Một đóa tình Xuân
Minh họa: Lê Quang Thái
1.
Tháng chạp gõ cửa miền quê bằng mấy ngọn gió chướng báo tin tết đến. Xóm hoa ngập tràn trong sắc màu, đâu đâu cũng là hoa lá. Xóm tấp nập, nhộn nhịp, những bàn chân chạy vội, những đôi tay hối hả, xuồng ghe, xăng cộ tất bật chuẩn bị đưa hoa đi bán khắp các tỉnh miền Tây và cả ở Sài Gòn.
Xóm này là “vựa hoa” của miền Tây. Quanh năm tất bật trồng tưới, đến mùa, hoa lại đi khắp tứ phương. Người xứ này quan niệm, hoa là một nụ cười tươi rói cho ngày tết đến. Ngày đầu năm, bước ra cửa gặp những nụ cười, đi đâu cũng gặp những nụ cười, vậy mới là tết, mới là khởi đầu của những khởi đầu trong năm tháng dài rồng rặt. Như với anh Chín, mỗi năm là một khởi đầu mới đầy chờ đợi, chờ cho tình đậm, nghĩa sâu. Chờ cho “chân cứng đá mềm” để một ngày chị Thy hiểu ra, tình yêu của anh bình dị như đời sống vậy, lẳng lặng ở đó. Kham nhẫn. Vậy mà, “nước chảy đá mòn” nhưng lòng chị Thy chỉ là một tảng băng chưa bao giờ tan.
Thy ơi, năm nay có đi tỉnh bán bông không, xuồng tui còn rộng, đi chung cho đỡ phí. Tiếng anh Chín ở vườn kế bên, anh cũng đang tưới mấy hàng bông giấy đã trổ mình rực rỡ.
Năm nay tui bán cho lái, còn một ít thì mang ra chợ. Năm nào cũng đi bỏ bé Thỏ ở nhà với bà ngoại quài, tội nghiệp con nhỏ. Tui cảm ơn nghe – Thy nói rồi chống chiếc xuồng đi hướng về những chậu cúc cuối cùng.
Vườn bên anh Chín chỉ biết nhìn theo. Xóm này ai mà hổng biết anh Chín để ý chị Thy, lúc chị Thy gả cho anh Kha, anh Chín uống rượu cả tuần liền, say như hũ hèm. Anh trách mình, nhà ở kế bên mà để trai xóm khác đến cưới chị Thy.
Hết một tháng sống trong say xỉn, một buổi tối anh Chín tỉnh dậy bởi tiếng ồn phát ra bên nhà chị Thy. Tiếng đánh chửi, tiếng khóc. Anh tông cửa xông vào. Kết quả là đã đánh nhau với Kha một trận.
Mặt trời đã lên đứng bóng, bé Thỏ đã í ới gọi mẹ vào ăn cơm. Nhìn dáng chị Thy trên chiếc xuồng len lỏi giữa những dòng cúc mâm xôi lúp búp vàng, ai thấy cũng thương chị đứt ruột. Một tay làm lụng nuôi con, còn người chồng thì đã đi biệt dạng.
2.
Nhà Thy và nhà anh Chín ở cặp vách nhau, cùng sẻ chia cả thời thơ ấu với những vườn hoa đủ màu xanh đỏ. Mùa hè thì trồng hoa hồng, mùa thu thì tưới hoa mai, mùa xuân thì tất bật phụ gia đình chuẩn bị cho hoa vào chậu, rinh xuống ghe để đưa hoa đi khắp tứ phương chào tết.
Thời đó, hai bên gia đình còn nói lớn lên sẽ tính chuyện làm xui khi thấy hai đứa quấn quýt với nhau. Thy đi đâu thì Chín tò tò đi theo, có gì cũng nhường cho Thy. Lớn lên, Chín luôn là người đi đánh nhau mỗi khi Thy bị ai đó bắt nạt. Có lần bị cô giáo mời phụ huynh, Chín bị ba đánh, Thy chạy qua khóc bù lu bù loa. Hai bên gia đình thấy cảnh đó cũng phải phì cười.
Mấy mùa hoa trôi qua, gió chướng đến đi mang theo tình cảm ấu thơ bay đi đâu mất, Thy gặp Kha – một chàng trai đào hoa, miệng ngọt như đường, vẻ ngoài điển trai hơn tài tử đóng phim. Cô gái nhỏ xiu lòng. Lần đầu tiên Chín thấy Thy khóc là lúc Kha thất hẹn. Bữa đó, Chín lủi thủi ngoài vườn hoa tới chạng vạng tối mới chịu vào nhà, Chín không muốn ai thấy đôi mắt đỏ hoe của mình.
3.
Bây liệu mà xem chứ má thấy thằng Kha ăn chơi đàn đúm quá, có gì mà mày mê như điếu đổ, chị thấy thằng đó không hợp với em đâu, em thấy ông đó không đàng hoàng chị Thy ơi… bao nhiêu lời khuyên Thy để ngoài tai, khi yêu trái tim không có mắt.
Thy là người con gái đẹp nhất nhì xóm hoa, vừa đẹp thanh tao như hoa quỳnh, lại thu hút như hoa mai và hương thơm thì cứ như hoa quỳnh nở đêm tối muộn. Bao nhiêu người mê mẩn, trong đó có anh Chín. Nhưng Thy cứ dửng dưng sống không biết gì đến xốn xang trai gái cho tới bữa đó, xóm có hội chợ. Thy đã gặp Kha, chỉ một cái nhìn, đôi bên đã hạp ý vừa lòng.
Mặc cho người người can ngăn nhưng Thy đã quyết, đám cưới diễn ra trong năm đó, trận đòn đầu tiên tới sau một tháng cưới nhau, Thy vỡ mộng cuộc đời. Lời ngọt ngào hoa mỹ như chưa từng xuất hiện. Tiền và đồ đạc trong nhà cứ không cánh mà bay.
Cưới một năm thì bé Thỏ ra đời, tết đầu tiên của bé Thỏ là một năm hoa được mùa. Năm đó thời tiết thuận lợi, hoa được xanh tốt hơn nhiều năm khác. Kha chuẩn bị ghe xuồng để đưa hoa đi xuôi về hướng Cà Mau, nơi xa hun hút tận cùng chữ S, tiếng là đi bán hoa tết nhưng không khi nào mang tiền về, mỗi lần đi như vậy phải đến chiều mùng hai, mùng ba tết Kha mới về tới trong bộ dạng say mềm, cho nên mỗi cuối năm chỉ có Thy và Bé Thỏ thui thủi bên mâm cơm cúng ông bà. Khi giao thừa nhà cũng cô quạnh hai mẹ con ra vào trong khi nhà nhà rộn ràng cười nói. Rồi tết năm đó, chờ mãi đến sáng mùng bốn tết vẫn chưa thấy Kha về. Thy gọi điện, tiếng tít tít tít ở đầu dây bên kia làm Thy rối lòng, tuyệt vọng.
Sau đó mấy hôm, có người hàng xóm cùng đi bán hoa bảo thấy Kha xuôi ghe về hướng khác, trên xuồng còn có thêm một người phụ nữ. Thy cười nụ cười méo xẹo rồi lấy tay quẹt nước mắt.
Trách là trách Thy, biết khổ còn đâm đầu vào. Nhưng tình yêu mà, nó làm gì có mắt.
4.
Sao bây không coi đi bước nữa, thằng bội bạc mà bây khổ bao nhiêu năm nay – Má nói trong bữa cơm trưa.
Thy lẳng lặng và cơm trong chén, mắt không nhìn lên. Giá mà nước mắt chan cơm ăn được thì chắc đời này bây không cần nấu canh mà ăn nữa. Bấy nhiêu năm tháng cũng đủ rồi con ơi. Tao thấy thằng Chín nó thương bây thật dạ, nó cũng đàng hoàng mà bây cứ như tảng đá. Cơ hội còn không biết quý, mất rồi thì chờ dài cổ, tiếc đứt ruột gan nghe bây.
Má đã bảo bây rồi, cách mình sống cũng giống như cách mình chăm hoa vậy, đừng vì nghĩ hoa năm nay lá nhỏ hơn năm ngoái, cánh dày không bằng năm kia, màu không tươi bằng năm nọ… mà lơ đãng với cây hoa hiện tại, chỉ cần biết cây hoa này mình đang chăm, mình cứ chăm nó hết lòng, dù xấu đẹp dày mỏng gì thì mình đều không hối tiếc rồi nói phải chi thế này, phải chi thế kia. Đời người đáng tiếc nhất là câu “phải chi…” con ơi.
Thy chưa kịp trả lời trả vốn thì nghe tiếng cô Hương trước nhà, cô ghé ngang đặt mấy chậu cúc mâm xôi để dành cho tết. Thy bỏ ngang chén cơm ra ghi sổ. Xong xuôi mới quay lại bàn ăn.
Má nhìn theo bảo cô Hương này là cô giáo mới chuyển đến xóm mình dạy học, bây lấy rẻ rẻ thôi. Người ta mang cái chữ đến cho con cái mình.
Thy cũng không trả lời trả vốn, lẳng lặng ăn. Bé Thỏ đi chơi nhà hàng xóm chạy về khoe, má ơi, cô giáo của Thỏ đi mua bông giấy của nhà chú Chín, chú Chín còn tặng thêm cho cô mấy chậu bông hồng. Má cho Thỏ một chậu bông vạn thọ tặng cô nha má.
Thy tự nhiên khó chịu ngang, bảo bé Thỏ vào nhà học bài. Mặt nó tiu ngỉu đi vào nhà trong.
Minh họa: Lê Quang Thái
5.
Gió chướng càng lúc càng đậm, nắng cũng vàng hơn. Sáng nay những dòng cúc mâm xôi đã lấm tấm vàng. Xuồng Thy len lỏi qua mấy dòng bông mà mắt cứ ngó qua vườn bông giấy.
Đang ngó thì thấy anh Chín và cô Hương từ nhà bước ra vườn, ra là nay cô Hương sang chọn bông giấy. Anh Chín chỉ cho cô từng cây, vừa lựa cây vừa dạy cô cách chăm tưới. Anh Chín nói chuyện dí dỏm cứ làm cô Hương cười. Thy thấy chướng mắt ngang nên chống xuồng vào nhà một mạch.
Má đang dọn cơm trong nhà, thấy Thy vào má nói bâng quơ. Xóm làng hổm giờ người ta đồn thằng Chín và cô Hương quen nhau. Ai ai cũng mừng cho thằng Chín, từng tuổi này mới thấy nó có mối tình vắt vai.
Sao má biết người ta quen nhau? Thy tự nhiên nổi quạu. Má chưa kịp trả lời thì thấy anh Chín mang hai cây tắc màu vàng ươm sang.
“Dạ dì Bảy ơi, con có để hai chậu tắc này cho nhà mình chưng tết nè dì Bảy.” Anh vừa nói vừa nhìn Thy. Thy bảo sao anh không để dành cho cô Hương, nhà tui có rồi, nói xong quay mặt vào bếp không thèm ngó lại.
Má lật đật ra đỡ cây, miệng cứ suýt xoa cảm ơn anh Chín, bảo anh năm nào cũng trồng tắc cho nhà này. Má còn nói thêm, năm nay bây đừng mua bánh tét, dì Bảy gói cho nhà bây mấy đón bánh tét chuối, mấy đòn bánh tét đậu nghe con.
Anh Chín dạ thưa rồi về, gió thổi mạnh hơn, tiếng người tấp nập nhộn nhịp. Tết đúng là đã tới bên hè.
6.
Mấy hôm rồi không thấy anh Chín ra tưới cây. Thy cũng hơi thắc mắc trong lòng. Đang nhìn nghiêng nhìn dọc đoán già đoán non thì Thy thấy cô Hương bước ra từ nhà anh Chín. Thy tiu ngỉu. Cả tuần này không ai kêu réo hỏi han, tự dưng Thy thấy thiếu thiếu. Nay thấy cô Hương từ nhà anh Chín bước ra, tự nhiên thấy tức ngang.
Tối đó Thy ngủ không được, lăn qua lăn lại suốt làm má cũng giật mình theo. Có chuyện gì sao bây không ngủ má hỏi. Có chuyện gì đâu má… Thy trả lời cụt ngủn… mà anh Chín và cô Hương quen nhau hả má, Thy không giấu được sự cồn cào trong lòng.
Má nói tao nghe thiên hạ đồn vậy, giờ bây thấy tiếc rồi phải không. Má đã nói bao nhiêu lần rồi, không sống với cái mình đang có mà cứ sống với cái đã mất thì cuộc đời sẽ không bao giờ ngừng mất mát.
Con tưởng anh Chín còn ở đó quài, với con không nghĩ là con thương ảnh. Tự nhiên thấy ảnh qua lại với cô Hương, con mới biết… Thy vừa nói vừa thút thít.
Không mấy mai bây đem bánh tét qua cho nó, coi còn kịp không. Không thì má cũng chịu.
7.
Chờ mãi trời mới sáng, Thy nóng ruột soạn bánh tét đặng mang qua cho anh Chín. Vừa ngại vừa lo. Vừa xách bánh tới nhà thì Thy thấy cô Hương bước ra, bảo anh Chín cho ghe đi bán hoa từ hồi khuya rồi.
Thy tiu ngỉu, bịch bánh tét nặng như cái cùm trong tay. Thy quay lưng đi, vừa đi vừa nghĩ, giờ họ thân nhau quá rồi, mình làm gì còn có cơ hội. Giờ bước tới đâu đều thấy kỷ niệm tới đó, vườn hoa này là nơi hai đứa cùng lớn lên, giồng hoa đó là anh Chín ràng cho Thy năm ngoái, mớ bông hồng này là anh Chín trồng cho Thy, cây bông giấy đó anh tháp cho bé Thỏ… Người đàn ông cả đời bên cạnh mình mà mình không biết nắm giữ… Nước mắt Thy bắt đầu chảy ròng ròng như đứa trẻ…
Cô Thy ơi, anh Chín có để lại cho cô tờ giấy này. Cô Hương chạy theo đưa cho Thy tờ giấy rồi tủm tỉm cười. Thy bước tới sân nhà mình thì ngồi xuống đọc tờ giấy “Tui đi bán sẽ về rước 30 tết, năm nay Thy nấu cơm cuối năm cho tui ăn rồi nhà mình cùng đón giao thừa nghen.” – Thy vừa khóc vừa cười như trẻ con.
Má trong nhà bước ra, cô Hương cũng vừa đến, hai người nhìn nhau cười ẩn ý. Có những thứ tình cảm cần mất đi người ta mới thấy quý. Má cảm ơn cô Hương đã đóng vai “người nhắc nhở”, lúc đó Thy mới hiểu ra hết sự tình. Vừa xấu hổ vừa cười trong hạnh phúc.
Gió chướng đã đậm đà hơn bao giờ hết, nắng vàng, hoa thắm và tim người vừa nở một nụ tình trong yêu thương của những mùa xuân vô tận.
Truyện ngắn. Ngô Tú Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...