm

Bằng cách làm gắn truyền thống với hiện đại, lấy chất lượng dịch vụ là mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mang lại cho du khách nhiều lợi ích, các doanh nghiệp làm du lịch Thái Nguyên đang từng bước tiến tới chuyên nghiệp hơn. Theo trào lưu phát triển du lịch chung trên cả nước và thế giới, tỉnh hướng mạnh về phát triển du lịch cộng đồng, lấy lợi ích của người dân địa phương là trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng dân cư tham gia, làm chủ và được hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ cho khách du lịch.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 535 cơ sở lưu trú du lịch, với hơn 3.000 người lao động. Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Phó Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh cho biết: Trong những năm gần đây nhiều doang nghiệp làm du lịch đã có sự liên kết, chia sẻ du khách. Đó là tư duy mới trong làm kinh tế du lịch. Đặc biệt một số doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh đang có hướng hợp tác đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch mang tầm quốc tế để phục vụ đối tượng có khả năng chi tiêu cao, như xây dựng sân golf, nâng cấp khách sạn, nhà nghỉ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi và các hoạt động khác có liên quan đến du lịch.

Du lịch là đi và đến. Nhưng để du khách đến và có thời gian lưu trú dài ngày, đồng thời trở lại, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng cho đội ngũ những người lao động trong ngành. Bởi ở đâu sở hữu cảnh đẹp, có nhiều sản phẩm độc lạ và đội ngũ người lao động ở các lĩnh vực được đào tạo bài bản, có trình độ, tâm huyết, hiểu biết rộng thì ở đó sẽ nhanh chóng được lan toả bởi chính du khách. Từ đó doanh nghiệp được “nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa”, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch của “Đất Thép - Xứ Trà”.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy