Mái đá Ngườm xứng đáng được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
VNTN- Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên và Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) vừa kết thúc việc phối hợp khai quật di chỉ Mái đá Ngườm, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai. Lần khai quật này tiếp tục phát hiện sự tồn tại của các lớp văn hóa sớm hơn tại đây. Qua đó khẳng định di chỉ này xứng đáng để được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
“Văn hóa Thần Sa”
Mái đá Ngườm là một địa điểm đã được nghiên cứu từ rất sớm. Năm 1982, địa điểm này được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Cho đến nay, Mái đá Ngườm đã được tiến hành khai quật 5 lần. Đó là vào các năm 1981, 1982, 1985, 2017, 2024.
Di chỉ khảo cổ Mái đá Ngườm thuộc xóm Kim Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai. Mái có dạng hàm ếch, cao hơn mặt đường dân sinh hiện tại khoảng 30m và cao hơn so với mực nước sông Thần Sa mùa tháng 3 khoảng 40m. Diện tích bề mặt mái đá còn vết tích tầng văn hóa rộng gần 1.000m2. Tuy nhiên, do bề mặt mái đá có những tảng đá lớn khiến cho diện tích thực tế cho nghiên cứu, khai quật bị giảm khoảng 1/3 quy mô. Trước cửa mái đá về phía bắc khoảng 70m là sông Thần Sa, chảy theo hướng đông tây và đổ ra sông Cầu.
Tháng 3 năm 1980 sau khi được phát hiện, địa điểm này được đào thăm dò với diện tích 1m2. Kết quả thám sát cho thấy, địa tầng hố thăm dò gồm 4 lớp. Sưu tập hiện vật Ngườm cho thấy đây là di chỉ mang yếu tố xưởng chế tác. Và, Ngườm có thể là nơi chứng kiến sự phát triển từ Sơn Vi sang Hòa Bình.
Tháng 3 năm 1981, mái đá Ngườm chính thức được khai quật lần I, với tổng diện tích 28m2. Tuy vậy, quy mô hố khai quật chỉ khoảng 12m2. Tầng văn hóa trung bình khoảng 1,2m, được phân làm 5 lớp. Cuộc khai quật này tiếp tục khẳng định đây là một nơi chế tác công cụ - một di chỉ xưởng có ý nghĩa to lớn chẳng những đối với nghiên cứu tiền sử Việt Nam mà còn cả tầm khu vực và thế giới. Thời gian chiếm cư tại đây được các nhà nghiên cứu nhận định có thể từ thời đại đá cũ tới đá giữa với sự có mặt của các công cụ Hòa Bình và Sơn Vi. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể thiết lập một nền văn hóa khảo cổ học là “Văn hóa Thần Sa”.
Từ tháng 2 đến tháng 3 năm 1982, cuộc khai quật Mái đá Ngườm lần II được tiến hành. Hố khai quật đã được mở với tổng diện tích 44m², chia làm 3 hố. Đợt khai quật này đã thu được số lượng hiện vật lớn, cung cấp nhiều dữ liệu có giá trị cho giới khoa học về kỹ nghệ mảnh không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở phạm vi Đông Nam Á. Sau kết quả của cuộc khai quật lần II tại Mái đá Ngườm, Hội thảo khoa học về “Văn hóa Thần Sa” được tổ chức tại Thái Nguyên đã góp phần xác lập một kỹ nghệ riêng - “Kỹ nghệ Ngườm”.
Năm 1985 - 1986, Ngườm tiếp tục được khai quật lần III với diện tích 1m² để phục vụ cho hệ thống trưng bày. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cấu trúc địa tầng, lọai hình hiện vật không có sự khác biệt so với cuộc khai quật trước đó.
Năm 2017, Khoa Nhân học (Đại học Washington, Seatle, Mỹ) và Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật Mái đá Ngườm lần thứ IV. Cấu trúc tầng văn hóa giai đoạn Ngườm phát triển tương ứng với địa tầng khai quật năm 1981 - 1982 và 1985 có niên đại từ 41.500 năm tới 22.500 năm. Kết quả khai quật lần IV sau gần 40 năm đã bổ sung nhận thức rất mới về sự hiện diện của cư dân giai đoạn sớm có niên đại trên 41.500 cách ngày nay cư trú trong các hang động/mái đá ở Việt Nam.
“Bảo vật Quốc gia trong tương lai gần”
Năm 2024, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên và Viện Khảo cổ học tiếp tục phối hợp khai quật di chỉ Mái đá Ngườm lần thứ V với diện tích 6m². Lần khai quật này tiếp tục phát hiện sự tồn tại của các lớp văn hóa sớm hơn. Trong các lớp văn hóa 5 và 6 đều phát hiện các công cụ mảnh, hạch cuội nguyên liệu, công cụ hạch, mảnh tước, mảnh tách, công cụ xương mài, mũi nhọn xương cùng di cốt động vật và một số lượng không nhiều các loài nhuyễn thể trên cạn và dưới nước. Hố khai quật năm 2024 tạm dừng ở độ sâu – 5,67m so với mặt bằng không giả định do gặp đá lớn.
Cũng trong lần khai quật thứ V này, các nhà khảo cổ học đã ghi nhận việc sử dụng lửa để nướng chín thức ăn, các công cụ xương được mài kết hợp với việc sử dụng công cụ xương có niên đại sớm nhất được ghi nhận trong các hang động và mái đá trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Trong buổi làm việc báo cáo kết quả sơ bộ công tác khai quật khảo cổ tại Di chỉ Mái đá Ngườm của Đoàn khai quật, khảo cổ lần này với đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tiến sĩ Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học, người chủ trì cuộc khai quật khảo cổ năm 2024, thông tin: “Lần khai quật này, Mái đá Ngườm mang lại những nhận thức hoàn toàn mới đối với khảo cổ học tiền sử Việt Nam. Di chỉ này chứa đựng những giá trị mang tầm khu vực trong nghiên cứu thời đại Đá cũ ở Việt Nam và châu Á. Trong tương lai nếu tiếp tục mở rộng khai quật nghiên cứu khảo cổ học tại mái đá Ngườm có thể hy vọng phát hiện thêm di cốt người cổ ở giai đoạn sớm trên 41.500 năm cách ngày nay. Điều này đồng nghĩa với việc những đóng góp của Mái đá Ngườm vào tri thức khảo cổ học khu vực và thế giới sẽ càng trở nên nổi bật hơn”.
Bàn về niên đại của di chỉ, PGS-TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng: Các cuộc khai quật năm 1981, 1982, 1985 và 2017 ở giai đoạn muộn ghi nhận tầng văn hóa dày từ 1,2m đến 1,6m tùy từng vị trí thì cuộc khai quật sau này thuộc phạm vi đáy của hố khai quật năm 1981 – 1982 đã dày thêm đáng kể. Với kết quả của năm 2024, độ dày của tầng văn hóa tại Mái đá Ngườm đã đạt trên 5m. Đây cũng là một trong những di tích thời đại Đá cũ có tầng văn hóa dày ở Việt Nam.
Năm 2017, kết quả phân tích các mẫu ốc và than tro đã cho niên đại dao động từ 41.500 tới 22.500 cách ngày nay (ứng với độ dày địa tầng năm 1981 - 1982). Như vậy, các lớp văn hóa từ 3 tới 6 chắc chắn sẽ có niên đại từ 41.500 cách ngày nay trở lên. Do kẹp giữa lớp văn hóa 3 và 4 là lớp vô sinh màu xám đen nhạt. Để thành tạo được lớp trầm tích này, thời gian đó có thể mất tới hàng ngàn năm hoặc thậm chí hàng chục ngàn năm. Do vậy, có thể khẳng định toàn bộ trầm tích văn hóa từ lớp 3 tới 6 hoàn toàn thuộc giai đoạn sớm. Niên đại của các lớp văn hóa 3, 4 sẽ già hơn rất nhiều so với các lớp văn hóa 1 và 2. Và niên đại của lớp văn hóa 5 và 6 có thể sẽ có tuổi già hơn gấp từ 2 tới 3 lần so với khung niên đại của lớp văn hóa muộn đã được xác định năm 2017 (trong khung niên đại 41.500 tới 22.500 cách ngày nay).
Và cho đến nay, đây cũng là địa điểm duy nhất thuộc loại hình di tích hang động/mái đá phát hiện các bằng chứng về quá trình chế tác, sử dụng công cụ đá sớm nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Với những giá trị đặc biệt đó, PGS-TS Tống Trung Tín cùng các thành viên trong Đoàn khai quật lần này khẳng định: Di chỉ này xứng đáng để được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, việc sưu tập hiện vật khai quật tại Mái đá Ngườm có những loại hình hiện vật đá rất đặc sắc và độc bản trong nghiên cứu giai đoạn hậu kỳ Đá cũ ở Việt Nam. Đây cũng là những hiện vật cho thấy tính độc đáo và quá trình sự tiến hóa của các phương pháp, kỹ thuật chế tác cũ mà chúng ta chưa hề bắt gặp trong bất kỳ một di tích Đá cũ nào ở Việt Nam. Do vậy, Đoàn khảo cổ đề nghị tỉnh Thái Nguyên cần sớm mời các chuyên gia đánh giá để lập hồ sơ Bảo vật quốc gia trong tương lai gần.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Mái đá Ngườm và các di chỉ khảo cổ học khác phân bố liền kề nằm trong một khu vực cổ địa lý/chất có tuổi thuộc kỷ Devon (niên đại từ 420-390 triệu năm). Cùng với các phát hiện hóa thạch động vật biển trong các hang động, mái đá, nơi đây cũng đã phát hiện gần 40 di tích khảo cổ học hang động và mái đá có những đặc điểm tương đồng về kỹ thuật chế tác và sử dụng công cụ mảnh tước tu chỉnh giống với “Kỹ nghệ Ngườm”. Do vậy, có thể nói đây là nơi duy nhất ở nước ta vừa bao hàm các giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan địa chất và di sản văn hóa vật chất thời đại Đá cũ của thế Cánh Tân muộn.
Có thể nói, Mái đá Ngườm mang trong mình những giá trị tầm khu vực trong nghiên cứu thời đại Đá cũ ở Việt Nam và châu Á. Bên cạnh Mái đá Ngườm, các nhà khảo cổ học cũng nhận định huyện Võ Nhai còn nhiều địa điểm hang động và mái đá còn nhiều tiềm năng để nghiên cứu khảo cổ học. Chính vì vậy, việc tiếp tục mở rộng điều tra các di tích phân bố gần mái đá Ngườm và trong huyện Võ Nhai cần phải được thực hiện sớm để có các kế hoạch nghiên cứu cụ thể đồng thời tiến tới phát huy giá trị quần thể các di tích ở đây.
Tuy nhiên, đồng thời với việc cần tiếp tục mở rộng và nghiên cứu sâu hơn để làm đậm nét những giá trị nhiều mặt của di tích, Đoàn khai quật cũng kiến nghị địa phương cần chú trọng tới việc bảo vệ hiện trạng di tích, không làm cho cảnh quan di tích mất đi nguyên trạng khi đưa vào khai thác du lịch.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...