Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
21:05 (GMT +7)
Trại Sáng tác văn học trẻ tỉnh Thái Nguyên năm 2024

Nâng niu, trân trọng những sáng tác đầu tay

VNTN- Sáng 7/8, Trại sáng tác văn học trẻ Thái Nguyên 2024 bước vào ngày làm việc thứ hai với phần truyền thụ, chia sẻ kiến thức đến từ nhà văn Tống Ngọc Hân.

Quang cảnh ngày làm việc thứ hai cùng nhà văn Tống Ngọc Hân tại điểm cầu Hội VHNT tỉnh
Quang cảnh ngày làm việc thứ hai cùng nhà văn Tống Ngọc Hân tại điểm cầu Hội VHNT tỉnh

 

Bằng tình cảm, sự tâm huyết, kinh nghiệm dày dặn về văn xuôi, kết hợp với sự mạch lạc và thẳng thắn trong cách truyền đạt, lần thứ hai đồng hành cùng Trại sáng tác, nhà văn Tống Ngọc Hân tiếp tục mang đến cho học viên những kết nối sâu sắc khi chia sẻ những tri thức, câu chuyện thiết thực, những góp ý thẩm định kỹ lưỡng, tận tậm, từ đó giúp học viên tri nhận nhiều điều bổ ích - tập trung vào các kỹ năng viết văn xuôi cơ bản.

Mở đầu, nhà văn đã khái quát lại và chỉ ra sự khác biệt giữa truyện ngắn và tản văn - hai thể loại quan trọng của văn xuôi. Đó là việc có nhất định phải có câu chuyện (đối với truyện ngắn) và không có (hoặc có) câu chuyện (đối với tản văn); cùng những đặc điểm quan trọng khác của hai thể loại này.

Đối với người viết văn, việc có được “chất văn” là điều rất quan trọng. Đó là kỹ năng sử dụng hình ảnh và chi tiết một cách chọn lọc, gọt giũa nhằm diễn đạt chính xác điều mình muốn nói, mang đến người đọc khoảnh khắc được sống với muôn vàn cung bậc cảm xúc: sung sướng, sảng khoái, thư thái, trắc ẩn, xót xa, hy vọng... Giá trị của văn chương nằm ở đó. Còn nếu cứ lấy nguyên si cuộc sống đưa vào trang viết thì đó chỉ như những “biên bản của hiện thực” mà thôi.

Để có được “chất văn”, cần đặc biệt quan tâm đến kỹ năng sử dụng tiếng mẹ đẻ, mà tiêu biểu là việc thuần thục các biện pháp tu từ (nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nói giảm nói tránh, thậm xưng…). Theo nhà văn, ai dùng tiếng Việt giỏi mới có cơ hội viết văn giỏi. Cùng với đó, người viết cần hình thành thói quen quan trọng là đọc sách, biến đọc trở thành hoạt động thiết yếu của mình; đồng thời nỗ lực trau dồi, nâng cấp vốn sống của bản thân thông qua việc quan sát, trải nghiệm, học hỏi...

Nhà văn Tống Ngọc Hân tâm huyết chia sẻ những tri thức bổ ích cho các học viên
Nhà văn Tống Ngọc Hân tâm huyết chia sẻ những tri thức bổ ích cho các học viên

 

Những kỹ năng viết truyện ngắn cơ bản, như: cách chọn đề tài, cách xây dựng nhân vật, vị trí quan sát của người kể chuyện, cách dựng và tạo tình huống truyện, cách kết thúc truyện… Cùng những công việc bếp núc, mang tính cầm tay chỉ việc như cách bắt đầu, phát triển, kết thúc một truyện ngắn, cách chọn lựa, chau chuốt ngôn từ, tư duy logic,… đã được nhà văn Tống Ngọc Hân tận tình chia sẻ, bằng chính trải nghiệm, câu chuyện chân thực của nhà văn. Điều này đã giúp phần trao đổi trở nên vô cùng sinh động, dễ hiểu và thuyết phục.

Nhà văn chính là người đãi cát tìm vàng. Quá trình lao động viết văn là một công việc không hề dễ dàng, cần chuẩn bị nhiều vốn liếng, cảm xúc, vì vậy nếu đã chọn viết thì hãy viết cho thật hay, thật giá trị, còn nếu bản thân chưa hài lòng thì không nên chia sẻ.

Bên cạnh những tri thức đó, nhà văn cũng không quên nhắn nhủ các em về tình yêu với quê hương, về lòng trung thực trong nghề văn.

Các học viên chăm chú lắng nghe phần nhận xét, góp ý về những sáng tác của mình
Các học viên lắng nghe phần nhận xét, góp ý về những sáng tác của mình

 

Ở phần nhận xét sáng tác của học viên, nhà văn đã cho thấy sự nâng niu và trân trọng các sáng tác đầu tay ấy khi đưa ra góp ý đầy đủ, chi tiết cho 87 tác phẩm văn xuôi của 30 tác giả gửi đến.

Nhà văn vui mừng trước sự tiến bộ rõ nét của các học viên mùa trại trước, như Dương Phương Thảo, Thanh Tân, Gia Hân, Chu Hà Linh…; và sự xuất hiện đầy triển vọng của các cây bút mới: Mai Trang, Kim Ngân, Lâm Phương Thảo, Khánh Linh, Hoàng Hương Giang, Hoàng Ly…

“Em cảm thấy cô Hân rất thân thiện, dễ gần và cô cũng rất hài hước khi trao đổi với học sinh. Cô không ngần ngại chia sẻ với mọi người về kinh nghiệm và khó khăn mà bản thân đã trải qua. Cá nhân em thấy rất vui và bổ ích. Cô là người truyền đạt lại cho chúng em mọi thứ, mỗi khi em gặp khó khăn thì những lời nói của cô lại hiện ra như một nguồn sức mạnh cỗ vũ tinh thần em”.

Học viên Nguyễn Hồng Ngọc

Thay mặt Ban Tổ chức Trại sáng tác và các học viên tham dự, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh đã gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến nhà văn Tống Ngọc Hân và mong muốn được tiếp tục nhận được sự đồng hành, khích lệ của nhà văn dành cho các cây bút trẻ Thái Nguyên trong thời gian tới.

Trong 2 ngày tiếp theo, Trại chuyển sang hoạt động trải nghiệm, thực tế sáng tác tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (ngày 8/8) và Vùng chè La Bằng - Đại Từ (ngày 9/8).

“Những chia sẻ của cô đã khiến em học hỏi được rất nhiều điều mà trước đây bản thân chưa từng biết đến hay hiểu rõ một cách kĩ càng. Những lời nhận xét tận tình kĩ càng của cô đã giúp em nhận ra những điều thiếu sót của bản thân, lấy đó làm tiền đề cho sự phát triển sau này trên con đường sáng tác. Em nghĩ không chỉ với riêng em, mà đối với các bạn trại viên, các bạn học sinh có mặt để dự thính buổi học hôm nay thực sự bổ ích và thú vị”.

Học viên Trần Mai Trang

Khuê Minh  - Anh Tú

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ơi những ngày thu

Văn xuôi 15 giờ trước

Vị giác

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Tháng chín...

Văn xuôi 1 ngày trước

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Thơ dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 3 ngày trước