Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
03:00 (GMT +7)

Mọi người viết đều đang hoặc từng là người viết trẻ

Nhà thơ người Chile Pablo Neruda (Nobel văn chương 1971) từng phát biểu: “Tôi không có lời khuyên nào dành cho các nhà thơ trẻ cả. Họ cần phải tự đi con đường của họ; họ phải đương đầu và vượt qua các trở ngại khi tìm cách diễn đạt bản thân”.

nn
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Tôi đặc biệt lưu ý đến cụm từ “tìm cách diễn đạt bản thân”. Cụm từ này lại gọi về trong tôi một câu của nhà văn người Pháp gốc Trung Quốc Cao Hành Kiện, nơi diễn từ ông trình bày tại lễ nhận giải Nobel văn chương năm 2000: “Văn chương giúp con người bảo trì ý thức làm người”.

Thảng hoặc đâu đó ở ta lại cất lên lời ta thán, rằng “đám trẻ” thiếu nhập cuộc, bàng quan, đứng ngoài những vấn đề nóng bỏng của xã hội; rằng văn trẻ không theo kịp, không bám sát, không có tác phẩm xứng tầm với hiện thực cuộc sống, tương thích với thời đại; rằng văn trẻ cứ quanh quẩn trong phạm vi cái tôi cá nhân bé tí, với câu chuyện tủn mủn vụn vặt, không biết hoặc không dám dấn thân vào những đề tài lớn; rằng văn trẻ sức lan tỏa và ý nghĩa giáo dục không cao… Cảm giác các phạm trù nghệ thuật và thông tấn, nhà văn và nhà báo, nghệ sĩ và nhà tuyên giáo, cuộc sống và cuộc văn... cứ bị lẫn lộn đánh tráo, đánh đồng.

Ở bài viết này, tôi chủ ý dẫn lời nhiều nhà văn đủ mặt Tây - Tàu - Ta, chẳng qua là để rộng đường “đối thoại”, để cùng nghĩ tiếp nghĩ thêm nghĩ mới về một câu chuyện muôn năm cũ. 

Khi tranh cãi việc nước Anh có nên tham gia vào Thị trường Chung, giới nghệ thuật có làm nhiều trích dẫn. Câu của nhà viết kịch người Anh Harold Pinter (Nobel văn chương 2005) được chọn là ngắn nhất: “Tôi không quan tâm đến vấn đề ấy, mặc kệ mọi thứ xảy ra”. Được hỏi, đó có phải là tuyên ngôn của ông về chính trị hay về những vấn đề hiện tại không, nhà viết kịch đáp, rằng không hẳn thế; ông vẫn bình thường với những cảm xúc lẫn lộn - chênh vênh, cáu kỉnh, phẫn nộ và đôi lúc hờ hững; ông không nghĩ mình có một vai trò xã hội nào hết, ông cố gắng tiếp tục những gì mình có thể làm và chỉ thế thôi; chính trị không hấp dẫn ông, dù ông nhận ra chính trị phải chịu trách nhiệm cho những nỗi khổ đau.  

Trong tập tiểu luận Những màu khác, nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk (Nobel văn chương 2006) viết, rằng văn chương không cho phép một nhà văn vờ là mình đang cứu vãn thế giới, mà đúng hơn, nó đơn giản là cho anh ta cơ hội cứu vãn một ngày khó ở; rằng để vui sống, mỗi ngày ông phải dùng một liều văn chương.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà, trong tiểu thuyết Ba ngôi của người, đã hài-hước-đen: “Bọn nhà văn hầu hết là lũ hoang tưởng đạo đức, cứ nghĩ là mình phải viết ra những điều thật khỏe thật hay thật cao thượng, cho nên văn rất dễ giả”. 

Thiết nghĩ, nhà văn chỉ có thể đạt đến tự do thành thật trong những sáng tác thực sự cá nhân hóa. Người viết trẻ nếu không được tự do chân thành biểu đạt bản thân thì đồng nghĩa với việc họ không bảo trì được ý thức làm… chính mình. Mặc dù khả năng thiên bẩm của mỗi người là khác nhau, nhưng đã lựa chọn theo đuổi sự nghiệp văn chương chữ nghĩa thì ai cũng muốn bung trổ hết mình. Lực thì thường khi bất tòng tâm, dẫu vậy, người viết vẫn cảm thấy quá đỗi hạnh phúc khi được hết mình trong cuộc dấn nhập đầy hấp lực ấy, được làm cái nghề thỏa mãn chính mình ấy.

Nhiệm vụ/ sứ mệnh nếu có của nhà văn đó là anh ta viết ra được những tác phẩm tử tế nhất, “văn chương” nhất trong khả năng của cá nhân. Nhà văn có quyền được giảm trừ trách nhiệm nghĩa vụ phải viết về hiện thực đương thời. Với văn chương, mọi đề tài đều bình đẳng trên một sân chầu giá trị...

Nhà văn, nhà phê bình người Pháp gốc Séc Milan Kundera xác quyết (dịch nghĩa): “Nghệ thuật không phải là một phường hát chèo theo sát dấu chân lịch sử”.

Nhà văn người Mĩ gốc Do Thái Philip Milton Roth từng viết những tiểu thuyết lớn về nước Mĩ như American Pastoral (Mục vụ Mĩ), I Married a Communist (Tôi kết hôn với một người cộng sản) và The Plot against America (Âm mưu chống lại nước Mĩ). Tuy nhiên ông viết về nước Mĩ của những ngày đã lùi xa, chẳng có cuốn nào viết trực diện về nước Mĩ của thì hiện tại. Khi được hỏi nhà văn có nhiệm vụ hay trách nhiệm nào đó trong việc ghi chép lại các sự kiện hay không, ông trả lời, rằng ông không muốn thành người ghi chép tư liệu, mà chỉ muốn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị; rằng ông chỉ chịu trách nhiệm duy nhất trước tài năng của mình mà thôi.

Nhà văn Orhan Pamuk thường viết về quá khứ Thổ đã có phần bị lãng quên, mà nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Tên tôi là Đỏ. Ông chia sẻ, rằng bản thân cũng quan tâm đến tình hình kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, cũng nhạy cảm trước sự đau khổ của con người, nhưng kể cả điều đó cũng không cho phép ông viết dù chỉ một câu văn thiếu thẩm mĩ. Ông cố gắng không quên: sáng tác của nhiều nhà văn tài năng đã bị làm hỏng bởi những dụng ý giáo huấn tốt đẹp. Ông không đánh giá cao tác phẩm của những nhà văn viết về hiện thực xã hội, chỉ đánh giá cao những tác phẩm kiểu như của Proust hay Nabokov.

Nhà văn người Mĩ Paul Auster phát biểu, rằng nếu ta viết được những gì tác động tới cuộc sống con người thì đó là một điều tuyệt vời và ta phải biết ơn vì việc ấy; không có nhiều cuốn sách có sức lay động như thế; nhưng dù sao ông vẫn không cảm thấy trách nhiệm đó; theo ông, trách nhiệm của nhà văn là ở chỗ anh viết những gì anh cho là đúng, và anh làm việc đó theo cách tốt nhất có thể, anh hãy trung thực với chính mình và đánh giá nghiêm khắc công việc của mình.

Từ lâu, việc của văn chương là không phải chỉ chú mục mô phỏng/ phản ánh thế giới khách quan. Và ngày nay, trước sự trương nở của các loại hình truyền thông đa phương tiện, thì văn chương càng tỏ rõ sự chậm trễ (và sự không mấy cần thiết) trong việc cập nhật phản ánh hiện thực cuộc sống. Mà, văn chương là nghệ thuật. Đã là nghệ thuật thì, nói như triết gia người Mĩ John Dewey, những gì được biểu lộ trong nó không phải là cái chủ quan mà cũng không phải là cái khách quan; nó là vấn đề của một trải nghiệm mới mẻ, ở đó cả cái chủ quan lẫn cái khách quan hòa nhập với nhau đến mức không cái nào có thể tồn tại một mình.

Tất cả những gì xảy ra với chúng ta đều có thể đi vào văn chương. Không có gì thuộc về cuộc đời cuộc người này mà lại xa lạ với văn chương. Nhà văn người Nga Anton Chekhov từng gửi thư cho một nhà báo, trong đó có ý: Bạn ơi, bạn không nhất thiết phải viết về những con người phi thường, những người có thành tựu phi thường hay về những hành động vĩ đại. Nhà văn Paul Auster đã từng cùng với một người bạn họa sĩ cho ra đời cuốn sách Câu chuyện về chiếc máy chữ của tôi; đó là một chiếc máy Olympia, nhà văn mua lại của người bạn từ năm 1974, anh ấy dùng từ năm 1961. Nhà văn Mĩ John Updike nói rằng, thế giới đầy rẫy những điều chúng ta không để ý tới hoặc không nhận biết được, nhưng ông thì muốn nói về chúng, ông rất thích cuốn sách viết về những chiếc bút, một chiếc bút chì có thể nói rất nhiều. Nhà văn người Mĩ gốc Nga Vladimir Nabokov, trong tác phẩm Hành khách, đã đưa ra chất vấn giàu sức phản tỉnh: “Chẳng lẽ không phải mỗi nhà văn đều chính là kẻ vẫn bận tâm với những thứ vặt vãnh đó sao?”…

Có nghĩa là, nhà văn chọn viết về đề tài gì thì không mấy quan trọng; quan trọng hơn là anh ta tiếp cận và xử lí đề tài đó - tức văn chương hóa đề tài đó - như thế nào. Mà xem ra đề tài càng “nhỏ” thì văn chương càng tiến sát con người, càng đứng về phe con người.

Chẳng hạn, đề tài cơ thể/ thân xác từ lâu dường như bị văn chương “phân biệt đối xử”. Gần đây, đề tài này được quan tâm nhiều hơn qua các tác phẩm, có thể kể, như Kể xong rồi đi của Nguyễn Bình Phương, Nháp, Xác phàm của Nguyễn Đình Tú, Song song của Vũ Đình Giang, Ngựa thép của Phan Hồn Nhiên, Tưởng tượng và dấu vết của Uông Triều… Và đậm đặc hơn cả phải kể đến Về cô gái này của Nguyễn Ngọc Thuần.

Trong truyện dài Về cô gái này, Nguyễn Ngọc Thuần viết: “Người ta nói tâm hồn con người có xu hướng tìm đến những điều nhỏ hơn những điều lớn. Vì sự thật là chúng ta chỉ có thể chứa những điều nhỏ. Một đôi lần chúng ta chứa điều lớn, điều vĩ đại, nhưng nó không phải là cách mà tâm trí chúng ta vận hành”. Phải chăng bởi quan niệm như vậy nên tác giả đã “giải đại tự sự” bằng cách chọn cho tác phẩm của mình câu chuyện “mang tính cá nhân” của Z, một cô gái sống đời vô danh, bị cái bệnh béo phì hành hạ cả thể trạng lẫn não trạng. Z đại diện cho những con người sinh ra nhưng không khớp vào đâu, không khớp với bản thân, cũng không khớp với những gì nuôi sống cô. Sống ở đâu cô cũng lặt lìa, rơi rớt và đổ vỡ. Cô cũng không cách gì khớp được với tình yêu. Thân thể đã cho cô những trải nghiệm đớn đau, ngoài ra chúng không đem đến điều gì khác…

Câu chuyện tưởng như “nhỏ” gói trong cuốn sách mỏng 169 trang ấy lại có sức thuyết phục lớn bởi hàm lượng tính tư tưởng, hàm lượng vấn đề xã hội trong/từ đó. Và mãnh lực từ cách kể của tác giả đã hấp dụ người đọc, càng đọc họ càng bị hút chặt vào, củng cố trong họ xác tín, rằng câu chuyện được kể đôi khi xem ra không quan trọng bằng cách kể. Lối kể chuyện hài hước một cách duyên dáng của tác giả nơi tác phẩm này như một nỗ lực bổ khuyết nữa cho bức tranh văn học, đó là tiếng cười. Tuy nhiên, càng về cuối tác phẩm thì tiếng cười dường như càng dần nhường chỗ cho nỗi đau thân xác và thân phận của nhân vật. Nhân vật của Nguyễn Ngọc Thuần truy vấn, rằng: “Cuộc sống của mình có thực sự là cuộc sống không?”; “Cuộc đời này là không sao đâu nhưng sao nước mắt cứ muốn trào ra?”… Đọc Về cô gái này, người đọc có dịp ngụp sâu vào nỗi buồn, nỗi cô đơn ngơ ngác của tha nhân, của bản thân, được thanh lọc tẩy rửa để rồi đứng dậy tìm cách tự hóa giải bi kịch, tự làm mới, tự khỏa lấp khối trống rỗng, tự nới giãn đường viền… cuộc sống của mình.

Nhà văn Philip Milton Roth viết cuốn Everyman (Người phàm) với một âm hưởng rất tăm tối về bệnh tật và cái chết; tác phẩm theo suốt cuộc đời một nhân vật qua những căn bệnh của ông ta. Trong tiểu thuyết Kể xong rồi đi, nhà văn Nguyễn Bình Phương tháo dỡ những huân huy chương dán phủ lên một ông đại tá về hưu, để phơi trần một cơ thể bệnh tật rúm ró thoi thóp tàn hơi. Hào quang như một thứ "bả giời” đến rồi đi, bỏ mặc cơ thể bên đời hiu quạnh giữa tường trắng lặng câm.

Trong tập tiểu luận Một cuộc gặp gỡ, nhà văn, nhà phê bình Milan Kundera phát biểu, rằng không phải là bi quan cũng chẳng phải tuyệt vọng, đấy đơn giản là một sự hiển nhiên, nhưng là một điều hiển nhiên thông thường bị che đậy bởi chúng ta thuộc về một tập thể làm cho chúng ta đui mù vì những giấc mơ, những kích thích, những dự án, những ảo tưởng, những cuộc đấu tranh, những chính nghĩa, những tôn giáo, những ý thức hệ, những niềm say mê của nó…, rồi đến một hôm, tấm màn che rơi xuống và để ta lại cô đơn với cơ thể, phó mặc cho cơ thể; rằng sự đối mặt dữ dằn sau cuối của con người là với tính vật chất sinh lí của họ; rằng đằng sau những khuôn mặt, kể cả khuôn mặt oa trữ cái kho báu hay mẩu vàng hay viên kim cương, là “cái tôi” cực kì mong manh run rẩy trong một cơ thể.

Phải, văn chương nên thường xuyên biết phản tư, biết giải đại tự sự, lẩy hú họa “những ví dụ xoàng”, bớt tham vọng đúc kết khái quát… để trả con người từ tổng phổ cộng đồng về lược phổ cá nhân, từ trạng thái trời về trạng thái người, để giúp con người biết len sâu vào những tiểu ngạch của thế giới và bên trong chính mình nhằm bảo trì ý thức làm người. Văn chương chân chính là văn chương truy vấn về nhân tính. Ở nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, tín hiệu của tính người được phát lộ vào khi tưởng chừng như đã bị triệt tiêu để nhường chỗ cho linh hồn quỷ dữ. Còn nhân vật chính trong tiểu thuyết Thoạt kì thủy của Nguyễn Bình Phương tên Tính nhưng xem ra “tuyệt không dấu vết” tính người. Nam Cao xiển dương tình người đã có mặt kịp thời cứu sống tính người. Nguyễn Bình Phương cảnh tỉnh về nguy cơ băng hoại tính người vì sự “đi vắng” của tình người.

Tôi phì cười khi đọc một chia sẻ của nhà văn Đoàn Minh Phượng. Theo đó, có vài nhà văn Việt Nam chị rất mê đọc. Về sau, chị đọc một số bài báo, bài phỏng vấn nghe người ta chê họ, ví dụ không biết tiếng Anh, không biết trả lời phỏng vấn, thiếu kiến thức, dư ảo tưởng, không được tỉnh táo. Rồi chị đi đến bình luận, rằng trong khi nhiều nhân vật tỉnh táo, trí thức, giao tiếp mượt mà như mơ… thì lại chẳng thấy có tác phẩm nào hay.

Tôi thỉnh thoảng lại đọc đâu đó thấy các bậc trưởng thượng chê nhà văn trẻ là vừa nghèo vốn sống vừa lười làm văn. Nhưng đọc văn của những người thích chê ấy thì tôi chẳng thấy “vốn sống” cũng chẳng thấy “văn” đâu. Đọc truyện ngắn Bên dòng sông của Triều Dương chẳng hạn lại thấy văn đẹp, chắc đặc, và người viết thì mới 21 tuổi đầu nhưng cứ như đã sống cả mấy kiếp. 

Không ai phủ định vốn sống thực tế là tài sản vô giá đối với người viết. Nhưng, nói như nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết Người tình của nhà văn người Pháp Marguerite Duras thì “Tôi cảm nhận trước khi trải nghiệm”. Phải, nếu anten tâm hồn đủ thính nhạy, nếu vốn sống tưởng tượng đủ phong phú, thì chủ thể sáng tạo không cần phải “trải nghiệm” thực tế cũng có thể “cảm nhận” được những nông nỗi cắc cớ đời. Và nhà văn ngày nay, để chinh phục được con người thời đại, còn cần đến cả vốn sống tri thức sách vở.

Một thời đoạn văn học bất kì đều có sự quy tụ của nhiều thế hệ người viết, như những lớp sóng vừa nối vừa gối lên nhau. Hiện thời, những người viết trẻ (như Lữ Mai, Lý Hữu Lương, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Nhung, Lê Vũ Trường Giang, Hiền Trang, Lê Quang Trạng, Huỳnh Trọng Khang, Đức Anh, Nhật Phi, Hoàng Yến, Phan Đức Lộc, Vĩ Hạ, Nguyễn Bình, Minh Anh…) đang hiện diện, đang can dự. Nhiều người trong số họ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Một vài người trong số họ được mời tham gia các chương trình sự kiện văn chương quốc tế. Họ chinh phục và sở hữu các giải thưởng qua các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác. Họ năng động xông xáo, đa năng đa hệ, có thể viết về lịch sử, về chiến tranh và người lính, về đại dịch COVID-19, về bão lũ hỏa hoạn, về biển đảo, về người lao động, về vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, về tuổi hai mươi, về thiếu nhi, về thế giới bên ngoài thế giới… Họ góp phần đắc lực cùng với các thế hệ nhà văn lớn tuổi hơn kiến dệt nên tấm bản đồ văn chương dân tộc. Có nghĩa, người viết trẻ đang là đồng chủ nhân, chứ không phải chờ đến “tương lai” xa xôi mù mờ nào đó thì mới được là “chủ nhân” của tấm bản đồ ấy.

Nhà thơ Lê Đạt có lần phát biểu, rằng đứng về mặt phạm trù mà nói, không tuổi trẻ thời nào kém thời nào cả, họ chỉ khác nhau.

Phải, mỗi thế hệ cầm bút thuộc về một môi sinh riêng, kiến tạo và sở hữu phông nền riêng, đường bay riêng, hệ giá trị riêng. Thế giới vạn trạng, văn chương muôn hình. Văn chương không có lối đi dành chung cho hai người. Nếu cứ cao đàm khoát luận để xoa đầu can gián bắt bẻ người viết trẻ, áp đặt chân lí lên họ, thì sẽ không tạo sinh được “một cuộc gặp gỡ” nào cả, ngược lại, chỉ làm gia tăng sự xung đột đứt gãy thế hệ mà thôi.

Trong tác phẩm Hoàng tử bé của nhà văn và phi công người Pháp Antoine de Saint-Exupéry, một nhân vật nói với một nhân vật khác: “Cậu không cần cố gắng để trưởng thành đâu. Nó sẽ tự tìm tới cậu, làm cậu đau lòng, làm cậu muộn phiền, và làm cậu, phải lớn”.

Văn chương cũng vậy, là câu chuyện cá nhân, là sự thôi thúc tự thân, tận tâm tận lực của mỗi chủ thể viết. Nói như tác giả, dịch giả Minh Anh (sinh năm 2007) nơi tập thơ song ngữ Một ngày từ bên trong (From within) là: phải chăng, bởi vì quá rõ/ bất kì ai lớn lên, sẽ lớn lên từ chính họ (because inevitably/ everyone who grows up, will grow out of themselves).

Người viết trẻ đương nhiên là phải tự trang bị mọi thứ, phải không ngừng bổ khuyết vốn sống của mình bằng vốn đọc, đọc thiên kinh vạn quyển, làm đầy dần vốn văn hóa và vốn tâm hồn trong mình. Tất nhiên là họ không lí do gì phải mất công với những cuốn sách dở. Vậy nên, có sức thuyết phục hơn trăm ngàn lời khuyên nhủ là cứ tự xuất trình ra cuốn sách hay, để hi vọng có cơ may được người viết trẻ chọn đưa vào thực đơn đọc của họ.

Người viết có quyền viết về bất cứ điều gì, hiển nhiên rồi. Vấn đề là, viết để làm gì và viết như thế nào. Nhà phê bình người Đức Erich Auerbach cho rằng nhà văn người Ireland James Joyce viết cuốn tiểu thuyết Ulysses tuy với khung cảnh đơn giản là một ngày vô bổ của một anh thầy giáo trung học và một anh chạy việc quảng cáo, dàn trải trong không đầy hai mươi bốn giờ, nhưng là tác phẩm đồ sộ, tác phẩm bách khoa, tấm gương soi Dublin, soi Irlande, soi Âu châu và mấy nghìn năm văn hiến.

Có nghĩa, mấu chốt vẫn là câu chuyện tài năng. Tài năng thì muôn đời là quý hiếm. Tài năng thì không đợi tuổi.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu, trong tiểu luận Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa, viết: “Tài năng, nhất là những thiên tài, bao giờ cũng như là của bắt được, của trời cho, ai mà biết được bao giờ thì họ đến, nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị bầu không khí cho họ thở, cho họ sống, đừng giết chết họ, đừng ghen tị với họ, đừng làm họ thui chột trí tuệ lẫn tình cảm, đừng khiến họ cuối cùng trở thành chúng ta”.

Đúng vậy, tài năng nếu có thì cũng muôn màu muôn vẻ. Tài năng thường đi liền với cá tính sáng tạo, từ chối mọi khuôn dạng mô hình.

Người viết trẻ tự chín theo cách của mình. Mà nói như dịch giả, nhà văn, họa sĩ Trịnh Lữ thì: “Người trẻ người ta không cần chín đâu. Người ta cứ viết đúng cái xanh của người ta chứ. Chuyện chín hay không chín nó không quan trọng bằng cái thật”.

Cứ để người viết trẻ tự do tự chủ thành thật đi con đường của họ, tự đương đầu và vượt qua các trở ngại khi tìm cách diễn đạt bản thân, để khẳng định sức mạnh và vinh dự làm người, và làm người viết.

Mọi chân lí đều có thể hoài nghi, nhưng cái câu “kinh điển” trong Hoàng tử bé thì có vẻ bất khả tư nghị: “Tất cả những người lớn đều từng là trẻ con... nhưng rất ít người trong số đó nhớ về điều đó”.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục