Thứ năm, ngày 05 tháng 12 năm 2024
02:15 (GMT +7)

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Câu thần chú “Khắc xuất” – “Khắc nhập” trong câu chuyện cổ tích “Cây tre trăm đốt” đã một thời là cụm từ lóng để nói về việc chia tách, sáp nhập các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và đơn vị hành chính.

Câu chuyện “tách – nhập” sẽ là bình thường, không có gì để nói nếu việc này thực hiện lần đầu. Nhưng nó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, mà có khi vẫn… cơ bản như cũ, thì mới khiến dư luận xì xào.

Vậy chuyện “tách – nhập” do đâu mà có? Nó có hữu ích hay không?... xin có đôi lời bàn.

Triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ điều kiện để giảm chi ngân sách nhà nước (hình mang tính minh họa, nguồn: thainguyen.gov.vn)
Triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ điều kiện để giảm chi ngân sách nhà nước (hình mang tính minh họa, nguồn: thainguyen.gov.vn)

Những người làm báo, nhất là làm đài cấp huyện hẳn còn nhớ câu chuyện chia tách – sáp nhập của Đài Truyền thanh cấp huyện. Từ những năm cuối thế kỉ 20, cả 9/9 đơn vị cấp huyện của tỉnh Thái Nguyên đều đã có hoạt động của Đài Truyền thanh cấp huyện, nhưng ban đầu chỉ là một bộ phận trực thuộc Phòng Văn hóa. Vào những năm đầu thế kỉ này, thực hiện chủ trương chung, Đài cấp huyện được thành lập, là một đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện. Nhưng, có đơn vị chỉ vừa tách ra khỏi Phòng Văn hóa được 1 năm đã phải nhập lại, để rồi… lại tách ra sau 2 năm! Đến năm 2018, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII (Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017), các Đài cấp huyện lại được sáp nhập với Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao, Thư viện (vốn trực thuộc Phòng Văn hóa)… để thành lập Trung tâm Văn hóa và Truyền thông (có nơi là Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông).

Song, vẫn là thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, lần này các cơ quan báo chí đang đứng trước bài toán sáp nhập ở quy mô lớn hơn. Đợt “khắc nhập” này của các cơ quan báo chí ở trung ương thực sự là một đợt cải cách lớn, mang tính cách mạng, đổi mới về chất chứ không phải chỉ là tinh gọn mang tính cơ học thuần túy. Theo các tin tức chính thống, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Báo Nhân dân. Cả loạt “ông lớn” về truyền hình, như: Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, VTC, Truyền hình Quốc hội sẽ được chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam. “Trên” đã thế, “dưới” chắc hẳn cũng phải có những biến chuyển “không hề nhẹ”!

Việc tách – nhập các cơ quan, đơn vị, địa phương là do nhiều yếu tố dẫn đến, có cơ sở khoa học chứ không phải là ý chí chủ quan của một ai đó. Trước đây ta thường có quan niệm tách nhỏ ra sẽ dễ quản lý hơn, và vì vậy kết quả sẽ tốt hơn. Hơn nữa, các đơn vị mang tính chuyên sâu sẽ phát huy được chuyên môn của mình tốt hơn so với đa ngành, đa lĩnh vực. Nhưng rõ ràng là: càng chia nhỏ, bộ máy sẽ càng cồng kềnh, chi phí để nuôi bộ máy càng lớn, hiệu quả quản lý sẽ không cao.

Nhớ lại lời của Tổng Bí thư Tô Lâm tại diễn đàn Quốc hội hồi tháng 6/2024, ông nói: Các cơ quan hành chính có những giai đoạn rất tùy tiện, cái gì cũng phải xác nhận, phải đi công chứng mới giải quyết. Để xác định địa vị pháp lý của người giao dịch, vì không đủ căn cứ pháp lý nên cứ phải yêu cầu dân về phường xin xác nhận cái này, xác nhận cái kia, tập hợp thành một tập tài liệu cuối cùng không để làm cái gì, chỉ để cán bộ giải quyết họ lưu cữu hồ sơ thôi!

Theo Từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Trung Quốc có diện tích gần 9,6 triệu km2 (có diện tích lớn thứ 4 thế giới); dân số hơn 1,4 tỷ, nhưng họ chỉ gồm 22 tỉnh (tính cả Đài Loan là 23), 5 khu tự trị, 4 đô thị trực thuộc trung ương và 2 đặc khu hành chính là Hồng Kông và Ma Cao.

Trong khi đó, cũng theo từ điển mở Wikipedia, Việt Nam có diện tích 331.212 km2 (nhỏ hơn diện tích của tỉnh Vân Nam giáp biên giới Việt Nam, với diện tích là 394.100 km2); dân số Việt Nam khoảng 99 triệu 749 ngàn người (ít hơn dân số tỉnh Quảng Đông: 113 triệu người). Nhưng, Việt Nam có tới 63 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Bộ máy hành chính của Trung Quốc gọn như thế, nhưng kinh tế - xã hội của họ vẫn phát triển, đứng top đầu của thế giới, cho thấy tính hiệu quả rõ rệt mà chúng ta có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm.

Ở nước ta, với hơn 10.000 đơn vị hành chính cấp xã như hiện nay, việc vận hành đang là gánh nặng cho ngân sách. 70% ngân sách nhà nước đang được dùng chi thường xuyên, chủ yếu là chi lương và hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có nghĩa là, chỉ còn 30% để đầu tư cho phát triển, chi cho quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội. Theo một báo cáo tại Quốc hội năm 2023, nhờ sắp xếp lại đơn vị hành chính (cấp huyện, cấp xã) mà nước ta đã giảm chi ngân sách nhà nước đến 2.000 tỷ đồng.

Cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 chắc chắn sẽ giảm bớt phiền hà, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Sắp xếp, tinh giản bộ máy hành chính nhà nước gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, từ đó sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội, như bài học từ Trung Quốc và một số quốc gia khác đã thực hiện thành công.

Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và thực sự là một cuộc cách mạng lớn trong giai đoạn hiện nay. Như lời Tổng Bí thư Tô Lâm, đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước. “Chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu thuật khối u"”. Cũng theo người đứng đầu Trung ương Đảng, cái đích của việc tinh gọn tổ chức bộ máy lần này là đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, sẽ “tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan Nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém”.

Đối với người dân, còn gì mong chờ hơn thế! Người dân rất hy vọng và mong chờ cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức, bộ máy lần này, theo tinh thần "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng".

Đúng là một cuộc cách mạng chưa từng có, là cuộc sắp sếp tinh gọn bộ máy có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. “Khắc xuất – Khắc nhập” giờ không giống như câu chuyện ngụ ngôn mà người dân hay ví von để nói về cải cách hành chính, bộ máy không hiệu quả trước đây.

“Cái gì hợp lý thì tồn tại”. Chúng ta cùng hy vọng và chờ đợi những biến chuyển của xã hội trong một tương lai gần.

Thái Văn

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục