Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
00:06 (GMT +7)

Một thức quà của tháng ba âm lịch…

Tháng ba âm lịch là thời điểm giao mùa. Sự chuyển giao giữa xuân sang hạ. Tôi có cảm giác đặc biệt với hai thời khắc trong năm. Đó là sự chuyển giao tiết trời từ hạ sang thu và từ xuân sang hạ.

Khi một mùa hè nóng nực đang qua, cái se se lạnh heo may bất chợt xoa vào làn da mát lạnh. Lòng ta xốn xang vô cùng. Có một cái gì vừa ùa vào lòng. Có bao nỗi nhớ bỗng trôi về ký ức. Cảm giác của sự dịu êm.

Những ngày mưa dầm, ướt át, nồm ẩm, âm u cuối xuân không hề dễ chịu chút nào. Bỗng nhiên một ngày nắng bừng lên. Cây lá như ngời lên. Lòng người như nhẹ lâng, ấm áp. Và, tháng ba âm lịch có một ngày gọi là Tết Thanh minh. Thanh minh là tiết trời trong sáng. Tết Thanh minh vào ngày mùng ba tháng ba âm. Tôi lại nhớ một thời tuổi thơ mà Tết này gắn với những bản sắc riêng của mỗi dân tộc nơi làng quê tôi.

Làng tôi có ba dân tộc là Nùng, Kinh và Sán Dìu. Vùng này đồi nối đồi, là đặc điểm của vùng trung du miền núi, mỗi dân tộc ở một chòm, ba chòm thành một làng. Gọi là làng nhưng cũng chỉ có vỏn vẹn ba chục hộ. Tôi lớn lên ở đó. Tiếng Nùng biết một ít. Tiếng Sán Dìu cũng nghe - nói được một số câu. Cứ mỗi dịp tết lễ, cưới xin, làng lại có ba màu trang phục. Những sản vật, phong tục mỗi dân tộc như thấm vào nhau mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in trong tâm trí.

Tết Thanh Minh ở trong làng, chỉ có dân tộc Nùng và Sán Dìu chuẩn bị kĩ lưỡng cho cái Tết này. Đó là phong tục tảo mộ. Dịp này các khu mộ của các gia đình được dọn cỏ sạch sẽ, đắp thêm đất mới, trên cắm cây nêu có nhiều màu sắc. Đây cũng là dịp lễ cúng luôn có món xôi ngũ sắc của dân tộc Nùng, xôi đen của dân tộc Sán Dìu. Xôi được chế biến hoàn toàn bằng lá, quả ngoài đồi và trong vườn nhà. Xôi đen từ lá sau sau. Xôi vàng từ quả dành dành. Xôi xanh từ lá dứa thơm. Xôi đỏ từ quả gấc. Xôi tím từ lá cẩm. Toàn những màu trông thật đẹp mắt mà ăn thì “ngon lành cành đào”, an toàn tuyệt đối, hương vị, độ dẻo của xôi vẫn giữ vẹn nguyên. Có một món đặc sản mà chỉ có ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc, đặc biệt hơn nữa là trong năm chỉ có vào dịp tháng tư, tức tháng ba âm lịch. Đó là bánh trứng kiến.

Ngày tôi còn nhỏ, cứ vào dịp tháng ba âm lịch, nếu vào rừng hoặc đi trên các vùng đồi quê tôi, thường nghe một âm thanh rất lạ, cạch…cạch...cạch... Âm thanh ấy có lúc nhanh, liên tục như thúc giục. Có lúc lại chậm, đều đều rất khoan thai. Đã có lần tôi giật mình bỏ chạy vì ngỡ ma dọa. Sau, biết rồi lại thích lẽo đẽo theo cái tiếng gõ ấy để xem, để thỏa trí tò mò con trẻ. Đấy là việc đi kiếm tìm trứng kiến về để làm bánh mỗi dịp Tết Thanh minh.

Chỉ có người Sán Dìu hay làm bánh trứng kiến. Tháng ba âm là thời điểm các tổ kiến mới có nhiều trứng. Và tôi thấy họ chỉ tìm trứng của loại kiến nhỏ, phần dưới màu đen, đầu hơi nâu. Loại này nhỏ mà chiến đấu bảo vệ tổ rất hăng. Khi cắn, nó chổng đít lên, đầu cắm xuống để lại cảm giác hơi nhói, sau đó là ngứa ran vùng da. Nhiều con cắn một lúc cũng không thể xem thường. Loài kiến này trứng rất ngon: to, trắng, mọng gần bằng hạt gạo nếp. Khi đã được làm sạch trông nõn nà thật ngon mắt. Tổ của loài kiến này màu đen, to cỡ chiếc rá nhỏ, bấu trên các cành cây. Người bảo chúng xây tổ bằng phân trâu bò. Người bảo chúng xây từ lá mục. Không biết từ gì, chỉ biết chúng rất chắc chắn và kín đáo. Bên trong có vô vàn các khoang nhỏ chứa đội quân kiến rất đông và vô vàn trứng của nó.

Việc chuẩn bị để có đặc sản bánh trứng kiến cũng công phu lắm. Muốn lấy trứng phải chuẩn bị một chiếc rá to, để trong chiếc quang nhỏ, hoặc chiếc dây buộc bốn góc rá như chiếc quang treo vào một đầu chiếc đòn dài. Khi thấy tổ kiến, họ chặt cành có tổ rồi dùng dao vạc dần tổ ra, gõ trứng vào rá. Bẻ mấy cành lá đặt vào rá rồi quẩy đòn lên vai vừa đi vừa gõ. Gõ như vậy để số kiến rơi vào rá thấy động thi nhau bám vào cành lá. Vứt cành lá có nhiều kiến bâu vào, lại bẻ cành khác cho vào đến khi thấy hết kiến trong rá mới thôi. Lúc có nhiều kiến thì gõ nhanh, sau ít dần thì tiếng gõ thưa hơn. Mỗi lần đi như vậy phải kiếm trứng ở nhiều tổ, khi thấy đủ số trứng cần làm bánh thì thôi, không tìm tiếp nữa.

Món đặc sản này cực ngon nhưng việc đi lấy trứng kiến lại không hề ngon ăn chút nào. Đây là công đoạn mất nhiều công sức nhất. Phải leo đồi leo núi. Phải chịu kiến cắn nhiều. Chân tay hoạt động liên tục. Lúc dùng dao chặt cành, vạc tổ. Lúc gõ. Lúc lại đập, xuổi, gãi. Có lúc hai chân còn dậm, xoa vào nhau vì bị kiến bâu vào đốt. Trứng kiến đem về được làm sạch, sau đó phi hành thơm lừng rồi cho vào xào cùng làm nhân bánh. Vỏ bánh là bột gạo nếp xay rất mịn. Lá vả là loại được chọn để gói bánh trứng kiến. Lớp lá trong cùng dứt khoát phải là lá bánh tẻ, còn lá ngoài thì có thể dùng lá già. Bánh được xếp vào chõ đồ chín. Mùi thơm của bánh bay lên đánh thức khứu giác mãnh liệt.

Công đoạn kiếm trứng, làm bánh là thế, giờ là việc thưởng thức… Nhìn hình thức chiếc bánh không màu mè, lá vả gói ngoài mang chút hoang dã của núi đồi. Mùi vị tỏa ra vẫn một mùi quen của gạo nếp, nhưng cái đặc biệt lại nằm ở lớp nhân bên trong. Hãy từ từ, không đi đâu mà vội. Nhẹ nhàng bóc lớp lá già bên ngoài, để lại lớp lá bánh tẻ gói trong. Khi cắn miếng bánh và nhai nhẹ, có tiếng rạo rạo trong miệng. Trứng kiến nó nổ đấy. Lúc này cái vị ngậy ngậy của trứng kiến, hơi chát của lá vả, dẻo thơm của bột nếp nó quyện vào nhau. Một mùi vị thơm thơm ngậy ngậy đến lạ nó mới xông từ vòm họng lên mũi. Ăn xong nhớ đời. Nhớ, mà bảo tả cái vị của nó lại không tìm được từ nào chuẩn xác, ưng ý. Thôi! Chỉ biết bảo là ngon lắm, khác biệt lắm. Còn ngon thế nào thì để mọi người cảm nhận theo cách riêng mình vậy. Trứng kiến là loại thực phẩm giàu đạm và nhiều chất bổ khác. Rất tốt cho người kém ăn, mỏi mệt. Tốt cả cho tăng cường sinh lý. Ấy dà! Chắc điểm này nhiều người quan tâm. Tuy vậy, cũng như hải sản, có người cơ địa không hợp có thể bị dị ứng. Chứng tỏ nó có một lượng đạm và can xi dồi dào.

Giờ, quê tôi đồi rừng đã chẳng còn cây hoang dã, nhu cầu cuộc sống bây giờ cũng khác xưa nhiều. Chẳng còn ai bỏ công rà rã đi tìm từng tổ kiến lấy trứng. Cũng chẳng đủ kiên nhẫn làm sạch từng mẻ trứng, rồi vào rừng tìm lá vả tỉ mẩn gói từng chiếc bánh. Biết rằng ngon đấy, đặc sản độc lạ đấy, nhưng kỳ công như làm món hàng nghệ thuật thì tặc lưỡi rằng thôi. Hỏi một vài chị em dân tộc Sán Dìu tuổi cỡ bốn, năm mươi về từng công đoạn làm bánh. Họ cười bảo trước các cụ hay làm, chứ chúng em giờ chả biết đâu…

Làng tôi bây giờ tết, lễ, cưới xin không còn ba màu váy áo đặc trưng của ba dân tộc như xưa. Lớp trẻ bây giờ không dùng tiếng riêng dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày. Tết Thanh minh chỉ bỏ ra vài ba chục nghìn đã có đĩa xôi ngũ sắc đặt trên ban thờ. Chả phải hì hụi kiếm lá, kì cạch giã, nấu suốt đêm. Riêng bánh trứng kiến thì xung quanh thành phố có mỗi một chị, thi thoảng lắm mới cất được vài chục cái từ Bắc Cạn về, bày bán ngay cổng chợ Thái. Hỏi anh bạn hiện đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Sọong Cô của tỉnh Thái Nguyên rằng, bây giờ có còn nơi nào vẫn làm bánh trứng kiến không. Anh bảo chỉ khi giao lưu câu lạc bộ ở vài nơi có điều kiện, có chỉ đạo làm món này nhắc về truyền thống dân tộc thì mới có. Đến tiếng nói, điệu hát truyền đời nhiều thế hệ muốn lưu giữ lại còn đang khó khăn, chỉ có lớp già tâm huyết thì món đặc sản này mai một cũng là lẽ tất nhiên.

Vậy là chẳng còn tiếng gõ cạch cạch mỗi dịp tháng ba âm, vì đồi rừng có còn đâu nữa. Vị bánh trứng kiến cũng trở thành dĩ vãng. Rất có thể màu xôi ngũ sắc bây giờ được làm từ màu thực phẩm có sẵn trông rực rỡ hơn từ cây lá vườn đồi. Đĩa xôi bày trên ban thờ trông tròn trĩnh, bắt mắt hơn. Cũng rất có thể nếu thị trường có nhu cầu, một hương vị bánh trứng kiến được tạo ra từ công nghệ không khác gì hương vị thật. Nó không chỉ có trong mỗi dịp Tết Thanh minh mà có quanh năm. Đó là chiều hướng tất yếu của thời đại công nghiệp đang phát triển. Rất nhiều cái chúng ta phải bỏ lại đằng sau để thích nghi với nhịp sống mới bây giờ. Biết vậy mà trong ta vẫn bao điều suy ngẫm. Sự thay thế ấy dù có tinh xảo đến đâu cũng chỉ là một mặt của đời sống vật chất mà thôi. Có cái bỏ đi là hợp lý, là phù hợp thời đại, nhưng có cái mất đi lại làm bản sắc văn hóa của một dân tộc phai nhạt dần. Cái sợi dây gắn kết thiên nhiên và con người để tô thêm bản sắc cũng đang bị phá vỡ, xâm hại không thương tiếc.

Hàng năm, làng tôi mỗi dịp tháng tư vẫn có Tết Thanh Minh. Lớp thanh niên bây giờ muốn biết hình hài, hương vị bánh trứng kiến thế nào cứ việc gõ vào Google mà tìm hiểu sẽ có. Chỉ không được nhẩn nha mà bóc, mà cắn, mà nhai, mà nghe tiếng rạo rạo trong miệng, để thấy cái hương vị ấy nó lan tỏa trong vòm họng thế nào. Ngon lắm. Tiếc chưa!

Phạm Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy