Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
18:38 (GMT +7)

Mùi nắng Tết

Hôm nay có tí nắng, mẹ mang đỗ xanh, gạo nếp ra phơi. Mấy bà hàng xóm qua, ngồi chơi, sưởi nắng luôn. Câu chuyện “Nhà bà chuẩn bị Tết đến đâu rồi” dưới nắng ấm bắt đầu, ran ran: … Nhà “em” năm nay vẫn để dành bao nếp hương, mai đi xát là xong. Nhà em có con lợn trong chuồng, định hăm bảy mổ, ai lấy làm nhân bánh chưng thì em phần cho. Nhà em lá dong, lạt giang, gạo, đỗ sẵn đấy rồi chỉ việc gói là xong. Các bà làm dưa hành chưa… em mới muối hôm qua, sợ đến Tết không chua. Ấy, nói đến dưa hành, tí quên, em phải về hô chúng nó bóc để mình muối, không là nhỡ hết.

Mùi nắng Tết
Minh họa: Đ.T

Bà vừa nói đứng dậy, đi về luôn. Có vại dưa hành mà cứ làm như cháy nhà ý, rõ là long đong, mẹ tôi cười nói. Các bà cùng cười. Mấy con gà nhân dịp người vui, bèn nhảy vào sân mổ lia lịa mẹt gạo. Xùy xùy… mẹ đứng lên đuổi. Các bà cũng vung tay đuổi. Gà chạy tán loạn, va vào một ông từ ngoài ngõ đi vào. Gớm, đuổi như đuổi kẻ cướp… thôi cho nó ăn Tết sớm đi, mấy hôm nữa đằng nào mình chả ăn Tết nó. Ông nói phải, dưng mà em để nó ăn miếng chín cơ, hôm mổ cúng giao thừa sẽ cho cơm nóng bánh chưng.

Từ nãy tôi ngồi im cùng quyển sách dưới hiên nhà. Đọc một lúc, nghe các bà nói chuyện thì… ngắm các bà. Nắng đang vàng đậm, hương nếp, hương đỗ… câu chuyện… bay lên hòa vào, thành một làn lơ lửng. Tôi hít hà, thấy rõ in như khoảng này năm ngoái, năm kia, năm xa. Mùi gạo nếp là rõ nhất, thơm quyện, nhè nhẹ, chỉ ngửi ngon chứ không thơm ngào ngạt như khi đã thành bánh chưng, bóc ra. Và mùi nắng, thơm thơm xa xa gần gần… khó diễn tả thành lời. Sau những ngày rét, trời u ám, bỗng nắng lên báo Tết sắp đến nơi rồi. Thứ nắng hiếm hoi ấy quả có mùi vị riêng, cố để ý thì không thấy, vô tư vui vẻ háo hức thì thấy. Chả phải thính giác cực nhạy, chả phải giác quan thứ sáu thứ bảy gì, cứ tự nhiên, mùi nắng khắc đến… Như tôi hôm nay, lặng nghe câu chuyện Tết ran ran, nắng cũng chả nói câu gì, chui vào mũi, vào đầu mình từ bao giờ… khẽ thơm, mới tinh như trang sách mới, lộc búp mới. Mùi nắng tưởng như không có, chỉ ở trong giấc mơ, mà có thật.

Tối Ba mươi, rồi sáng mùng Một vẫn rét, nhưng chả ai thấy rét. Đã đành quần áo ấm thoải mái rồi, nhưng quan trọng là ai cũng vui. Mẹ vui nhất vì các con xa gần Tết này về đông đủ (các món Tết mẹ để dành, … để mãi đến qua Rằm phải đem cho mấy nhà đông con nữa).

Như thông lệ các Tết, sáng mùng Một, bố mẹ ở nhà thường trực, anh em chúng tôi đi chúc Tết các cụ, các ông bà bề trên.

Tám giờ, vợ chồng con cái, bầu đoàn tám người bắt đầu khởi hành. Tôi yêu cầu tất cả đi bộ, vì các ông bà ở trong xóm, xóm trong, xa nhất cũng chỉ non cây số. Nhất trí.

Đường quê đã bê tông, nhà cũng xây hết, lâu lắm mới đi chân, thấy lâng lâng lạ. Gặp đoàn nhà khác, gặp đứa bạn học phổ thông cũng rồng rắn vợ con đi chúc Tết. Bắt tay và “chúc mừng năm mới, sức khỏe và thành công” vang vang.

Đoàn nhà tôi chúc Tết xong năm nhà “quan trọng”, “kiên quyết” không ở lại uống rượu thì trở về. Đã trưa. Thấy loang loáng người xe như gương chiếu vào, thấy áo dạ “tự nhiên” phanh ra, giật mình… nắng đã từ bao giờ. Giữa đồng, nắng dưới ruộng, nắng trên đường, trên cao ánh ánh vàng rượi. Tôi dang tay, hét to - nắng thơm quá. “Bố mày chỉ văn thơ tưởng tượng… thơm đâu mà thơm” - vợ tôi nói, không có vẻ gì là đùa cợt. “Mẹ này, chả biết thưởng thức cái gì”, may quá con gái tôi chấn chỉnh. Rồi nó hướng dẫn mẹ… “Mẹ phải hít vào thật sâu, thở ra thật chậm, càng chậm càng tốt, mắt hơi lim dim một tí, không được nghĩ gì…”. Vợ tôi làm theo con, như người tập Yoga… một lúc thì có tiếng reo… ôi, thấy rồi, thơm thật. Thơm như thế nào, tôi hỏi. Là thơm, là nắng thơm, bắt tả ra thì chịu. Như thế là đúng nắng thơm rồi, chỉ biết là thơm, không tả ra cụ thể được. Thôi, giờ chúng ta đi chậm trong nắng thơm nhé, tôi háo hức nói với cả nhà.

Nắng vẫn ong óng. Mặt ai, tóc ai cũng như đang ở trong phim có đèn chiếu sáng.

Gió nhè nhẹ đến, đưa hương đồng, hương hoa bưởi, hoa đào đến.

Tôi nhìn nắng, miệng khẽ chẹp chẹp như ăn món ngon.

Cả một vùng trời nắng, thơm quá, thích quá.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy