Nặng gánh yêu thương cõi người
(Đọc tập thơ Phù sa bến cũ, Nxb ĐHTN, 2021)
Có thể coi “Lấp lánh hồn quê” và “Những nẻo đường hằn sâu kí ức” là hai cảm hứng chủ đạo trong Phù sa bến cũ - tập thơ mới nhất của nhà thơ Trần Cầu, một người thơ trưởng thành và gắn bó sâu nặng với “thành phố thép gang”, nơi ông đã công tác từ thời “thanh niên sôi nổi” cho đến lúc nghỉ hưu. Phù sa bến cũ có thể hiểu như những mạch nguồn cảm xúc và trí tuệ nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ, đồng thời cũng là những gì được lắng đọng lại trong tâm thức hoài quê da diết.
Xuyên suốt tập thơ là những hồi ức, kỉ niệm của tác giả về “hồn quê” và “đường đời”. Những dấu ấn về nguồn cội, nơi ông sinh ra, nuôi ông lớn thành người và cả những dấu ấn trong hành trình cuộc đời của ông. Những miền đất đã qua, những con người đã gặp, những ân tình cuộc đời được ông ghi lại bằng thơ, hồn hậu chân thật như con người ông, da diết, mãnh liệt như tâm hồn ông được khúc xạ trước cái đẹp, cái nhân văn trong cuộc sống…
Ông sinh ra ở một làng quê ven sông Hồng, một ngôi làng nằm giữa ngã ba sông đã trở thành “bến cũ trổ mầm xanh miền kí ức”. Nơi đó, có người mẹ “tảo tần nuôi ấm tuổi thơ”, có cả một tuổi thơ êm đẹp đầy ắp kỉ niệm. Một tuổi thơ với “những bước chân tung tẩy đường làng”, một tuổi thơ hồn nhiên mắt lá/ Khúc đồng dao kéo dãn nắng chiều; có người con gái giọng cười trong vắt nguyên sơ/ Mãi trong nhung nhớ đến giờ chưa nguôi (Bến cũ). Những kỉ niệm của một thời hoa niên, của một thời trẻ tráng vẫn vẹn nguyên trong kí ức, để đến khi tóc bạc da mồi nhìn lại, mới thấy thấm thía và thiêng liêng đến độ nào: Trầm tư chạm vào hoài niệm/ Rưng rưng khóe mắt mình cay (Xem ảnh). Nhất là khi nó được neo giấu trong thẳm sâu tâm hồn một người con xa xứ, thấm thía niềm đau, nỗi đời đã trải: Tôi là chiếc lá xa quê/ Chồng chất tuổi đời nặng gánh/ Nẻo về hoài cảm nỗi ưu tư (Cội nguồn).
Không nương mình vào kỉ niệm một cách yếu đuối, không vật vã những tâm tình ủy mị, nhà thơ dành phần lớn tâm trạng và cảm xúc cho những khoảnh khắc của hiện tại, để lưu giữ những trải nghiệm làm giàu hồn thơ qua muôn nẻo đường đời. Người thơ trong veo một nỗi niềm, hồn nhiên cả trong cách nhìn, cách cảm, cách suy tư, chiêm nghiệm: Dòng đời trong, đục, nông, sâu/ Phong trần dắt nắng qua cầu thời gian (Thơ tặng tuổi mình). Ngập tràn trong tập thơ là những dấu ấn thời gian gắn liền với những địa danh: La Bằng, Phúc Trìu, Lưu Xá, Nà Tu, Thịnh Đán…, mỗi vùng đất là một kỉ niệm khó quên. Thơ như lời tự sự của chính tác giả, không bóng bẩy màu mè, không cầu kì gọt giũa, nhưng lại rất ám ảnh. Có khi chỉ là một mảnh kí ức nhỏ vụn: tôi bỏ quên ở Phúc Trìu mấy mùa rét cũ/ Chiếc áo bông cổ lông xanh cũng lạc tôi rồi (Về nơi sơ tán). Có khi, tác giả ngoái nhìn trong vọng tưởng, để thấy Gió chuyển mùa thấp thoáng một con đường/ Đồng Lau Sau mịt mù sương trắng/ Đốm lửa hồng thắp sáng La Bằng (Ngọn lửa bền). Cũng có khi là cảm xúc bâng khuâng của Một chiều Lưu Xá, để những câu thơ buông rơi một nỗi ngậm ngùi: Nắng chanh nhuộm tán lá vàng/ Xuân Quang - Lưu Xá chiều sang cuối ngày/ Thẫn thờ nhìn dải mây bay/ Nô-en đêm ấy, nơi này bạn đi… (Một chiều Lưu Xá). Hay nỗi niềm trai tráng hồn nhiên được khơi gợi trong lần “Trở lại Nà Tu”, để nhà thơ nhận diện chính mình trong hành trình Ngược thời gian lật tìm trong kí ức/ Áo lính một thời bảo vệ Nà Tu (Trở lại Nà Tu)…
Cảm xúc và tâm trạng trước ngày mới là biểu hiện tâm thế của một người luôn lạc quan, tin tưởng và kì vọng vào sự đổi thay của đất nước, quê hương. Mảnh đất Thái Nguyên giàu tình nghĩa là nơi nhà thơ an hưởng tuổi già, vui cùng con cháu và chia sẻ niềm thơ với những người bạn tâm giao. Cảm hứng về một quê hương mới đang ngày càng khởi sắc nhưng đó là sự khởi sắc đổi thay mang tính lịch đại, phải là người gắn bó sâu nặng với mảnh đất ấy mới có thể nhận ra, những dấu hiệu mà nếu không có tâm hồn và bản năng thi sĩ, khó có thể cảm nhận được. Sự trưởng thành và nội lực sung mãn của thành phố không hiện ra trong thơ ông một cách xô bồ, mà đôi khi, nó được ẩn giấu ngay trong nhịp sống đời thường.
Cảm hứng về một “thành phố ngày mới” được bộc lộ qua điểm nhìn đa diện và tinh tế của nhà thơ, từ hình ảnh Những em bé tung tăng bóng bay/ Cười vang quảng trường Võ Nguyên Giáp/ Lớp lớp sinh viên/ Ùa ra từ cổng trường Sư phạm/ Như sóng cuốn tôi đi suốt một đoạn đường, nhà thơ chiêm nghiệm về hình ảnh thành phố trong hiện tại và tương lai, với trùng trùng lớp lớp những đổi thay, kiến tạo: Trục thời gian ken chật những công trường/ Những cây cầu gánh thành phố qua sông/ Mở ra một chân trời mới/ …/ Những tòa nhà cao vui đùa với gió/ Hoa tươi trên đường nắng ngọt trong cây (Thành phố ngày mới). Khép lại quá khứ với những lo toan vất vả, những đắng cay tủi cực, những gian khổ hy sinh để nhận lấy niềm vui đong đầy là thái độ sống tích cực của một nhà thơ, một công dân tiêu biểu, mẫu mực và bình dị của thành phố Thái Nguyên anh hùng. Phù Sa bến cũ chính là để góp phần cho cuộc sống sinh sôi, cho hạnh phúc ngập tràn đó.
Thơ Trần Cầu chân thực mà hồn hậu, tuyệt nhiên không thấy có chút đỏm dáng, màu mè của những người coi thơ là trang sức cho tâm hồn, cũng không có cái dáng vẻ ngạo nghễ phong trần của một người đã dọc ngang từng trải, thơ ông lành hiền như con người ông. Điểm mạnh ở thơ Trần Cầu là thi tứ. Ông có cái tài quan sát của người luôn nghiền ngẫm về sự đời, tình đời. Tứ thơ làm nền cho cảm xúc chuyển tải những thông điệp tư tưởng, thường là rất nhẹ nhàng, của nhà thơ. Thơ ông là những câu chuyện đời thường, dù không mang tính thời sự nhưng cũng chưa bao giờ là cũ. Ở tuổi xấp xỉ cửu tuần, ông vẫn khá nhanh nhẹn, khỏe mạnh và trẻ trung trong thơ, không bị đắm vào quá khứ như một căn bệnh của tuổi già. Ông yêu đời nên sống khỏe và sống khỏe để yêu đời, đúng như một câu thơ ông viết:
Thơ - Đời tình nghĩa ngàn năm
Khúc du lục bát phía thăm thẳm chiều…
Nguyễn Kiến Thọ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...