Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
18:29 (GMT +7)
BÀN TRÒN VĂN CHƯƠNG

Mười năm tiểu thuyết Thái Nguyên - cùng nhìn lại

Khoảng hơn mười năm trở lại đây, Thái Nguyên đã có nhiều thành tựu trong sáng tác tiểu thuyết, đặc biệt là các tiểu thuyết về đề tài lịch sử. Đất và người Thái Nguyên xưa và nay đã dần dần được hình tượng hóa qua các tác phẩm, đã đem đến cho độc giả sự hiểu biết và những cảm xúc thẩm mỹ về chính mảnh đất mà mình đang sinh sống. Gần ba mươi cuốn tiểu thuyết của các nhà văn Thái Nguyên ra đời trong hơn mười năm qua, trong đó có nhiều cuốn đoạt giải thưởng ở trung ương và địa phương đã là sự khẳng định một phong trào sáng tác văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng của các nhà văn Thái Nguyên.

Để bạn đọc có thêm hiểu biết về "bếp núc" của người cầm bút, chuyên mục "Bàn tròn văn chương" Tạp chí VNTN số này xin trân trong giới thiệu với độc giả cuộc trò chuyện của các nhà văn Hồ Thủy Giang, Nguyễn Đức Hạnh, Phan Thái và Tiết Thị Minh Hà.

Nhà văn Hồ Thủy Giang (HTG): Thưa nhà văn Phan Thái, xuất phát điểm, anh là người viết thơ, đã được nhận Giải thưởng thơ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nhưng sau đó chuyển sang viết văn xuôi, đặc biệt là thành công ở thể loại tiểu thuyết. Được biết từ năm 2013 đến nay, không kể rất nhiều truyện ngắn, ký, tản văn… được đăng tải thường xuyên, anh đã cho xuất bản tới 9 cuốn tiểu thuyết, đấy là chưa kể tới những cuốn đang xuất bản, các cuốn ở dạng bản thảo đã hoàn chỉnh hoặc đang hoàn thành. Anh có thể tiết lộ để bạn đọc biết với động lực nào mà có thể thực hiện được một khối lượng công việc "khủng" như vậy?

 

Nhà văn Phan Thái (PT): Thực ra câu hỏi này không dễ để có câu trả lời thỏa đáng. Tôi làm việc trong một doanh nghiệp công nghiệp, thời gian không có nhiều cho các hoạt động khác, nhất là văn học nghệ thuật. Đôi khi công việc vất vả, căng thẳng, tôi chỉ muốn tạo cho mình đôi chút không khí bằng văn chương. Tôi làm thơ cũng là bởi lý do đó.

Mười năm tiểu thuyết Thái Nguyên - cùng nhìn lại
Nhà văn Phan Thái

  Trong quá trình công tác, với đặc thù công việc, tôi được tiếp xúc với nhiều nguồn tư liệu, nhiều nhân chứng lịch sử và hiểu thêm về mảnh đất, con người Thái Nguyên. Giai đoạn đó, dù bên cạnh việc làm thơ, tôi có viết một số bút ký, phóng sự, nhưng hoàn toàn chưa hề có ý định sẽ viết truyện ngắn, hoặc tiểu thuyết.

  Gặp gỡ các nhân chứng, tôi chú tâm ghi chép như một thói quen hình thành từ khi làm cán bộ phong trào và tham gia cùng ban lãnh đạo doanh nghiệp biên soạn sách lịch sử truyền thống. Năm 2010 tôi xuất bản tập thơ đầu tiên “Về sông xưa” chọn lọc những bài thơ qua nhiều năm sáng tác. Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ này là nguồn động viên, khích lệ tôi sáng tạo. Sau một vài truyện ngắn viết ngẫu hứng, một số nhà văn và bạn bè khuyên tôi chú tâm viết nhiều hơn về thể loại văn xuôi. Thời kỳ này, Chi hội Văn xuôi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đang khuyến khích các tác giả viết tiểu thuyết. Tôi cũng mạnh dạn viết cuốn tiểu thuyết về đề tài công nghiệp trong cơ chế quản lý mới.

  Có thể nói cuốn tiểu thuyết đầu tay ấy là bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác văn học của tôi. Tôi nghĩ các nhà văn thường phải cất công về cơ sở để tìm hiểu thực tế phục vụ sáng tác, tôi làm trong ngành công nghiệp, hiểu khá rõ về một số lĩnh vực và cuộc sống người thợ, viết được gì cứ viết, không nhất thiết phải cất công tìm hiểu viết về đề tài khác.

  Điều thôi thúc tôi sáng tác chỉ đơn giản là sự yêu thích, niềm đam mê trải nghiệm, khám phá từ các nguồn tư liệu và hiện thực cuộc sống. Tôi không nghĩ số lượng tác phẩm của mình là “khủng”, vì mỗi tác giả có sự cố gắng khác nhau.

 

HTG: Thưa nhà văn Nguyễn Đức Hạnh, từ xưa đến nay người ta đã bàn luận nhiều về đổi mới văn chương nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Tuy nhiên chỉ để hiểu một cách đơn giản thế nào là cũ, thế nào là mới đã là một câu chuyện đầy khó khăn và chưa ngã ngũ. Hiện đại, hậu hiện đại (với ý nghĩa là phương pháp sáng tác, chủ nghĩa) có phải là con đường duy nhất và tốt nhất để người viết theo đuổi không?... Xin anh nêu quan niệm cá nhân về các vấn đề nêu trên?

 

PGS-TS- Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh (NĐH): Trong tiến trình đổi mới văn chương nói chung, tiểu thuyết nói riêng, các phương pháp sáng tác mới liên tục xuất hiện theo quy luật cung - cầu đặc biệt của Văn nghệ: Văn nghệ sĩ khát khao đổi mới bao nhiêu trong sáng tác thì ở phương diện lí luận nghiên cứu phê bình  hoặc các phương pháp sáng tác mới sẽ ra đời, đáp ứng nhu cầu đổi mới tự thân của văn học. Chủ nghĩa Hiện đại, Hậu hiện đại cũng xuất hiện theo quy luật ấy. Đây không phải là con đường duy nhất để người sáng tác theo đuổi. Có thể ví von khập khiễng rằng: các phương pháp sáng tác như bộ dao làm bếp. Người sáng tác là đầu bếp. Món ăn ngon hay không ngon đâu phải do dao làm bếp?

Mười năm tiểu thuyết Thái Nguyên - cùng nhìn lại
Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh

 

HTG: Thưa tác giả Tiết Thị Minh Hà, là người mới cầm bút, vốn liếng chỉ vài truyện ngắn được đăng báo, một, hai giải thưởng văn học ở địa phương, nhưng giữa năm 2022 chị đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết "Vòng xoáy kiếp người" khá dày dặn. Sách được phát hành toàn quốc và theo như cơ quan phát hành cho biết thì cuốn sách đã bán hết trong vòng mấy tháng, công ty còn điện thoại cho tác giả xin mua lại mấy chục cuốn. Nghe thì đơn giản vậy, nhưng xin thú thật, với các nhà văn cũng được gọi là lâu năm như chúng tôi cũng mấy ai có cái vinh dự ấy. Chị có thể tâm sự với các độc giả về cuốn tiểu thuyết đầu tay này?

 

Tác giả Tiết Thị Minh Hà (TMH): Tôi chỉ là người làm nội trợ, cụ thể là chuyên làm nghề nấu cỗ phục vụ mọi người. Công việc hàng ngày của tôi là làm sao luôn đem đến sự hài lòng cho các "thượng đế".

Mười năm tiểu thuyết Thái Nguyên - cùng nhìn lại
Tác giả Tiết Thị Minh Hà

Với sự học hành không đến nơi đến chốn, bằng cấp không có nên chưa bao giờ tôi dám nghĩ có ngày mình trở thành người viết. Tuổi thơ tôi không được may mắn như bao bạn cùng trang lứa. Ngày bố mẹ tôi ly hôn, tôi chưa đủ lớn để ý thức được nỗi đau của chia ly. Mẹ tôi không giống như những người phụ nữ bình thường khác nên nhiều khi tôi cảm thấy tủi thân. Tôi cứ dai dẳng lớn lên như loài cỏ dại. Nói các anh đừng cười chứ ngày ấy, tôi còn chưa nhận thức được thế nào là sự tổn thương của tuổi thơ. Cứ như cái kiếp của tôi nó vốn thế, phải thế. Và không hiểu sao ngày ấy tôi có thể quên đi rất nhanh những trận đòn, dù là đòn oan. Nhưng tôi là người ham đọc truyện từ nhỏ. Rồi bỗng một ngày tôi ước mơ viết được cuốn truyện giống như những cuốn truyện mà mình được đọc. Từ bấy, có một cái gì đó rất vô hình nhưng bắt đầu nhen nhóm trong tôi. Tôi tập viết nhật ký, thường lưu bút lại những lần bị mẹ hắt hủi, những trận đòn và cả những ước muốn được bố ôm vào lòng, hay được một lần nằm trong vòng tay mẹ.

Tôi lấy chồng. Không phải đi theo hạnh phúc mà như cuộc trốn chạy cuộc đời, trốn chạy chính mình và ngay lập tức được trả giá bằng cuộc hôn nhân đầy bất hạnh. Có thể vì thế, mà một lần nữa đã biến tôi thành người đa sầu đa cảm. Sống giữa cảnh ăn bữa sáng lo bữa tối, nước mắt chan cơm cùng những cảnh bạo hành gia đình, đôi lúc tôi như đứng trước sự sống và cái chết. Cũng từng suýt buông xuôi, liều mình dấn thân vào con đường phạm tội... Rồi chưa qua kiếp nạn này thì cánh cửa địa ngục khác lại mở toang trước cuộc đời tôi khi con trai vướng vào vòng lao lý bởi bị “đại ca” đưa vào đời...

Nhưng rồi đời có câu: “Ông trời không tuyệt đường sống của ai bao giờ”. Có lẽ câu nói ấy đã rất đúng với trường hợp của tôi. Tôi đã may mắn gặp được vài người tốt, họ đã giúp tôi đủ nghị lực để chống chọi thoát khỏi “vòng xoáy" kiếp người.

Nghĩ rằng mơ ước viết được cuốn tiểu thuyết cũng chỉ là ước mơ hão huyền thôi nhưng từ ngày có Facebook, tôi mới được biết đến Internet và làm quen trên mạng xã hội. Vốn là người yêu thơ nên tôi có dịp học hỏi và sáng tác thơ. Tôi tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ Lục bát của tỉnh. Qua đó tôi được gặp gỡ và giao lưu với các nhà thơ nổi tiếng. Cũng từ câu lạc bộ tôi được tham gia lớp học sáng tác văn học hơn một năm. Tại đây tôi đã được các nhà văn giảng dạy về lý thuyết và truyền cảm hứng, kinh nghiệm sáng tác. Ban đầu, thử sức với một vài tản văn, bút ký, truyện ngắn, tham gia các cuộc thi của Hội VHNT tỉnh, rất may là tôi đã đoạt giải. Đây được xem là động lực đầu tiên giúp tôi hoàn thành ước mơ của mình. Cuốn tiểu thuyết ra đời trong bối cảnh đó.

 

HTG: Xin được quay lại câu chuyện với nhà văn Phan Thái. Tiểu thuyết "Thanh gươm và cây tính tẩu" của anh được Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam trao giải năm 2022 là một tiểu thuyết lịch sử viết về đất và người Thái Nguyên. Xin anh trao đổi với độc giả về cuốn sách này.

Mười năm tiểu thuyết Thái Nguyên - cùng nhìn lại
Nhà văn Hồ Thủy Giang

 

PT: Cách đây gần 1000 năm, quân dân Đại Việt dưới sự chỉ đạo của Lý Thường Kiệt đã chiến đấu kiên cường chống quân xâm lược nhà Tống. Trận chiến Linh Sơn (Thái nguyên) diễn ra vào tháng 2 năm 1077 do Nùng Tôn Đản, Lang Trung tướng quân chỉ huy quân các châu, phủ, khê động miền biên viễn chặn bước tiến của quân Tống tràn xuống Thái Nguyên theo các hướng Quảng Nguyên (một phần của Cao Bằng ngày nay), châu Thất Nguyên, Lạng Châu (một phần nay thuộc Cao Bằng, Lạng Sơn) đã bẻ gãy ý đồ hợp binh với lực lượng tinh nhuệ tấn công kinh thành Thăng Long.

Cuốn tiểu thuyết “Thanh gươm và cây tính tẩu” viết về ý chí của các tộc trưởng, tù trưởng và binh lính người dân tộc thiểu số. Các nhân vật đều là người Tày - Nùng – Dao - Sán Dìu… Với lòng “trung quân báo quốc”. Đội ngũ các chiến binh người dân tộc đã chiến đấu dũng mãnh, góp phần cùng quân dân Đại Việt làm nên chiến thắng trên phòng tuyến sông Như Nguyệt. Từ các làng bản, họ mặc binh phục, cầm cung nỏ, gươm đao làm quân binh như bao đinh tráng khác với suy nghĩ giản dị, thuần phác “Nước có giặc phải đi đánh giặc, giặc tan lại mặc áo nông phu”.

Mười năm tiểu thuyết Thái Nguyên - cùng nhìn lại
Bìa sách cuốn tiểu thuyết “Thanh gươm và cây tính tẩu”

Máu người xưa làm lên lịch sử, còn mãi đến muôn đời. Mọi cống hiến hy sinh của họ đã hóa thành bất tử. Hy vọng qua cuốn tiểu thuyết này, người đọc không chỉ thấy được lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, mà còn hiểu thêm về bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số Thái Nguyên.

 

HTG: Nhìn chung các tiểu thuyết lịch sử ngày hôm nay đã có sự đổi mới, tiêu chí "Danh nhân lịch sử" đã được thay bằng tiêu chí "Nhân vật lịch sử", nghĩa là các nhân vật lịch sử được phản ánh một cách chân thực, để họ trở về với đúng bản chất con người, cũng có buồn, vui, tốt, xấu như những người bình thường. Anh nghĩ gì về điều này? Và các tác phẩm của anh có sự đồng điệu hoặc không đồng điệu với  ý kiến trên?

 

PT: Tôi cho rằng tiếp cận đề tài lịch sử và tái tạo lịch sử trong tác phẩm văn học không thể là sự sao chép, kể lại lịch sử, mô phỏng lịch sử. Hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn học, dù có những phẩm chất đặc biệt, họ vẫn là những con người bình thường, sống một cuộc sống như bao người đương thời khác, không ai có thể hoàn thiện, nên hư cấu đến mức nào đi nữa cũng không thể để họ trở nên vĩ đại như những vị thánh.

Lịch sử và các nhân vật của từng giai đoạn lịch sử trong tác phẩm phải được tái hiện chân thực, đa chiều với đầy đủ mọi trạng thái từ hình ảnh đến yếu tố tâm lý, cả mặt tiêu cực lẫn tích cực, cả chủ quan lẫn hiện thực khách quan.

Tìm đề tài lịch sử, khai thác chủ đề phải tôn trọng những hiện thực khách quan mà các nhân vật lịch sử đã tạo nên. Đúng như có nhà văn đã nói, viết về đề tài lịch sử chính là giải mã lịch sử. Tác giả cần dựa vào bối cảnh lịch sử để sáng tạo, hư cấu nhằm làm rõ hơn hình tượng nhân vật và ý tưởng tác phẩm…

Sự thật lịch sử không cấu trúc sẵn những cốt chuyện theo yêu cầu tác giả. Nhà văn phải "xây dựng lại" đời sống con người, sự kiện lịch sử trong quá khứ. Và điều tối kỵ là sự phản ánh giống như sử liệu. Người sáng tác cũng có quyền giải thích lịch sử khác với định luận trong sử học. Bản chất quy luật sáng tạo văn học là hư cấu. Nhưng tôn trọng sự thật lịch sử cũng chính là trách nhiệm của mỗi người cầm bút trước xã hội. Hình tượng văn học chân thực, có sức lay động mạnh mẽ và thuyết phục được đông đảo công chúng luôn phụ thuộc vào sự hiểu biết, ý thức văn hóa của người sáng tác. Trong các tác phẩm lịch sử của tôi, các nhân vật lịch sử, dù là bậc minh quân, tướng lĩnh có tố chất đặc biệt đến binh lính, đều mang mọi đức tính của những con người bình thường với đầy đủ mọi yếu tố, trạng thái tình cảm, tâm lý... của con người. Cũng có lúc thua trận phải tháo chạy. Có vị tướng vẫn phải biết cầm dao cắt cơm nắm chấm muối vừng. Ai cũng ham sống sợ chết, nhưng vẫn vung gươm lao vào trận, sẵn sàng chết để vợ con, gia đình mình được sống. Thấy gái đẹp họ cũng thích trêu đùa, buông lời ong bướm. Thậm chí, có vị đang chỉ huy đánh trận cũng vẫn thèm rượu thịt…

 

HTG: Xin được bàn tiếp với PGS-TS Nguyễn Đức Hạnh về các các vấn đề lí luận văn học. Về đổi mới văn chương, tôi rất thích câu nói của A.Voznexenxki: "Không có mới và cũ, chỉ có tài và không có tài mà thôi. Ai nhiều tài thì người đó mới". Và ông đã dẫn nhà văn Pasternak để chứng minh, khi nhận định rằng những tác phẩm về sau của nhà văn nổi tiếng này đã trở về với hình thức cổ truyền hơn nhưng chẳng hề mất đi một chút tài năng nào, chính vì vậy mà vẫn cứ mới. Anh có cùng quan điểm hay có những suy nghĩ khác với nhà phê bình A.Voznexenxki?

 

NĐH: Với câu nói của A .Voznhetxki “không có mới và cũ, chỉ có tài và không có tài. Ai nhiều tài thì người đó mới ”. Tôi đồng ý với nhận định này - một nhận định đã chạm đúng vào bản chất của sáng tạo nghệ thuật. Ai là người sáng tác có tài năng đều thấy rõ thực tiễn sáng tác này: Người sáng tác có tài không chấp nhận lặp lại người khác, càng không lặp lại chính mình. Bởi sự lặp lại sẽ dẫn đến “cái chết" của văn học nghệ thuật. Mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật là một khám phá mới về nội dung, một sáng tạo mới về hình thức nghệ thuật, một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử văn học nghệ thuật. Chỉ có những kẻ bất tài mới đạo văn, đạo thơ, nhái theo tác phẩm của người khác mà tạo ra những “phiên bản" cho kẻ ăn cắp nghệ thuật. Còn với sáng tạo nghệ thuật chân chính, người nghệ sĩ có tài luôn mới trong từng tác phẩm. Bởi vậy ai nhiều tài thì người đó mới, và ngược lại!

 

HTG: Chủ nghĩa hiện đại đã sinh ra lối viết Dòng ý thức. Các nhà văn của trường phái Tiểu thuyết Mới (Pháp) có xu hướng đưa tiểu thuyết đến gần điện ảnh, đã đề xuất một khuynh hướng sáng tác mới mẻ: khuynh hướng Tiểu thuyết - điện ảnh. Chủ nghĩa hậu hiện đại lại mở ra khuynh hướng Hiện thực huyền ảo (Mỹ latinh)... Ở đây tôi không hề có ý cổ xúy cho các lí thuyết trên mà chỉ muốn mở ra một cuộc trao đổi rằng các nhà tiểu thuyết Thái Nguyên liệu có vấn đề "mũ ni che tai", khó ứng dụng hoặc không muốn ứng dụng các lí thuyết ấy?

 

NĐH: Với sự xuất hiện dồn dập các phương  pháp sáng tác mới trên thế giới, rồi du nhập vào Việt Nam, nhiều nhà văn Việt Nam đã vận dụng thành công như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương… Vậy các nhà văn viết tiểu thuyết ở Thái nguyên có "mũ ni che tai"? Tôi nghĩ có hai trường hợp xảy ra: Thứ nhất, bộ phận nhà văn ở Thái Nguyên có ý thức tiếp cận các lí thuyết sáng tác mới như Dòng ý thức, Hiện thực huyền ảo, Phân tâm học trong sáng tác... nhưng có thể là “lực bất tòng tâm", muốn mà không vận dụng được. Sự bất lực ở đây có thể do tài năng, có thể do cá tính sáng tạo riêng của từng tác giả không phù hợp với các phương pháp sáng tác mới. Thứ hai, một bộ phận các nhà văn Thái Nguyên thờ ơ với các lí thuyết sáng tác mới. Cứ quen tay sáng tác theo phương pháp sáng tác truyền thống, bằng lòng với những gì mình có, không có nhu cầu đổi mới phương pháp sáng tác đang sử dụng.

 

HTG: Xin được tiếp tục với chị Hà về tiểu thuyết "Vòng xoáy kiếp người". Như chị nói, có thể coi cuốn tiểu thuyết như một tự truyện, vì nó đậm đặc những dấu ấn cuộc đời của chính tác giả, nhưng vì lí do cá nhân mà chị ghi thể loại là tiểu thuyết. Tôi nghĩ chị đã làm đúng, không chỉ bởi lí do cá nhân mà còn một lí do quan trọng hơn là trong "Vòng xoáy kiếp người", cái "tôi" văn học lớn hơn cái "tôi" tự truyện. Nhưng tôi đoán là sau khi cuốn sách ra đời, tác giả của nó vẫn chưa thoát khỏi sự choáng váng không hiểu vì sao mà mình có thể vượt qua được những chướng ngại (của chính bản thân chị) để viết đến chữ cuối cùng của cuốn tiểu thuyết. Chị có thể cho độc giả hiểu thêm về trạng thái tâm lí ấy không?

 

TTMH: Đúng vậy anh ạ. Bởi vì tất cả những chi tiết trong cuốn sách này chính là sự thật đã diễn ra trong cuộc đời tôi đến tám mươi phần trăm, nên có thể coi đây là một cuốn tự truyện cũng được. Và trong khi viết, hầu như tôi cũng theo lối kể chuyện khá trình tự, trong cấu trúc cũng ít đảo lộn, biến báo. Nghĩa là rất gần với lối viết tự truyện. Tôi đã gá cuộc đời khốn khổ của mình vào nhân vật Thuỷ, nhân vật chính của tiểu thuyết. Thủy mang bóng hình tôi - tác giả. Thủy có thể là tôi nhưng lại không phải là tôi. Làm vậy, bởi tôi không muốn KIẾP NGƯỜI nặng nề, đầy cay đắng của mình tái diễn, lặp lại dù chỉ trên trang giấy. Bởi tôi không muốn một lần nữa lại phải nếm trải những nỗi kinh hoàng của từng giai đoạn trong cuộc đời mà mình đã bước qua. Nhân vật Thủy đã như một "tấm bình phong" để tôi có đủ dũng cảm hoàn thành cuốn tiểu thuyết. Anh đoán đúng. Khi đặt dấu chấm hết cho cuốn sách mà tôi vẫn chưa hết choáng váng. Bởi quá khứ không bao giờ biến mất mà chỉ khép lại trong ký ức. Tôi mạnh dạn và đủ can đảm để viết VÒNG XOÁY KIẾP NGƯỜI có lẽ do một ý nghĩ luôn dằn vặt trong tôi: biết đâu quá khứ của mình sẽ lại là hiện tại hay tương lai của một người nào đấy. Viết ra để có sự đồng cảm, an ủi những kiếp người không may mắn như tôi. Tôi muốn nói với mọi người rằng, cho dù cuộc đời có gập ghềnh, cay đắng đến bao nhiêu thì con người vẫn phải vượt lên số phận để mà sống và tìm thấy tương lai.

Mười năm tiểu thuyết Thái Nguyên - cùng nhìn lại
Bìa sách cuốn tiểu thuyết "Vòng xoáy kiếp người"

 

HTG: Đọc chị, từ tất cả các truyện ngắn, tản văn, bút kí và gần đây là tiểu thuyết, tôi nhận thấy một điều, hầu như các không gian, thời gian truyện, các nhân vật, các sự kiện… trong các tác phẩm của chị đều được xuất phát từ một vùng đất (phía bắc của thành phố Thái Nguyên), cũng có thể tạm đặt tên là "vùng Quan Triều". Vùng đất ấy, xa xưa có truyền thống lịch sử, văn hóa, có nhiều huyền tích, truyền thuyết; thời hiện đại có nhiều nhà máy, ga tầu, mỏ khoáng sản… nên có một đội ngũ công nhân thời bao cấp rất đông, có lẽ chỉ sau Khu Gang Thép. Họ thường sinh sống và làm việc trong các khu tập thể của các nhà máy hoặc xen kẽ với người nông dân trong các xóm làng… cho nên đất và người nơi ấy có những đặc điểm rất riêng. Xin hỏi, chị có ý định lấy vùng đất đã từng quen thân với mình từ thuở nhỏ để làm "quê hương văn học" như một số các nhà văn đã từng làm không?

 

TTMH: Quan Triều nói chung và nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ nói riêng là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Nơi đây tôi xem như là một cái nôi bao bọc tôi trong những giấc ngủ thay cho lời ru của mẹ. Tôi đã lớn lên bên cạnh bãi nứa, những cuộn giấy ca-rap, hàng ngày nghe tiếng máy chạy còn nhiều hơn cả những ca sỹ nghe nhạc bây giờ. Tôi đã lăn lộn vào từng đống xỉ từ lò hơi thải ra để nhặt từng viên than ron về đun. Tôi cũng đã từng trải mình trong dòng nước sông Cầu chảy qua nhà máy với bao ký ức tuổi thơ êm đềm và dữ dội… Và đau đớn nhất, tôi từng là một nhân chứng về tội ác dã man của Đế Quốc Mỹ khi chúng thả hàng loạt bom B52 xuống nhà máy. Hơn ba mươi người chết trong đó có cô bạn thân nhất của tôi... Qua hàng chục năm lớn lên cùng nhà máy, mỗi hàng cây góc phố, mỗi con đường đều in dấu chân tôi. Mảnh đất này đã thẫm đẫm từng giọt mồ hôi vất vưởng, thấm từng giọt nước mắt tủi hờn nên với tôi nó đã trở thành máu thịt của cuộc đời. Mỗi con người nơi đây đều là người thân thiết của mình. Chính vì thế mỗi tác phẩm khi tôi viết ra đã được chắt lọc từ tình yêu đối với vùng đất Quan Triều thân thương ấy. Và tất nhiên, cũng chính mảnh đất này đã cho tôi vốn sống để làm nên những tác phẩm văn học.

Tôi được biết có một số nhà văn đã biến mảnh đất nơi họ sinh sống thành “quê hương văn học”. Với tôi điều đó thật khó bởi vì bản thân không còn trẻ, lực viết có hạn lại hàng ngày phải bận bịu với công việc mưu sinh nên cũng bị ảnh hưởng đến sáng tác. Nhưng tôi nghĩ và hi vọng, trong mỗi tác phẩm của mình sau này vẫn đều mang dấu ấn, hương vị của mảnh đất quê hương mình. Nếu như (tôi chỉ nói nếu như thôi nhé) năm năm, mười năm hoặc lâu hơn nữa mà tôi làm được điều đó thì lúc bấy giờ tôi mới cảm thấy nhẹ lòng như đã trả nợ được những ân tình mà con người và miền quê ấy đã đem lại cho tôi từ những giọt nước mắt xót xa cùng niềm kiêu hãnh.

 

HTG: Thưa anh Phan Thái, ngoài tiểu thuyết lịch sử, hình như mấy năm gần đây anh muốn chuyển ngòi bút sang đề tài an ninh và bình yên cuộc sống với các nhân vật là người công an nhân dân, chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch… Vì sao có sự chuyển đề tài như vậy? Có phải vì nguồn tư liệu lịch sử ở Thái Nguyên đã có phần vơi cạn, hay đó chỉ là theo ý nguyện cá nhân, hay vì một lí do nào khác?

 

PT: Trước hết, phải khẳng định nguồn tư liệu lịch sử ở Thái Nguyên như một dòng chảy bất tận, tôi và một số nhà văn chưa khai thác được bao nhiêu. Tôi nghĩ nếu người cầm bút Thái Nguyên không tìm hiểu để viết về Thái Nguyên, rất khó để người nơi khác làm thay. Không ai hiểu về mảnh đất mình đang sống bằng chính mình. Mặt khác viết về đề tài lịch sử cũng là một cách để tri ân các thế hệ đi trước đã cống hiến hy sinh góp phần làm nên hình hài đất nước. Đến nay tôi chỉ mới xuất bản được 5 cuốn tiểu thuyết lịch sử về Thái Nguyên.

Tôi chuyển sang sáng tác về đề tài an ninh và bình yên cuộc sống với các nhân vật là người công an nhân dân, chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch… chủ yếu muốn thử sức trong những loại đề tài khác nhau. Mặc dầu vậy, bối cảnh, sự kiện vẫn trên nền những ngành tôi am hiểu. Bạn đọc có thể nhận ra điều ấy trong cuốn tiểu thuyết “Lửa khuất”. Nhân vật người kĩ sư luyện kim chỉ xuất hiện trong trang phục Công an nhân dân khi tổng giám đốc và những kẻ đồng phạm tra tay vào còng số 8…

Tái hiện lịch sử với vẻ đẹp mới đầy tự hào và kiêu hãnh của đất và người Thái Nguyên thông qua tác phẩm văn học, cũng là một trong những nguồn cảm hứng sáng tạo của tôi. Thời gian tới nhất định tôi sẽ gửi đến độc giả những cuốn tiểu thuyết lịch sử mới về đề tài chiến tranh cách mạng bấy lâu ấp ủ.

 

HTG: Thưa anh Nguyễn Đức Hạnh, tôi nghĩ, khi vận dụng các lí thuyết của Thế giới, dù tinh hoa nhất thì vẫn luôn cần "Việt tính" (chữ GS Trần Đình Sử dùng). Không chỉ ở ta mà khá nhiều nhà văn hiện đại ở Trung Quốc luôn biết kết hợp phong cách nghệ thuật phương Tây với phong cách truyền thống của văn học Trung Quốc để tạo ra những phong cách riêng cho mình. Chính bởi vậy mà các tác phẩm của họ thường vượt xa các nhà văn chỉ khư khư giữ lấy cách viết truyền thống đơn thuần hoặc ứng dụng lí thuyết phương Tây một cách lai căng. Từ cái nhìn ấy, xin anh những đánh giá sơ bộ, mang tính mở đầu về các cuốn tiểu thuyết trong khoảng mười năm trở lại đây ở Thái Nguyên?

 

NĐH: Đổi mới phương pháp sáng tác nói chung, bút pháp nghệ thuật nói riêng vừa là nhu cầu tự thân của mỗi nhà văn vừa do áp lực thời đại. Khát khao đổi mới là có thực với từng nhà văn nhà thơ nhưng hiệu quả đạt đến đâu lại là chuyện khác, phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan và chủ quan. Với các nhà văn viết tiểu thuyết ở Thái Nguyên cũng thế. Mong muốn vận dụng, Việt tính hoá các phương pháp sáng tác mới của thế giới là một tâm thế có thực, dù mức độ thành công là rất khác nhau. Theo dõi mảng văn xuôi Thái nguyên nhiều năm qua, tôi thấy hầu hết các nhà văn đã thành danh đều chủ yếu sử dụng Chủ nghĩa Hiện thực và một vài biến thể của nó. Chưa có sự ứng dụng nhiều chủ nghĩa Hiện đại, Hậu hiện đại và nhất là có sự "Việt tính hoá" vào sáng tác tiểu thuyết. Từ thập kỉ 80 của thế kỉ 20, Vi Hồng đã khát khao vận dụng Chủ nghĩa hiện thực Huyền ảo vào sáng tác, tiếc thay do hoàn cảnh cụ thể cùng lí do sức khỏe, nhà văn đã phải dừng lại giữa chừng. Người chịu đọc và áp dụng lí thuyết sáng tác mới vào sáng tác của mình nhiều nhất là Hồ Thuỷ Giang. Đó là khuynh hướng Tiểu thuyết - Điện ảnh  (từ phong trào Tiểu thuyết Mới nửa cuối thế kỉ XX ở Pháp) được nhà văn vận dụng trong các tiểu thuyết "Con đường cát bụi", "Những người mở đường". Hoặc thủ pháp giễu nhại của Chủ nghĩa Hậu hiện đại ít nhiều vận dụng trong tiểu thuyết "Mắt rừng", "Phố Núi". Đặc biệt, trong bộ phận tiểu thuyết lịch sử, các nhà văn Phan Thái, Hồ Thuỷ Giang, Phan Thức đã có những tìm tòi, đổi mới, dần từ bỏ lối viết tô hồng "danh nhân lịch sử" xưa cũ, để phản ánh chân thực những nhân vật lịch sử như vốn có. Đó là những tín hiệu vui, đáng mừng, dù thành công ở mức độ nào vẫn có tác động cổ vũ, vẫy gọi các tác giả trẻ đi tiếp một hành trình gian khó nhưng tất yếu, để bước tới thành công trong tương lai .

HTG: Thưa chị Hà, chị có thể cho biết thêm về những dự định viết của mình trong thời gian tới?

TTMH: Những người mới cầm bút như tôi thật khó nói về dự định lắm anh ạ. Nhưng có lẽ sang năm tôi sẽ cố gắng tập hợp những truyện đã được đăng báo trong thời gian qua và viết bổ sung một số truyện nữa để có thể cho ra đời một tập truyện ngắn. Còn mọi chuyện khác vẫn ở thì tương lai thôi anh.

HTG: Vâng cảm ơn tác giả Tiết Thị Minh Hà, cảm ơn nhà văn Phan Thái và PGS-TS Nguyễn Đức Hạnh đã nhận lời mời tham gia Bàn tròn văn chương này và đã có một cuộc trao đổi thật lí thú và bổ ích. Chúc các anh chị luôn dồi dào sức khỏe và tiếp tục cống hiến cho độc giả những tác phẩm có chất lượng. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn!.

Thực hiện. Nhà văn Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Sân khấu độc lập: Những thách thức

Sân khấu - Múa 4 giờ trước

Ẩm thực Thái Nguyên - tinh hoa phong vị xứ Trà

Cuộc sống quanh ta 22 giờ trước

Ơi những ngày thu

Văn xuôi 1 ngày trước

Vị giác

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Tháng chín...

Văn xuôi 2 ngày trước

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 2 ngày trước