Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
14:31 (GMT +7)

Một tờ báo nếu không có dân tìm đến thì hỏng

Nhà báo Phan Hữu Minh - Giám đốc Đài PT- TH Thái Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh:

Được coi như người anh cả của giới báo chí Thái Nguyên, giỏi nghề, giỏi quản lý; với tư duy nhạy bén, bắt nhịp nền báo chí hiện đại, bằng sự thẳng thắn và cởi mở, nhà báo Phan Hữu Minh đã chia sẻ nhiều nỗi trăn trở với nghề, đặc biệt là trách nhiệm của người cầm bút, về những vấn đề của báo chí Thái Nguyên hiện nay.

 Ở phương diện là một nhà báo, đồng thời là người làm công tác quản lý báo chí, ông nghĩ như thế nào về việc thực hiện báo chí vì (gần) dân?

Nhà báo Phan Hữu Minh: Theo tôi thì nền báo chí nào cũng vì dân, báo giấy là người đọc, phát thanh truyền hình là người nghe, xem; kể cả không phải báo mà là các tác phẩm văn học nghệ thuật thì cũng đều hướng đến công chúng của mình với nhiều thành phần từ trẻ, lớn tuổi, văn nghệ sĩ trí thức… Thế nhưng để làm được việc đích thực vì dân lại là câu chuyện đáng phải bàn. Những năm gần đây báo chí phát triển rất mạnh, ngành nào, tổ chức, hội nào cũng có báo, cũng “đội” một cái mũ có tôn chỉ phục vụ nhân dân, công nhân lao động. Tuy nhiên không cứ nói là làm được, nên bắt đầu có chuyện thương mại hóa, nở rộ giấy phép xuất bản làm biến tướng nền báo chí. Một đất nước 90 triệu dân, có tới gần 1000 cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình. Sự biến tướng nằm ở chỗ, người ta lấy giấy phép xuất bản đó làm mục tiêu quảng bá cho một người, một nhóm người (phục vụ lợi ích kinh tế, thu hút quảng cáo, bán báo…). Vì thế ý nghĩa phục vụ nhân dân không còn đầy đủ như trước nữa, người lao động thực sự không có điều kiện được đọc báo.

Thực hiện vai trò của báo chí vì dân, phải là việc chúng ta tuyên truyền được cái nhân dân cần phản ánh. Thế nhưng điều đáng nói, là báo chí hiện nay làm điều đó chưa được nhiều, chủ yếu là tuyên truyền chính sách, pháp luật Nhà nước, chứ tiếng nói của dân còn hạn chế, thậm chí các báo cũng chưa quan tâm đến vấn đề này, nên hiệu quả phục vụ nhân dân chưa cao.

Đồng hành với tôn chỉ gần dân, vì dân, hiện nay báo chí Thái Nguyên đã làm được gì và chưa làm được gì, thưa ông?

Nhà báo Phan Hữu Minh: Là một tỉnh trung bình nhưng thuộc trung tâm vùng Việt Bắc, Thái Nguyên có nền báo chí sôi động, tựa như một mâm cỗ nhiều món và món nào cũng đầy đặn. Nhưng các món ấy ngon hay chưa thì chưa chắc mà cần phải tính thêm. Sôi động theo nghĩa có những phản ứng tức thì, nhanh chóng thực hiện chỉ đạo của cấp ủy chính quyền, chứ năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu cho cấp ủy vẫn còn yếu. Chúng ta có nhiều cơ quan báo chí, có rất nhiều bài báo, song hiệu quả thực hiện vai trò phản biện xã hội còn trầm. Nhà báo giỏi của Thái Nguyên chưa nhiều, sự chuyên tâm về nghề chưa lớn. Bản thân là người làm báo, tôi trăn trở với chất lượng báo chí, bởi có những bài báo, chương trình như… thông báo, không có vấn đề, góc cạnh mà cứ bàng bạc, đều đều. Hiện nay báo điện tử và các trang thông tin cá nhân đang chiếm lĩnh rất nhanh, mọi thông tin, sự kiện ở Thái Nguyên được họ phát tán nhanh rộng, vậy nhưng các cơ quan chính thức lại chưa làm được việc hướng dẫn dư luận, giải thích thông tin. Đây là phản ứng chủ quan thuộc về các báo và cả sự chỉ đạo nữa. Nếu không cẩn thận, thị trường báo chí sẽ rơi vào những người không hoạt động báo chuyên nghiệp.

Thực chất, đối tượng phục vụ của báo chí Thái Nguyên chưa rộng. Phát thanh - truyền hình có độ phủ sóng rộng, song qua kiểm tra thì lượng người nghe, xem chưa lớn; báo in thì sản xuất theo đơn đặt hàng của tỉnh, về đến cơ sở chỉ có các phòng, ban thuộc Đảng ủy, các Bí thư Chi bộ có. So với tỉ lệ 1,2 - 1,3 triệu dân thì mấy nghìn tờ báo cấp phát là nhỏ. Báo chí Thái Nguyên hoạt động có bề dày, Đài Phát thanh - Truyền hình gần 60 năm, báo Thái Nguyên là hơn 50 năm, Báo Văn nghệ Thái Nguyên gần 25 năm…, nhưng mục tiêu phục vụ nhân dân một cách đích thực thì còn rất xa. Tôi nghĩ một phần là do người làm báo, các cây viết của ta chưa say mê, lao tâm khổ tứ, chưa lăn xả vào cuộc sống. Phần nữa là do cơ chế, điều kiện báo chí địa phương. Nếu một tờ báo mà không có dân tìm đến và tin tưởng nữa thì hỏng. Muốn phục vụ nhân dân, chúng ta phải hỏi xem đã làm được gì cho dân chưa, và họ đối xử với mình thế nào…

Trong xu hướng xã hội dân chủ, báo chí công dân trở thành xu thế phát triển của thời đại, nền báo chí chính thống cũng chuyển đổi từ mô hình đơn lập đến tích hợp, thông tin đến tương tác… Vậy theo ông, người cầm bút Thái Nguyên cần đề cao trách nhiệm của mình như thế nào trước các vấn đề xã hội?

Nhà báo Phan Hữu Minh: Thực chất báo chí nào cũng hoạt động theo pháp luật, ai làm sai thì chịu, ai phục vụ nhân dân tốt thì dựa trên số lượng phát hành, lượt người xem, nghe. Chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường, chấp nhận đổi mới và phát triển. Cuộc đua này bình đẳng, không nên gói gọn mà phải tạo hành lang thông thoáng để nhà báo phản ánh, công khai hóa, phản biện những vấn đề xã hội quan tâm, thể hiện tâm tư tình cảm một cách rõ ràng.

Trước những vấn đề xã hội phức tạp, có những vụ việc được phản ánh chưa chắc đã chính xác, chính xác rồi mà chưa hẳn đã đúng bản chất. Báo chí và người làm báo chính thống phải quan sát, cùng một sự việc nhưng phải “soi” tận đáy xem bản chất là gì, như thế nào. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất trong trách nhiệm của người cầm bút là trung thực. Nếu làm tốt thì sẽ định hướng được thông tin, giúp người đọc hiểu rõ bản chất vấn đề. Bản lĩnh của người làm báo là phải định hướng, minh bạch được thông tin, phản biện được ý kiến của các lực lượng khác.

Có một thực tế là, song hành cùng những phát triển vượt bậc của kinh tế thường xuất hiện những xung đột lợi ích nhóm, hoặc vì sự tăng trưởng nóng mà làm phương hại đến lợi ích của dân. Trong trường hợp đó, báo chí đứng ở vị trí nào và ứng xử ra sao, thưa ông?

Nhà báo Phan Hữu Minh: Đối với các vấn đề tăng trưởng nóng, cái gì cũng có tính thời điểm, vụ việc, thời cơ. Tôi nghĩ đó là sự phát triển công nghiệp rất cao, trước mắt chưa giàu có vì nó, song ít nhất sẽ giải quyết được vấn đề thay đổi bộ mặt của tỉnh, giải quyết được nhiều quyền lợi kinh tế cho người dân. Còn nhớ cách đây mấy năm, người dân Phổ Yên kêu ca nhiều vì chuyện làm đường cao tốc, họ nghĩ đến chuyện có lợi ích nhóm. Nhưng sau khi tuyến đường hoàn thành, nó tiết kiệm cho người Thái Nguyên rất lớn về thời gian, chi phí xăng dầu… Rõ ràng tăng trưởng nóng đem lại lợi ích, nhưng có những điều nhìn chưa thấy ngay. Trách nhiệm của báo chí là làm thế nào giải thích để người dân chấp nhận. Chúng ta có phương tiện, phần còn lại là cách làm của nhà báo. Hiện nay lợi ích nhóm kinh tế thì có, nhưng lợi ích nhóm báo chí chưa có. Lợi ích nhóm báo chí là trước một thông tin, biết đoàn kết lại để phân tích, mổ xẻ, làm sáng tỏ vấn đề. Thái Nguyên chưa làm tốt được việc này mà vẫn chỉ “ăn mảnh”. Có phương tiện thì phải làm, phải hiểu thông tin. Nhưng nếu phóng viên ngại va chạm, xông xáo, ngại mệt nhọc thì chỉ là làm thông tin nhiều chứ không phải làm báo.

Theo ông, điều gì là quan trọng nhất, là nền tảng vững chắc tiếp sức cho người làm báo hiện nay giữ ngọn lửa báo chí cách mạng?

Nhà báo Phan Hữu Minh: (cười) Phải khẳng định rằng, nền báo chí cách mạng không chủ trương viết khô cứng, viết không ai đọc! Hiện nay có tình trạng nhiều người tá túc ở cơ quan báo chí để có việc, có vị thế, có tiếng nói chứ không phải vì say nghề. Quan điểm của tôi, nếu không có năng khiếu thì không nên làm nghề báo. Nhiều năm theo nghề, rồi làm công tác quản lý, tôi thấy phóng viên Thái Nguyên ít người có năng khiếu. Một điều quan trọng nữa, là cái tâm người làm báo. Phải biết động lòng trắc ẩn, thẩm thấu cuộc sống thì bài viết mới có được cái hay, sự sâu sắc; mới say mê, miệt mài với các ý tưởng, đề tài. Đó là phẩm chất cao quý của người làm báo, nếu không có những điều này, mọi tác phẩm chỉ là khuôn mẫu, sao chép, bàng bạc.

Vâng, xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của nhà báo Phan Hữu Minh!

Lê Đình (thực hiện)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 22 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước