Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
23:20 (GMT +7)

Một miền thi ca còn nhiều trầm tích đang được phát hiện và khai phá

(Thành viên Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021, chuyên ngành Thơ)

  

8 tác giả - tác phẩm thơ được trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021 đã cho thấy những đóng góp đáng ghi nhận của các cây bút này trong bức tranh chung của văn học nghệ thuật Thái Nguyên, với những chuyển động mới tạo nên sự phong phú và đa dạng trong những năm qua.

Một miền thi ca còn nhiều trầm tích đang được phát hiện và khai phá

8 tập thơ đoạt giải tại Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021

Tôi không ngạc nhiên khi tập thơ “Sân bay” của nhà thơ trẻ Nguyễn Nhật Huy đoạt giải cao trong Giải thưởng kỳ này, bởi trước đó tôi đã từng phát hiện tập thơ này trong Giải thưởng tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Đây là một giọng thơ mới với nhiều bài thơ tự do, có những vùng liên tưởng và vùng suy tưởng mang đến những dự cảm và thi cảm khác biệt trong sáng tạo, như ở bài thơ ngắn “Có những khi” dưới đây:

Thơ không thể buồn

Không thể ướt

Không thể tối tăm

Anh cần một chút ánh sáng rỉ ra từ mắt em

Đi qua những lằn sơn sang đường khô khốc

Quán cafe cũ thêm một mùa mưa

Những cũ kỹ nhỏ thành giọt

Lìm lịm trong cái nhấp môi

Trên mặt bàn lau quá nhiều lần

xa cách

Viết một ngày ngơ ngác

Ánh sáng ứa ra

Kỷ niệm của mình

Thơ hiện đại viết về thời đương đại là vậy, những con chữ vượt qua khỏi những hình ảnh cũ, những cảm xúc cũ, những tứ thơ cũ để xác lập một bầu thi quyển mới cho thơ hôm nay khi:

Bước vào phòng

Cởi bộ da treo lên mắc

Lặng lẽ nhìn cái tôi

Vẻ đẹp không nhân danh gì cả

(Cởi - Nguyễn Nhật Huy)

Thơ của tác giả trẻ này đang định hình, đang vươn tới một “chất - giọng” trên con đường thi ca còn lắm gian truân, thử thách và nhiều hy vọng.

Cũng được trao giải B là nhà thơ Nguyễn Doãn Long với tập thơ “Dìu anh lên ngựa”, tôi cứ ngỡ anh thuộc dân tộc ít người (nhưng không phải) khi thơ tác giả này có được cái khí chất thơ miền núi khá chân mộc và đặc sắc.

Đường về khúc khuỷu mù sương

Lên ngựa ta về

Chợ tình hết rượu

Chỉ còn đôi mắt say nhau

Uống bao nhiêu cho cạn men tình?

 

Em dìu anh lên ngựa, mình về

Kệ tiếng khèn anh léo lắt

Bát rượu ngô kia sóng sánh men tình

Thì tay em vẫn dệt vải

Mắt em còn xanh sắc chàm trên núi anh ơi.

(Dìu anh lên ngựa - Nguyễn Doãn Long)

 

Bài thơ trên có khuôn hình đẹp nhưng không hẳn mới về chất thơ vì thi ca từ “đặc sắc” tới “sâu sắc độc đáo” là cả một chặng đường. Trong thi ca nếu thiếu sức tưởng tượng sáng tạo, và thiếu sự chắt lọc, nâng cao vẻ đẹp của chất thơ và ngôn ngữ thơ thì sẽ không có thơ hay. Trước đó, các nhà thơ lớn như Y Phương, Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn đều đã khắc họa chất thơ dân tộc miền núi với giọng điệu riêng đặc biệt của mình, không thể lẫn với ai. Vì thế, tôi cũng không ngạc nhiên khi chuyên ngành Thơ của Giải thưởng không có giải A, chỉ có 2 giải B cho Nguyễn Nhật Huy và Nguyễn Doãn Long.

Trong 3 tác giả được trao giải C, tập thơ “Chợp mắt và mơ” của nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ nổi bật hẳn lên với giọng thơ trữ tình tự sự nghiêng về phía thế sự với những câu thơ đầy trăn trở và suy ngẫm, như trong bài thơ “Lời gốc đào già”:

Chẳng có gì mới cả

Chuyện thế gian hóa thạch nỗi buồn

Tôi ẩn cư tận trong lũng núi

Một mình nở với mùa xuân

Cái đẹp không cần phô phang

Là vì tôi biết

Cái đẹp không có tận cùng

Tận cùng của nụ là hoa

Tận cùng của hoa là quả

Tận cùng của quả là những chồi non

Sau cuộc tái sinh bất tận…

“Gốc đào già” nói trên còn kể ta nghe câu chuyện bị người ta đào gốc đưa về bán ở chốn phồn hoa làm cây đào bích với nỗi đau:

Hạnh phúc muôn năm mình phải được là mình

Tôi là đào rừng

Tôi thô tháp

Làn da nứt nẻ

Những bóng bảy tôi chẳng cần

Vì thế

Cứ suốt đời ứa máu để ra hoa

Tôi cho rằng bài “Lời gốc đào già” của Nguyễn Kiến Thọ là một trong số ít bài thơ hay nhất của Giải thưởng lần này.

Tập thơ “Hoa nắng ngày xưa” của nhà thơ Phan Thái được trao giải C với 100 bài lục bát. Ở thể điệu thơ truyền thống lâu đời, cũng không dễ để có được phẩm chất thi vị giàu tính dân gian ở một số bài thơ khá hay như bài thơ “Phỗng đá” của tác giả này.

Mang phận đá lạc cõi người

Giữa sân đình chú Phỗng cười ngây ngô.

Chân trần áo đá rêu thô

Mặc đời bia miệng hàm hồ treo ngang.

 

Chẳng màng nhung lụa giầu sang

Trăm năm vai vắt men làng thảnh thơi

Đục trong đâu bởi tại trời

Nhắn chi hậu thế những lời cố nhân?

 

Lụy miền quê kiểng làm dân

Bế bồng trăng lúng liếng sân chiếu chèo.

Mái tranh nồng nã quê nghèo

Hồn Phỗng đá gió tre pheo ru tràn!

 

Cũng lấy thi điệu lục bát làm ngữ cảm trữ tình cho thơ của mình, tác giả Ngô Thúy Hà được trao giải C với tập thơ “Nắng dậy thì” lại mở ra một cánh cửa khác khi lấy nhạc điệu thiết tha, lúng liếng, tình tứ của dân ca làm điểm tựa cho những gợi cảm, gợi hình theo kiểu:

Câu thơ bỏ lạc bên đồi

Điệu hò trăng khuyết ai bồi sao vơi

Mầu sim tím cạn không lời

Em đong mùa hạ cháy thời áo mây

(…)

Hoa sim cứ tím cho dầy

Gió quê cứ thổi cho gầy nhớ nhung!

Điệu hò ai ghép mà chung?

Trăng ơi đừng khuyết nửa chừng với nhau!

(Điệu hò dang dở - Ngô Thúy Hà)

 

Với 3 nhà thơ - 3 tác phẩm: “Thầm…” (Nguyễn Đức Hạnh), “Trà lặng” (Nguyễn Thị Minh Thắng), “Hoa chuỗi ngọc” (Nguyễn Hồng Phượng) được trao giải khuyến khích, mỗi nhà thơ một vẻ, một tâm tưởng, một lối nói, một suy tư. Thơ của Nguyễn Đức Hạnh thì sâu trầm và nhiều ẩn chứa, khơi gợi:

Bóng tôi ôm bóng ngôi nhà

Thêm bóng nỗi nhớ thành ba người rồi

Từ ngày thương nhớ lên trời

Trời đau lại trách rằng người vô tâm

Không ai lay giấc hát thầm

Nửa đêm thức gối ướt đầm bóng cây.

(Bóng - Nguyễn Đức Hạnh)

Còn với tác giả Nguyễn Thị Minh Thắng, thơ là nỗi niềm của tự sự trữ tình nồng cháy:

Nếu được sống lần nữa

cho em tựa bờ vai anh

người đàn ông đá núi

 

Khi hồn em nổi cơn cuồng phong

chạy loạn trong rừng đập đầu vào vách đá

nhảy chồm trên những vòm cây

lả gục bờ vai anh

êm dịu như bãi phù sa

em nằm nghe dòng sông hát

 

Tỉnh giấc

đôi chân trần chạy tung cát

tiếng cười vỡ cả ban mai…

(Người đàn ông đá núi - Nguyễn Thị Minh Thắng)

Trong tập thơ “Hoa chuỗi ngọc” của nữ tác giả Nguyễn Hồng Phượng, giữa những câu thơ lục bát đời thường còn tản mạn, chợt mang đến cho ta một âm hưởng của suy tư chiêm nghiệm:

Câu ai nói làm đau từng giọt nắng

Đường hoa văn thổ cẩm cũng thoáng buồn

Chén rượu Đế cay nồng sống mũi

Ánh mắt cuộc đời chảy mãi lòng em.

 

Em đứng lặng nghe từng viên gạch thở

Từng bánh xe lầm lũi xiết trên cầu

Trầm thoang thoảng gọi hồn trong nắng gió

Chốn đền đài xưa cũ biết về đâu.

(Tháp Chăm Pa - Nguyễn Hồng Phượng)

 

Điểm qua một số bài thơ nói trên của các tác giả được trao giải thưởng thơ 5 năm của tỉnh Thái Nguyên kỳ này, để chúng ta làm quen với một miền thi ca còn nhiều trầm tích đang được phát hiện và khai phá. Với 8 tác phẩm thơ này, cuộc sống hôm nay của các miền quê, miền người, miền ký ức, miền tâm tưởng đã được khắc họa và hiện lên sống động trong bức tranh thi ca nhiều màu sắc và hình tượng. Hy vọng thời gian tới, độc giả cả nước sẽ được đón đọc các sáng tác mới giầu tính sáng tạo của các nhà thơ Miền - Trà - Thái.

 

 

8 tập thơ đoạt giải tại Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên

giai đoạn 2017 - 2021

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy