Một vài suy nghĩ về việc sử dụng điện thoại của học sinh
Xã hội ngày càng phát triển, chiếc điện thoại thông minh dường như trở thành vật không thể thiếu của mỗi người để liên lạc, phục vụ đắc lực cho công việc. Tuy nhiên với học sinh, việc sử dụng điện thoại trong trường học đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Có con trai đang theo học lớp 7, ngay từ đầu năm học, tôi đã bắt đầu bàn giao chiếc điện thoại cũ của mình cho con sử dụng. Tất nhiên, tôi thường xuyên dặn con chỉ sử dụng điện thoại đúng mức, không dùng với mục đích xấu. Nói là như vậy nhưng thực sự tôi cũng không thể quản lý được thường xuyên con xem gì, làm gì với chiếc điện thoại. Nhưng phải nói, từ khi có chiếc điện thoại tôi cũng yên tâm hơn mỗi khi cháu đi học về muộn, hay xảy ra vấn đề gì tại lớp học. Vì con thường xuyên báo cáo đầy đủ khiến tôi cũng bớt lo hơn. Tuy nhiên, một ngày tôi giật mình trước tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm trên lớp rằng hiện nay có nhiều bạn trong lớp có biểu hiện mất tập trung trong học tập, thường xuyên túm 5 tụm 3 xem điện thoại, mở nhiều nội dung không lành mạnh, nhắn tin yêu đương, thậm chí dọa dẫm hẹn nhau ra khỏi cổng trường là đánh nhau.
Khi con đi ngủ tôi mở lịch sử đăng nhập điện thoại của cậu con trai thì tá hỏa những lời cô giáo nhắn là sự thật. Và tôi đã nghiêm khắc tịch thu điện thoại của con, nói rằng khi nào con đủ trưởng thành sẽ cho sử dụng lại.
Tôi đem nỗi lo, băn khoăn của mình tâm sự với một người bạn là giáo viên trường THCS. Anh ấy cho rằng, cấm điện thoại ở trường học là hợp lý bởi để các em còn tập trung vào học và tham gia các họat động giáo dục ngoài giờ, tăng cường thêm sự gắn bó, giao lưu với thầy cô bè bạn. Nếu có chiếc điện thoại trong tay, rất khó để cho mấy cô cậu học sinh đang tuổi choai choai tập trung vào việc học. Bởi trong một lớp học đông học sinh thì việc một giáo viên quản lý các em xem thông tin gì trong điện thoại thông minh với một tiết học 45 phút hầu như là bất khả kháng. Hơn nữa, giáo viên cũng không thể vừa giảng bài vừa quản lý mấy chục học sinh của mình đang xem gì trên điện thoại. Vì như vậy sẽ gây mất tập trung cho cả lớp và bài giảng cũng khó hoàn thành.
Nhiều phụ huynh thẳng thắn bày tỏ quan điểm, không đồng ý cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Nếu chỉ vì để tra cứu kiến thức, nhà trường có thể sử dụng máy chiếu, máy vi tính trong các phòng chuyên dụng. Hoặc có thể tra cứu khi kết thúc giờ lên lớp. Nếu chỉ vì để liên lạc với phụ huynh thì có thể sử dụng điện thoại của nhà trường hoặc ngoài giờ lên lớp. Các trường hợp đặc biệt cũng có nhưng ít xảy ra.
Điện thoại thông minh lâu nay trở thành thiết bị phổ biến, gần gũi với giới trẻ, trong đó có học sinh ở đủ mọi lứa tuổi. Ngoài là phương tiện liên lạc với gia đình, người thân khi cần thiết, nó còn là công cụ hữu ích giúp các em tiếp cận nhiều hơn về công nghệ, thông tin để phục vụ việc học tập, hiểu biết.
Không ai có thể phủ nhận những tiện ích của điện thoại thông minh. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích đó, nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ là những hệ lụy khôn lường. Tác hại đầu tiên cho sức khỏe có thể thấy rất rõ khi xem điện thoại thông minh nhiều là khiến cho thị lực bị giảm đi nhanh chóng, nhất là với trẻ em thì tác hại khôn lường. Nhiều cháu đã phải đi cấp cứu về mắt. Khi xem nhiều sẽ gây nghiện và mất tập trung với những việc xảy ra xung quanh. Đồng thời sẽ ỉ vào đó mà hạn chế tư duy độc lập, sáng tạo. Việc này, người lớn cũng mắc phải.
Cụ thể, việc học sinh quá lạm dụng sử dụng điện thoại thông minh không chỉ làm giảm khả năng tập trung học tập, mà còn khiến các em “nghiện”, lệ thuộc vào công nghệ; làm tăng tình trạng học sinh gian lận thi cử và giảm sự tương tác với mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, việc sử dụng quá nhiều điện thoại còn ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần, tăng nguy cơ béo phì và việc phát triển các kỹ năng xã hội lành mạnh của các em.
Theo đó, nhiều trường đã áp dụng biện pháp hạn chế học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, thậm chí cấm mang điện thoại đến trường, kể cả giờ ra chơi nhằm tạo môi trường lành mạnh giúp các em nâng cao chất lượng học tập, phát triển thể chất, nhân cách. Bản thân giáo viên cần tạo cảm hứng học tập cho học sinh, để thời gian ở trường, học sinh cảm thấy có hứng thú và không bị cám dỗ bởi điện thoại thông minh. Khi đó, học sinh sẽ chủ động rời xa chiếc điện thoại vì muốn tập trung và tự giác học tập.
Thiết nghĩ, để nâng cao nhận thức học sinh trong việc sử dụng điện thoại di động rất cần đến sự phối hợp giữa nhà trường cùng gia đình, xã hội để tuyên truyền. Học sinh cần được giám sát và định hướng sử dụng công nghệ hiệu quả, qua đó giúp các em có thể tự quản lý, sử dụng các thiết bị điện tử một cách có trách nhiệm hơn.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...