Một ngày ở Tùng Vài
Gọi là một ngày, nhưng thực ra chỉ có vài tiếng đồng hồ. 7 giờ 35 phút xuất phát từ trung tâm huyện Quản Bạ, có 18 km đường nhựa, nhưng lượn như rắn bò, nên cũng mất hơn 40 phút đoàn mới vào được đến điểm chính Trường Tiểu học Tùng Vài. Các thày cô giáo đã chờ chúng tôi ở Phòng hội đồng, nhìn ánh mắt, biết các anh chị vui vì sự có mặt của đoàn công tác Báo Văn nghệ Thái Nguyên mang theo chút ấm áp có thể xua bớt cái giá lạnh cho các em nhỏ nơi sương mù luôn bao phủ này.
Tranh thủ giờ ra chơi, thày hiệu trưởng Cao Quyết cho các em tập trung để nhận quà của đoàn. 237 học sinh xếp hàng ngay ngắn, hướng những cặp mắt ngây thơ về phía nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh. Miệng trả lời những câu hỏi của bác Quỳnh mà mắt không giấu nổi sự tò mò, thỉnh thoảng bọn trẻ lại đánh mắt sang đống chăn ấm và áo phao dày sụ đang ở kia, chờ được chủ nhân đón nhận. Nhờ chính sách ưu tiên đặc biệt của Nhà nước đối với các xã vùng cao, biên giới, nên trường xá ở đây khá khang trang; lương bổng của các thày cô cũng kha khá bởi ngoài 70% đứng lớp, còn có thêm 50% cho các xã vùng biên. Tôi cảm nhận được sự hài lòng của các thày cô, thế nên họ cũng hết lòng với sự nghiệp “gieo chữ” ở nơi này. Hỏi họ mong ước gì, các thày cô đều bảo: “Chỉ mong sao duy trì được sĩ số và ngày càng ít đi những gia đình nghèo không đủ điều kiện cho con em đi học”. Ngoài việc dạy chữ, các thày cô còn phải dạy các em từ những chuyện nhỏ nhất như vệ sinh cá nhân và chăm sóc bản thân; hoặc tranh thủ thời gian trồng luống rau, nuôi con lợn để thêm vào mức ăn 460 nghìn một tháng cho mỗi học sinh bán trú, cố gắng quan tâm đến các em. Nhưng dù lớp học và nhà nội trú đã được xây kiên cố, giường chiếu, chăn đệm đã được các tổ chức, cá nhân chung tay chăm lo, nhưng những mái đầu cháy nắng bết lại vì thiếu nước; những manh áo, tấm quần mong manh; những bàn chân không tất xoăn xoeo, mốc thếch trong những đôi dép tổ ong cáu bụi…, vẫn hiển hiện trong hầu hết những đứa trẻ, khiến chúng tôi không khỏi xót xa! Chị Nguyễn Thúy Quỳnh ngậm ngùi kể khi từ điểm trường Bao Mã Phìn về: “Nước thiếu trầm trọng. Công trình phụ không có, khiến nhu cầu bài tiết của thày trò đều không được thỏa mãn. Bí quá thì đành phải ra các khu vực xung quanh trường, khiến cho bầu không khí vẩn mùi xú uế. Tội thế!”. Vậy nhưng, người lớn có buồn thì buồn chứ bọn trẻ đâu có bận tâm đến những thiếu thốn đó, chúng vẫn hồn nhiên, trong trẻo khiến người lớn thắt lòng. Khi bác Quỳnh hỏi: “Các bạn có ước mơ gì, nói cho bác Quỳnh nghe nào?”. Có đứa thì mơ được làm cô giáo, có đứa thì thích là bác sĩ. Một cu cậu ngồi hàng đầu mạnh dạn chia sẻ mơ ước được làm họa sĩ! Tôi sững lại, nước mắt lăn dài trên má. Chả biết vì sao mình khóc, chỉ thấy thương bọn trẻ thế! Núi nhiều thế kia, đá lởm chởm từng kia, liệu bàn chân cậu bé Mông phải vượt qua bao đỉnh núi để thực hiện được ước mơ của mình? Phía trên kia, chị Quỳnh cũng đang nghẹn lời.
Trường Tiểu học Tùng Vài có 39 lớp với 617 học sinh và 56 thày cô. Do địa hình khó khăn nên điểm trường chính nằm ở trung tâm xã, điều kiện tương đối thuận lợi, còn lại 10 điểm trường lẻ nằm tại 10 thôn. Đoàn chúng tôi chia thành hai nhóm, nhóm chị Quỳnh đến điểm trường Bao Mã Phìn, còn nhóm tôi đến Lùng Chu Phìn. Đường đến Lùng Chu Phìn toàn đá hộc, chiếc xe 7 chỗ gầm cao của thày Cao Quyết cứ nhảy chồm chồm như thách thức con đường. Thỉnh thoảng, gặp đoạn khó quá, thày Quyết lại dừng xe, nhảy xuống đất, chạy tút lên phía trước căn đường, rồi lại nhảy tót lên ghế lái, dấn ga và phân trần: “Vừa rồi mưa nhiều quá nên đường mới ra nông nỗi này, đá cứ trồi lên, chủ quan là vỡ máy như chơi”.
Điểm trường Lùng Chu Phìn có từ lớp 1 đến lớp 5 với 79 học sinh và 3 lớp mầm non học nhờ địa điểm. Thôn Lùng Chu Phìn có 126 hộ dân thì đến hơn 30 hộ nghèo. Lớp học gồm một dãy nhà cấp bốn và một dãy nhà trình tường (thừa hưởng của bộ đội), bên dưới là lớp học, bên trên (gác xép) là chỗ ngả lưng của các thày cô mỗi khi phải dạy cả ngày. Thêm một dãy với 3 phòng học mới đang được xây dựng. Thày Toản, tổ trưởng điểm trường khoe: “Thày Quyết vừa xin được đấy chị ạ, may quá chứ cái nhà trình tường cũng hỏng hết rồi”. Một tốp học sinh chạy ùa ra chơi, tôi nhanh miệng: “Chào các con!”. Bọn trẻ khựng lại, một thằng cu nhanh nhảu đáp lơ lớ tiếng phổ thông: “Chào các em!”. Bọn tôi cười xòa. Thày Quyết trêu thày Toản: “Thày dạy học trò thế nào mà chào khách bằng em thế?”. Thày Toản thoáng chút ngại ngần. Thấy vậy thày Quyết đỡ lời: “Cũng là cái khó của bọn tôi đấy chị ạ, các em đến trường mới học tiếng phổ thông, nhiều em học mãi mà thày nói vẫn không hiểu, khổ lắm.”. Rồi, như chia sẻ, thày tiếp: “Khó khăn nhiều, bọn tôi cứ gỡ dần, mọi người đều phát huy hết khả năng. Thày Toản đây này, cái sân bê tông này là công của thày ấy đấy. Nhờ có người nhà làm ở phòng Kinh tế huyện, thày đã xin được 5 tấn xi măng, về chúng tôi huy động bà con đóng góp công và mỗi nhà 100 nghìn để mua cát, vậy là có sân bê tông rộng hơn 200m2 cho học sinh vui chơi.”
Chuyện các thày cô hết lòng vì trường lớp thì mỗi người một cách, tôi được nghe cũng nhiều. Như chuyện thày Quyết vì luôn đau đáu nên một năm xin được tỉnh cho xây mấy dãy phòng học cho các điểm trường lẻ; rồi lại thày Quyết ngày mới về thấy sân trường ngày mưa thì lầy lội, ngày nắng thì bụi mù, giờ thể dục học sinh phải đi học nhờ mãi tận nhà văn hóa, xuống được đến nơi thì cũng hết gần nửa tiết học. Thấy vậy thày xin đổ sân, nhưng trên trả lời kinh phí năm nay hết rồi, nhưng cho chủ trương sẽ làm. Vậy là thày liều, về “vay” tiền kinh doanh của vợ, ôm vào trường đổ sân bê tông mất ba trăm sáu mươi triệu, chấp nhận mỗi năm sẽ thu lại một ít, cốt để học trò đỡ khổ. Tôi nghe những chuyện ấy, chợt hiểu các thày cô mỗi người một cách đều mong muốn mang lại cho học trò những điều kiện tốt nhất để các em được học và thực hiện được ước mơ của mình. Và biết đâu, từ những tấm lòng ấy, sẽ nâng cánh cho học trò bay lên… để rồi một ngày không xa, Tùng Vài sẽ là quê hương của những cô giáo, bác sĩ và cả một họa sĩ người Mông tên tuổi…
Có thể lắm chứ!
Thu Huyền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...