Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
06:42 (GMT +7)

Một số trao đổi sau bài “Muốn hiểu thêm một câu thơ của Bác Hồ” của tác giả Hạnh Liên

LTS: Sau khi đăng tải bài viết “Muốn hiểu thêm một câu thơ của Bác Hồ” của tác giả Hạnh Liên (trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên số 44, phát hành ngày 3/11/2015), Tòa soạn nhận được nhiều ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề mà bài viết đặt ra. Với tinh thần khách quan, tôn trọng cái nhìn đa chiều, với mong muốn tiếp cận vấn đề được thấu đáo, VNTN xin trân trọng giới thiệu một số ý kiến trao đổi.


 

Trao đổi lại với tác giả Hạnh Liên

Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” đã cho thấy cuộc sống đầy gian khổ của Bác trong thời kì ở hang Pác Bó, nhưng cũng thể hiện tâm trạng thoải mái, lạc quan của Người khi được sống giữa thiên nhiên. Tuy thiếu thốn về vật chất nhưng Bác vẫn tràn đầy tình yêu thiên nhiên và lòng lạc quan tin tưởng. Bác tự hào về cuộc sống đầy ý nghĩa của người cách mạng, tự hào vì nó thật sang trọng, cao quí. Chữ “sang” ở cuối bài thơ đã tỏa sáng tinh thần của toàn bài. “Sang” ở đây không phải là vật chất sang trọng, giàu sang phú quý, mà là cái thoải mái tinh thần, cuộc sống đầy ý nghĩa của người cách mạng. Với Bác, cứu dân, cứu nước là niềm vui, là lẽ sống, là lí tưởng của mình. Hơn nữa, dường như ở Bác luôn sẵn có cái thú lâm tuyền: Bác thích sống ở núi rừng, được sống hòa hợp cùng thiên nhiên, cây cỏ. Tuy nhiên, cái vui thú của Bác không phải là được làm một ẩn sĩ mà là một chiến sĩ, suốt đời chiến đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc. Rõ ràng ở Bác có những nét đẹp của phong cách cổ điển đan xen với nét đẹp của phong cách hiện đại. Vẻ đẹp này đã thể hiện trong phong cách thơ của Bác.

Theo văn cảnh bài thơ, ta không hề thấy tâm trạng của Bác băn khoăn trăn trở gì về đường lối sách lược đấu tranh cách mạng của Đảng đã bị ông Trần Phú xóa bỏ. Suy luận như thế, liệu có vô tình đi ngược lại với tinh thần trong con người Hồ Chủ tịch không? Lẽ nào Bác lại phải so đo với đồng chí của mình như vậy? Hướng suy luận của tác giả Hạnh Liên, như vậy, liệu có mang tính áp đặt chủ quan không?

Về mấy chữ “chông chênh”, theo tác giả Hạnh Liên, ngôn ngữ thơ của bác không sử dụng theo nghĩa như thế vì ở Pác Bó không hề có bàn đá mà chỉ có tảng đá. Tôi nghĩ rằng, với thơ ca, chúng ta không nên áp cách hiểu như vậy. Đối với những người có tinh thần lạc quan cách mạng như Bác thì một hòn đá cũng có thể tưởng tượng ra đó là một cái bàn, có sao đâu. Tác giả còn cho rằng chỉ cần kê mấy hòn đá là hết chông chênh. Nói như thế thì liệu có phải là cách tiếp cận hợp lí với thơ ca nữa hay không? Tôi đơn cử, ví như hòn Trống - Mái ở Sầm Sơn, nó có chông chênh không mà ngàn đời nay không đổ.

Còn chữ “dịch”, theo tác giả Hạnh Liên, trong các văn bản hiện nay không hề có bản dịch nào mang tên Hồ Chủ tịch, cho nên phải hiểu rằng đây là sự dịch chuyển sách lược đấu tranh cách mạng của Đảng ta do Hồ Chủ tịch vạch ra và trình bày trong hội nghị thành lập Đảng ngày 3 tháng 2 năm 1930 đã bị ông Trần Phú xóa bỏ. Tôi không đồng tình với cách hiểu này. Nếu cho rằng “dịch” ở đây mang nghĩa dịch chuyển thì tôi thấy không có sức thuyết phục. Theo chú thích trong các nguồn tài liệu thì Bác dịch Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô từ nguyên bản tiếng Nga để làm tài liệu học tập. Cũng có thể hiểu rằng, Bác đọc Lịch sử Đảng Cộng sản Liên xô bằng nguyên bản tiếng Nga, nên Bác vừa đọc vừa dịch ra nghĩa tiếng Việt để tự tìm hiểu, vì câu thơ này bao hàm vừa tả cảnh (“Bàn đá chông chênh”) và cũng vừa mang tính tự thuật công việc mà Bác đang làm (“dịch sử Đảng”).

“Tức cảnh Pác Bó” là một bài thơ tứ tuyệt rất giản dị nhưng rất hàm súc, ý nghĩa thật sâu xa. Lời thơ pha giọng vui đùa cho ta thấy tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác Hồ trong cuộc sống đầy gian khổ ở núi rừng Việt Bắc. Tinh thần ấy đã giúp Bác vượt qua mọi khó khăn gian khổ để lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi vẻ vang. Tôi nghĩ, với một vấn đề vô cùng hệ trọng liên quan đến đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng, đến sự tồn vong của cả một dân tộc, một đất nước, mà một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gửi gắm qua một bài thơ “Tức cảnh”, hay thậm chí theo tác giả Hạnh Liên, trong chỉ một từ “dịch”, thì đó là cách hiểu và cách suy luận chưa hợp lí.

Đôi điều trao đổi lại với Hạnh Liên, rất mong nhận được ý kiến của tác giả cũng như quý bạn đọc

Nguyễn Xuân Dương (Số 7 Đường Thành Cổ Vệ An, T.P Bắc Ninh)

 

Tâm đắc cùng Hạnh Liên

Sau khi đọc bài “Muốn hiểu thêm một câu thơ của Bác Hồ” của tác giả Hạnh Liên, tôi rất vui, rất tâm đắc. Bởi lẽ Hạnh Liên đã nói đúng những điều mà lâu nay tôi vẫn băn khoăn. Tuy tôi cũng đã chia sẻ với một vài người bạn, nhưng vẫn cảm thấy chưa sâu sắc và chưa thể đi đến ngã ngũ. Nhân đây, tôi muốn góp thêm đôi điều để làm sáng tỏ vấn đề mà chúng ta cần hiểu đúng, bởi vì như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Lịch sử chỉ diễn ra một lần, còn người viết lịch sử phải viết nhiều lần…”.

Thơ của Bác là những bài học to lớn đối với mỗi con người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ Việt Nam trên những chặng đường lịch sử của đất nước, ngày càng tiến lên phía trước. Một người Pháp, có tên là Rô-Giê Đơ-Nuy đã nhận xét về thơ của Bác Hồ như sau: “…Thơ Người nói ít mà gợi nhiều, là loại thơ có màu sắc thanh đạm, có âm thanh trầm lặng, không phô diễn mà như cố khép lại trong đường nét để cho người đọc tự thưởng thức lấy cái phần ý ở ngoài lời. Phải yên lặng ngồi đọc thơ Người, phải thỉnh thoảng ngừng lại để suy nghĩ mới cảm thấy hết cái âm vang của nó và nghe những âm vang ấy cứ ngân dài mãi…”.

Tôi đã học theo cách của Rô-Giê Đơ-Nuy khi đọc bài thơ “Tức cảnh Pác Bó”, Bác viết tháng 2-1942:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”
Chính câu thơ thứ ba: “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”, đã làm tôi suy ngẫm nhiều. Một lần, đọc cuốn “Hồ Chí Minh, những bài văn và lời bình” của tác giả Tạ Đức Hiền, do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2000, tôi hy vọng sẽ thỏa mãn, vì đây là tài liệu “mẫu” cho nhiều người học và cho cả nhiều người dạy từ các cấp học phổ thông đến đại học. Tác giả đã phân tích câu thơ thứ ba như sau: “Câu ba: “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” nói lên một công việc cụ thể. Tại Pác Bó, Bác có dịch vắn tắt Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô làm tài liệu học tập cho cán bộ cách mạng. Bác còn làm nhiều việc để “nhóm lửa”, để gây dựng phong trào cách mạng. Từ “chông chênh” nghĩa đen là không cân, không vững vàng, nghĩa bóng là thiếu thốn, gian khổ. Hình ảnh “bàn đá” vừa thực vừa ảo, đem đến liên tưởng về cuộc đời của “Già Thu”, của ông Ké người Nùng như một Tiên Ông trong rừng, trong cổ tích. Câu thơ nói lên cốt cách ung dung bền bỉ của Bác khi cách mạng còn gặp nhiều khó khăn…”.
Đọc xong, tôi lại càng thêm trăn trở. Điều mà tôi băn khoăn và đang muốn biết chính là, với tác phong và phong cách của Bác Hồ thì không thể có chuyện ngồi ở một cái “bàn đá chông chênh”…? Vậy thì có lẽ cách phân tích, giải thích trên đây xem ra vẫn chưa ổn. Vả lại, tại Pác Bó, năm 1941, Bác dịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô để huấn luyện cán bộ ư? Như chúng ta biết, trước năm 1930, Bác Hồ đã là người của Quốc tế Cộng sản. Bác của chúng ta đã nhuần nhuyễn Chủ nghĩa Mác - Lênin thì ngay từ năm 1927, ở Trung Quốc, Bác mới có thể vận dụng để viết “Đường Kách Mệnh” cho đất nước mình, theo quan điểm riêng của Bác (khác với Cách mạng vô sản ở các nước phương Tây), để huấn luyện cho những thanh niên ưu tú Việt Nam ở hải ngoại. Theo đó, Bác tổ chức ra Hội Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí. Đây chính là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, có đầy đủ chính cương, sách lược vắn tắt, chương trình hoạt động và điều lệ…, để rồi Bác chúng ta đã trình bày tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1930 (đây coi như một kỳ Đại hội). Đặc biệt, Bác rất quan tâm đến việc chỉ đạo thống nhất các Đảng Cách mạng ở ba miền trong nước. Bác rất quan tâm bồi dưỡng một người học trò xuất sắc, đó là Lê Hồng Phong. Trong suốt thời gian đồng chí Lê Hồng Phong đi học tập, đào tạo ở Liên Xô, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn thường xuyên liên lạc qua đường dây của Quốc tế Cộng sản. Trong bức thư Nguyễn Ái Quốc gửi Lê Hồng Phong ngày 3/2/1930, Người thân mật ghi là:...
 
...“Gửi Hồng Phong Lão”, thông báo sự kiện ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời khẳng định: “Trong nước, bây giờ đã có Đảng thống nhất vững vàng, không còn những tệ chia lìa ấu trĩ như trước nữa” (Trích trong Hồ Chí Minh toàn tập; tập 3, NXb CTQG. H.2000; tr.39). Nhưng, kể từ Hội nghị Trung ương tháng 10/1930, mọi việc đều bị đảo lộn… Có thể nói, một thời gian không ngắn, tình hình trong Đảng bị thoái trào, bị “chông chênh”?

Hiểu như trên nên tôi rất đồng tình, tâm đắc với những tư liệu trích dẫn và phân tích của Hạnh Liên. Trong bài viết của mình, tác giả Hạnh Liên đã nói khá kĩ về những diễn biến ở Hội nghị Trung ương tháng 10/1930 và những sự việc diễn ra sau đó…, để rồi Hạnh Liên đi đến kết luận: “Rõ ràng “sử Đảng” đã đi chệch hướng từ Hội nghị Trung ương tháng 10/1930. Cũng từ đó, suốt 10 năm trời (1930-1940) và những năm tiếp theo, Bác Hồ vẫn kiên trì, bền bỉ lãnh đạo, uốn nắn khắc phục hậu quả Hội nghị Trung ương tháng 10/1930” bằng tinh thần của những văn kiện mà Bác đã soạn thảo và nêu lên trong ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam… Đúng như câu thơ: “Ba mươi năm ấy chân không mỏi/ Mà mãi bây giờ mới tới nơi”.

Đúng như Hạnh Liên phân tích: “Từ năm 1941 đến 1945, Cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, đã khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt để rồi chớp thời cơ, cả nước khởi nghĩa. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Sau đó là cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập dân tộc. Năm 1946, Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán. Năm 1951, Đại hội Đảng lấy lại tên “Đảng Lao động Việt Nam” mà không còn Đảng Cộng sản Đông Dương nữa. Bác nói “Đảng là Đảng Việt Nam”, “Đảng của nhân dân Việt Nam”.

Vậy câu thơ “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” nên hiểu là: Lịch sử Đảng ta đã được Bác chuyển dịch thành công, chứ không phải là dịch hoặc lược dịch Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô như lâu nay ta vẫn hiểu.

Phải chăng, thơ Bác là vậy, “Người nói ít mà gợi nhiều...suy nghĩ mới cảm thấy hết những âm vang ấy cứ ngân dài mãi…”

10/11/2015

Văn Giang (Hội VHNT Thị xã Phổ Yên)

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy