Nắng gắt
VNTN - Thôi tôi lạy bà, tôi lấy c… đổ vào mồm à mà bà rả tôi thế.
-Mày trả tiền tao ngay lập tức, mày có tin tao phang vỡ mẹ cái con mặt mày ra không?
Tôi tỉnh giấc vì tiếng quát thô lỗ. Định thần, tôi nhận ra người đang văng tục qua chiếc iphone kẹp bên cổ kia là lái xe, tên Thiên. Một tiếng trước, cậu lễ phép gọi điện thoại, đến tận cổng nhà đón tôi. “Cô để con xách đồ, máy vi tính cô cầm theo người ạ, cô ngồi chỗ này cho đỡ say ạ”. Cậu liên tục ạ khiến tôi thấy cảm tình.
Mới sáu giờ sáng. Còn gần chục tiếng nữa mới đến địa điểm tổ chức trại sáng tác. Lần này trại mở ở gần biển, lại đang giữa mùa hè, tôi mang theo dăm bộ bikini, dự là sẽ ngụp lặn tắm táp thỏa thuê.
Đường bắt đầu đông người qua lại, Thiên một tay lái xe rất điệu nghệ, ngoẹo đầu kẹp điện thoại dưới cằm, văng liên tục:
- Sắp đến ngã ba nhé, mang hàng ra chưa? Mẹ mày, tao đ… đợi đâu. Đúng năm sọi không bớt một đồng.
- Hả? Gửi mỗi một tờ giấy á? Cũng năm sọi.
- Lạy mẹ, con ăn c… để chở cho mẹ à mà rả con có ba sọi!!!
- …
Trên xe có khoảng hai chục khách. Mọi người ngật nghẽo ngủ. Những gương mặt vàng ệch nghiêng lệch mệt mỏi. Thỉnh thoảng xe phanh kít đón thêm khách rồi chồm lên nuốt mặt đường.
Nắng sớm rọi vào kính xe chói mắt, tôi mang kính râm ra đeo. Thiên cho xe vào đường rẽ vắng vẻ, cậu bỏ hai tay cầm lái, với cái túi vải treo tòng teng sát đầu, lôi ra xấp giấy tờ lộn xộn. Cậu móc ví, lấy một tờ tiền xanh, kẹp vào. Đi thêm chừng cây số, Thiên dừng xe, cầm tệp giấy chuẩn bị trước, nhảy phóc xuống, mấy giây đã thấy nhảy lên, ném toẹt tệp giấy cạnh chỗ ngồi. Bóng một người quần áo màu vàng loáng nhanh qua gương chiếu hậu.
Mới mười giờ, nắng rợn người. Lá cây bên đường im phắc. Hàng anh đào trồng làm dải phân cách đang mùa ra hoa tím lịm. Những bông hoa ngả mệt rũ rượi. Tôi kéo rèm cửa sổ thật kín, lôi kem chống nắng trong túi ra xoa thêm một lớp, nhắm mắt gọi giấc ngủ đến. Tiếng xe phanh rít làm tôi mở choàng mắt. Trước mũi ô tô, nhóm người mũ nón lúp xúp giơ tay vẫy túi bụi.
- Đi đâu đây? Thiên cộc lốc.
- Bác cho chúng iem đi nhờ đoạn. Nhà chúng iem ở Định.
- Gần ba trăm cây số của người ta, đoạn là đoạn thế nào. Trăm tròn.
Tiếng mặc cả nhao nhao:
- Ối, bác ơi, bác bớt cho chúng iem tí đi.
- Chín chục bác ơiiii, mọi lần chúng iem vưỡn đi thế…
- Có đi không thì bảo nào. Mất thời gian - Thiên nhích ga cho xe rùng mình chực chạy.
- Trăm thì trăm, không lăn tăn nữa - một giọng dứt khoát át tiếng ì xèo.
Thiên dừng hẳn xe. Đám người líu ríu bước lên. Hai gái ba trai. Tầm bốn mươi đến sáu mươi tuổi. Hai người chân đất. Ba người đội nón. Tất cả cắp bọc ni lông. Hơi nóng cùng thứ mùi găn gắt xộc vào mũi tôi khi những ống quần quăn gấu lất phất lướt qua.
Số khách mới chưa kịp đặt mông vào ghế thì một thanh niên trờ xe máy tới, dạng chân đứng trước mũi ô tô, mắt kính đen sì.
- Bao nhiêu? Thiên hạ kính hất hàm.
- Mỗi người sọi.
Thiên mở ví phẩy ra tờ năm mươi nghìn. Cầm tiền từ tay Thiên, kính đen lên xe vọt đi.
- Mấy ông bà dở bỏ mẹ, đứng chỗ ấy làm đ… gì, nó thiến mất năm chục - Thiên càu nhàu.
- Thì chúng iem biết đâu, thấy cái cây mát thì đứng thôi. Ló canh bọn iem suốt. Mấy xe trước đón người cũng phải trả tiền cho ló.
- Mẹ kiếp, nhận cái cây cạnh đường làm của mình, ngày kiếm đôi trăm ngon xớt - Thiên gạt cần số, nhấn ga vọt qua đoạn đường xóc nổ đom đóm mắt.
Người đàn ông chừng sáu mươi tuổi ghé ngồi cạnh tôi, thu bàn chân đi đất với cái gót nứt toác, ngón chân to sụ, vàng khé vào gầm ghế.
- Các bác ở đâu mà đón xe giữa đường thế này? Tôi lên tiếng làm quen.
- Chả giấu gì bá, chúng iem đây là người một nhà. Iem là cả. Kia là chú hai, chú ba, thím hai, thím ba - Ông chỉ từng người ngồi dãy ghế bên giới thiệu.
Các chú hai, chú ba, thím hai, thím ba mỉm cười chào tôi, tay vân vê quai nón hoặc nắm chặt chai nước mang theo.
- Chắc cả nhà mình đi chơi về? - Tôi vui vẻ gợi chuyện.
- Dạ không, chúng iem đi làm. Iem có anh bạn cùng quân ngũ, giờ ló mở xưởng sản xuất nước mắm, bẩu iem vào làm cùng. Làm được hai lăm thì iem kéo các chú thím ló vào. Ử nhà đồng ruộng chẳng còn nhiều. Đi thế lày đỡ được đồng muối đồng cà bá ạ.
- Vậy nhà cửa ở quê ai trông?
- Còn bà chúng iem với bọn trẻ đi học.
Hàng ghế bên, các chú thím lắng nghe câu chuyện của chúng tôi. Thỉnh thoảng ai đó lại giở bọc ni lông loạt xoạt.
Chú hai thì thầm:
- Mẹ mày nghĩ cái áo lày bà có thích không?
- Iem đã bẩu với nhà là bà thích màu lâu, nhà cứ đòi mua màu trắng.
- Cho bà sáng sủa tí, cả đời lâu với đen rồi.
Thím ba lật đi lật lại mấy túi bánh nhãn, cười với chú ba:
- Chả còn cái răng lào mà cứ thích bánh giòn. Lần trước iem mua nhõn gói, bà bẩu ăn chả bõ dính lợi.
Chú ba cười tít mắt:
- Ngày trẻ u ăn khỏe lắm, chỉ chan tí nước tương đánh bay ba bốn bát cơm.
- Thì bố mày chả giống bà cái tật ăn khỏe còn gì…
Rì rào một chốc đã thấy tất cả ngoẹo đầu ngáy pho pho. Bác cả ngồi cạnh tôi tay ôm chặt đầu gối, hai chân để cả lên ghế, ngửa cổ khò khò ngon lành.
***
Thiên cho xe chạy chầm chậm rồi dừng hẳn trước quán cơm rộng rãi:
- Trưa rồi, cả nhà nghỉ ba mươi phút. Ai không ăn cứ vào rửa mặt, ai mang cơm theo cứ vào bàn ngồi ăn đàng hoàng.
Mọi người lục tục xuống xe. Năm anh em nhà nọ kéo nhau ra gốc cây xa xa, trải tấm ni lông bày ra mấy cái bánh mì, chai nước lọc. Tôi mang hộp nước cam, mấy ống cơm lam sáng nay chồng tôi nhanh tay nhét thêm vào túi, ra gốc cây cùng ăn với mọi người.
- Iem nhìn bá biết ngay không phải người đầu chày đít thớt như chúng iem. Vậy chứ bá làm nghề gì? Thím hai nhanh nhảu hỏi chuyện.
- Mình làm nghề viết lách nhì nhằng ý mà - tôi bẻ cơm lam mời mọi người, đáp qua quít.
- Có tí chữ nghĩa cũng đỡ hơn, chứ dư bọn iem cào cấu đất cát suốt đời vẫn khổ.
- Thì mỗi người mỗi nghề, bá nhẩy, cho bọn em cầm bút rặn cả ngày chả ra nửa chữ - Thím ba phủi vụn bánh mì trên tấm ni lông, cuộn tròn cho vào túi bóng rồi ra chỗ chú ba đang ngồi hút thuốc lá, kê đầu lên đùi chồng, duỗi thẳng chân lên mặt cỏ xem chừng khoan khoái.
Tôi để ý thấy bác cả lôi trong bao tải dứa khâu thành cái túi xách đeo kè kè bên người một đôi dép nhựa mới tinh, màu vàng, bé xíu. Bác đưa đế dép lên cà cà vào hai bên má râu lởm chởm, mắt khép hờ, chắc bác đang nhớ đứa cháu bé bỏng?
- Nhà mình có nhiều ruộng vườn không bác? Tôi kiếm câu chuyện cho quên cơn buồn ngủ đang kéo đến.
- Trước thì khá nhiều bá ạ. Dưng rồi nhà nước thu hồi đất làm dự án, giờ còn chục sào, cũng đủ thóc ăn quanh lăm.
- Lao động chính đi hết thế này, ai cấy hái hở bác?
- Bà chúng iem chỉ huy tất - ông hồ hởi - chả nói giấu gì bá, ông nhà iem mất sớm. Mẹ iem nuôi ba thằng con là chúng iem đây. Iem hai mươi tuổi thì đi bộ đội. Hai chú nó cũng thế, học hết cấp ba là đi bộ đội tuốt. Gần ba mươi tuổi về quê lấy vợ, mỗi thằng đẻ hai con, bà chăm tất. Giờ chúng iem đi làm ăn xa, bà chúng iem ở nhà quản mấy đứa cháu, bắt chúng nó học mới làm ruộng. Lăm lay con chú hai, chú ba đều đỗ đại học kinh tế quốc dân. Chúng iem về đợt lày vừa mừng thọ bà iem tròn tám mươi vừa liên hoan cho các cháu nhập trường…
- Tiếp tục đi nào - lái xe Thiên từ quán đi ra, xỉa răng tanh tách, giọng oang oang.
Khách lục tục trèo lên xe. Sau bữa trưa no nê, mọi người nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Tôi cũng lơ mơ dở ngủ dở thức, tai nghe tiếng trò chuyện thì thào của năm anh em nhà họ:
- Còn hơn tiếng nữa là về đến nhà rồi.
- Thể nào bu cũng ra đường đón như mọi lần…
- Đã bẩu đừng báo cho bu trước, lắng lôi thế này, chỗ ý chả có cây cối gì cả.
- Thì iem chỉ lói với cu út nhà mình thôi, nhưng thể lào chúng ló cũng lói với bà…
- Anh tài ơi, chúng tôi gửi tiền xe, vị chi là lăm trăm ngàn phải không ạ?
- Thôi em bớt cho các bác năm chục, lấy bốn trăm rưỡi.
- Cảm ơn anh, lại mất lăm chục cho thằng cò nữa, chuyến này anh lỗ vì chúng tôi rồi.
- Chỗ nọ bù chỗ kia, các bác hiểu cho thế là tốt rồi - Tiếng Thiên trầm trầm mềm mềm đến lạ.
- Anh tài ơi, cho chúng tôi xuống chỗ kia, đấy đấy, chỗ bờ ruộng có mấy người đứng đấy ạ.
Tiếng phanh rít róng, tôi choàng tỉnh hẳn, chào rồi nghển cổ nhìn theo mấy anh em líu díu xuống xe. Dưới đường, bốn năm đứa trẻ đứng thành vòng tròn chờ đón tíu tít. Ngồi trong cái vòng ấy, tôi thấy một người tí hon. À không. Một cụ già kỳ lạ. Hai chân cụ mềm nhũn bé xíu vắt lõng thõng trên cổ, hai bàn tay xỏ dép nhựa màu vàng chống xuống đất, đỡ cả thân hình. Cụ ngửa mặt, hướng ánh mắt về phía những người trên xe bước xuống, đôi môi hình trái tim nhăn nheo hé cười, để lộ khuôn miệng trống hoác.
Xe vụt đi, tôi nhìn qua gương chiếu hậu, thấy ông anh cả cúi xuống, xốc cụ lên lưng, hai bàn tay cụ quàng vào cổ ông, đôi dép màu vàng lấm bùn áp vào hai bên má râu ria. Ông xăm xắn đi trước. Đoàn người tung tăng, nhún nhảy theo sau thành hàng dài, nổi bật trên nền lúa xanh ngăn ngắt.
Thiên đeo vội kính đen lên mắt, chợt nói bâng quơ:
- Nắng quá ông trời ơi!!!.
Truyện ngắn. Minh Hằng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...