Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:12 (GMT +7)

Mỹ thuật và Nhiếp ảnh tìm cơ hội “trở mình”

VNTN - Có thể nói những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 là những ngày làm việc sôi động nhất của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, khi vừa duy trì các hoạt động thường niên, vừa tham gia tổ chức các đại hội trực thuộc. Quá trình hoạt động cho thấy những tồn tại, hạn chế của Mỹ thuật, Nhiếp ảnh trong nhiệm kỳ vừa qua, đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn: Bao giờ có tác phẩm chất lượng cao? Sự tham gia của Nhiếp ảnh, Mỹ thuật trong phát triển công nghiệp văn hóa?

 

Một tác phẩm ảnh nude của nhiếp ảnh gia Thái Phiên

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chiến lược công nghiệp văn hóa là lĩnh vực mới, còn nhiều khó khăn, trong khi, phía Tổng cục Thống kê chưa có mã ngành về công nghiệp văn hóa, vì vậy, những thành tựu của lĩnh vực này chưa có "con số biết nói". Đối với lĩnh vực Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, là một "mảnh đất" có nhiều tiềm năng mà cơ quan quản lý Nhà nước về ba lĩnh vực này cần đẩy mạnh. Do đó, các giải pháp như vấn đề tượng đài, thẩm định tác phẩm, phát triển thị trường Mỹ thuật, Nhiếp ảnh,... cần tiếp tục đẩy mạnh, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm để thực hiện. Bên cạnh đó là văn bản thúc đẩy phát triển thị trường, quản lý phát triển thị trường Mỹ thuật, Nhiếp ảnh. "Chỉ khi có thị trường, chúng ta mới có thể thực hiện phát triển được công nghiệp văn hóa".

Cần định hướng và một cơ chế thoáng

Cuối tháng 12 năm 2019, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội. Tại Đại hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã ghi nhận những đóng góp của Hội Mỹ thuật Việt Nam nói chung các họa sĩ nói riêng trong xây dựng đời sống tinh thần và môi trường thẩm mỹ của xã hội. Nhưng cũng đặt ra yêu cầu cần có sự tích cực, chủ động, trách nhiệm nghệ sĩ, trách nhiệm công dân của mỗi hội viên để phát triển nền mỹ thuật Việt Nam lên tầm cao mới, dân tộc, hiện đại, khoa học, nhân văn; từng bước khẳng định vị thế của mỹ thuật Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Sau Đại hội của Hội Mỹ thuật, tháng 10 năm 2020, Đại hội Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh cũng được tổ chức. Chỉ ra những hạn chế của Hội, bên cạnh những mặt tích cực như đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp về con người, cuộc sống ra quốc tế, đã đồng hành cùng những thời khắc lịch sử của dân tộc, tô thắm thêm lá cờ đỏ sao vàng…. Nhưng Nhiếp ảnh chưa tạo được dấu ấn thực sự rõ nét, hiếm có tác phẩm khi nhắc đến mọi người dân đều biết. Do đó, Nhiếp ảnh Việt Nam phải nắm bắt thời cơ công nghệ phát triển mạnh để tạo ra bước phát triển vượt bậc.

Có thể thấy sau một nhiệm kỳ, sự phát triển của Mỹ thuật, Nhiếp ảnh không có nhiều đột biến và đều có xu hướng tìm kiếm sự an toàn. An toàn trong ý tưởng sáng tác và an toàn trong thể hiện tác phẩm. Công bằng mà nói, những tồn tại ở cả hai lĩnh vực nói trên đều không sai, do những quan niệm về nghệ thuật vẫn chưa thực sự được cởi mở ở cả phía nhà quản lý lẫn công chúng yêu nghệ thuật. Trong đó vai trò của nhà quản lý thể hiện qua cơ chế kiểm duyệt nghệ thuật trong một chừng mực nhất định đã “phanh” sự tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Lấy ví dụ về ảnh Nude và tranh Nude với vô vàn những tranh luận như: Nude - tục và Nude - nghệ thuật; độ tuổi bao nhiêu được xem ảnh Nude, tranh Nude và thuật ngữ mới “triển lãm 18+” (nghĩa là triển lãm chỉ dành cho những người trên 18 tuổi) ra đời. Thuật ngữ này khiến người trên 18 tuổi tò mò với mong muốn khám phá, còn người dưới 18 tuổi lại thấy băn khoăn vì không biết triển lãm có gì ghê gớm (trong khi mạng xã hội đang đầy rẫy những hình ảnh mà theo các nhà quản lý tại triển lãm thì dưới 18 tuổi không được xem). Quan niệm về chân - thiện - mỹ vốn khó xác định, nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào cách nhìn, quan niệm của nhà quản lý.

Chỉ ở một khía cạnh tranh, ảnh Nude thôi đã đủ thấy, sự đột phá trong Nhiếp ảnh, Mỹ thuật không dễ thực hiện, chưa nói đến chuyện sử dụng công nghệ như một công cụ để nghệ thuật thăng hoa. Từng bước thực hiện tham vọng đưa Nhiếp ảnh, Mỹ thuật trở thành mũi nhọn của ngành công nghiệp văn hóa.

Yếu tố cá nhân - cơ hội “trở mình” của Mỹ thuật, Nhiếp ảnh

Theo báo cáo của ông Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, năm 2020, những khó khăn, thách thức trong việc quản lý nhà nước về lĩnh vực Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm là cơ chế chính sách, các quy định, hướng dẫn để hình thành thị trường Mỹ thuật, Nhiếp ảnh trong nước vẫn còn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó là kinh phí cho các hoạt động Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu của các hội viên... Mặc dù nhiệm kỳ qua, hoạt động Nhiếp ảnh, Mỹ thuật nói chung đã có khởi sắc với nhiều khuynh hướng sáng tạo, nhưng chất lượng vẫn chưa thực sự thuyết phục. Tâm lý tìm đến sự trú ẩn an toàn, sáng tác theo phong trào vẫn còn chi phối khá nhiều hội viên. Điều này thể hiện rất rõ trong nhiều cuộc triển lãm gần đây trên cả hai lĩnh vực khi Ban Tổ chức đã phải vất vả chọn tác phẩm tham dự triển lãm, chưa kể nhiều nghệ sĩ còn lặp lại chính mình. Do đó, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đề nghị các nghệ sĩ cần tranh thủ tận dụng công nghệ số hiện đại vào sáng tác nói chung, nhiếp ảnh nói riêng để nâng cao chất lượng tác phẩm. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần tăng cường tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực về chuyên môn Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm và Lý luận phê bình (để có đủ Tâm - Tầm thẩm định tác phẩm); Tăng cường công tác tuyên truyền và thực thi đối với việc bảo vệ bản quyền tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh. Tuy nhiên, những đề xuất cụ thể hay những yêu cầu cần thiết để các cơ quan chức năng đáp ứng, nhằm thúc đẩy yếu tố cá nhân làm nên tác phẩm đỉnh cao thì vẫn chưa thấy đâu, khiến công chúng yêu nghệ thuật không khỏi cảm thấy hụt hẫng. Chưa kể nạn tranh nhái, đạo tranh (ảnh) đang ngày càng trở nên phổ biến, làm đảo lộn trắng - đen trên thị trường Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, không những gây trở ngại mà còn tạo tâm lý e ngại trong công chúng khi muốn sở hữu tác phẩm nghệ thuật trong nước. Mặc dù chúng ta đã có Trung tâm Giám định nghệ thuật, nhưng với những hạn chế nhất định, việc thẩm định tác phẩm nghệ thuật đôi khi cũng chưa cho kết quả khiến những người trong cuộc cảm thấy hài lòng.

 

Tranh Nude của Nguyễn Ngọc Dân tại triển lãm “Phượng” năm 2017

Quay trở lại với những triển lãm Nude xuất hiện gần đây ở cả hai lĩnh vực Nhiếp ảnh và Mỹ thuật, trong khi giới phê bình còn đang tranh cãi xem Nude thế nào là nghệ thuật (nghĩa là Nude bao nhiêu phần trăm hay Nude toàn phần) để không bị rơi vào dung tục, rằng khi sáng tạo người nghệ sĩ có toàn tâm, toàn ý hướng đến nghệ thuật hay không và có bao nhiêu phần trăm giá trị giáo dục thẩm mỹ cho người xem ở mỗi tác phẩm hay chỉ đơn thuần là phô bày cơ thể con người ra trước bàn dân thiên hạ. Quan điểm của giới phê bình không sai, bởi dù sao mỹ thuật còn có yếu tố nghệ thuật trừu tượng, còn nhiếp ảnh thì hầu như là người thật, việc thật, vượt thoát tục để đi đến thăng hoa nghệ thuật vốn không dễ. Đã có không ít tác giả của chính những tác phẩm nghệ thuật lên tiếng cho rằng: tục hay không là ở con mắt và sự cảm nhận của công chúng. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng nếu nghệ sĩ sáng tác mà để công chúng (một bộ phận chưa có căn bản hiểu về thẩm mỹ) nhìn ngay thấy sự “tục” ở tác phẩm, thì hẳn là phải xem lại tác phẩm đó. Nhân nói về quan niệm và cách cảm thụ nghệ thuật, xin được dẫn ra đây cuộc hội thảo quốc tế về “Con người đương đại và tính dục” ở Hà Nội vào tháng 4/2020. Diễn ra song hành với hội thảo là triển lãm “Yêu 24/24” trưng bày 24 bức tranh sơn mài với đề tài nghệ thuật Sex của họa sĩ Thành Chương. Ngay tại thời điểm đó, họa sĩ Thành Chương đã cho rằng, có thể coi triển lãm là một bản tham luận của ông tại hội thảo trên. Nhiều người đã không khỏi tò mò về yêu 24/24 của họa sĩ Thành Chương, xem rốt cuộc Sex trong tranh ông thế nào, từ đó hiểu bản tham luận của ông. Sex theo quan điểm của họa sĩ Thành Chương là đỉnh điểm của mảng tranh nude, tranh khỏa thân. Có một điều rất khó, phải tùy theo quyết định của mỗi một người sáng tạo chứ không thể có mẫu số chung của việc sáng tác thế nào là đúng hoặc thế nào là sai, thế nào là vừa độ, thế nào là không vừa độ. Nếu họa sĩ đi quá liều lượng thì tranh Sex lại biến thành tranh khiêu dâm.... Ranh giới giữa thanh và tục trong nghệ thuật, xét theo quan điểm của họa sĩ Thành Chương quả thực rất mong manh, và không có nhiều họa sĩ có thể chạm vào khoảng giữa an toàn để có được tác phẩm nghệ thuật thăng hoa.

Chính vì vậy, những quan niệm về nghệ thuật, những kỹ năng, kỹ xảo của cá nhân cần phải được trau dồi và luôn đổi mới theo xu hướng tiếp nhận của công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Và khi đã có sự đổi mới một cách đồng bộ, thì Mỹ thuật, Nhiếp ảnh sẽ có những bứt phá, trở thành một mệnh đề quan trọng trong thực hiện Chiến lược công nghiệp văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đó cũng chính là cơ hội trở mình của những bộ môn nghệ thuật hàn lâm vô cùng trân quý này.

Lê Hà An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy