Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
23:19 (GMT +7)

Mị dân

VNTN - “Mị dân” là gì? Nếu hỏi giới trẻ, họ sẽ bảo: Nói cho nhanh, đó là thứ “độc hại”. Đã là “độc hại” thì dĩ nhiên là không tốt. Nhưng giữa “chợ đời” thật giả lẫn lộn, thì khó tránh khỏi nhầm lẫn.

Xin không đi sâu vào lý thuyết mà chỉ trao đổi về việc nhận diện nó. Trước hết, xin hãy quan sát người đang cần một địa vị nào đó mà họ muốn có. ở những người này thường biểu hiện qua các ứng xử sau:

- Họ lấy lòng mọi người. Người Việt mình sống duy tình, nên một lời chào, một câu thăm hỏi, một sự quan tâm đến nhau v.v… đều mang lại tình cảm giữa con người với con người. Điều khác là, người chân chính thì không vụ lợi, còn kẻ mị dân, thì làm gì cũng vì chiếc ghế.

- Họ tỏ ra dễ dãi, bao dung. Kỳ thực họ tránh né những gì gây mất lòng người khác, bởi thời nay, mất lòng là mất phiếu. Vì thế họ không đấu tranh, phê bình ai bao giờ, nhất là với những người là cấp trên của họ. Nói tóm lại, họ luôn liệu chiều che gió. Vì thế, nếu gặp dịp chọn người để tiến cử, chắc chắn họ sẽ được nhiều phiếu tín nhiệm.

Bây giờ ta quan sát những người đã có địa vị xã hội nhất định. ở những người này, thường biểu hiện dưới dạng sau:

- Họ ra các “chính sách” kiểu đặc quyền đặc lợi ngoài chính sách chung của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ “cận thần” của mình. Đây là cách lấy lòng những “thần dân” đặc biệt của người có quyền hành trong tay. Họ làm vậy vì “Vật chất tạo ra người tâm phúc”. Vật chất ấy không phải của riêng mình, mà là lấy của dân để cho “dân”, mình thì được tiếng. Vậy sao không làm? Khi có bên mình nhiều người tâm phúc, thì họ không chỉ ngồi vững trên chiếc ghế hiện tại mà còn nhiều cơ hội có được chiếc ghế cao hơn.

- Họ ưa làm những việc như ban phát ân huệ theo kiểu “của người - phúc ta”, làm ngơ hoặc nương tay với các sai phạm của người dưới quyền v.v… Điều đó đã thể hiện trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng lâu nay ở nơi này nơi nọ. Cách ứng xử nói trên gặp lối sống trọng ân tình của người Việt, cùng với tâm lý được hình thành từ hàng nghìn năm của nền sản xuất tiểu nông, đã trở thành mảnh đất tốt cho lối mị dân tồn tại và phát triển.

Nếu cần có một định nghĩa ngắn gọn, dân dã về “mị dân”, thì có thể nói là, toàn bộ những ứng xử của ai đó - từ lời nói đến việc làm - là để lấy lòng mọi người, nhằm củng cố và nâng cao địa vị xã hội của họ.

Nhân đây xin kể một câu chuyện về một người có biệt danh là “Thế à?”. ở cơ quan nọ, ông này vốn được nhiều người khen là gần gũi, quan tâm tới mọi người. Gặp ai ông cũng thăm hỏi về sức khỏe, về gia đình con cái, về đời sống v.v... Mỗi câu người được hỏi trả lời, ông lại cao giọng: “Thế à”. Cứ như vậy, lâu dần người ta đặt cho ông cái tên ấy. Người ta còn phát hiện ra, ông ấy chỉ hỏi, chứ chẳng nhập tâm điều gì và thực sự cũng chẳng quan tâm đến ai. Điều này đã một lần được minh chứng qua câu chuyện sau:

Lần ấy ông “Thế à” hỏi một thanh niên về một lỗ thủng nơi ngực trái trên áo may ô:

- áo cậu sao lại thủng thế này?

Người thanh niên đã rất cảm động. Một chiếc áo may ô có gì to tát đâu mà cũng được ông quan tâm. Nhưng rồi không hiểu sao, người thanh niên ấy đáp:

- Dạ, thưa chú! Hồi chiến tranh thế giới thứ nhất, cháu có mặt trong đội quân thuộc địa của người Pháp, đánh nhau với người Đức ở trận Verdun. Trong trận này, cháu bị một viên đạn xuyên ngực, làm thủng chiếc áo này ạ.

Theo thói quen gần như bản năng, ông buông:

- Thế à?

Hôm ấy, sau khi ông “Thế à?” đi khỏi, những người còn lại được một trận cười vỡ bụng

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy