Mở đường lớn để kinh tế, văn hóa cùng tiến vào kỷ nguyên mới
Quyết định đầu tư đại Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với quy mô lớn chưa từng có, tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Quốc hội cũng phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 với nhiều mục tiêu tham vọng. Những chính sách đột phá khác, mở đường lớn để kinh tế, văn hóa cùng tiến vào kỷ nguyên mới, cũng vừa được Quốc hội thông qua ở Kỳ họp thứ Tám.
Hiện thực hóa khát vọng “5 giờ 30 phút”
Sau 18 năm chuẩn bị, từng một lần không được đa số các vị đại biểu Quốc hội nhấn nút tán thành, Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam (Dự án) đã được 443/454 đại biểu có mặt nhất trí thông qua chủ trương đầu tư vào ngày họp cuối cùng của Kỳ họp thứ Tám.
Như vậy, khát vọng 5 giờ 30 phút cho hành trình Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (so với hành trình hơn 30 giờ hiện nay) sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần.
Dự án được quyết định đầu tư bằng hình thức đầu tư công với sơ bộ tổng mức đầu tư là 1.713.548 tỷ đồng, nhằm mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây và với các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng.
Có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km, điểm đầu Dự án tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1,435 m, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Dự án đường sắt tốc độ cao được xây dựng với mục đích chính là để vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Phấn đấu đến năm 2035, cơ bản hoàn thành Dự án.
Ông Nguyễn Hồng Minh, người được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ hai ngày trước khi thông qua Dự án nói rằng, Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không chỉ là một công trình của ngành giao thông, mà là công trình động lực, mang tính biểu tượng, tạo sức bật cho nền kinh tế, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như lời Tổng Bí thư Tô Lâm.
Để hiện thực hóa khát vọng “5 giờ 30 phút” đó, Quốc hội quyết định tới 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho dự án.
Theo đó, trong quá trình thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hằng năm cho Dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ.
Thủ tướng còn được trao quyền huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện Dự án và không phải lập Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài.
Sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho Dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ. Việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Nghị quyết cho phép Dự án được bố trí vốn qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, mức vốn bố trí mỗi kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn phù hợp với tiến độ thực hiện Dự án và không giới hạn phần vốn chuyển tiếp của Dự án sang kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bố trí vốn cho Dự án.
Dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, theo quyết định của Quốc hội.
Ngoài ra, Quốc hội còn chấp thuận nhiều cơ chế đặc thù khác về phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao, về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án…
Về phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ, Nghị quyết giao Chính phủ quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc doanh nghiệp Việt Nam khác được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ. Tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp.
Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư được quyết định việc phân chia Dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án khi phê duyệt dự án đầu tư. Việc phân chia dự án thành phần, tiểu dự án không phải áp dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Quốc hội cũng đồng ý trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, trừ trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của Dự án. Đáng chú ý, bên cạnh đại dự án đường sắt, trước nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn trong xu hướng tăng cao, Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận để đáp ứng mục tiêu kép là vừa cung cấp điện nền, vừa bảo vệ môi trường.
Dành 122.250 tỷ đồng phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030
Vừa dồn tiền cho đại dự án đường sắt cao tốc, tái khởi động điện hạt nhân, vừa phải cân đối vốn cho nhiều dự án quan trọng khác, Quốc hội vẫn thống nhất chi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho phát triển văn hóa.
Tại Kỳ họp thứ Tám, 430/454 đại biểu đã nhấn nút tán thành thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, với kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.
Chương trình này tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Không chỉ có 122.250 tỷ đồng mà theo Nghị quyết, trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.
Riêng về vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2031 - 2035, Nghị quyết chưa đưa ra con số cụ thể mà sẽ căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2025 - 2030, Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau.
2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích
Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết số 158/2024/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Tại nghị quyết, Quốc hội xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích. Các chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội quyết định, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD). Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.
Trước đó, Chính phủ dự kiến tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỷ đồng, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là 256.250 tỷ đồng.
Với nghị quyết này, đến năm 2030 cần đạt được 9 nhóm mục tiêu.
Thứ nhất, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử.
Thứ hai, phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện). 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn; đảm bảo vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn.
Thứ ba, phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 95% di tích quốc gia đặc biệt (khoảng 120 di tích) và 70% di tích quốc gia (khoảng 2.500 di tích).
Thứ tư, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước.
Thứ năm, phấn đấu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tin học hóa, chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ sáu, phấn đấu 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa.
Thứ bảy, 90% văn nghệ sỹ tài năng, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.
Thứ tám, các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc, chất lượng cao được hỗ trợ sáng tác, công bố, phổ biến.
Thứ chín, hằng năm, có ít nhất 5 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa, nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.
Nghị quyết cũng đặt ra 9 mục tiêu cụ thể đến năm 2035: Phấn đấu 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, hệ giá trị gia đình thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả; 100% thư viện trong mạng lưới thư viện đáp ứng điều kiện thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Thư viện; Phấn đấu hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo 100% di tích quốc gia đặc biệt và ít nhất 80% di tích quốc gia.
Ưu tiên nhà cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang
Ngay sau Kỳ họp thứ Tám, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên đã có cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 346, Quân khu 1. Tại đây, cử tri đã nêu ý kiến về chính sách nhà ở, đất ở cho lực lượng vũ trang. Đây cũng là vấn đề được Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ Tám. Cụ thể, Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất quy định, đối với diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị quyết này mà chưa bàn giao về cho địa phương quản lý thì ưu tiên giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thực hiện dự án thí điểm để ưu tiên bán, cho thuê, cho thuê mua đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang theo quy định của pháp luật.
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...