Mong chờ những bước tiến của kịch múa
VNTN - Khi dự án kịch múa “Kiều” dựa trên tuyệt tác của Đại thi hào Nguyễn Du, do nghệ sĩ Tuyết Minh biên đạo trở thành một sự kiện được mong đợi đến nóng lòng của những người yêu múa Việt trong năm nay, thấy rằng kịch múa Việt đang càng ngày càng hiếm…
Hơn nửa thế kỷ trước, khi các ngành nghệ thuật nói chung của Việt Nam đều còn non trẻ, thì ngành múa đã có nhiều thành công vượt trội. Những năm 60 của thế kỷ trước, có thể nói là thời kỳ vàng son của nền nghệ thuật kịch múa Việt. Ngay từ khi mới ra đời, kịch múa Việt Nam đã có khá nhiều vở diễn có nội dung và chất lượng nghệ thuật đỉnh cao, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của hầu hết các tầng lớp khán giả. Nhưng càng về sau, do rất nhiều nguyên do mà kịch múa dần vắng bóng trên sân khấu Việt. Cho đến hiện tại, kịch múa vẫn hiếm và quý, là sự đợi chờ và mong muốn của những người yêu nghệ thuật múa Việt.
Những bước thăng trầm của kịch múa
Kịch múa được coi là hình thức múa đỉnh cao nhất trong các hình thức biểu hiện của nghệ thuật múa. Một nền nghệ thuật múa tiên tiến không thể vắng bóng những vở kịch múa trên sân khấu chuyên nghiệp. Việt Nam từng được đánh giá là một trong những nước có nền kịch múa phát triển khá sớm ở châu Á và nhất là so với các nước trong khu vực. Nhưng thật đáng suy ngẫm khi hơn nửa thế kỷ qua mà những vở kịch múa chúng ta xây dựng được có lẽ không vượt qua con số 20.
Kịch múa “Chuyện kể những chiếc giày”
Từ những năm 1960 cho đến truớc năm 2000, đã từng có những vở kịch múa hoành tráng như “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, “Tấm Cám”, “Bà má miền Nam”, “Theo cờ giải phóng”... do các nghệ sĩ ballet Việt Nam tên tuổi một thời như Thái Ly, Chu Thúy Quỳnh, Phùng Nhạn, Thanh Nga, Anh Nghiêm, Mạnh Hùng, Minh Tiến, Trần Minh... thể hiện. Các vở “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, “Tấm Cám”... vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, một số vở như “Huyền thoại mẹ”, “Chị Sứ”, “Cánh chim biên giới”, “Ngọc trai đỏ”, “Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga”... được xếp vào các cụm tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước.
Có những giai đoạn, từ thập niên 1980 sang tới giữa những năm 1990, gần như không có vở kịch múa nào mới. Cho đến khi nhà biên kịch múa Việt kiều Ea Sola Thủy về Việt Nam dựng kịch múa “Hạn hán và cơn mưa” theo phong cách đương đại, thì như một giấc ngủ của người đẹp được đánh thức, mới thấy xuất hiện trở lại một số vở kịch múa Việt Nam như: “Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga” (Việt Cường - Ca Lê Thuần), “Vĩnh biệt hoa anh túc” (Hoàng Hải - Vũ Duy Cương), “Hồng hoang” (Bằng Thịnh - Ðỗ Hồng Quân)... Bên cạnh đó là những tác phẩm nổi tiếng thế giới được dựng lại như “Hồ Thiên nga” (P.Tchaikovskt), “Spartacut” (A.Khachaturian), “Romeo và Juliet” (S.Prokofiko)...
"Chiến thắng mùa hoa đào" và "Ngọn lửa Hà Thành" là hai kịch múa được dàn dựng trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là những vở kịch múa lịch sử đầu tiên của Việt Nam, có quy mô hoành tráng, sử dụng ngôn ngữ múa dân gian đương đại để thể hiện. Cũng trong dịp này, "Mối tình thành cổ", tác phẩm múa dựa trên câu chuyện huyền thoại lịch sử "Mỵ Châu - Trọng Thủy" cũng được Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đầu tư dàn dựng của biên đạo múa người Pháp Bertrand D'at.
Đến năm 2005, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam dựng “Hạn hán và cơn mưa” phần 2 và được đánh giá cao, thêm một lần nữa, như một sự khởi động lại cho kịch múa Việt. Năm 2006, đáng kể nhất là sự ra đời của bốn vở kịch múa: "Nguồn sáng" (NSND Anh Phương, Hồng Phong - Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam); "Một thời và mãi mãi" (NSƯT Lê Huân, NGƯT Bá Thái, NS Hồng Hà - Hội Nghệ sĩ Múa Đà Nẵng); "Đất nước" (NSND Ứng Duy Thịnh - Nhà hát Quân đội); "Chuyện tình non song" (NSND Việt Cường, NSƯT Kim Quy - Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TP Hồ Chí Minh).
"Dấu trừ" là vở kịch múa của biên đạo thành danh ở nước ngoài Ngọc Anh, lần đầu ra mắt khán giả Việt Nam vào tháng 1/2011, đã tạo được ấn tượng, nhất là khán giả trẻ với quan điểm "sống chậm lại" trong một thế giới chuyển động quá nhanh. "Chuyện kể những chiếc giày" cũng ra mắt năm 2011 mang đến một góc nhìn khác về nghề múa của biên đạo Tấn Lộc, cho người xem những cung bậc của niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc của nghề múa… Năm 2012, kịch múa "Sương sớm - The Mist", kết hợp nhiều biên đạo múa trong và ngoài nước "trình làng" đã tạo được tiếng vang trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Sự kết hợp giữa múa đương đại và dân gian truyền thống đã mang đến những cảm xúc thẩm mỹ mới cho người xem. Kịch múa đã trở nên gần gũi hơn, dễ hiểu hơn. Và có lẽ, đã lâu lắm rồi, nền nghệ thuật múa Việt Nam mới có được một kịch múa để lại nhiều ấn tượng như thế.
Cuối năm 2012, vở kịch múa mang tên "Mệnh trời tình đất" ra mắt và công diễn vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Việt Nam, đúng 50 năm sau ngày vở kịch múa "Tấm Cám" (tác phẩm kịch múa đầu tiên của Việt Nam nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh) thì đứa con tinh thần thể loại kịch múa thứ hai của nhà hát mới cất “tiếng khóc” chào đời. Cũng cuối tháng 12/2012 Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã hoàn tất vở kịch múa "Huyền thoại Pô InưNagar". Tháng 8/2014, Hội Nghệ sĩ Múa và Hội Nhạc sĩ Việt Nam trình diễn vở kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” (Tuyết Minh) về người nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Mới nhất trong năm 2018, “Còn mãi bản hùng ca” (NSND Vũ Việt Cường - NSND Kim Quy), là vở kịch múa về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam được biểu diễn dịp kỷ niệm ngày 19/5 tại Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh.
Và hiện tại thì những người yêu nghệ thuật múa Việt Nam đang mong đợi vở kịch múa “Kiều” của nghệ sĩ Tuyết Minh, như một cách “chuyển hướng” đi mới của kịch múa Việt Nam theo các tác phẩm văn học Việt nổi tiếng.
Nhiều tiềm năng nhưng chưa thực tỏa sáng
Ngay từ những thập niên 1990 - 2000, nhiều dự án trao đổi văn hóa tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam của Biên đạo múa Cheryl Stock, Giám đốc nghệ thuật Đoàn múa Phương Bắc trong 10 năm với Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, trường Cao đẳng Múa Việt Nam đã cho ra đời một số vở múa đương đại đầu tiên như “Qua miền đất lạ” (1989), “Đất và nước” (1991), “Những người bạn đồng hành” (1993), “Em, người phụ nữ Việt Nam” (1996), “Qua mắt Phượng Hoàng” (1998).
Trích đoạn kịch múa “Ngọn lửa Hà Thành”
Những năm 1993 - 1994, dự án giao lưu văn hóa Pháp - Việt với biên đạo múa Philip Cohen, Giám đốc Học viện Nghệ thuật Lion (Pháp) đã sang Việt Nam giảng dạy và tuyển chọn một số học sinh, sinh viên Việt sang Pháp biểu diễn và học tập như: Hồng Phong, Minh Thông, Quốc Tuấn, Ngọc Quân, Phượng Hoàng, Vũ Long, Huyền Thanh, Hoàng Điệp, Văn Hiền. Tại TP. Hồ Chí Minh cũng có những nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Thành phố được tham gia các dự án hợp tác biểu diễn cũng như đào tạo về múa Hiện đại như: Phúc Hùng, Ngọc Khải, Mạnh Trung tại Hà Lan; Phúc Hải, Quỳnh Châu tại Pháp; Tấn Lộc tại Nhật Bản. Một số vũ công giỏi của Việt Nam đã ở lại làm việc tại các công ty múa nước ngoài như: Ngọc Quân (Bỉ và Pháp), Ngọc Văn, Ngọc Anh (Anh), Ngọc Khải, Ngọc Tú, Tiến Huy (Đức), Hải Hà (Thụy Sĩ)...
Làn sóng biên đạo trẻ, nhất là tác phẩm múa của các biên đạo được học tập, đào tạo ở nước ngoài như một làn gió mới thổi vào nền nghệ thuật múa Việt Nam, như nghệ sĩ Tấn Lộc, NSƯT Ngô Thụy Tố Như, nghệ sĩ Ngọc Anh (Học viện Nghệ thuật Hong Kong), nghệ sĩ Ngô Thanh Phương (tốt nghiệp Trường Folkwang University of the Arts), nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải (từng làm việc 5 năm ở châu Âu)… Tư duy của những người trẻ có sự bứt phá, thể hiện sự tìm tòi, trải nghiệm của họ trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, tính dân tộc trong những tác phẩm múa của họ mới chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài, tức thông qua đạo cụ, trang phục, trang trí sân khấu mà không phải ở ngôn ngữ múa. Sự giao thoa quá nhanh và sự phát triển quá mạnh mẽ của dòng chảy múa đương đại khiến nghệ thuật múa dân gian gần như biến mất trong các vở kịch múa của các nhà biên kịch trẻ này.
Hiện nay, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TP Hồ Chí Minh là hai đơn vị chủ yếu có chức năng dàn dựng tác phẩm kịch múa phục vụ công chúng. Mỗi năm, hai nhà hát này dàn dựng và cho biểu diễn các tác phẩm múa với số lượng khá khiêm tốn, từ 3 - 4 vở, bởi ngoài chức năng dàn dựng kịch múa và các chương trình nghệ thuật khác, nhà hát còn phải duy trì đội ca, dàn nhạc giao hưởng… Bên cạnh đó, kịch múa thường dựng lại những tác phẩm kinh điển của ballet thế giới như Nga, Mỹ, Pháp…, mang nội dung dù hay nhưng khó tạo được sự gần gũi và đồng cảm của công chúng Việt. Mặc dù cũng xuất hiện một vài tác phẩm kịch múa xây dựng trên cốt truyện Việt Nam và do chính biên đạo Việt Nam dàn dựng, nhưng những tác phẩm như thế chỉ tính trên đầu ngón tay.
Chính sự thiếu hụt về số lượng tác phẩm, nội dung phản ánh chưa thể hiện được hơi thở, nhịp sống của thời đại mới đã làm cho kịch múa còn khá xa lạ với công chúng yêu nghệ thuật múa. Một thực tế là, nhiều vở múa có giá trị nghệ thuật cao, được đầu tư nhiều, dàn dựng hoành tráng công phu nhưng vẫn vắng khán giả. Những người đến xem múa, phần lớn là dân trong nghề, xem để học kinh nghiệm, hoặc để cổ vũ đồng nghiệp, người thân của mình. Tình trạng "thừa ghế, thiếu người xem" diễn ra phổ biến với nghệ thuật múa, đặc biệt là kịch múa. Kịch múa Việt Nam vẫn đang loay hoay đi tìm cho mình một chỗ đứng trong lòng khán giả.
Ngành Múa cần có một chiến lược dài hơi trong việc xây dựng những kịch múa dân tộc - hiện đại để quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Mong chờ một nền kịch múa đặc sắc “Made in Vietnam” như rất nhiều quốc gia trên thế giới đã từng thực hiện, thiết nghĩ đó cũng là mong mỏi, hy vọng của nhiều nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật múa Việt Nam.
Minh Châu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...