Một cánh chim bằng
Năm 1999, tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, tôi nhận quyết định về công tác tại Trường THPT Sông Công, cách nhà hơn 20 cây số. Đó là một mái trường đơn sơ, nằm khiêm nhường trong lòng thị xã Sông Công trẻ tuổi.
Ngày về trường, người đầu tiên tôi gặp là thầy Hiệu trưởng Nghiêm Xuân Thành. Ấn tượng về thầy là sự nghiêm trang, nghiêm nghị đến lạnh lùng, từ dáng vẻ, cử chỉ đến lời nói. Tôi cũng được nghe thêm một số “giai thoại” về sự nghiêm khắc của thầy không chỉ với học sinh mà còn cả với giáo viên. Nhưng nhìn khuôn viên sân trường xanh thắm ngát hương, nhìn rặng mơ cổ thụ trước dãy nhà Hiệu bộ đến mùa từng chùm nở trắng góc vườn trường, nhìn những cây duối được tạo dáng bonsai đẹp mắt, tôi chợt nghĩ, ắt hẳn người “thuyền trưởng” nơi này không thể là người có tâm hồn khô khan, xoàng xĩnh…
Năm đầu tiên, tôi chủ nhiệm một lớp Bán công, 45 học sinh, với nhiều đối tượng khác nhau, 1/3 trong số đó có hoàn cảnh đặc biệt. Sự đặc biệt không chỉ về hoàn cảnh gia đình với những khó khăn về kinh tế mà còn cả đời sống tinh thần, đời sống riêng tư, đặc biệt về cá tính, tính cách, thậm chí có cả học sinh sử dụng ma tuý, học sinh “ám mùi xã hội đen”… Với một cô giáo trẻ còn non dại đủ đường như tôi khi đó thì thật sự đây là một thử thách lớn.
Tôi tự mình bươn chải, tự mình nghĩ ra các biện pháp giáo dục và tự nhủ mình phải nỗ lực từng phút giây. Với tư cách là Hiệu trưởng, ngày đó thầy Thành vừa đặt trách nhiệm lên vai tôi vừa chỉ đạo tôi từng bước, từng việc phải làm. Thầy bảo: Người giáo viên luôn phải phải linh hoạt, có lúc phải đứng trên cương vị của người cô để nghiêm khắc răn đe, có khi phải là một người bạn để đồng cảm, sẻ chia, có lúc lại như người mẹ để bao dung và yêu thương. Có phải vì vậy mà tôi thấy trong những buổi phải họp hội đồng kỉ luật do thầy chủ trì, không hề khô khan cứng nhắc như ở đâu đó. Để rồi, sau đó là những giọt nước mắt của học trò khi nhận ra lầm lỗi của mình và sự bao dung của nhà trường, nước mắt chan chứa của phụ huynh trong niềm xúc động nghẹn nghào, nước mắt của thầy cô trong niềm hạnh phúc trước những thay đổi to lớn của học trò…
***
Thầy Nghiêm Xuân Thành sinh ra và lớn lên tại làng Thù Lâm, xã Tiên Phong, huyện (nay là thành phố) Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, là người con thứ tư trong một gia đình nông dân sáu anh em. Ở vào thời điểm đất nước mới độc lập, nhân dân trăm bề khốn khó, tuổi thơ của thầy cũng là những tháng năm phải mò cua bắt cá, làm thuê, ở đợ để phụ giúp kinh tế gia đình, vừa học tập, vừa tham gia dạy bình dân học vụ. Nhưng chính hoàn cảnh gia đình quanh năm túng thiếu đã tạo nên phẩm chất cần cù, nhẫn nại và một quyết tâm sắt đá thay đổi cuộc đời bằng sự học của thầy.
Ngay sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, năm 1967 thầy giáo trẻ Nghiêm Xuân Thành đã làm đơn tình nguyện lên miền núi công tác để bắt đầu con đường lập nghiệp của mình. Không lâu sau, theo tiếng gọi của non sông, người thanh niên ấy lại tạm biệt trường học, gia nhập quân ngũ. 5 năm gắn bó với cuộc đời lính chiến đã rèn luyện bản lĩnh sống, đồng thời hun đúc quyết tâm phải phấn đấu cho sự nghiệp không mệt mỏi. Năm 1976 thầy được đơn vị cử đi ôn thi đại học. Bao gian khổ nhọc nhằn, bao mồ hôi nước mắt của cuộc đời sinh viên được trả công xứng đáng bằng tấm bằng đại học khoa Sinh hệ chính quy. Như một mối duyên lành, thầy về làm Hiệu trưởng Trường cấp 1-2 thị trấn Mỏ Chè, huyện Phổ Yên (nay thuộc thành phố Sông Công), để từ đó tạo nên những trang vàng trong sự nghiệp làm thầy của mình.
Năm 1986 khi trường Trung học Kỹ thuật Sông Công (sau này đổi tên thành Trường THPT Sông Công) được thành lập thì thầy về làm Hiệu trưởng. Những năm tháng ấy, đất nước bắt đầu chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, biết bao nhiêu gian nan trong những bước đi của người mở đường, khi cả trường gần như là một bãi đất hoang khô cằn sỏi đá.
Ngay từ những ngày đầu, thầy Thành đã hoạch định một chiến lược phải xây dựng trường THPT Sông Công có tên tuổi trên bản đồ giáo dục tỉnh nhà bằng chất lượng giáo dục toàn diện. Mô hình trường xanh – sạch – đẹp đã được dựng lên ngay từ những năm đó. Lớp lớp những thế hệ giáo viên và học trò Sông Công hẳn không thể quên những buổi lao động đóng gạch và đốt gạch, trồng cây, trồng cỏ. Ngày ấy ít ai nghĩ tới nâng cao chất lượng phải từ môi trường thân thiện, vậy mà mối quan hệ thầy trò, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên đã được giáo dục tỉ mỉ chu đáo ngay từ khi Trường THPT Sông Công được học những giờ học đầu tiên. Thành quả lao động ấy thật ngọt ngào, cho dù chưa có nhà cao tầng, chưa đủ phòng học nhưng bất kì ai đến cũng phải khen nhà trường ngăn nắp, gọn gàng, xanh và sạch. Phương châm giáo dục của một mái trường “Kỉ cương - Tình thương - Trách nhiệm” cũng được hình thành và đi vào nền nếp.
Gian nan trăm bề nhưng thầy Hiệu trưởng vẫn tạo điều kiện để hàng loạt giáo viên đi học cao học nhằm đón đầu cho việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Nhờ vậy, đội ngũ giáo viên của Trường được nâng cao trình độ, dần tích lũy kinh nghiệm; học sinh của Trường ngoan, giỏi, nhiều em đoạt giải tỉnh, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, đỗ đại học năm sau cao hơn năm trước. Nhiều học sinh có giải Quốc gia và không ít những học trò trưởng thành từ mái trường này rồi lại quay trở về góp phần xây dựng nhà trường, xây dựng quê hương Sông Công ngày càng giàu đẹp. Sau 20 năm phấn đấu bền bỉ, năm 2006 Trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia - một trong số trường đạt chuẩn Quốc gia sớm nhất của tỉnh…
***
Thời gian thấm thoắt trôi qua, năm 2008, thầy Nghiêm Xuân Thành được nghỉ hưu, thầy sinh sống cùng gia đình trong căn nhà vườn đơn sơ mà rợp bóng cây xanh. Tôi trở lại thăm thầy vào sáng chớm đông, những sợi tóc mướt xanh ngày nào giờ đã nhường cho màu trắng cước, nhưng giọng nói dường như không hề thay đổi, vẫn khoẻ, vẫn sắc, vẫn dồi dào năng lượng. Trong mắt tôi, thầy vẫn vẹn nguyên như một “cánh chim bằng” thuở ấy. Một cánh chim đầu đàn vững vàng và mạnh mẽ dẫn dắt thế hệ trẻ Sông Công vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên.
Những năm tháng sôi nổi nhất của đời người, tôi đã dành trọn cho mái trường THPT Sông Công mến yêu. Từ những bước đi chập chững ban đầu, từ sự giúp đỡ, dìu dắt đầy ân tình và trách nhiệm của thầy Hiệu trưởng và các đồng nghiệp, tôi đã trưởng thành và đóng góp phần nhỏ bé của mình vào thành tích của Trường, vào sự nghiệp giáo dục của địa phương. Giờ đây, tôi vẫn sẽ tiếp tục trong hành trình dài rộng đưa các lứa học trò chinh phục ước mơ, để các em thấy ngoài kia đất trời bao la và cuộc đời bao dung, tươi sáng.
Camanh Pham
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...