Nâng sức cạnh tranh bằng đổi mới công nghệ
VNTN - Xác định đổi mới công nghệ là giải pháp giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, thời gian qua, một số DN thuộc lĩnh vực công nghiệp (CN) chế biến, chế tạo của tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ theo hướng hiện đại.
Năm 2018, ngành CN tiếp tục có những chuyển biến tích cực khi tăng trưởng toàn ngành ở mức 13%. Trong đó, ngành CN chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng ấn tượng với 11% so với cùng kỳ, trở thành động lực chính cho tăng trưởng chung của toàn ngành.
Tìm hiểu tại một số DN thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo như dệt may, sản xuất cơ khí, chúng tôi thấy phần lớn các đơn vị đều đạt được kết quả sản xuất như mong đợi. Cụ thể, nhóm ngành dệt may đạt mức tăng trưởng cao trên 57% so với cùng kỳ. Để có kết quả này, các DN may nói chung đã có những bước đầu tư về máy móc sản xuất cho đến ứng dụng công nghệ vào quản trị DN. Tại một số đơn vị như Công ty CP may Thành Hưng, Công ty CP Đầu tư và phát triển TDT, chi nhánh Công ty CP may Chiến Thắng hiện đã đưa vào dây chuyền sản xuất các máy móc hiện đại như máy trần bông, thổi lông vũ, máy cắt tự động và một số máy chuyên dụng trong sản xuất áo khoác Jacket như thùa đính, lập trình, với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển TDT cho biết: Tính riêng năm 2018, Công ty đầu tư hơn 15 tỷ đồng mua máy trải vải tự động, máy lập trình, máy nhồi bông. Các máy này đã góp phần thay thế nhiều nhân công lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Cụ thể như máy nhồi bông giúp thay thế hàng chục công nhân và nâng công suất lên 600 sản phẩm/ngày (tăng gấp 5-6 lần), còn máy thổi lông vũ giảm được 6 người/ca và cho công suất tăng gấp 2-3 lần (từ 200-300 sản phẩm/ngày).
Năm 2018, chi nhánh may TNG Đại Từ đầu tư phân xưởng in vải tự động (hơn 10 tỷ đồng) giúp thay thế toàn bộ công nhân thực hiện thao tác in với công suất 400-600 sản phẩm/giờ (tăng gấp 2-3 lần so với in thủ công).
Đối với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG - tốp 10 DN may hàng đầu trong nước, ông Nguyễn Văn Thời, Giám đốc đơn vị phấn khởi nói: Năm vừa qua các kế hoạch sản xuất của TNG đều đạt và vượt ở mức cao. Doanh thu đạt gần 3.500 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 175 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch, đặc biệt giá trị xuất khẩu đạt gần 200 triệu USD. Sở dĩ có được kết quả này là do TNG đã không ngừng đổi mới, áp dụng triệt để máy móc sản xuất theo hướng tự động và bán tự động. Trong đó đáng nói nhất trong năm qua là hệ thống may ép nhiệt tự động của châu Âu được TNG đầu tư để sản xuất dòng sản phẩm áo sơ-mi 4.0 đầu tiên trong cả nước. Song song với đó, TNG còn đầu tư phần mềm quản trị DN bằng hệ thống điện tử với kinh phí trên 70 tỷ đồng, giúp quản lý toàn bộ các khâu từ giám sát người lao động và các vấn đề tài chính được liên tục, đồng bộ và chính xác. Được biết, TNG còn đang cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật đi nghiên cứu, học tập ứng dụng rô-bốt vào sản xuất và từng bước đầu tư các thiết bị may tự động.
Giống như các DN may, các DN cơ khí lớn nhỏ trong tỉnh như Công ty phụ tùng máy số 1 (Futu1), Công ty TNHH Một thành viên Diesel Sông Công, Công ty CP cơ khí Phổ Yên, DN tư nhân Cơ khí Trung Thành… cũng đã có những đầu tư về công nghệ sản xuất mới. Ví như Futu1, trong vòng 5 năm gần đây đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng xây dựng phân xưởng mới, nhà điều hành. Ngoài ra còn dành hơn 200 tỷ đồng mua sắm thiết bị sản xuất của Nhật Bản, Đài Loan, Đức phục vụ xưởng rèn dập với các loại máy búa, dập thế hệ mới, có hệ thống cấp phôi tự động, dây chuyền dập nguội chính xác thay thế công nghệ phay lăn răng; xưởng đúc với các thiết bị làm khuôn, hệ thống tái sinh cát, lò nấu trung tần, các thiết bị kiểm tra thành phần hóa học hiện đại; xưởng cơ khí với các máy CNC, phay lăn CNC, xọc răng CNC. Nhờ đó mà hiện nay Futu1 có thể sản xuất từ 25-30 triệu chi tiết sản phẩm cho các công ty nổi tiếng trên thế giới như Honda, Yamaha... và đem lại doanh thu lên đến 800 tỷ đồng (gấp 27 so với năm 2001). Một tín hiệu tích cực khác trong đổi mới công nghệ là hiện nay đã có DN mạnh dạn tự nghiên cứu, chế tạo công nghệ sản xuất cho chính mình. Tiêu biểu như Công ty TNHH Hoàn Mỹ vừa mới đưa vào dây chuyền sản xuất bao bì giấy tự động, khép kín do đơn vị tự nghiên cứu chế tạo, gồm: Máy cán sóng, hệ thống thay giấy tự động, máy bôi keo, giàn sấy, giàn thu phôi tự động sau dao chặt, máy cấp phôi bán tự động cho máy in, máy đóng phế bán tự động… với công suất 150 mét sản phẩm/phút (trị giá hơn 35 tỷ đồng). Đây là tiền đề giúp Công ty từng bước phát triển theo chiều sâu - chế tạo công nghệ sản xuất bao bì giấy “Made in Việt Nam”.
Trên đây chỉ là một số DN mà chúng tôi ghi nhận được về đổi mới công nghệ sản xuất trong số hơn 600 DN thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo của tỉnh. Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù những năm gần đây các DN nói chung đã từng bước đổi mới công nghệ sản xuất, tuy nhiên số lượng này vẫn chưa nhiều và chỉ tập trung ở các DN có quy mô lớn, đặc biệt DN FDI và sản xuất các sản phẩm điện thoại, máy tính, quang học. Theo ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: Năm 2017-2018, kết quả đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của ngành CN chế biến, chế tạo với hệ số đóng góp công nghệ trung bình chung của tỉnh là 0,45 chỉ đạt mức trung bình, khá tương đồng với kết quả xếp hạng 15/63 về chỉ số PCI năm 2017 do VCCI đánh giá. Nguyên nhân khiến DN chậm đổi mới công nghệ là do đa phần DN có quy mô vừa và nhỏ nên tiềm lực tài chính và trình độ tiếp cận khoa học công nghệ còn hạn chế. Bên cạnh đó các chính sách về hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ chưa thực sự hấp dẫn, thúc đẩy và thu hút DN đầu tư đổi mới công nghệ. Ðể giúp DN nâng cao khả năng này, thời gian tới, Sở có kế hoạch khuyến khích các DN tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi từ Quỹ Đổi mới công nghệ, Quỹ Phát triển công nghệ của Trung ương và địa phương; tổ chức các hội chợ công nghệ và thiết bị, xây dựng các chương trình xúc tiến chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực với các DN FDI đang hoạt động tại tỉnh...
Hoàng Cường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...