Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
17:30 (GMT +7)

Mùa xuân của con cáo lửa

Truyện ngắn. Phạm Thanh Thúy

Bước chân soàn soạt ráo riết cùng ánh đèn loang loáng làm ông Tư bật dậy chạy ra thềm. Một bóng người rất nhanh đang len lỏi giữa những cây to trong vườn. Ông Tư hét:

-Phàn phải không? Mày lại đuổi cái gì đấy?

-Cháu đang vội.

-Ấy! Tao mới để mấy cái bẫy, mày dẫm phải mất chân bây giờ.

Quả nhiên, Phàn dừng lại, tiu nghỉu như quả bóng xẹp hơi, dậm chân bành bạch ra vẻ dằn dỗi, rồi lại bành bạch đi vào nhà ông. Vừa đến cửa đã than trách:

-Sao ông lại đặt bẫy làm gì? Hỏng hết việc của cháu.

Ông Tư rót một chén nước trà để lên bàn, ý mời Phàn.

-Ơ hay cái thằng này. Vườn nhà tao tao thích bẫy thì kệ tao chứ. Thế mày vừa đuổi con gì?

Phàn ngồi phịch xuống ghế, đưa bàn tay to đen và thô thiển ra chụp lấy cái chén trà, rất nhanh dốc thẳng vào cổ. Nhìn cách Phàn uống trà, ông Tư hơi cau mày. Dân đất trà mà uống như tên phàm phu. Chẳng bù cho ông, đến nhà ai uống trà, dù người ta có mời trà nguội, ông cũng từ tốn như mới được thưởng thức lần đầu.

Dốc chén trà vào cổ xong, đặt cây nỏ xuống bên cạnh, Phàn chùi mép:

-Con chó hoang. Không biết từ đâu đến. Con này lạ lắm ông ạ, như cáo, nó nhanh quá, cháu chưa kịp nhìn kỹ. Dạo này trong núi có đàn cáo, hôm trước trong xóm có nhà bị mất gà. Ra vườn thấy lông gà còn đầy dưới gốc cây. Cháu sẽ dọn sạch chúng nó.

-Cáo với cầy cái gì. Chắc mèo hoang thôi. Làm gì có con cáo nào còn sống sót nổi với mày.

-Không. Cáo thật mà. Chính cháu đã nhìn thấy một con trong lúc đi đốt ong. Rồi ông xem, cháu sẽ lột da cả đàn chúng nó.

Phàn đứng dậy, với tay cầm cây nỏ trứ danh của nó và bình bịch đi ra ngoài, một lát đã thấy ánh đèn pin trên trán nó loang loáng ở con đường nhỏ trước nhà. Phàn đã rẽ vào một lối nhỏ đi vào khu đồi sim. Đêm nay nhất định phải có con gì đó nộp mạng cho cái nỏ tham lam khủng khiếp của nó.

Cái nỏ của Phàn có thể được coi là báu vật gia truyền. Từ ngày ông bà nó dưới xuôi lên vùng rừng này lập nghiệp, coi như muông thú gặp tai họa. Ông nội nó có tài bắn nỏ, và sát thú một cách ma quái. Nghĩa là không lúc nào ông ta xách nỏ vào rừng mà trở về tay không. Đến đời Phàn, từ bé nó đã thích săn bắt. Người ta ra đồng bắt cua, gặp con cua cái ôm bụng trứng còn biết thả ra cho chúng nó sinh sôi để lần sau còn có cua mà bắt. Đằng này, nó chẳng tha gì hết. Nó đã đụng vào ổ nào, ổ ấy hết cả con lẫn trứng.

Không ngày nào Phàn không lùng sục khắp đồi trên ruộng dưới. Không có con chim bìm bịp nào kêu trên đồi được quá một tuần trăng, không tổ ong nào mà nó không tìm cách đốt, cá dưới suối mỗi tuần nó dùng kích điện một hai lần. Nên không chỉ chim thú, đàn chó trong xóm thấy nó cũng lảng xa.

Cây nỏ của Phàn được ông nội nó vào rừng tìm cây gỗ quý nhất, lâu năm nhất đẵn về dựng nhà, những phần khác thừa ra thì làm vật dụng, trong đó có cây nỏ. Khi truyền đến nó, cây nỏ đã nhẵn lõm chỗ những ngón tay chịn vào thớ gỗ, để ngắm và buông tên. Giết nhiều muông thú quá, đến nỗi cây nỏ đi đến đâu trâu bò chim chóc dạt ra đến đó. Mỗi lần Phàn xách nỏ đi săn mà có ý định qua vườn đồi nhà ai trong xóm, là từ rất xa đàn chó đã phát hiện. Người và nỏ đi qua là chó rúc sâu vào gầm giường.

Bây giờ muông thú đã bị con người dồn đến chỗ tuyệt đường, số còn lại tìm cách lẩn sâu trong rừng mong cứu vớt giống nòi. Mấy năm nay Phàn có nói ngọn đồi Ba Khoang sau nhà ông xuất hiện những con cáo lông hung vàng. Gần đây chúng đã dám mò xuống xóm tìm bắt gà nhà. Việc này trước sau cũng khiến chúng bị tiêu diệt. Nghĩ đến điều đó, tự dưng ông thở dài. Một niềm thương cảm lạ lùng dấy lên trong lòng ông. Ông nghĩ đến bầy cáo đói khốn khổ, chắc bị dồn đến cùng chúng mới phải đụng đến vật nuôi của con người.

Ông Tư lên giường nằm. Từ ngày bà mất và các con đi làm ăn xa, ông hầu như rất ít ngủ. Cứ đặt lưng cho đỡ mỏi, nhưng mắt thì chong chong. Những đêm dài bất tận ấy, ông nằm nghe tiếng gió thổi qua đồi cây, tiếng bầy chim thảng thốt, cả tiếng con thú hoang nào đó từ trên đồi Ba Khoang buông vào cô độc. Từ ngày ngọn đồi được Bộ quốc phòng cắm mốc để chuẩn bị xây dựng công trình nào đó, thường dân không được vào săn bắn, khai thác, vì thế vô tình chim thú tìm về trú ngụ. Nhưng ông Tư biết, thằng Phàn vẫn âm thầm vào đó kiếm chác. Lòng tham của nó thật kinh khủng. Mà nó lại làm như rất đáng tự hào.

Bất giác, như có đôi mắt nào đó đang chăm chăm chiếu vào ông. Ngồi bật dậy, ông chỉ kịp thấy một cái đuôi bông lướt qua cửa. Ông vớ vội cây đèn pin trên đầu giường chạy ra sân, cái bóng nhỏ bé vờn vờn trước mặt, lướt ra phía bờ suối cạnh nhà. Ông chạy theo, khi ánh đèn pin lướt qua mặt suối loang loáng nước và sững lại. Một con vật màu vàng rực lửa đang đứng trên phiến đá nổi lên trong lòng suối.

Con vật đối diện ông. Nhưng lạ quá. Nó nhắm mắt, vì thế ánh đèn từ tay ông không bắt được ánh sáng của mắt nó. Ông sững sờ thêm vài giây. Một con cáo. Một con cáo màu lửa đẹp đến nỗi trước nay ông chưa thấy bao giờ.

Ông Tư thẫn thờ ngồi trước ấm chè nguội ngắt. Con cáo màu lửa với đôi mắt nhắm tịt làm ông thấy vừa lạ vừa thương. Nó là một con cáo, chứ không phải mèo hoang như ông vẫn thường gặp. Ở trong xóm bản nhiều nhà nuôi mèo để chúng diệt lũ chuột lúc nào cũng sinh đàn sinh đống. Nhưng giống mèo rất quái, cứ thích bỏ nhà đi hoang. Những con mèo đã đi hoang, khi gặp ánh đèn, hoặc cả ban ngày, đôi mắt của chúng cũng rất đỏ, chứ không sáng xanh như mắt chó.

Con cáo này nhắm mắt, tức là ông không nhìn thấy mắt nó đỏ hay xanh, nhưng nó thật thông minh, nếu nó mở mắt, có thể ánh đèn pin của Phàn đã phát hiện ra nó rồi.

Những ngày cuối năm, xe máy trên đường xóm chạy rầm rầm cả ngày. Mùa vào Tết, người ta lần lượt kéo nhau đến nhà này nhà kia ăn tất niên. Cả bản ai cũng mời nhau, chỉ có ông không được mời. Đã nhiều năm rồi ông không đi ăn tất niên nhà ai, và cũng không tổ chức tất niên mời ai cả. Đám con cháu của ông, có đứa năm về ăn Tết, năm không. Nếu có về thì cũng tận chiều ba mươi muộn mằn. Một mình ông trong ngôi nhà nhỏ sát chân đồi Ba Khoang, chả thiết đàn đúm ăn uống gì hết. Những chiều cuối năm, ông tự cho phép mình nhàn tản, thong dong thả bộ trong đồi cây nhà mình. Từ trên đồi cao ông có thể thả tầm mắt ôm trọn xóm làng, nơi trước đây còn thưa thớt vài nóc nhà và um tùm cây cối, giờ mái nọ chen mái kia lớp lớp. Cây vẫn nhiều, nhưng thiếu bóng chim. Đã lâu không còn thấy những đàn chim về ríu rít.

Bất chợt, ông Tư cảm giác có đôi mắt đang chằm chặp chiếu vào mình. Phía sau lưng ông, con cáo màu lửa ngồi dưới một gốc cây. Những tán cỏ xanh cao đến ngực nó. Nó hướng thẳng về phía ông, đôi mắt mở to, đầy tò mò, cũng đầy e ngại.

“Mày đấy à?”. Ông nói, và khẽ mỉm cười. Con cáo khẽ động đậy đôi tai của nó, và vẫn ngồi im. Thế là ông khẽ thở hắt ra, thấy vui vui như có một người bạn nhỏ ở bên mình.

Bây giờ, những làn gió mùa đông đang len trong từng phiến lá. Lá rụng thành từng lớp dày cũ mới trên nền đất vườn. Bầy gà mẹ con tục tục bới tãi. Ông Tư biết, từ khi được ông vô tình cứu mạng, con cáo vẫn quẩn quanh trong vườn, trên đồi nhà ông, vì dọa Phàn thế thôi, chứ ông không đặt cái bẫy nào cả. Có buổi sáng trời mưa, ông thấy trên nền gạch ngoài hiên vài dấu chân nhỏ xinh còn mới của nó. Ý nghĩ có một con vật hoang dã luôn quẩn quanh tự nhiên khiến ông vui, dẫu ông không biết con vật đang chờ đợi gì ở ông, hay đơn giản nó chỉ tìm cơ hội bắt mồi. Tự dưng ông lo cho con cáo. Nếu Phàn biết trong đồi nhà ông là một con cáo chứ không phải một con chó hoang, nó sẽ bất chấp mà xới tung lên, cho đến kỳ nào tóm được con vật mới thôi.

Nửa đêm hai mươi bảy Tết. Bên nồi bánh chưng sôi sùng sục, ông Tư ngồi hút thuốc.

Con cáo màu lửa nằm đối diện với ông, cách ông nồi bánh và đống lửa to đùng. Đêm cuối năm gió lạnh, mưa phùn bay lây phây, ông biết con vật cô đơn và lạnh lẽo. Nó có thể không còn đàn, do đã bị người ta diệt sạch, cũng có thể nó có đàn nhưng bị từ chối, bởi màu lông bất thường kia. Dù thế nào, nó đã chủ động tìm đến ông, mặc dù nó từ chối những bát cơm có cá rán mà ông cố ý dành cho nó bên hiên. Ông mời nó thật lòng, chứ không ý định bẫy chụp gì. Có lẽ nó vẫn còn cảnh giác.

“Phựt!”

Một tiếng rít lạnh lùng vụt qua ông, và chỉ trong một tích tắc ánh sáng, con cáo nhảy vút lên, kêu một tiếng thảm thiết rồi biến mất vào bóng tối. Cùng lúc đó, Phàn lao đến. Ông Tư bật dậy, hét váng:

-Phàn! Mày đã làm gì?

Nhưng Phàn không trả lời ông. Nó lao vụt qua ông để đuổi theo con cáo màu lửa mà nó đã bắn trúng một mũi tên. Ông Tư cầm đèn rọi theo vết máu lác đác trên lá khô trong vườn, lòng tràn đầy nỗi căm giận đối với Phàn. Nó đã không thèm nể ông, bằng mọi cách giết con cáo tội nghiệp. Ông cầu mong con cáo thoát nạn. Nhưng ông biết lòng tham của Phàn thì không mong muốn nào của ông chế ngự được.

Vào Tết, Phàn không sang chúc Tết như mọi năm. Tối mùng Một, ngôi nhà Phàn bốc cháy ngùn ngụt. May vợ con Phàn còn đi chúc Tết, Phàn kịp bỏ chạy, nên không ai thiệt mạng. Chỉ cây nỏ cháy rụi theo ngôi nhà.

Một sớm mùa xuân, ông Tư lại leo lên đồi cao, thẫn thờ ngồi ngắm xóm bản trong tầm mắt. Lòng ông thương nhớ con cáo màu lửa bí ẩn. Từ hôm cháy mất nhà, Phàn lại hùng hục vào rừng, leo đồi lùng bắt chim thú. Nhưng như phép bùa hết linh, nó không bắt được con gì nữa, luôn tiu nghỉu trở về tay không.

Bỗng, cảm giác có đôi mắt đang chằm chặp nhìn mình trở lại. Ông Tư hồi hộp ngoái lại phía sau lưng. Dưới gốc cây năm ngoái, con cáo màu lửa ngồi đó, đôi tai nó khẽ động đậy, và đôi mắt hiền dịu nhìn ông, đầy tò mò, cũng đầy nghi ngại.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 1 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước