Mong những người con đất Việt dù ở đâu cũng về bắt tay nhau
VNTN - Khi nhận được lời đề nghị viết một bài báo về chủ đề hòa giải dân tộc nhân ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, tôi băn khoăn. Bởi có lẽ tôi còn quá trẻ để đề cập đến một vấn đề khá lớn, và dường như còn rất nhạy cảm mặc dù các sự kiện lùi xa chúng ta đã mấy mươi năm, bởi tôi ra đời khi đất nước gần như đã được thống nhất, tôi không biết đến mùi vị chiến tranh, nhưng dư âm của những cuộc chiến thì tôi đã trải qua. Do không sống trong những năm tháng chiến tranh ấy, nên những gì tôi viết chỉ là sự quan sát thực tế và cảm nhận!
Bức ảnh "Hai người lính" của Chu Chí Thành.
Tôi may mắn được sống trong một quốc gia có thể tiếp cận được thông tin nhiều chiều, và nhờ công việc, tôi cũng có dịp được gặp những con người xa xứ có nguồn gốc Việt như tôi, họ có những chính kiến rất khác nhau về thời cuộc.
Tôi đã từng được xem trên truyền hình Pháp những bộ phim tài liệu về thời hậu 1975 diễn ra tại miền Nam Việt Nam. Những con người liều mạng, đánh đổi hết mọi thứ để ra đi trên những con tàu nhỏ nhoi bồng bềnh giữa đại dương bao la. Tôi cũng đã xem những thước phim về trại tị nạn dành cho người Việt ở Malaisia, ở Philipine… Tôi nhìn thấy nỗi cơ cực mà những người may mắn thoát khỏi bụng cá phải hứng chịu khi đến được bờ bên kia đại dương thông qua những lời kể thổn thức của họ… Không bị biển nuốt chửng thì họ cũng bị muôn vàn hiểm nguy rình rập, những tên cướp biển, thiếu nước ngọt, thiếu lương thực, phụ nữ thì bị hãm hiếp. Rồi đến những dãy hàng rào dây thép gai, những lúc đợi hàng giờ để được vài ca nước ngọt… Tôi nhìn thấy những ánh mắt buồn rầu tuyệt vọng của đồng bào tôi.
Tôi thấu hiểu và thông cảm với họ dẫu mỗi lần xem những thước phim thuộc thể loại ấy, tôi không khỏi day dứt. Tôi khâm phục sự liều lĩnh của những con người dám ngồi trên những con thuyền mà người Pháp gọi là "vỏ cau" ấy để ra đi. Họ chưa nhìn thấy đường chân trời mà trước mắt chỉ là những cơn sóng lừng cuồn cuộn, con thuyền nhỏ như chiếc lá chồm lên ụp xuống giữa đại dương mênh mông. Chiếc thuyền giữa chừng chết máy do hết xăng, họ đành để mặc cho may rủi, bỏ mặc chiếc "vỏ cau" ấy đương đầu với sóng gió. Theo con số thống kê của Ban Tị nạn Quốc tế thì hơn 1/3 số người Việt ra đi bằng đường thủy khi xưa đã không đến được đích và đáy đại dương sâu thẳm là nơi họ tĩnh nghỉ ngàn năm.
Và rồi một lần vào đầu tháng 10 năm 2017, những day dứt trong tôi phần nào được nhẹ bớt khi tham dự Viet Nam Now - festival International de film, d'art et de musique pour un nouveau regard sur la Viet Nam, đây là một Liên hoan Quốc tế Cộng đồng kết hợp nhiều thể loại nghệ thuật để mang đến cho khán giả ngoại quốc một cái nhìn khác về Việt Nam. Sự kiện diễn ra tại Mái ấm Việt Nam (Foyer Việt Nam) ở số 80 phố Monge, quận V Paris. Sự kiện do các bạn trẻ Việt kiều thuộc thế hệ hai tổ chức, họ đến từ Canada, Đức, Bỉ, Anh… Sự kiện ấy đã thu hút được rất nhiều khách Việt kiều và ngoại quốc tham dự. Hôm đó có nhiều thước phim tài liệu được trình chiếu.
Thoạt đầu là những phỏng vấn các thế hệ người Việt về những cố gắng của họ trên đất khách để có được một vị trí xứng đáng, cũng phải thừa nhận đó là những người đã ít nhiều thành công trong gia đình và sự nghiệp.
Nhưng bộ phim có tên Here and There đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất, đó là một bộ phim của Linh Phan, một Việt kiều Canada còn khá trẻ. Linh Phan cùng gia đình đi khỏi Việt Nam khi chị mới 2 tuổi, có lẽ khi ấy Linh Phan còn quá nhỏ để có thể hiểu hết những cơ cực khi cả gia đình lênh đênh trên con thuyền nhỏ vượt biển, nhưng qua lời kể của cha mẹ, chị đã hiểu cái giá mà họ phải trả để đến được nơi mà hiện giờ gia đình mình đang sống… Vậy mà chị đã trở về, đi khắp các nơi trên đất nước Việt Nam, quay những thước phim, phỏng vấn những con người cùng cảnh ngộ với chị, và họ cũng trở về đất Việt, có người chỉ để đi du lịch, nhưng cũng có những người về Việt Nam làm việc dài hạn. Tôi nhận thấy khuôn mặt họ rạng ngời khi trả lời phỏng vấn, ánh mắt họ lấp lánh. Và Viet Nam Now là tựa đề chương trình mà chị Linh Phan muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế một Việt Nam đổi mới nhưng vẫn giữ được bản sắc, vẫn những người Việt Nam nồng hậu và hài hước…
Vậy động cơ nào đã khiến những người bạn trẻ ấy trở về cội nguồn của mình, dẫu có những người phát âm tiếng Việt đã trở nên ngọng nghịu? Phải chăng đó là sự tìm về nguồn cội, tìm về nơi chốn mà họ đã được sinh ra, về với tổ tiên của mình? Lại một lần nữa, tôi ngưỡng mộ những con người như thế, họ đã biết vượt qua một trở ngại không nhỏ để đến được một cái gì đó lớn hơn.
Tác giả chụp hình lưu niệm cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam tại buổi Gặp mặt Nhà văn với sứ mệnh Đại đoàn kết dân tộc, lần thứ nhất, năm 2017.
Hồi đầu, trong cuộc sống viễn xứ của mình cách đây gần hai chục năm, tôi cũng gặp khá nhiều cô bác, vì một lí do mà tôi không nêu tên nhưng chúng ta cũng có thể đoán ra được, họ sống xa Việt Nam đã mấy chục năm, gặp tôi mới sang, họ rất vui và tíu tít hỏi chuyện. Ngày đó mạng viễn thông chưa được thuận tiện như bây giờ, qua cuộc trò chuyện, tôi thấy các cô bác còn đắm đuối với quê hương, nhưng họ ngại trở về, và tôi đã cổ vũ họ bằng cách kể sự thực những gì đang đổi mới trên quê hương và nói thêm "…dân vạn đại", rằng "quê hương luôn dang rộng vòng tay đón những đứa con ở nơi xa trở về…". Bởi trong tiềm thức của họ, quê hương Việt Nam vẫn ở trong tình trạng của những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Mỗi lần gặp tôi lại kiên trì kể chuyện và họ đã trở về… Khi quay lại Paris, họ hoan hỉ kể cho tôi nghe những gì họ chứng kiến, tôi cảm nhận được niềm vui lấp lánh trong những cặp mắt già nua ấy. Và kể từ đó, năm nào họ cũng về Việt Nam, và tôi cũng thấy vui lây…
Rồi một lần trên mạng xã hội, tôi bất ngờ gặp bức ảnh của Chu Chí Thành, nhiếp ảnh gia đã chụp được khoảnh khắc hai người lính thuộc hai bên chiến tuyến, một anh lính Cộng sản miền Bắc thân mật khoác vai một anh lính Cộng hòa miền Nam. Cử chỉ của họ cứ như thể hai anh em một nhà lâu ngày gặp lại nhau vậy! Lúc ấy, theo lời chú thích bức ảnh là vào tháng tư năm 1973, chiến tranh vẫn đang diễn ra cách đó không xa, người ta vẫn còn nghe thấy tiếng súng nổ đùng đoàng, và rồi bốn mươi lăm năm sau, họ gặp lại nhau, khoác vai nhau như ngày nào…
Nước mắt nào cũng có vị mặn, giọt máu nào cũng mang màu đỏ, chiến tranh nào khi kết thúc cũng có bên thắng bên thua, âu cũng là qui luật ngàn năm của lịch sử. Nhưng mất mát là chung, nỗi đau của người mẹ mất con, hay người vợ mất chồng hoặc các con mất cha trong các cuộc chiến dù ở bên nào cũng quặn thắt như nhau… Khi chiến tranh kết thúc, người còn kẻ mất, người ở lại, kẻ ra đi biệt xứ nhưng Tổ quốc vẫn còn đó, Đất Mẹ vẫn cần mẫn nhẫn nại làm lành vết thương, cùng lúc cho ra đời những quả ngọt nuôi dưỡng và vẫn mong ngóng những đứa con trở về gặp nhau đoàn tụ dưới ánh mắt hiền hậu và bao dung của Mẹ.
Nước trăm sông dù lớn cũng đổ về với biển, cánh lá dù tươi tốt đến đâu khi về già cũng rụng xuống chân cây của mình! Sắp đến ngày kỷ niệm Tổ quốc hoàn toàn được thống nhất, tôi cũng cảm thấy bồi hồi, trong lòng trào dâng những niềm vui khó tả! Tôi mong những người con đất Việt dù đang ở phương trời nào trên trái đất đều về tụ họp cùng bắt tay nhau, để đưa hình ảnh một đất nước Việt Nam đổi mới ra toàn thế giới, để giới thiệu một Việt Nam đoàn kết gắn bó, thông minh và đầy sáng tạo chứ không phải một Việt Nam là cái nôi của những cuộc chiến tranh như trước đây.
Hiệu Constant
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...