
Góc biếm họa số 5 (2025)

Năm 2024, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng, hay nói như các nhà xã hội học thì đây là một năm “bùng nổ” của nghệ thuật biểu diễn với những show truyền hình “đỉnh nóc, kịch trần”.
Tuy nhiên, để giữ được nhịp, giới phê bình và quản lý cho rằng, cần sớm hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và công nghiệp văn hóa. Bởi hiện nay, nghệ thuật biểu diễn chưa có luật điều chỉnh mà chỉ có các nghị định. Việc hoàn thiện thể chế sẽ giúp khơi thông điểm nghẽn, kiến tạo sự phát triển bền vững.
Tạo sự bình đẳng trong cuộc chơi nghệ thuật
Để có những đêm diễn sáng đèn, hay có suất chiếu trên các nền tảng xã hội, nghệ thuật biểu diễn phải tự làm mới mình. Làm mới ở đây được hiểu là vở diễn mới phải hay, lối diễn xuất mới và cách tiếp cận khán giả mới. Khi những cái mới này hội tụ đầy đủ trong một tác phẩm nghệ thuật, thì việc tác phẩm đó kéo được công chúng đến với mình không phải khó. Tuy nhiên về lý thuyết là vậy, thực tế lại khác. Trước sự cạnh tranh của điện ảnh, show ca nhạc, thì sân khấu nếu chỉ dừng lại ở những cái mới nói trên thôi chưa đủ. Sân khấu cần có những giải pháp mang tính thị trường để kéo khán giả ra rạp, thưởng thức tác phẩm của mình.
Thực tế, đây là việc làm không dễ, bởi không phải nghệ sĩ nào cũng có thể đi tiếp thị, bán vé (dù hoàn cảnh bắt buộc người ta vẫn phải làm), và không phải nhà hát, đoàn nghệ thuật nào cũng có thể ký hợp đồng biểu diễn phục vụ nhân dịp kỷ niệm thành lập một đơn vị a, b, c nào đó... Vậy phải làm thế nào? Trong cái gọi là giải pháp thị trường, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã tận dụng thành công khoa học công nghệ và cả mạng xã hội để tự giới thiệu về mình. Những website của đơn vị nghệ thuật được ra đời, ở đó người ta đưa tác phẩm nghệ thuật đã được số hóa từng phần hoặc toàn phần, đồng thời giới thiệu lịch công diễn vở diễn mới... có đơn vị thậm chí đã nhanh chóng coi đây là một kênh tiếp thị mới cho khối tài sản vô giá (các vở diễn) của đơn vị mình. Và cũng có đơn vị nghệ thuật, bắt tay với các đơn vị làm du lịch, coi sân khấu là một phần trong sản phẩm du lịch của công ty. Việc làm này không chỉ giúp nhà hát, đoàn nghệ thuật một mặt, quảng bá được tác phẩm nghệ thuật của mình, giải quyết được một phần bài toán kinh tế thông qua lượng truy cập, bán vé, mặt khác còn góp phần giữ gìn, quảng bá tinh hoa nghệ thuật dân tộc cả trên nền tảng trực tuyến lẫn đời sống thực tại.
Việc số hóa tác phẩm cũ, quảng bá tác phẩm mới trên nền tảng số, bắt tay với các đơn vị làm du lịch... ngay lập tức đã mang lại lợi ích kép. Trước hết là giúp cho các nhà hát, đơn vị nghệ thuật tiếp cận được nhiều hơn, rộng hơn tới công chúng so với lối bán vé truyền thống; các đơn vị làm du lịch có thêm sản phẩm để giới thiệu đến du khách trong tour du lịch của mình. Và hơn cả là đem lại nhiều lợi ích cho công chúng, khi có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Họ được lựa chọn vở diễn, đơn vị nghệ thuật và những khung giờ phù hợp để ra rạp.
Theo số liệu được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) công bố mới đây, chỉ tính riêng trong năm 2024, Nhà hát Tuổi trẻ thu về khoảng 8,5 tỷ đồng, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có doanh thu 14 tỷ đồng, Nhà hát Múa rối Việt Nam đạt 16 tỷ đồng, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam thu 25 tỷ đồng, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thu về tới 30 tỷ đồng…
Ngoài ra, tại các chương trình âm nhạc với quy mô lớn, được đầu tư, tổ chức thường xuyên như: Những thành phố mơ màng, Genfest, HAY Glamping Music Festival, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò Dô; các show của nghệ sĩ nổi tiếng như Hà Anh Tuấn, Đen Vâu, Vũ... và đỉnh điểm là Anh trai vượt ngàn chông gia, Anh trai say hi… đã làm thay đổi xu hướng giải trí của khán giả Việt Nam. Các chương trình được xây dựng chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế, tạo ra được trào lưu tích cực, nhất là giúp khán giả trẻ đổi hướng đến thần tượng các “ngôi sao nội địa”.
Với cách tiếp cận mới, tự làm mới mình và có sự kết hợp sáng tạo giữa văn hóa truyền thống với quốc tế để mang đến cho sân khấu một diện mạo hoàn toàn mới. Sân khấu trở nên năng động hơn, đầy ắp hơi thở cuộc sống hơn. Đồng thời khẳng định tâm thế sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các loại hình nghệ thuật khác trong đời sống nghệ thuật đương đại.
Hiện thực hóa giấc mơ “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam”
Trong phiên họp triển khai các nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa và hoạt động của các nhà hát năm 2025 vừa được Bộ VH, TT&DL tổ chức gần đây có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ VH, TT &DL Nguyễn Văn Hùng đã đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ cần thiết phải Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam đi đôi với bảo tồn văn hóa truyền thống thông qua các chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Bộ trưởng khẳng định, đây là một nội dung quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển Văn hóa đã được Chính phủ phê duyệt, Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 quốc hội khóa XV vừa qua.
Công bằng mà nói, những vấn đề Bộ trưởng đặt ra không hoàn toàn khó, nhưng cũng không dễ để thực hiện nếu không có những cơ chế cụ thể. Ví dụ như: quy định thế nào về giá vé cho các chương trình nghệ thuật, các show truyền hình thực tế để không có những giá vé “trên trời” chỉ dành cho số ít người thu nhập cao (Chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai là một ví dụ điển hình, chưa kể giá vé chợ đen là con số cao kỷ lục và được coi là khó xác định); hoặc cơ chế trong phân chia quyền lợi nhằm hướng đến sự hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia vào hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Để giữ nhịp và phát huy sự sáng tạo của đơn vị nghệ thuật, của từng cá nhân nghệ sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, phải sớm hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và công nghiệp văn hóa, bởi hiện nay nghệ thuật biểu diễn chưa có luật điều chỉnh mà chỉ có các nghị định. Việc hoàn thiện thể chế sẽ giúp khơi thông điểm nghẽn, kiến tạo sự phát triển bền vững.
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu của Chính phủ, nghệ thuật biểu diễn có thể đóng góp khoảng 31 triệu USD vào doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa vào năm 2030, toàn ngành văn hóa cần hành động quyết liệt, chỉ bàn làm - không bàn lùi. Và để làm được và làm ra tấm ra món, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nghệ thuật biểu diễn cần đổi mới tư duy và cách tiếp cận thị trường - khán giả. Bên cạnh đó, phải huy động nguồn lực, hỗ trợ tạo điều kiện cho các đoàn nghệ thuật, đơn vị tổ chức sự kiện tư nhân tham gia vào quá trình sáng tạo sản phẩm văn hóa, xuất khẩu văn hóa, nhất là nghệ thuật xiếc, múa rối, âm nhạc trẻ đương đại. Đặc biệt, có sự chung tay trong công tác đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật, kinh doanh giữa Bộ GD&ĐT, Bộ VH, TT &DL, Tổng cục Du lịch Việt Nam trong thực hiện Chiến lược Phát triển văn hóa trong đó có lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật nói chung, từng chuyên ngành nghệ thuật nói riêng cần xây dựng lộ trình phát triển phù hợp với nhu cầu quốc tế hóa văn hóa Việt Nam đi đôi với bảo tồn các giá trị truyền thống.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nghệ thuật biểu diễn không bao giờ được tách rời khỏi những chất liệu truyền thống và ý thức sáng tạo, mà cần kết hợp để duy trì dòng chảy văn hóa đất nước.
Bên cạnh sự đổi mới trong công tác quản lý, đầu tư nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, trong tương lai cũng đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật, nhà hát phải xây dựng những chương trình nghệ thuật chất lượng cao để biểu diễn ở nước ngoài mang đậm bản sắc dân tộc, tập trung vào những thị trường có nhiều người Việt Nam sinh sống, tổ chức ở các quốc gia Việt Nam đã ký kết văn kiện hợp tác về văn hóa. Đồng thời, giữa hai lĩnh vực du lịch và biểu diễn nghệ thuật cũng có mối quan hệ tương hỗ. Mỗi nhà hát phải lựa chọn sản phẩm tinh túy nhất, chủ động hợp tác với các đơn vị để đưa sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch. Các loại hình mới như biểu diễn thực cảnh, tái hiện lại nét văn hóa hoặc một giai đoạn lịch sử đã góp phần đưa văn hóa Việt đến gần hơn với thế giới; phát huy tối đa giá trị văn hóa và giữ gìn bản sắc, tạo thêm sản phẩm độc đáo cho du lịch văn hóa của các địa phương. Và để những đầu việc nói trên được thực hiện hanh thông, cần cơ chế phù hợp để khơi thông mọi điểm nghẽn trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung.
Theo Bộ VH,TT&DL, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đề ra mục tiêu đến năm 2035, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% GDP; đến năm 2045 doanh thu đóng góp 9% GDP và thu hút 6 triệu lao động để trở thành quốc gia phát triển về công nghiệp văn hóa trong khu vực châu Á. Trong đó, nghệ thuật biểu diễn là một trong 12 lĩnh vực trọng yếu, đặt mục tiêu đạt doanh thu khoảng 31 triệu USD vào năm 2030, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới.
Hà An
Ảnh trong bài: Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...