Mối nguy hiểm từ những chiếc ô trên đường
VNTN - Sáng sớm, trời mưa, nhưng có việc tôi phải ra ngoài. Mới ra đến ngoài ngõ, tôi đã thấy đám học sinh đạp xe đi học sớm, trên tay mỗi em cầm một cái ô. Thấy tôi đi ngược chiều, chúng vội vã không dàn hàng nữa mà bảo nhau lùi thành hàng một. Có em luống cuống xử lí việc mắc ô nhưng rồi cũng ổn thỏa.
Ra đường cái to, tôi lại gặp một nhóm học sinh khác cũng dùng ô như thế, lẫn trong đám những học sinh đội mũ nón và choàng áo mưa. Mới có từ xã này sang xã kia mà tôi thấy con đường sao ngoằn ngoèo, chật chội, khó coi đến thế. Nhưng điều mà suốt chặng đường đi, tôi cứ băn khoăn, hoang mang và lo lắng là các em học sinh có thói quen đi ô, sao an toàn được trên con đường hàng ngày tới lớp với hàng trăm phương tiện qua lại mỗi sớm.
Trời mưa hay nắng, rất nhiều em học sinh sử dụng ô khi đi xe tới lớp, gây nguy hiểm trên đường.
Không chỉ trời mưa, mà ngay cả khi trời nắng, các em học sinh, nhất là nữ thường hay sử dụng ô che thay vì đội mũ nón. Chúng ta đều biết rất rõ: một chiếc ô khi giăng lên không những có khả năng lấn chiếm diện tích đường mà còn che tầm nhìn của những người đi sau. Nếu ô mắc vào nhau khi các bạn đi gần mà gỡ được thì không sao, nhưng mắc vào các phương tiện xe máy, môtô khác cùng chiều thì ô dễ bị cuốn xoay đi như đĩa bay trên đường. Sẽ vô cùng nguy hiểm khi các em một tay cầm ô, một tay cầm lái, mức độ kiểm soát, điều khiển xe giảm đi rõ rệt. Các em sẽ không thể xử lí nhanh chóng các trường hợp xảy ra.
Vài năm trước, trên trường cấp ba Lương Phú (huyện Phú Bình) đã có trường hợp một em học sinh đi xe đạp che ô đến lớp. Vì gió nên chiếc ô bị lật úp xuống mặt. Do không nhìn thấy đường nên tay lái em loạng choạng và điều không may đã xảy ra với em: tài xế ô tô đã không xử lí kịp. Ngay sau vụ việc đó, các trường học trong địa bàn đã cấm tất cả các em học sinh không được điều khiển xe kết hợp che ô khi đến lớp. Thời gian đó, những chiếc ô đã “ngoan ngoãn” gập xuống, thay vào đó là những chiếc nón giản dị, những chiếc mũ nhỏ nhắn xinh xinh và những chiếc áo mưa đủ sắc màu.
Có vẻ như thời gian trôi đi, sự việc cũng đã nguôi ngoai một cách nhanh chóng. Và, những chiếc ô lại hoạt động trở lại trên đường. Tôi hỏi một em học sinh dùng ô tới lớp, em vô tư trả lời: “Sống chết đã có số. Với lại chúng em chỉ che ô khi trời nắng với mưa nhẹ thôi. Trời mưa to, gió lớn thì chúng em không dám che thế đâu ạ.” Tôi hơi rùng mình khi nghe cô bạn giáo viên kể phải đi chậm để tránh một đoạn đường từ cổng trường về, học sinh đi thành hàng dài, ô giăng chi chít. Người che ô dường như không hề lo lắng bằng người phải đi qua những chiếc ô.
Nhiều trường từ khi quán triệt không dùng ô khi đi xe tới lớp cho đến nay vẫn thực hiện khá tốt việc này. Tuy nhiên, còn những địa bàn mà các em thực hiện chưa tốt, còn rất chủ quan. Vì sự an toàn của mình và của tất cả những người tham gia giao thông, các em học sinh cần phải tự mình ý thức thì mới có hiệu quả. Có khó gì đâu việc sắm cho mình một chiếc mũ xinh xắn che nắng, một chiếc áo mưa màu theo sở thích che mưa. Không ai muốn thấy hình ảnh các em nam sinh, nữ sinh hồn nhiên, ngây thơ phải loạng choạng rồi chới với giữ ô trên tay khi đi trên đường. Không ai muốn một điều đáng tiếc nào nữa xảy ra, vì thế, mong các em hãy tự bảo vệ mình và người khác chỉ bằng một hành động nhỏ: Gập ô lại, đội mũ lên và tới trường với những phục trang gọn gàng. Con đường chắc chắn sẽ rộng hơn, an toàn hơn và bầu trời phía sau người khác cũng cao hơn, xanh hơn.
Yến Nhung (Huyện Phú Bình)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...