Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
17:01 (GMT +7)

Một tâm hồn tươi trẻ

VNTN - Từ trước tới giờ, ai có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với nhà thơ - nhà phê bình văn học Nguyễn Long đều có chung một nhận định rằng: Anh là một con người có phong cách sống trẻ trung, tươi mới, rất chân thành và cởi mở, có nhiều suy tư nghiêm túc và thú vị về văn nghiệp. Quê gốc ở Kim Động - Hưng Yên nhưng anh sinh ra và lớn lên ở Hạ Hòa, Phú Thọ. Từ năm 1961, anh đã rời trung du lên học tập và công tác tại miền Tây Bắc xa xôi.

Năm 1970, anh được cơ quan cử đi học tập tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (khóa V). Năm 1972, cùng nhiều giảng viên và sinh viên, anh được nhập ngũ vào chiến trường miền Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam, anh lại trở về trường cũ tiếp tục hoàn thành khóa học. Tốt nghiệp đại học năm 1978, anh là một trong những sinh viên xuất sắc được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, gắn bó với mái trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đến tận bây giờ.

 

Yêu thơ, có năng khiếu làm thơ từ nhỏ, cho nên năm 1963 anh đã đạt giải Nhì (không có giải nhất) cuộc thi thơ của tỉnh Nghĩa Lộ cũ. Năm 1965, anh đã có bài thơ đầu tiên trên báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1973, trong khói lửa của chiến tranh, anh đã có nhiều bài thơ đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung bộ.

Duyên thơ đã gắn bó và theo anh từ ngày ấy. Có thể khẳng định rằng Nguyễn Long viết khỏe và viết khá đều tay. Trong Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, không nhiều tác giả có số lượng tác phẩm đáng nể như anh: 12 tập thơ và 4 tập phê bình, tiểu luận đã xuất bản. Từ tập thơ đầu tay “Hoa chuối rừng” xuất bản năm 2003 (Đó là chưa kể tập thơ in chung “Hoa đầu mùa” do Ty Văn hóa tỉnh Nghĩa Lộ xuất bản năm 1963), đến tập thơ thứ 12 “Về giữa nguồn thương” đã hoàn thành thủ tục xuất bản, chuẩn bị ra mắt bạn đọc đầu tháng 1/2020, con đường thơ của Nguyễn Long đã cho thấy nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào, dòng mạch của cảm hứng thi cả bền bỉ và luôn cháy đỏ.

Nguyễn Long không thuộc kiểu nhà thơ cầu kỳ trong câu chữ, thích săn tìm những điều độc lạ và càng không phải người ưa chuộng những thi tứ hóc hiểm, những thi ảnh khó giải mã. Anh là người làm thơ khá nhanh, hoàn toàn theo cảm xúc mãnh liệt của mình. Nổi bật trong thơ Nguyễn Long là một tình yêu quê hương, đất nước, con người vô cùng đằm thắm, thủy chung và trong sáng. Thơ anh rất ít nỗi buồn bởi con người anh luôn yêu đời và đầy nhiệt huyết. Nguyễn Long đặt chân đến nơi nào là có ngay một sáng tác mới. Đọc 12 tập thơ của anh, nối kết các địa danh lại, ta sẽ dựng lên được một hành trình kỳ diệu, gần như đã đi đến mọi tỉnh thành đất nước, mọi địa danh lịch sử. Chả thế mà nhà nghiên cứu văn học - Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thu trong cuốn “Văn học Việt Nam hiện đại - sáng tạo và tiếp nhận” đã định vị anh: “Nguyễn Long: Nhà thơ như một lữ khách”.

Thơ Nguyễn Long vẫn tiếp nối mạch cảm hứng trữ tình - công dân, trữ tình - chính trị từ cuối thế kỷ XX. Do vậy, anh viết nhiều về các địa danh lịch sử và cách mạng. Những hồi ức thiêng liêng về một mảnh đất anh hùng luôn quyện hòa với niềm vui sống của sự đổi đời tốt đẹp hôm nay. Tài tình hơn nữa là bên cạnh cảm hứng sử thi, gần như bài thơ nào của Nguyễn Long cũng lồng vào đấy tình cảm lứa đôi nồng thắm. Nhân vật trữ tình “Em” - người yêu của nhà thơ đồng hành với anh trên mọi nẻo đường thơ đất nước. Tình yêu em giao gắn với tình yêu những vùng quê cách mạng đã đem đến sự tươi trẻ, ngọt ngào và say đắm cho thơ anh.

Nguyễn Long đặc biệt gắn bó với chủ đề Bác Hồ. Có thể khẳng định rằng trong nền thơ Việt Nam hiện đại, (một trong số không nhiều) người viết bền bỉ nhất và nhiều nhất về Bác Hồ chính là Nguyễn Long. Anh đã có hơn 100 bài thơ viết về Bác được đăng báo, soi rọi Bác từ tất cả mọi phương diện để tôn vinh vẻ đẹp của trí tuệ, tư tưởng, nhân cách, đạo đức, lối sống và hình thể của Người. Vì vậy, anh đã hai lần đoạt giải thưởng của Tỉnh ủy Thái Nguyên trong Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2012 và 2013. Đặc biệt, anh đã được Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tặng giải thưởng tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc năm 2010 cho tập thơ “Núi ấm tình Người”.

Nguyễn Long là giảng viên đại học, cả đời gắn bó với việc giảng dạy và nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại. Do đó, anh không chỉ thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp mà còn viết phê bình nghiên cứu văn học. Kể từ bài phê bình đầu tiên về Thơ Bàn Tài Đoàn in trên Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc vào Xuân năm 1972, đến nay anh đã xuất bản bốn tập phê bình, tiểu luận (có ba tập in chung), trong đó tập “Cảm nhận thời gian” đã đoạt giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, năm 2011.

Nhà giáo Nguyễn Long là người có trí nhớ kỳ diệu. Thầy nhớ tên, đặc điểm riêng của gần như tất cả các sinh viên, học viên mà thầy đã dạy. Thầy còn nhớ từng kỷ niệm, cảnh ngộ… của các thầy cô giáo Khoa Văn, lưu giữ mọi tấm ảnh, quyết định, chỉ thị, văn bản… liên quan đến quá trình phát triển của Khoa. Thầy là một kho tư liệu sống của Nhà trường nói chung, Khoa Văn nói riêng. Vì vậy, những bài phê bình của Nguyễn Long về Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc (Giang Nam), Tô Hoài… luôn sâu sắc và có nhiều tìm tòi mới mẻ.

Tạo hóa không trao hết tài năng cho một người. Trong sáng tạo văn học nghệ thuật cũng vậy, mỗi người một mảnh, một góc riêng, mỗi người một sở trường, một thế mạnh. Từ góc riêng của mình, mỗi nhà văn cố gắng sống và viết cho thật tốt. Nguyễn Long cũng thế, ngoài công việc của một nhà giáo, nhà quản lý, trong tư cách nhà thơ - nhà phê bình văn học, quả thực anh đã và đang thực hiện tốt nhất sứ mệnh nghệ thuật của mình. Sống tươi trẻ và nhân hậu, cho nên thơ và phê bình văn học của Nguyễn Long cũng tươi trẻ, đắm say.

Nguyễn Long cho tôi biết sắp tới, anh tiếp tục viết về quê hương cách mạng, về chủ đề nhà trường với hình ảnh các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa. Anh cũng đã tập hợp xong hơn 50 bài thơ viết về Thái Nguyên, dự định năm 2021 sẽ xuất bản với cái tên “Thành phố bên sông Cầu”.

Tôi chúc mừng anh và rất mong sẽ tiếp tục được đón nhận những tác phẩm mới của anh. Nụ cười tươi trẻ, rạng rỡ và lấp lánh của anh dường như là những tín hiệu đầu tiên của Mùa xuân 2020 đang tới.

VÕ SA HÀ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục