Mùa hoa cỏ lau
Dù vẫn thấy hoa lau nở quanh năm nhưng mùa đông mới là mùa hoa lau nở rộ. Vào những ngày giá lạnh và khô như này ta mới thấy hết được vẻ đẹp, sự kiên cường và kiêu hãnh của hoa lau.
Nhiều người bảo, hoa lau là biểu tượng của sự hoang dã, hèn kém. Tuy nhiên, hoa lau không xếp vào cái tên chung là cỏ dại nên không hẳn là hèn kém như thế, hoa cỏ lau may mắn hơn vì chúng có tên với cái tên riêng bình dị mà thân thương.
Lau có thể mọc ở khắp mọi nơi, triền sông, ven đường, sườn núi hay trên vách đá cheo leo… Bất kể nơi nào, dù màu mỡ hay khô cằn sỏi đá, dù nơi bên đường lắm bụi bặm hay lẩn khuất trong tận thung sâu thì loài hoa ấy vẫn cứ vươn lên khoe sắc.
Mặc sương nắng khắc nghiệt, dù cho nơi sình lầy nước đọng hay trên sỏi đá cỗi cằn, cỏ lau tưởng chừng như yếu ớt mong manh vẫn bám víu, đùm bọc lấy nhau thành rừng thành vạt, thành đám, mãnh liệt sống. Chính vì thế nhiều người thường nói cỏ lau là một trong những loài cây biểu tượng cho sức mạnh kiên cường, đoàn kết.
Bông hoa lau được kết bằng ngàn vạn những hạt li ti và nhẹ xốp như bông, khi bung nở những hạt nhỏ màu trắng được gió cuốn đi. Những hạt li ti ấy đọng lại ở đâu là sinh sôi nảy nở, đó chính là sự nhiệm màu ưu ái của thiên nhiên cho mỗi loài để duy trì nòi giống của mình.
Có truyền thuyết kể về hoa lau lãng mạn và bi thương lắm. Đó là câu chuyện về đôi tình nhân nọ bị cản trở vì không môn đăng hộ đối, phải trốn nhà dắt nhau vào chốn thâm sơn. Có được tình yêu, nhưng nghèo túng, quẫn bách, khiến chàng trai đành gạt nước mắt bỏ vợ lại nhà, rồi tha phương kiếm tìm sự nghiệp. Cuộc ra đi ấy không ngờ lại là lần chia tay vĩnh viễn. Cô gái ngày ngày chờ đợi mỏi mòn cho đến lúc chết hóa thành loài cỏ lau thân mong manh, sức sống mãnh liệt và đầy quyến rũ.
Ngàn năm trước thủ lĩnh Đinh Bộ Lĩnh đã từng dùng những bông hoa lau làm cờ hiệu luyện quân, tập trận mà dẹp loạn 12 sứ quân và dựng nên triều đại nhà Đinh, nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở nước ta. Hoa lau còn là nguồn cảm hứng sáng tạo tuyệt vời cho văn học nghệ thuật. Đã có rất nhiều bức ảnh, bức tranh nghệ thuật về hoa lau rất đẹp. Hình ảnh hoa lau cũng mang đến cảm xúc cho những tâm hồn thi sĩ, nhạc sĩ viết nên hàng trăm ca khúc, hàng ngàn bài thơ về hoa lau lung linh thi ảnh và rung động lòng người. “Những bông lau vướng vít tự bao giờ/ Một màu hoa sáng loáng cả mùa khô” (Lau - Nguyễn Khoa Điềm) và “Xuồng ai đó bơi trong lau lách/ Áo bà ba súng nách tay chèo” (Có thể nào yên? - Tố Hữu). Câu thơ “Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng/ Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya” (Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ) làm cho người đọc phải nặng lòng. Còn rất nhiều, rất nhiều những tác phẩm văn học nghệ thuật về hoa lau…
Với người miền núi thì mùa hoa lau nở rộ là báo hiệu niềm vui. Khi hoa lau nở là không còn mưa lũ nữa và trẻ em đi rừng không bị lụt cuốn mất, tới trường không bị nước dữ dọa nhấn chìm. Đồng bào dân tộc Thái, Tày… thường dùng hoa lau để làm đệm, làm gối, những chiếc gối, đệm làm bằng hoa lau vừa nhẹ, vừa êm mà lại rất lành. Đệm, gối hoa lau còn được dùng làm sính lễ hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ khi kết hôn.
Ngày nay, vẻ đẹp của hoa lau còn được ưu ái hiện diện ở những không gian sang trọng như; phòng khách gia đình, nhà hàng, quán xá, trong những không gian nghệ thuật… Nhìn hoa lau trong những không gian ấy thấy vẻ đẹp của hương rừng sắc núi, hoa lau mang sắc mang hồn của thiên nhiên hoang sơ mà vẫn không kém phần sang chảnh.
Nhật Liên
1 đã tặng
1
0
0
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...