Một số vấn đề về thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết “Ông Ké trở lại chiến khu” của nhà văn Ma Trường Nguyên
Nhà văn Ma Trường Nguyên là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam; hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên. Ông là thế hệ các nhà văn gạo cội của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, là một trong những thành viên có công vận động thành lập Hội VHNT tỉnh Bắc Thái xưa kia, tiền thân của Hội VHNT Thái Nguyên ngày nay.
Nhà văn Ma Trường Nguyên
Ông đã đoạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tiểu thuyết “Rễ người dài” (1996).
Giải thưởng của Hội VHNT các DTTS Việt Nam trao cho tập thơ “Cây nêu” (2007), tiểu luận “Hiện đại mà dân tộc” (2010), tiểu luận “Trên cánh đồng chữ nghĩa” (2012).
Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Thái Nguyên trao cho các bài thơ: “Dưới vòm cây thiên tuế”, “Điệu then Pác Bó”, “Cây ổi mọc trước cửa hang Pác Bó” (2014); tiểu thuyết “Ông Ké trở lại chiến khu” (2018); tập thơ “Bóng suối chiến khu”; tiểu thuyết “Ông Ké thượng cấp” (2018).
Giải thưởng VHNT 5 năm tỉnh Thái Nguyên (5 lần).
Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (2002); Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2003).
Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên
Trong tiểu thuyết nhà văn không thi vị hóa không lãng mạn hóa không lý tưởng hóa cuộc sống. “Miêu tả cuộc sống như một thực tại cùng thời, đang sinh thành. Tiểu thuyết hấp thụ vào bản thân nó mọi yếu tố ngổn ngang bề bộn của cuộc đời, bao gồm cả cái cao cả lẫn cái tầm thường, nghiêm túc và cái buồn cười, bi và hài, cái lớn lẫn cái nhỏ” (Từ điển thuật ngữ văn học - Trần Đình Sử - Lê Bá Hán - trang 270). Nhà đại văn hào Đức W. Goethe có nói: “Con người là điều thú vị nhất đối với con người, và con người cũng chỉ hứng thú với con người”. Con người là nội dung quan trọng nhất của văn học. Lan Hương nói rất chí lý “May mắn được sinh ra tại mảnh đất An toàn khu, nơi Bác Hồ ở và làm việc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà văn Ma Trường Nguyên đã viết rất nhiều về Đảng, về Bác với niềm kính yêu vô hạn. Đến nay, ông có một gia tài văn chương đồ sộ bậc nhất Thái Nguyên, gồm hơn 20 đầu sách ở nhiều thể loại như: tiểu thuyết, thơ, tự truyện, tiểu luận và phê bình, phần lớn phác họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ Người ở chiến khu Pác Bó và Định Hóa lãnh đạo cách mạng” (Đôi điều về cuốn sách Ông Ké thượng cấp - Lan Hương - 22/4 /2020). Hình ảnh Ông Ké, Bác Hồ in đậm trong tâm trí Ma Trường Nguyên, đó là lý do giải thích vì sao tác giả đã đầu tư thời gian và công sức cho đề tài này: “tôi đã đầu tư thời gian, vốn sống và sự tâm huyết của mình để viết về đề tài Bác Hồ ở Việt Bắc và ATK Định Hóa. Điều đó có thể lý giải, bởi quê tôi - xã Phú Đình, huyện Định Hóa - là trung tâm ATK Định Hóa, và ATK Định Hóa là trung tâm của ATK Trung ương. Từ lúc tôi 7, 8 tuổi, đã được sống trong không khí sôi nổi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tôi và lũ bạn chăn trâu đã nhiều lần nhìn thấy Bác Hồ cưỡi ngựa trên đường mòn qua thôn bản. Bố tôi là một cán bộ Việt Minh hoạt động cách mạng ở địa phương, được tổ chức cử đi đón Bác từ lán Khau Tý (xã Điềm Mặc) về lán Tỉn Keo (xã Phú Đình). Mà trong phần Khai bút và Vĩ thanh của cuốn tiểu thuyết “Ông Ké thượng cấp” (NXB Hồng Đức năm 2016) chính là đời sống thật của tôi và gia đình tôi thời bấy giờ. Có thể nói, được viết về Bác Hồ đối với tôi là một niềm vinh hạnh và đầy tự hào cho quê hương Thái Nguyên và Việt Bắc; hay cũng có thể coi như một cách để trả món nợ với đồng bào Việt Bắc - một vùng địa lợi, nhân hòa, đã góp công sức đáng kể cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như nhiều người nhận định về sáng tác của tôi.” (Nhà văn Ma Trường Nguyên: “Hình ảnh Bác Hồ in đậm trong tâm trí tôi” - Phỏng vấn nhà văn Ma Trường Nguyên, Bích Hồng thực hiện - Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, 3/9/2020). Ma Trường Nguyên đã xây dựng thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Ông Ké trở lại chiến khu đem lại cảm xúc ám ảnh khó phai mờ. Thế giới nhân vật trong tác phẩm phong phú, nhiều tầng bậc. Từ vị lãnh tụ cao nhất như ông Ké - Bác Hồ, đến các đồng chí Trung ương như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Lê Văn Lương, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Thị Thập, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Khánh Toàn... Các nhà thơ như: Tố Hữu, Xuân Diệu, Nông Quốc Chấn, Xuân Thủy, Tú Mỡ... đến các nhạc sĩ như Nguyễn Xuân Khoát; từ các chú bộ đội đến những người công nhân từng sống qua hai chế độ như: Lại Hữu Giác, Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm. Từ các vị nhân sĩ trí thức yêu nước như luật sư Phan Anh, đến cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Vi Văn Định, Bùi Bằng Đoàn; Từ các họa sĩ như Diệp Minh Châu đến nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định... “Trong bữa cơm của ông Ké chiêu đãi một người đứng đầu phía Pháp có một chuyện lý thú... Nói về tình hình quân đội Pháp ở Nam Bộ, trưởng đoàn Pháp nhấn mạnh đến sự cần thiết có mặt của quân đội Pháp. Ông Ké liền hỏi:
- Ông quê ở đâu?
Người đó trả lời:
- Quê ở Mác xây
Ông Ké nói luôn:
- Như thế là ông chưa biết cái nhục nhã đau đớn của người dân khi thấy đất nước bị quân nước ngoài chiếm đóng. Ông Ké nói thế, vì trong thời gian Đức chiếm đóng tại Pháp, Mác xây là vùng tự do, không có quân Đức”. (tr 11 - Ông Ké trở lại chiến khu).
Đến thăm trường Nguyễn Ái Quốc, cả trường hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Muôn năm!
- Bác Hồ muôn năm! Muôn năm!
- Bây giờ Bác Hồ chỉ “muốn nằm” một tí thôi.” (tr 49 - Ông Ké trở lại chiến khu).
Ở đây cái bi, cái hài, cái nghiêm túc xen kẽ nhau, đan cài vào nhau. Thế giới nhân vật hiện lên phong phú, sinh động, hình ảnh của một dân tộc Việt Nam thu nhỏ, anh hùng, dũng cảm, sáng tạo trong kháng chiến kiến quốc chung một ý chí “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”. Ngoài việc giao lưu thơ phú, lẩy Kiều, trong và ngoài đại hội thi đua người khuyến khích cả nam và nữ múa hát nhảy sol… la... sol... cho vui vẻ. Tổng kết lớp học chính trị cho nhân sĩ trí thức yêu nước ông Ké cũng đến dự, Người còn tặng mỗi cụ cao tuổi một tấm áo lụa, đây là món quà nhân dân tặng ông Ké. Tiết mục của tối liên hoan có ngâm thơ và ca hát. Khi Tú Mỡ lên hát kính dâng ông Ké một bài chèo, ông Ké đã vui vẻ nói: Tú Mỡ, chèo thì phải cho vững (Dân gian có nói: Chớ thấy sóng cả, mà ngã tay chèo, Ông Ké khéo xử dụng lối đối chữ: Chèo là danh từ đối chèo là động từ).
Giọng kể của tác giả trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên
Trong tác phẩm Ông Ké trở lại chiến khu, Ông Ké là cách gọi kính trọng, thân mật, trìu mến của đồng bào vùng ATK nói riêng, vùng núi Việt Bắc nói chung với Bác Hồ. Ông Ké nghĩa tiếng Tày là “ông già”, (có người gọi Bác là Già Thu). Gọi Bác Hồ là ông Ké là chọn cách tiếp cận độc đáo “rất Tày” của Ma Trường Nguyên đối với tác phẩm này. Nói không cường điệu rằng Ma Trường Nguyên là nhà văn Thái Nguyên có “giọng quí”, anh đang lĩnh xướng dàn hợp xướng hát lên ngợi ca Bác Hồ. Chúng ta hãy lắng nghe tác giả kể chuyện ông Ké đến thăm trường Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Nạp - Định Hóa: “Một buổi chiều mùa thu 1949. Mấy cán bộ học trường Nguyễn Ái Quốc đang chăm chú lắng nghe giảng bài. Từ dưới chân núi, có một người đi lên. Nhiều con mắt hướng ra cửa sổ. Có tiếng xôn xao.
- Bác đến! Bác Hồ đến!
Bỗng cả trường phát ra những tiếng hô vang núi:
- Hồ Chủ tịch muôn năm!
- Hồ Chủ tịch muôn năm! Muôn năm!
Ông Ké đội chiếc nón lá cọ, mặc bộ quần áo bộ đội nhuộm màu lá cơi, chiếc khăn mặt vắt ở một bên vai.
Tiếng hô vẫn chưa dứt:
- Bác Hồ muôn năm! Muôn năm!
Ông Ké nhanh nhẹn bước vào trường. Đồng chí bảo vệ đón lấy nón và gậy của Ké. Ông Ké cầm khăn lau mồ hôi. Hai ống quần xắn cao vẫn để nguyên. Âu yếm nhìn mọi người, ông Ké nói đùa:
- Bây giờ Bác Hồ chỉ “muốn nằm” một tí thôi.
Cả trường dứt tiếng hô lại vang lên tiếng cười. Ông Ké ngồi quạt và ngoảnh lại nói với đồng chí bảo vệ:
- Chú cho Bác một cốc nước.
Đi vài phút anh bảo vệ trở vào, bật lửa mời Ké hút thuốc. Ông Ké điềm nhiên mở hộp thuốc lấy một điếu ra châm lửa. Như người cha dạy các con, ông Ké vui vẻ ôn tồn bảo:
- Các cô các chú xem. Bác xin một cốc nước, chú ấy lại bật lửa mời Bác hút thuốc. Tại Bác nói không rõ hay chú nghe nhầm? Khi đi vận động quần chúng làm một việc gì, cấp trên phải nói rõ nhiệm vụ, cấp dưới phải nghe rõ, làm cho đúng. Chớ làm kiểu này: dân xin nước cán bộ lại cho lửa!”.(tr 49 - Ông Ké trở lại chiến khu).
Một lần đi công tác sau chiến dịch biên giới: “Lái xe là một bộ đội trẻ, tính vui nhộn. Đi công tác, ông Ké và anh em đều ăn chung với nhau. Một hôm anh cấp dưỡng tìm được một con chim rất béo, đem quay để phần ông Ké. Lúc ăn ông Ké đem chia đều cho tất cả mọi người và chỉ nhận cho mình phần bằng người khác. Rồi ông Ké gắp cái đầu cho bác sĩ.
- Chú suy nghĩ nhiều cho cái đầu
Ông gắp đôi cánh cho anh vận tải:
- Chú mang vác nhiều cho đôi cánh
Hôm sau, trên đường đi ô tô bị hỏng. Anh lái xe luống cuống lo lắng. Ông Ké xuống xe, bảo anh bộ đội lái xe:
- Xe hỏng bộ phận nào?
Lái xe đáp rồi chỉ tay vào bộ phận hỏng. Lát sau chỗ hỏng được sửa . Ông Ké bảo lái xe ngồi vào lái. Ông Ké quay động cơ cho. Nói rồi ông Ké lấy ngay chiếc ma - ni - ven móc vào đầu máy quay mạnh một vòng nữa, chiếc xe nổ máy ròn tan...” (tr 170 - Ông Ké trở lại chiến khu).
Không gian nghệ thuật trong tác phẩm của Ma Trường Nguyên
“Gọi là không gian nghệ thuật là bởi vì không gian này không giản đơn là tái hiện không gian của thực tại mà thể hiện quan niệm không gian của con người, và rộng ra là của cả một nền văn hóa trong một thời kì lịch sử. Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, thể hiện sự cảm nhận không gian của con người, có chức năng biểu nghĩa và có giá trị thẩm mĩ. Không gian nghệ thuật là thuộc tính của tất cả mọi loại hình nghệ thuật, kể cả âm nhạc. Không gian nghệ thuật thể hiện cấu trúc bên trong của tác phẩm nghệ thuật, sâu sắc hơn nhiều so với khái niệm kết cấu, dường như là thiên về tổ chức bên ngoài của văn bản. Đọc một tác phẩm văn học ta như sống trong không gian của nó, khi ở trong nhà, khi ra ngoài nội, khi vào rừng sâu, khi xuống địa ngục hoặc lên tiên giới. Không gian ấy không giản đơn chỉ là nơi chốn, khung cảnh cho nhân vật hành động, không phải không gian vật chất (vật lí), địa lí, không phải không gian tâm lí, nó không phải lúc nào cũng là không gian cụ thể, mà là một không gian nghệ thuật có tính trừu tượng, phổ quát” (Theo Trần Đình Sử).
Tác phẩm “Ông Ké trở lại chiến khu”, Ma Trường Nguyên đã xây dựng thành công một không gian nghệ thuật, không gian văn hóa cho ATK Định Hóa nói riêng và cho ATK Việt Bắc nói chung. Tác giả đã xây dựng một không gian văn hóa thời kỳ kháng chiến 9 năm ở ATK. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm của Ma Trường Nguyên nó trải dài nhiều tỉnh (Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng...), nhiều huyện, nhiều xã, nhiều làng bản... Rất nhiều câu chuyện của ông Ké truyền cảm hứng cho mọi người. Truyền thống văn hóa của người Việt Nam ngoài yêu thơ phú còn lẩy Kiều, thuộc Chinh Phụ Ngâm... Sau cuộc họp chính phủ, mọi người ngồi xung quanh đống lửa tự nướng ngô để ăn, nghe nói bản bên có người săn được lợn rừng. Thế là sáng hôm sau Phan Anh nhận được bài thơ của Bác. Bài thơ của Người như tiếp thêm sức mạnh cho toàn dân toàn quân, bài thơ là niềm vui say, là thái độ ung dung tự tại, niềm tin vào chiến thắng của chúng ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác:
“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay
Non xanh, nước biếc tha hồ dạo
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say
Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”
(tr 13 - Ông Ké trở lại chiến khu)
Qua bài thơ này, bằng bài thơ này, Bác Hồ cảm nhận được không gian của “Cảnh rừng Việt Bắc”, và thể hiện cảm hứng thẩm mỹ của Người. Hôm sau, Phan Anh đối lại, một lần nữa khẳng định quyết tâm của dân tộc ta tin yêu đi theo Đảng, Bác và tin ngày chiến thắng trở về:
“Cảnh rừng càng biết lại càng hay
Khác cảnh phồn hoa sống mỗi ngày
Ngựa bước dòn câu, ta vẫn vững
Tàu bay hết nước, địch đành quay
Núi rừng cách mặt, tình thêm mặn
Thơ phú, không men, ý vẫn say
Hạc cũ trăng xưa đâu đó tá
Ngày xuân tô điểm nước non này
(tr 14 - Ông Ké trở lại chiến khu)
Những năm tháng ông Ké hoạt động ở ATK, tiếp xúc với đồng bào, Người nói chuyện bằng tiếng Tày Nùng. Một lần gặp Bác, Bác nói với Nông Quốc Chấn, chú cứ đọc một đoạn bài thơ “Bộ đội ông Cụ” bằng tiếng Tày và dịch tiếng phổ thông, đọc xong thì ngâm điệu dân ca Tày “phong slư”, ông Ké nghe từng chữ từng câu để bổ sung những từ dịch chưa sát. Điều này chứng tỏ ông Ké am hiểu tiếng Tày và văn hóa Tày sâu sắc đến chừng nào.
Năm 1948 ông Ké làm bài thơ chữ Hán tựa đề Báo tiệp, nguyên văn bài thơ:
Nguyệt thôi song vấn - Thi hành vị?
Quân vụ nhung mang vị tố thi
Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng
Chính trị liên khu báo tiệp thì
(tr 17 - Ông Ké trở lại chiến khu)
Huy Cận dịch:
Trăng vào cửa sổ đòi thơ
Việc quân đang bận xin chờ hôm sau
Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu
Ấy tin thắng trận liên khu báo về.
(tr 18 - Ông Ké trở lại chiến khu)
Luật sư Phan Anh gửi bài thơ họa lại bài Báo tiệp của ông Ké:
Cổ phong nhất thụ tác tân thi
Dục hướng sơn lâu báo tiệp thì
Khánh chúc Nguyên tiêu hành cựu lễ,
Tân niên, tân nhật, tác tân thi.
(tr 17 - Ông Ké trở lại chiến khu)
Phan Anh tự dịch:
Rừng xưa hái mấy vần thơ
Hướng về tướng phủ trong giờ tiệp loan
Xuân về giữa lúc hân hoan
Núi sông vang khúc khải hoàn mừng xuân.
(tr 17 - Ông Ké trở lại chiến khu)
Bao nhiêu năm bôn ba, đến ATK Định Hóa ông Ké được tổ chức sinh nhật 19 tháng 5, ông Ké ăn cơm đỏ cùng mọi người trong một cái giá. Sau đó một người đại diện chúc mừng sinh nhật ông Ké, quà sinh nhật cho ông Ké là những sản vật bình thường do anh chị em tự tăng gia ngoài giờ: một buồng chuối to, những quả cà chua to bằng ấm tích, mấy hộp sữa, mấy gói thuốc lá, một khẩu súng lục (chiến lợi phẩm của trận đánh bốt Thằn Lằn - Vĩnh Yên). Có lẽ hiếm một lãnh tụ nào trên thế giới có một cái lễ sinh nhật giản dị độc đáo như ông Ké ở ATK như vậy. Ông Ké đề nghị mọi người ngâm thơ cho vui, không ai nói gì. Ông Ké rít một hơi thuốc lá thở khói lên trời rồi ông Ké ngâm:
Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe, ngủ khỏe, làm việc khỏe
Trần mà như thế kém gì tiên.
(tr 71 - Ông Ké trở lại chiến khu)
Bài thơ là niềm vui sướng, niềm lạc quan cách mạng, tuy rằng mình không còn trẻ, mặc dù trong các bữa ăn của ông Ké chỉ có rau rừng, măng đắng, ốc, cá bắt ở dưới suối như người dân địa phương, đặc biệt là món muối ớt ông Ké dùng.
Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Trường Nguyên vừa hiện đại vừa truyền thống. Một người như ông Ké đi năm châu bốn biển, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa tiên tiến trên thế giới, giao tiếp với bao “hiền nhân mặc khách” nhưng Người vẫn giữ được vẻ đẹp tinh khiết của văn hóa truyền thống Việt Nam, vừa sâu sắc vừa đậm đà tinh tế. Một nét đặc sắc trong tác phẩm là giọng kể: “... tôi đã tạo ra giọng kể của đồng bào Tày quê tôi để kể chuyện về ông Ké - một cách kể chuyện mang đậm nét người miền núi mà vẫn trang trọng, gần gũi, thân mật. Vì thế, Bác Hồ hiện lên trong sáng tác của tôi là hình ảnh ông Ké gắn bó với cuộc sống của đồng bào trong kháng chiến, trong lao động sản xuất và xây dựng cuộc sống ở vùng căn cứ địa cách mạng ấm áp và ân tình. (Nhà văn Ma Trường Nguyên: “Hình ảnh Bác Hồ in đậm trong tâm trí tôi” - Phỏng vấn nhà văn Ma Trường Nguyên, Bích Hồng thực hiện - Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, 3/9/2020). Đúng như một nhà hiền triết phương Tây nhận định: Ông Ké - Bác Hồ là nhà Nho cuối cùng, là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Tiểu thuyết Ông Ké trở lại chiến khu của Ma Trường Nguyên đã thành công trong việc khám phá và xây dựng thế giới tâm hồn con người miền núi vùng ATK bằng niềm cảm thông sâu sắc. Ma Trường Nguyên đã xây dựng thành công một không gian nghệ thuật, không gian văn hóa của cả vùng ATK Định Hóa nói riêng và cho ATK Việt Bắc nói chung có chiều rộng và có chiều sâu.
ThS. Trần Văn Tác
(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...