Nét văn hóa độc đáo trong cỗ Tết người Tày ở Ôn Lương
VNTN - Ngày nay, cuộc sống của người Tày xã Ôn Lương (Phú Lương) đã có nhiều đổi thay nhưng những nét đẹp văn hóa vẫn được gìn giữ trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Cỗ Tết của người Tày không thể thiếu món bánh chưng và xôi ngũ sắc được làm từ gạo nếp vải, sản vật của địa phương. Sự khác biệt ở món bánh chưng, xôi ngũ sắc đậm hương vị núi rừng từ gạo nếp vải này, khiến người ăn nhớ mãi bởi khi nấu chín hạt dẻo, thơm, đậm vị, ăn ngon mà không bị nóng bụng.
Bánh chưng – món cổ truyền dịp Tết của người Tày
Trong ký ức của các thế hệ người Tày xã Ôn Lương, bánh chưng ngày Tết hội tụ tất cả tinh hoa, sự nỗ lực lao động, sản xuất trong cả một năm của người dân. Khác với một số dân tộc khác gói bánh chưng vuông, người Tày thường gói bánh chưng dài.
Theo các bậc cao niên người Tày ở đây, trong mâm cỗ tất niên, ngoài những món ăn được chế biến từ thịt lợn đen nóng hổi, chiếc bánh chưng là thứ không thể thiếu. Để chuẩn bị làm bánh chưng, ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, người dân đã chọn lựa hái những chiếc lá dong bánh tẻ. Những con lợn to nhất được chọn thịt trong ngày tết. Thịt lợn được chế biến thành nhiều món ăn đặc trưng của người Tày, như thịt treo gác bếp, lạp sườn và một phần để gói bánh chưng. Bánh chưng được coi là sản phẩm rất linh thiêng của người Tày, chỉ sau khi dâng lên tổ tiên mọi người mới được thưởng thức.
Tất bật chuẩn bị lá dong, chẻ lạt từ ngoài Rằm tháng Chạp, cứ đến khoảng 27, 28 tháng Chạp, gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt, xóm Khau Lai bắt đầu việc gói bánh chưng sau khi mấy anh em trong nhà ăn đụng một con lợn nuôi từ giữa năm. Chị Nguyệt chia sẻ với chúng tôi: Bánh chưng là món ăn dịp Tết cổ truyền gắn với sự sống, tín ngưỡng dân gian của đồng bào dân tộc Tày. Bánh chưng phải luộc bằng bếp củi và gói bằng gạo nếp vải Ôn Lương, nhân thịt lợn đen mới ngon và đậm vị.
Chia sẻ bí quyết để gói bánh chưng ngon, chị Nguyệt bảo: Muốn bánh chưng thơm ngon đậm vị, chúng tôi chọn giống nếp vải Ôn Lương. Giống lúa này đã có tuổi đời hàng trăm năm, sở dĩ được gọi là nếp vải bởi khi chín, vỏ hạt thóc có màu nâu sậm như quả vải.
Để chuẩn bị cho nồi bánh chưng theo đúng phong cách người Tày không phải chuyện đơn giản. Đầu tiên, người dân chọn những hạt gạo nếp vải căng mẩy, tròn đều rồi vo sạch và ngâm trong nước 5 - 7 tiếng sau đó vớt ra để ráo. Trong thời gian này, mọi người tranh thủ rửa lá dong và chẻ lạt. Lá dong phải chọn loại bánh tẻ, tức là không quá non hoặc quá già.
Ngồi cạnh đó, bà Nguyễn Thị Bền, sinh năm 1958, ở xóm Khau Lai góp chuyện: Khi gói bánh chưng bằng gạo nếp vải, lá dong bánh tẻ, đỗ sống, thịt lợn lợn đen, gạo được chín đều đượm vị hơn, dẻo thơm hơn và có màu xanh của lá dong khi xắt ra đĩa. Thêm phần nhân bánh chưng được tạo thành từ thịt lợn đen giúp cho vị bánh đậm, béo ngậy rất riêng mà lợn thường không có được.
Theo lời bà Bền thì gia đình chị Nguyệt là số ít hộ người Tày ở Khau Lai nói riêng và Ôn Lương nói chung vẫn duy trì trồng lá dong và cây giang từ nhiều năm nay để chẻ lạt gói bánh cho chuẩn vị người Tày. Có được lá dong vừa tầm, người dân lấy gạo đã ngâm để ráo, rồi đổ gạo vào lá dong, thoăn thoắt cho nhân vào giữa gói từng chiếc bánh chưng dài. Bánh chưng nguyên gốc của người Tày chỉ gồm gạo nếp, gần đây, để tạo thêm hương vị, sắc màu và phục vụ nhu cầu người ăn kiêng, các gia đình gói bánh bằng gạo lứt, hay pha lẫn nước lá cẩm lấy màu sắc đẹp. Bên bếp lửa đỏ chiều cuối năm, cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng sôi sùng sục, nghe thấy củi nổ lách tách, không khí thật ấm cúng.
Thưởng thức bánh chưng ở nhiều nơi, song khi ăn bánh của người Tày ở Ôn Lương, tôi đã yêu thích ngay món ăn giản dị, có sự hòa quyện giữa mùi thơm của gạo nếp với hương thơm của núi rừng từ lá dong và đặc biệt là thịt lợn đen đậm vị. Đặc biệt, bánh chưng để vài ngày vẫn giữ được độ dẻo, màu xanh đặc trưng của lá dong, hương vị không bị mất đi, dù những ngày thời tiết giá lạnh.
Xôi ngũ sắc – biểu tượng của sự no ấm, may mắn
Ngoài bánh chưng, xôi ngũ sắc là món ăn thể hiện sự may mắn, bình an của người Tày mong một năm mới sung túc. Bà Nguyễn Thị Nở, năm nay 72 tuổi, ở xã Ôn Lương bảo: Theo quan niệm của người Tày chúng tôi, các màu của xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành: Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ, thể hiện sự hòa hợp, tươi tốt của đất trời. Bởi vậy, xôi ngũ sắc có mặt trong các dịp lễ Tết để dâng cúng tổ tiên, tượng trưng cho sự yên ấm, cũng là lời cầu nguyện no đủ, hạnh phúc trong cuộc sống bao đời nay của người dân nơi đây.
Người Tày ở Ôn Lương có 5 cái Tết quan trọng trong năm đó là: Mùng 3/3, Mùng 5/5; Rằm tháng 7; Tết cơm mới 10/10; Tết Nguyên đán. Ngoài bánh dày, bánh dợm thì các dịp lễ Tết này không thể thiếu món xôi ngũ sắc. Đêm 30 giao thừa, trong mâm cúng dâng lên tổ tiên, món xôi ngũ sắc cùng bánh chưng thay cho lời con cháu dâng lên tổ tiên thành quả cả một năm cày cấy chăm chỉ.
Để làm ra món xôi ngũ sắc, người Tày ở Ôn Lương chọn loại gạo nếp vải mới gặt, hạt mẩy, đều, có mùi thơm đặc trưng. Từ xưa đến nay, đã trở thành tục lệ, nhà nào ở đây cũng đều dành một vài sào để cấy lúa nếp vải. Đặc biệt, màu sắc của xôi, ngoài màu trắng tự nhiên của gạo, các màu đỏ, tím, vàng, xanh đều được tạo ra từ nguyên liệu cỏ cây thiên nhiên như gấc, lá cẩm, củ nghệ, hoa đậu biếc. Với người Tày nơi đây, mỗi màu sắc của xôi đều mang ước vọng từ bao đời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mong cuộc sống yên ấm, no đủ.
Chị Nguyễn Thị Huế, xóm Khau Lai, xã Ôn Lương chia sẻ: Sau 5 - 6 tiếng ngâm với các loại nguyên liệu tạo màu, thấy gạo ngậm căng nước, có màu đẹp, chúng tôi đổ ra để ráo rồi cho vào chõ đồ chín. Muốn xôi thơm dẻo, giữ được cơ bản hương vị của gạo và nguyên liệu tạo màu, người dân dùng chõ đồ xôi bằng gỗ. Sự cầu kỳ khi làm món xôi ngũ sắc ngoài việc ngâm riêng gạo trộn từng nguyên liệu tạo màu khác nhau là khi đồ xôi cũng phải từng chõ theo màu.
Khi đồ xôi trên bếp củi, để xôi dẻo, chín đều, hương vị thơm ngon, người dân canh lửa độ vừa tầm, không quá to dễ bị cháy và cũng không quá nhỏ, tạo khói khiến xôi mất mùi thơm và chín không đều. Sau khi thấy chõ xôi lên hơi, tỏa ra mùi thơm ngào ngạt, họ sẽ mở nắp chõ, thử hạt gạo dẻo đều là chín.
Khi nhà có việc, như dịp cúng cơm mới (10/10) hay Tết thanh minh, Tết Nguyên đán, 5 chõ xôi được đặt nấu song song ngoài vườn. Khi 5 chõ xôi với 5 màu khác nhau hoàn thành, người dân đổ ra từng nia và tạo hình khuôn theo màu, rồi để trên lá chuối, lá dong gói kín lại, bày ra đĩa dâng lên thắp hương tổ tiên. Xôi ngũ sắc sau khi thắp hương được các gia đình người Tày ở Khau Lai thưởng thức cùng muối vừng lạc hay món khau nhục vô cùng ngon ngọt đậm vị. Cũng như bánh chưng, khách đến chơi nhà được mời món xôi ngũ sắc sẽ gặp nhiều may mắn, hanh thông, bình an trong năm mới.
Lan tỏa sản vật địa phương
Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Thương, Bí thư Đảng ủy xã Ôn Lương vui vẻ: Xã có gần 990 hộ, khoảng 4.000 khẩu, với 5 dân tộc cùng chung sống ở 8 xóm, trong đó dân tộc Tày chiếm trên 80%. Để giữ gìn nét văn hóa độc đáo dân tộc, gắn với phát huy lợi thế của địa phương, xã đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xác định cây lúa nếp vải là cây trồng chủ lực, với diện tích gieo cấy khoảng 100ha trong đó, diện tích gieo cấy tập trung là trên 80ha. Giống lúa nếp vải có giá trị kinh tế gấp đôi giống lúa tẻ thường, được người Tày trong xã chế biến nhiều món ăn độc đáo của người Tày.
Năm 2020, HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương ra đời, thu hút nhiều hộ dân người Tày ở Ôn Lương tham gia. Ngoài hoạt động sản xuất, HTX còn là cầu nối đứng ra thu mua và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Không chỉ dừng ở việc cung cấp các sản phẩm gạo nếp vải ra thị trường, từ lúa non đến khi lúa được thu hoạch, người dân nơi đây đã chế biến thành nhiều món ẩm thực của dân tộc như: cốm nếp vải, rượu nếp, bánh chưng, bánh giầy, cơm cháy, cơm lam, xôi ngũ sắc… được nhiều người ưa chuộng.
Chị Nguyễn Thị Huế, Phó Giám đốc HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương chia sẻ: Không chỉ làm bánh chưng, đồ xôi ngũ sắc vào dịp lễ, Tết của người Tày, để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, HTX Nông sản nếp vải Ôn Lương đã đưa các sản vật văn hóa địa phương lan tỏa tới nhiều vùng miền. Hàng năm, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, đồng thời tạo các kênh quảng bá trên Zalo, fanpage... HTX đã đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc phục vụ chế biến các sản phẩm từ gạo nếp vải như máy hút chân không, máy làm cốm, máy hấp xôi. Các sản phẩm đều có tem truy xuất nguồn gốc tạo sự yên tâm cho khách hàng, với mẫu mã, bao bì đẹp theo nhu cầu của khách.
Mỗi lần đi các hội chợ quảng bá nông sản, món xôi ngũ sắc và bánh chưng của HTX đều được người tiêu dùng đón nhận. Như trong tháng 10 vừa qua, tham gia Hội chợ quảng bá các sản phẩm nông nghiệp dưới Quảng trường Vạn Xuân, TP. Phổ Yên, hay tháng 11 ở Quảng trường Võ Nguyên Giáp, số xôi và bánh chưng mang theo không đủ bán, có người nếm xong đều nhận xét ăn ngon, đậm vị và mang hương vị riêng. Có người sau khi thưởng thức đã đặt hàng để dịp Tết chúng tôi gói bánh để họ thắp hương ngày Tết cũng như bày ở mâm cỗ Tết đón khách.
Ai đã được thưởng thức hương vị của món bánh chưng, xôi ngũ sắc của người Tày ở Ôn Lương một lần sẽ nhớ mãi vị đậm đà, dẻo thơm. Càng trân quý hơn tấm lòng người dân tộc Tày nơi đây, để có được món ăn đậm vị truyền thống này là cả sự kỳ công không hề nhỏ và trong đó, có tấm lòng yêu quê hương, yêu sản vật địa phương và mong muốn giữ gìn, lan tỏa ẩm thực văn hóa dân tộc đi muôn nơi…
Mai Linh Lan
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...