Thứ ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024
03:39 (GMT +7)
Tọa đàm khoa học “Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên”

Mỹ thuật Thái Nguyên: Những nghệ sĩ - chiến sĩ trong thời kỳ hội nhập

Sáng tác văn học nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng luôn luôn cần đổi mới, đổi mới từ trong tư duy sáng tác đến hình thức thể hiện tác phẩm, sao cho mỗi tác phẩm của mỗi tác giả đều mang một nét riêng biệt và khẳng định được cái tôi trong sáng tác.

Mỹ thuật Thái Nguyên: Những nghệ sĩ - chiến sĩ trong thời kỳ hội nhập
Họa sĩ Lê Quang Thái phát biểu tham luận tại Tọa đàm khoa học “Nhận diện thành tựu sáng tác của các thế hệ văn nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên”, ngày 10/12/2024. Ảnh: Thanh Lên

Mỹ thuật Thái Nguyên trong thời kỳ hội nhập với các nền mỹ thuật lớn từ trong nước đến quốc tế, cùng với kỷ nguyên công nghệ số 4.0, các nghệ sĩ đã được mở ra nhiều cơ hội để tiếp cận với người yêu thích mỹ thuật trong tỉnh và cả nước.

 Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập, các tác phẩm mỹ thuật đã đến được với công chúng một cách dễ dàng hơn, nó cũng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức hơn đối với mỗi nghệ sĩ, đổi mới làm sao để vẫn giữ được cái riêng trong sáng tác, cái tôi riêng biệt, cái tôi nhân văn và dân tộc trong tác phẩm của chính mình.

Không gian Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Thái Nguyên năm 2024. Ảnh: QK
Không gian Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Thái Nguyên năm 2024. Ảnh: QK

Mỹ thuật Thái Nguyên giai đoạn hiện nay

Thái Nguyên - "Thủ đô gió ngàn" - giáp Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang. Đây là nơi không chỉ có những điểm căn cứ địa cách mạng nổi tiếng mà còn có nhiều danh lam thắng cảnh như: hồ Núi Cốc, hồ Ghềnh Chè, suối Kẹm, hang Phượng Hoàng, Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam và các vùng chè La Bằng, Tân Cương,… Trong những năm trở lại đây Thái Nguyên đã phát triển và trở thành một trong những trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc và của cả nước, hằng năm đón nhiều lượt du khách từ các nơi đổ về tham quan du lịch cùng với sức hút hàng nghìn lao động tới các khu công nghiệp, sinh sống và làm việc. Đó là nguồn cảm hứng cho giới văn nghệ sĩ sáng tác.

Mặt khác đại bộ phận nhân dân, nhất là ở các thành phố như: Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên… mức sống đã được cải thiện, nhu cầu thưởng thức mỹ thuật dần hình thành. Cùng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sức tăng trưởng kinh tế ngày một tăng cao, hiện nay nhân dân trong và ngoài tỉnh đã được tiếp xúc và dành nhiều sự quan tâm hơn đến các bộ môn nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật, một lĩnh vực không mới nhưng cũng kén chọn người thưởng thức.

Các tác phẩm và công trình mỹ thuật gần đây của anh em nghệ sĩ Thái Nguyên vẫn tập trung chủ yếu vào các mảng đề tài tuyên truyền cổ động và phục vụ chính trị - các sự kiện lớn trong tỉnh và cả nước… Ngoài ra, các đề tài miêu tả vẻ đẹp mảnh đất và con người Thái Nguyên cũng được đông đảo nghệ sĩ khai thác. Các tác phẩm đã phần nào phản ánh chân thực cuộc sống, từ hình ảnh những người thợ, người công nhân trong các khu công nghiệp đến vẻ đẹp những đồi chè xanh, người thiếu nữ dân tộc thôn quê miền trung du vào mùa vụ, hay vẻ đẹp chất phác của các cô gái vùng cao xuống chợ… Những nghệ sĩ và các nghệ sĩ là chiến sĩ qua tác phẩm của mình đã gửi gắm tâm tư, tình cảm, khát khao được cống hiến cho công cuộc xây dựng và đổi mới trên vùng quê Thái Nguyên.

Tổng kết hoạt động năm 2024, Chi hội Mỹ thuật đã bàn nội dung, phương hướng hoạt động hiệu quả cho năm 2025. Ảnh: Đào Tuấn
Tổng kết hoạt động năm 2024, Chi hội Mỹ thuật đã bàn nội dung, phương hướng hoạt động hiệu quả cho năm 2025. Ảnh: Đào Tuấn

Đặc biệt, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh trong những nhiệm kỳ qua đã rất quan tâm và tạo mọi điều kiện tới sáng tác của các thế hệ nghệ sĩ chiến sĩ Thái Nguyên. Hội đã có những chuyển mình lớn trong hoạt động, bắt kịp sự phát triển của thời đại, giúp các nghệ sĩ phản ánh chân thật, toàn diện và sâu sắc vùng đất và con người miền trung du trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của "Thủ đô gió ngàn", từ đó bầu không khí sáng tạo được “ươm mầm”.

Hằng năm qua các triển lãm, khai mạc vào những dịp lễ đặc biệt như: khai xuân hay những ngày lễ lớn - kỷ niệm ngày thành lập tỉnh, thành lập thành phố, thị xã, công chúng và những người yêu nghệ thuật lại có dịp được thưởng lãm các tác phẩm mới nhất của các họa sĩ.

Qua các cuộc triển lãm khu vực và triển lãm toàn quốc, các tác giả họa sĩ mặc áo lính thường đầu tư vào tác phẩm rất nghiêm túc, từ cách tìm hình đến cách thức thể hiện. Một số họa sĩ đã giành những giải cao, cấp khu vực; và có các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm; có tranh treo ở các triển lãm toàn quốc và khu vực… Các tác phẩm như vậy không chỉ được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao trong các kỳ triển lãm khu vực, mà còn được đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật đánh giá tranh có chất lượng và nội dung ý nghĩa độc đáo, thể hiện được cái riêng và phong cách của mỗi nghệ sĩ Thái Nguyên.

Thông qua các triển lãm, các họa sĩ đã mang đến cho công chúng và người yêu nghệ thuật của Thái Nguyên và du khách một cái nhìn mới mẻ về mỹ thuật cũng như phong cách và đề tài sáng tác trong mỗi tác giả.

Những khó khăn hạn chế, tồn tại

Đối với lực lượng sáng tạo của mỹ thuật nghệ sĩ chiến sĩ của Thái Nguyên qua nhiều thế hệ, đến nay chỉ còn 5 người. Nhìn chung các cá nhân đó đều còn những hạn chế giống như các họa sĩ trong tỉnh.

Triển lãm nhóm “Sắc màu Việt Bắc” của các họa sĩ Thái Nguyên năm 2023 tại Thủ đô Hà Nội
Triển lãm nhóm “Sắc màu Việt Bắc” của các họa sĩ Thái Nguyên năm 2023 tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: QK

Các tác giả đưa đến triển lãm những tác phẩm thường là mới sáng tác trong thời gian ngắn, tuy nhiên một số họa sĩ lại sáng tác những tác phẩm mang tính phong trào, chất lượng tác phẩm chưa được đầu tư, tìm tòi cũng như thể hiện một cách nghiêm túc, khiến các tác phẩm như vẽ vội, có tác giả trưng bày cho có… Mặc dù sôi động, đa dạng nhưng tính chất phong trào vẫn còn đậm nét. Các nghệ sĩ, họa sĩ Thái Nguyên hoạt động sáng tạo theo hình thức bán chuyên nghiệp, hoặc không chuyên nghiệp, bởi không mấy ai sống được bằng tác phẩm của mình - họ phải vừa nuôi nghề và vừa nuôi mình bằng những công việc khác. Việc tham gia những hoạt động định kỳ theo kiểu “đến hẹn lại lên” tạo nên một “quán tính bất lợi” cho tính chuyên nghiệp. Làm việc theo “thời vụ”, kiểu nửa nghệ thuật - nửa thị trường, thỏa mãn thị giác số đông, góp đầy không gian triển lãm là xu hướng phổ biến, do đó mỹ thuật Thái Nguyên hiện nay dường như đang ít tác phẩm của những tác giả tên tuổi, mà chỉ có những “tác phẩm” của số đông.

Kinh phí hoạt động của Hội VHNT cho mỹ thuật chủ yếu theo kế hoạch định mức rất hạn hẹp. Và còn nhiều lý do khiến khả năng huy động sự đóng góp, hỗ trợ từ nguồn kinh phí xã hội hóa cho hoạt động mỹ thuật là hết sức khó khăn. Lý do dễ thấy nhất là các hoạt động mỹ thuật chưa tạo được sự đồng cảm hay thật sự hấp dẫn để lôi kéo được các nhà tài trợ - đầu tư; hoặc có thể xã hội đang thờ ơ với nghệ thuật?

Không có nguồn kinh phí hợp lý, mỹ thuật Thái Nguyên khó lòng tạo nên đột phá, hay sáng tạo mà chỉ dừng lại ở những hoạt động mang tính thường niên, kéo theo những hạn chế sáng tạo trong tổ chức hoạt động, ảnh hưởng đến tâm lý nghệ sĩ và cả chất lượng nghệ thuật. Đội ngũ nghệ sĩ hiện nay còn hoạt động rất nhỏ lẻ, chưa thực sự cống hiến hết mình.

Họa sĩ lớn tuổi chiếm số đông, bận nhiều việc ở cơ quan đang công tác. Họa sĩ chỉ sáng tác khi có yêu cầu của trung ương và địa phương, như các cuộc vận động sáng tác hay trại sáng tác… dẫn đến những tác phẩm thật sự ấn tượng và mang hơi thở của thời đại và màu sắc Thái Nguyên vẫn còn ít, chưa thật sự xuất sắc… vì vậy, các tác phẩm sáng tác mới hằng năm có nhưng không nhiều và chưa phong phú về chủng loại.

Các họa sĩ vẫn sáng tác các tác phẩm phần nhiều theo chất liệu truyền thống, phương pháp truyền thống và tư duy tạo hình truyền thống, và còn bỡ ngỡ với nhiều loại hình, ngôn ngữ nghệ thuật mới, các trào lưu nghệ thuật hiện đại đã và đang diễn ra trên khắp cả nước và trên thế giới…

Nhiều nghệ sĩ hội viên có lẽ chỉ còn cái tên trong danh sách đóng hội phí, thậm chí không đóng hội phí, chứ sáng tác rất ít, hay có tác phẩm chỉ để mà có, để giữ cái tên tôi là hội viên…

Giải pháp nâng cao chất lượng và đổi mới trong sáng tác mỹ thuật trong thời gian tới

Để nâng cao chất lượng và đổi mới sáng tạo đối với những tác phẩm nghệ thuật, trước hết người nghệ sĩ phải làm việc nghiêm túc, khoa học, xây dựng cho mình một đề cương tác phẩm rõ ràng, định hình cho mình một phong cách sáng tác cụ thể, mang đậm dấu ấn cá nhân. Cần xây dựng cho mình đề tài, hình thức thể hiện trong sáng tác thống nhất, mang tư tưởng nhân văn trong tác phẩm, tự trau dồi về phương thức, kỹ năng và tư duy sáng tác. Thường xuyên cập nhật tình hình mỹ thuật trong, ngoài nước và quan trọng nhất phải tìm được phong cách riêng mang thương hiệu cá nhân trong mỗi tác phẩm của mình… để từ đó có thể cho ra đời những tác phẩm mang đậm phong cách cá nhân xuyên suốt.

Hội chuyên ngành phải tạo được sân chơi cho anh em văn nghệ sĩ, để khơi gợi trí sáng tạo của mỗi tác giả, như thông qua các cuộc triển lãm thường niên, triển lãm nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ… (nhóm họa sĩ với các chủ đề và các chất liệu khác nhau như: tĩnh vật, phong cảnh, sinh hoạt đời thường… và các chuyên đề về chất liệu như sơn dầu, sơn khắc, sơn mài, lụa, khắc gỗ, in độc bản, các chất liệu hiện đại…) để các họa sĩ có dịp giao lưu, học hỏi lựa chọn chất liệu cho sáng tác của bản thân.

Tổ chức các trại sáng tác trong và ngoài tỉnh, có sự định hướng của Hội VHNT tỉnh và các hình thức tham gia có thể hội viên tổ chức đi bằng nhiều hình thức khác nhau, kết hợp nhóm hay giao lưu sáng tác với các tỉnh bạn. Tổ chức các trại sáng tác, ưu tiên những nghệ sĩ có tranh tham gia các cuộc triển lãm,… (những năm vừa qua Hội VHNT tỉnh đã tổ chức được nhiều đợt trại sáng tác trong và ngoài tỉnh, từ Bắc vào Nam, từ vùng cao đến đồng bằng…); tránh trường hợp đi trại sáng tác chỉ tập trung ở một số họa sĩ quen thuộc, nhưng cũng không nên tổ chức cho các nghệ sĩ cả năm không sáng tác ra một tác phẩm nào, coi đi trại sáng tác là một chuyến du lịch miễn phí, hoặc lấy tiền từ nguồn công bố tác phẩm rồi trả lại tác phẩm một cách khiên cưỡng, hời hợt.

Năm 2024, Chi hội Mỹ thuật đã tổ chức cho anh em đi thực tế sáng tác tại Lạng Sơn. Ảnh: ĐT
Chi hội Mỹ thuật đi thực tế sáng tác tại Lạng Sơn. Ảnh: ĐT

Về kinh phí hoạt động trại sáng tác và công bố tác phẩm, ngoài nguồn kinh phí nhà nước cấp, các hội viên vận dụng nguồn kinh phí xã hội hóa, mỗi cá nhân các họa sĩ nên tự chủ nguồn kinh phí cho phù hợp. Tổ chức đi sáng tác theo nhóm theo chủ đề cụ thể, không nhất thiết phải đi xa mới có tác phẩm đẹp, vẽ những chủ đề gần gũi xung quanh mình, nhưng mang hơi thở của cuộc sống đương đại là đề tài được rất nhiều họa sĩ quan tâm và lấy làm đề tài sáng tác xuyên suốt.

Phát triển phong trào hội, tạo điều kiện thuận lợi cho họa sĩ Thái Nguyên được tiếp xúc, giao lưu và kết nạp vào hội, tạo đội ngũ sáng tác đông đảo. Phần lớn các họa sĩ trẻ có cái nhìn và phong cách đa dạng, phong phú, có những trăn trở và tư duy đương đại, cùng cái nhìn khách quan và có tư duy sáng tác mới.

Nên vài năm một lần tổ chức triển lãm trưng bày các tác phẩm với từng phong cách của họa sĩ. Trên cơ sở đó, triển lãm giới thiệu tác phẩm mới của họa sĩ, kết nối họa sĩ  giữa các khu vực với nhau như các tỉnh nằm trong khu vực Tây Bắc - Việt Bắc… Với quy mô triển lãm có thể không lớn, sẽ không có tác phẩm như kỳ vọng, nhưng lại tạo được sân chơi cho nghệ sĩ, tạo tiền đề cho họa sĩ sáng tác, giao lưu và đưa tác phẩm với tạo hình riêng của mình đến công chúng một cách nhanh nhất mang thương hiệu họa sĩ.

Tìm nguồn kinh phí hỗ trợ câu lạc bộ, các nhóm họa sĩ trẻ và cả các họa sĩ lớn tuổi, giải thưởng cho các cuộc triển lãm nhằm kích cầu cho các họa sĩ sáng tác.

Mỹ thuật Thái Nguyên đang cần sự quan tâm kịp thời của các cấp quản lý để có được một không gian trưng bày triển lãm đúng nghĩa và để tổ chức các sinh hoạt nghệ thuật cần thiết.

Gần 30 hội viên mỹ thuật tỉnh Thái Nguyên “tha thiết” có một không gian chuyên nghiệp để giới thiệu nghệ thuật đến với công chúng, bởi lâu nay các cuộc triển lãm đều chịu cảnh “chắp vá” hay “gói ghém” trong những không gian “nhờ vả” không đúng tiêu chuẩn.

Để mỹ thuật Thái Nguyên thật sự chuyển mình, mỗi tác giả phải thật sự yêu nghề, làm việc một cách khoa học, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp và quan trọng nhất đó là cái riêng cá nhân trong mỗi tác phẩm phải được khẳng định - một cái riêng đẹp đẽ và nhân văn. Trong những năm tới, hy vọng anh em nghệ sĩ tạo hình của tỉnh sẽ làm việc hết mình, sẽ cho ra đời những tác phẩm có giá trị và khẳng định vị trí của văn nghệ sĩ họa sĩ Thái Nguyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Lê Quang Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy