Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
07:37 (GMT +7)

Một vài nỗi niềm về việc học trực tuyến trong mùa “Cô Vít”

Mỗi lần phương tiện thông tin đại chúng thông báo trên địa bàn tỉnh, huyện có trường hợp nhiễm COVID-19, tôi lại lo nơm nớp. Lo vì dịch bệnh lây lan thì rõ rồi, nhưng còn một nỗi lo khác luôn thường trực đó là việc quản lý các con khi phải chuyển hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến.

Con gái tôi năm nay học lớp 3, cháu cũng đã quen dần với hình thức học trực tuyến được gần 2 năm. Nói là quen nhưng thực tế trong quá trình học, tôi thấy đây cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi mỗi buổi học lại phát sinh những tình huống “dở khóc, dở cười”. Thường ngày vẫn phải đi làm giờ hành chính nên rất khó để tôi thu xếp công việc theo sát hỗ trợ việc học của con. Cả buổi đi làm nhưng lúc nào cũng túc trực điện thoại để sẵn sàng trợ giúp con vào lớp học. Vì các con chủ yếu dùng ứng dụng Zoom để học trực tuyến nên chỉ được thời gian ngắn lại thoát ra. Mỗi lần đăng nhập lại, thường mất thời gian và gián đoạn việc học, thậm chí, có buổi không vào được. Vấn đề này, những học sinh nhỏ tuổi khá lúng túng trong xử lý tình huống khi không có người lớn bên cạnh.

Một buổi học trực tuyến tại góc học tập của cháu Dương Phương Thảo, lớp 3A, trường Tiểu học Úc Kỳ huyện Phú Bình

Nỗi lo có con học trực tuyến cũng là tâm trạng chung của nhiều người khác. Bà Dương Thị Đào ở xã Úc Kỳ huyện Phú Bình chia sẻ: Tôi có 2 cháu nội đang học trường cấp 1 và cấp 2. Bố mẹ cháu đều đi làm công nhân từ sáng đến tối mới về. Tôi già rồi, biết gì máy móc điện tử đâu. Chỉ biết bảo các cháu tự mở máy rồi học. Có những hôm lịch học của hai đứa trùng thời gian, chả đứa nào chịu nhường nhau. Tôi phải đưa thằng bé hơn đi học nhờ nhà bạn. Giá như nhà trường sắp xếp thời gian học lệch nhau giữa các lớp thì sẽ thuận lợi hơn cho những gia đình có nhiều con đang theo học mà chỉ có một điện thoại.

Có chung nỗi niềm như bà Đào nhưng anh Nguyễn Văn Cường ở xã Xuân Phương huyện Phú Bình lại thêm lo lắng khác: Con trai tôi đang tuổi mới lớn. Tôi thường phải để máy tính ở nhà cho con học. Nhưng có lần kiểm tra lịch sử truy cập, tôi giật mình khi cháu tranh thủ vào những trang web có nội dung không lành mạnh. Tôi đã nhắc nhở nhưng không biết cháu có cải thiện trong thời gian tới không. Cũng mong nhà trường lồng ghép thêm giáo dục các cháu biết cách sử dụng máy tính, điện thoại an toàn, hiệu quả trong những ngày học tập trực tuyến.

Thực ra, trong hoàn cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay thì dạy học trực tuyến là giải pháp thích hợp nhất để học sinh vừa nắm được kiến thức vừa đảm bảo công tác phòng chống Covid. Với các em học sinh cấp 2, cấp 3 thì đỡ, chứ với các em học tiểu học, đặc biệt các em học sinh lớp 1 thì việc dạy và học gặp khó khăn muôn phần. Có con trai đang học lớp 1, chị Ngô Thị Doan ở xã Lương Phú huyện Phú Bình chia sẻ: Con tôi mới vào lớp 1, nội dung học chữ, học số chủ yếu phải nhờ đến cô giáo cầm tay chỉ bảo trực tiếp nhưng khi học trực tuyến, dù rất cố gắng ngồi cạnh kèm con nhưng tôi thấy chất lượng học là không cao. Nhà có 2 con đều học trực tuyến nên tôi đã phải sắm 2 điện thoại cho tiện sử dụng. Những buổi đi làm, tôi phải thường xuyên bật camera gia đình để theo dõi và nhắc nhở các con học tập.

Ngoài những khó khăn nêu trên, việc học trực tuyến nếu kéo dài còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Bởi thời gian học tập với màn hình máy tính nhiều, lại thường xuyên đeo tai nghe dễ dẫn tới trẻ mắc các tật về mắt và tai, hệ vận động,... Đặc biệt, việc quản lý thiếu sát sao sẽ dẫn tới trẻ lạm dụng điện thoại, máy tính để thực hiện các mục đích khác. Nhất là hiện nay, trên không gian mạng có nhiều thông tin xấu độc có thể khiến trẻ tò mò vào xem và ảnh hưởng đến sức khỏe, ý thức đạo đức. Cô giáo Ngọ Thị Đăng, giáo viên trường Tiểu học Úc Kỳ huyện Phú Bình chia sẻ: Dẫu biết học trực tuyến sẽ có nhiều khó khăn hơn so với học trực tiếp, tuy nhiên để đảm bảo công tác phòng chống dịch thì đây là giải pháp an toàn nhất. Trong những buổi học, tôi thường soạn bài thật ngắn gọn mà vẫn đủ ý để truyền tải đến học sinh; cố gắng bao quát hết học sinh, trực tiếp liên hệ với các gia đình có con ít tham gia học để có biện pháp xử lý kịp thời. Mỗi tiết học tôi thường lồng ghép nhắc nhở học sinh sử dụng điện thoại, máy tính đúng mục đích.

Đã gần 2 năm chúng ta sống chung với dịch bệnh COVID-19 - đó cũng là khoảng thời gian ngành giáo dục đã và đang nỗ lực đổi mới hình thức dạy và học để thích ứng với tình hình mới. Mong rằng, trong thời gian tới ngành giáo dục sẽ tiếp tục có giải pháp tối ưu hơn nữa để nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt là trong dạy và học trực tuyến để vừa thực hiện hiệu quả mục tiêu dạy học vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Văn Mưu (huyện Phú Bình)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục