Một bài báo tâm linh
VNTN - Một ngày đầu mùa hè 2012, điện thoại di động đổ chuông. Tôi bắt máy và thấy hiện lên số máy lạ.
- Có phải số máy nhà báo Lê Thế Thành không ạ?
- Vâng, tôi đây. Xin lỗi ai đầu máy đó ạ?
- Cháu là Hùng. Cháu thay mặt dòng họ cảm ơn chú. Cảm ơn bài báo của chú.
- Thế bây giờ Hùng đang ở đâu?
- Cháu đang ở tận Cà Mau. Cháu là em ruột liệt sỹ Cảnh.
Máy tắt.
Tôi bấm gọi lại mấy lần nhưng vẫn không kết nối được với máy điện thoại của Hùng. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra với gia đình liệt sỹ Cảnh. Tôi chưa một lần gặp Hùng, mà lại ở tận Cà Mau. Liệt sỹ Cảnh là ai? Có liên quan gì với tôi, với một bài báo nào đó của tôi?
Tôi hình dung lại những bài báo viết gần đây xem có bài nào liên quan đến một người có tên là Cảnh, liệt sỹ. Tôi chợt nhớ những ngày giáp tết vừa qua, Tổng biên tập báo Văn nghệ Thái Nguyên, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, đắn đo mãi rồi cũng nói lên đề nghị của mình, động viên tôi viết cho báo Văn nghệ Thái Nguyên một bài ký về huyện Đại Từ. Chị đắn đo cũng đúng vì lúc đó gần tết lắm rồi, nhiều nhà đã rục rịch sắm tết mà sức khỏe tôi lại không được tốt. Sở dĩ chị chọn tôi cũng có lý do, vì trước đó tôi đã có một bài ký viết về Đại Từ nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên.
Nhận việc rồi, quả thật tôi rất lo. Viết về một vùng đất là phải chọn cho được cái nét nổi bật ở đó. Vùng đất nào cũng có hồn cốt của nó. Kinh tế Đại Từ thì đã viết rồi. Cây chè Đại Từ các nhà báo khai thác đề tài này khá nhiều trong Festival Trà 2011. Vậy là tôi chọn chủ đề truyền thống yêu nước và cách mạng của Đại Từ.
Bài ký ấy có tên “Một dòng chảy di sản”. Trong bài, tôi nhắc đến những dấu ấn của lịch sử gắn với Đại Từ. Về cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi nêu hình ảnh một người liệt sỹ tên là Cảnh, anh là giáo viên dạy Văn cấp II của Đại Từ. Dáng thư sinh, làn da mỏng manh như con gái. Vậy mà một giáo viên dạy văn thơ phải ôm bộc phá luồn vào hàng rào dây thép gai của giặc. Quê hương Đại Từ vắt kiệt sức người sức của cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam.
Mấy ngày sau, tôi lại nhận được điện của Hùng. Anh báo tin đã đưa hài cốt anh Cảnh về quê và hỏi địa chỉ của tôi để cho người đến đón. Hài cốt được đưa về huyện Văn Lâm, Hưng Yên, quê gốc của liệt sỹ Cảnh ở đó.
Tôi về quê liệt sỹ Cảnh, mới vỡ lẽ ra câu chuyện từ cuộc điện đàm bị đứt đoạn. Cũng không nhớ ai đã đưa bài báo số tết Nhâm Thìn 2012 ấy đến nhà Hùng giữa lúc họ hàng thống nhất năm ấy sẽ làm thủ tục đưa hài cốt liệt sỹ Cảnh về quê. Hùng đã cầm tờ báo ấy vào Cần Thơ, Cà Mau tìm bạn bè cùng đơn vị của anh mình nhờ giúp đỡ. Đó là một việc làm khôn ngoan, bài báo trở thành một tấm giấy giới thiệu có sức thuyết phục riêng của nó.
Nhưng tình huống bất ngờ, khó xử khi đến nghĩa trang huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau lại có hai ngôi mộ đều có tên là Cảnh, không quê quán, không đơn vị. Rất nhạy cảm, Hùng đã lấy tờ báo ra đọc một thông tin, liệt sỹ Cảnh hy sinh đầu mùa mưa năm 1972 trong trận tấn công chi khu Thới Bình. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, có một ngôi mộ ghi liệt sỹ Cảnh hy sinh 1972, một ngôi mộ có năm hy sinh trước đó. Có lẽ vì thế mà tôi có một cuộc điện thoại cảm ơn từ đất mũi Cà Mau.
Trước họ mạc của liệt sỹ Cảnh, anh Hùng đọc một cách trang trọng đoạn báo viết sự hy sinh của liệt sỹ Cảnh, như sự nối tiếp của lịch sử trên đất Đại Từ - Thái Nguyên.
Tôi lắng nghe mà xúc động, mỗi lời của Hùng như một lời tuyên dương công lao làm báo của mình. Mà cũng lạ. Vì sao sau 40 năm tôi lại nhắc đến Cảnh. Phải chăng linh hồn anh bay ngang trên bầu trời bỗng nhập vào cây bút của tôi, cho ra đời những dòng chữ để họ hàng anh cứ theo những dòng chữ ấy tìm đến nơi yên nghỉ của người liệt sỹ, có điều gì đó như sự mách bảo của thế giới tâm linh trong bài báo của mình…
Và bài báo ấy đã làm được một việc rất thiêng liêng cho dòng họ của liệt sỹ Cảnh…
Nhà báo Lê Thế Thành (Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ Bắc Thái)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...